MỘT NGƯỜI PHẢI CHẾT
(Ga 11, 45-57) Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?” Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.
SUY NIỆM Tuần Thánh sẽ bắt đầu vào Chúa nhật tuần này, đây cũng là thời gian để chúng ta chiêm ngắm Thánh giá của Chúa. Chúng ta cần nhìn ngắm từ mọi góc độ, để hiểu được những điều đã diễn ra, những gì Chúa Giêsu đã nếm trải, những gì các môn đệ gặp phải, và thậm chí cả những gì mà các Pha-ri-sêu và các thượng tế đã trải qua.
Hôm nay, bài trích Phúc âm cho chúng ta thấy suy nghĩ của Thượng tế Cai-pha. Những lời của ông ta thú vị ở chỗ chúng vừa đượm buồn, vừa mang tính tiên tri. Ông cùng với các Thượng tế và những người Pha-ri-sêu đã lên kế hoạch cho cái chết của Chúa Giê-su. Nhưng động cơ chính của họ là gì?
Chúa Giêsu đã trở nên nổi tiếng và họ sợ rằng điều đó sẽ thu hút sự chú ý của người La Mã và gây hoạ cho người Do Thái. Họ ghen tị vì Chúa Giêsu thu hút nhiều người đi theo Ngài. Vậy nên Cai-pha đã đưa ra lý lẽ rằng: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. Nói cách khác, ông ta nghĩ rằng: Chúa Giêsu thì được mọi người yêu mến, và dân chúng nghe theo Ngài hơn là nghe theo các Thượng tế và những người Pha-ri-sêu, nên tốt hơn cả là họ loại bỏ “mối hiểm hoạ” để mọi thứ có thể trở lại như trước đây, khi dân chúng còn nghe theo họ.
Điều này cho thấy những người Pha-ri-sêu chỉ biết quan tâm đến bản thân và địa vị của họ hơn là về chân lý. Thật đáng ngạc nhiên khi một trong những lời chỉ trích của họ về Chúa Giê-su là: Ngài đã làm quá nhiều dấu lạ. Nếu các Thượng tế và Pha-ri-sêu kiếm tìm Chân lý, thì họ cũng đã nhìn thấy vinh quang uy quyền của Chúa Giêsu, họ sẽ tin tưởng và đi theo Ngài. Nhưng họ không thể từ bỏ cái tôi của mình để chấp nhận lời kêu gọi đi theo một ai khác ngoài chính họ. Họ đã không thể từ bỏ địa vị quyền lực hiện tại của mình.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, chúng ta thường giống các Thượng tế và Pha-ri-sêu, muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Vì vậy, khi thấy người khác làm tốt hơn mình hoặc họ được khen ngợi, chúng ta thường ghen tị. Và sự ghen tị của chúng ta thường trở nên “đố kỵ”. Đố kỵ là khi chúng ta tức giận và buồn bực trước sự tốt lành của người khác. Chúng ta muốn hơn họ và muốn thấy họ phải thất bại.
Thật tuyệt vời khi chúng ta trở thành một trong những môn đệ trung thành của Chúa Giêsu. Điều này này đặc biệt quan trọng để chúng ta suy ngẫm trong tuần này, khi chúng ta chứng kiến sự thù nghịch ngày càng tăng đối với Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Bạn sẽ làm gì nếu bạn ở đó? Bạn sẽ sẵn sàng tiếp tục theo Chúa Giêsu bất chấp sự công kích của người khác? Khi sự thù địch dành cho Chúa Giêsu ngày càng nhiều, bạn sẽ quay lưng lại với Ngài hay ngày càng gần gũi với Ngài hơn trong tình yêu thương và cam kết gắn bó?
Phản tỉnh: suy ngẫm về cuộc thương khó của Chúa. Hãy để tâm trí của bạn bắt đầu suy xét về phản ứng và kinh nghiệm mà những người thời ấy đã có trong thời gian Tuần Thánh này. Đặt mình vào vị trí của họ và cố gắng gắn kết với Chúa Giêsu. Hãy
cố gắng tìm thấy mình dưới chân Thập giá với Ngài vào Thứ Sáu Tuần Thánh với tình yêu và lòng can đảm, theo Ngài và yêu mến Ngài trong từng bước chân.
Lạy Chúa, xin cho con được bước theo Chúa trong Tuần Thánh này, và cho con lòng mến đủ để yêu Ngài ngay cả khi Ngài bị khước từ và đau đớn nhục nhã khôn nguôi. Xin giúp con trút bỏ tất cả sự đố kị và ích kỷ để nhìn thấy Ngài, đặc biệt là trong những đau khổ của người khác và sự tốt lành của họ. Chúa ơi, con tín thác vào Ngài.