Thứ bảy, 11/01/2025

5 phút sống Lời Chúa - tháng 3/2015

Cập nhật lúc 11:25 02/03/2015
Lạy Chúa, Chúa không chỉ muốn chúng con nên tốt, mà còn muốn chúng con nên giống Chúa. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và xin ban ơn nâng đỡ, để mỗi công việc của chúng con đều phản ánh lòng nhân từ của Chúa, hầu giúp mọi người nhận biết Chúa là Cha.
 01/03/15 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – B
Mc 9,2-10
 
QUA THẬP GIÁ ĐẾN PHỤC SINH
“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người. ” (Mc 9,7)
Suy niệm: Các học giả thường hỏi Đức Giê-su đưa ba môn đệ lên núi nào để cầu nguyện? Núi Tabor (cao 300m) theo truyền thống hay núi Hermon (cao 3000m) theo học giả W. Barclay? Thật ra, ngọn núi ở đây nhắm đến ý nghĩa thần học hơn là địa lý, núi theo Kinh Thánh là khung cảnh cho những mạc khải của Thiên Chúa. Vậy thì trên ngọn núi Si-nai mới ấy, Thiên Chúa muốn đặc biệt nói với ta điều gì? Đức Giê-su biến hình sáng láng trước mặt các môn đệ, Ngài cho các ông thấy vinh quang của một vị Thiên Chúa làm người, vinh quang mà Ngài lại sẽ chiếu tỏa vào ngày phục sinh vinh hiển. Hôm nay Ngài dứt khoát chọn con đường thập giá đau khổ để cứu độ nhân loại. Còn tuần lễ sau, Ngài bước đi trên con đường thập giá ấy cho đến giọt máu cuối cùng.
Mời Bạn: “Ai không kiếm tìm thập giá Chúa Ki-tô cũng không kiếm tìm vinh quang của Ngài” (Th. Gioan Thánh Giá). Đức Giê-su được biến hình sáng chói sau khi chọn thập giá đau khổ theo ý của Chúa Cha, và phục sinh khải hoàn sau khi hoàn thành thập giá đau khổ ấy. Cũng vậy, tâm hồn bạn cũng được biến hình rực rỡ, khuôn mặt bạn rạng rỡ hơn sau mỗi nghĩa cử hy sinh quên mình vì Tin Mừng Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện một nghĩa cử bác ái mỗi ngày để tâm hồn mình được hiển dung như Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã nêu gương hy sinh tự hiến cho chúng con trên thập giá và sau đó phục sinh để đưa chúng con vào sự sống vĩnh cửu. Xin cho chúng con dám chấp nhận những hy sinh âm thầm mỗi ngày trên con đường theo Chúa. Amen.

02/03/15 THỨ HAI TUẦN 2 MC
Lc 6,36-38

 
HÃY NÊN GIỐNG THIÊN CHÚA
Đức Giê-su nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. (Lc 6,36)
Suy niệm: Theo Sách Sáng Thế, khi sáng tạo con người, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Như thế, việc con người trở nên giống Thiên Chúa không phải là ý tưởng viển vông mà là kế hoạch ngàn đời của Thiên Chúa. Nếu có viển vông, là ý tưởng con người đòi trở nên giống Thiên Chúa bằng cách loại Thiên Chúa ra khỏi đời mình chứ không phải hành động theo chương trình của Ngài. Với sự kiêu ngạo này, con người nên giống ma quỉ hơn là giống Thiên Chúa. Chúng đã thành công khi dụ dỗ tổ tông loài người ăn “trái cấm” để trở nên bằng Thiên Chúa trong sự khôn ngoan; và chúng cũng tiếp tục thành công mỗi khi cám dỗ được con người chống lại ý muốn của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Đức Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là khuôn mẫu cho những ai muốn nên giống Thiên Chúa. Vâng nghe lời Ngài là vâng nghe lời Thiên Chúa, trở nên giống Ngài là trở nên giống Thiên Chúa. Chính Chúa Cha đã tuyên phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).
Chia sẻ: Ma quỉ đã thành công khi trao cho tổ tông loài người “trái cấm”, vậy những loại “trái cấm” ngày nay chúng trao cho ta là gì?
Sống Lời Chúa: Làm cho người khác điều mà ta muốn họ làm cho ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không chỉ muốn chúng con nên tốt, mà còn muốn chúng con nên giống Chúa. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và xin ban ơn nâng đỡ, để mỗi công việc của chúng con đều phản ánh lòng nhân từ của Chúa, hầu giúp mọi người nhận biết Chúa là Cha.

03/03/15 THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12

 
KHIÊM NHƯỜNG LÀ CHÂN THẬT
“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.(Mt 23,12)
Suy niệm: Người thợ lặn ngọc trai, dù gặp sức nước đẩy ngược lên, vẫn cố lặn sâu đến tận đáy biển để có thể chạm được những vỏ trai chứa ngọc quý giá dưới đáy biển. Cũng vậy, nỗ lực hạ mình sống khiêm nhường của ta thường bị sức đối kháng của sự kiêu căng đẩy ta lên, không để ta sống đúng sự thật về bản thân, là nền tảng cho sự cao trọng của ta. Chiến đấu để sống khiêm nhường là một chiến dai dẳng suốt đời, bởi vì thói cao ngạo, tính kiêu căng, muốn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, là cám dỗ thâm căn cố đế của con người. Người khiêm nhường đẹp lòng Thiên Chúa vì biết mình là gì trước mặt Ngài, và sống theo sư thật đó. Thánh Phanxicô Assisi nhận xét: “Con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy.”
Mời Bạn: A-đam và E-và từng cao ngạo muốn bằng Thiên Chúa, tự phụ không muốn lệ thuộc Ngài. Thời đại hôm nay cũng có nhiều con người kiêu căng như vậy, muốn coi con người như là Tạo Hóa, có quyền đặt ra luật lệ, bản chất cho chính con người, không muốn liên hệ với ý muốn của Đấng sáng tạo ra mình. Bạn nghĩ sao về lập trường này?
Sống Lời Chúa: Đề phòng sự kiêu ngạo theo kinh “Cải tội bảy mối”: thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cho con sống khiêm nhường,  nhìn nhận đúng sự thật về mình, theo cái nhìn của Chúa, chứ không phải theo cách người đời đánh giá. Xin cho con luôn thờ phượng Chúa trong tâm tình của người môn đệ khiêm nhu, phục vụ anh chị em trong tinh thần huynh đệ khiêm tốn. Amen.

04/03/15 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Th. Ca-xi-mi
Mt 20,17-28

 
“UỐNG CHÉN CỦA CHÚA”
“...Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? - Thưa uống nổi... - Chén của Thầy các người sẽ uống...” (Mt 20,22-23)
Suy niệm: Lời xác nhận của Gia-cô-bê và Gio-an về việc ưng thuận uống chén của Chúa hơi sớm. Một đàng, có thể vì hai ông “chịu đấm ăn xôi”: muốn dành ghế ưu tiên nên cứ ưng đại đi! Đàng khác, chén của Thầy là chén gì, đắng cay ngọt bùi ra sao, hai ông hầu như chưa hiểu! Các ông có trải qua cuộc thương khó với Chúa mới thấy hết ý nghĩa của chén này. Động cơ theo Chúa của các ông chưa thật trong sáng. Dù thế Chúa vẫn đón nhận và uốn nắn, đồng thời các ông cũng chấp nhận để cho Chúa uốn nắn. Và quả thật, “chén của Thầy” các ông cũng đã uống. Và cái chỗ ngồi ở chiếu trên đó đối với các ông đã không còn ý nghĩa nữa, vì giờ đây các ông đang ngồi ngay bên lòng Chúa.
Mời Bạn: Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta xem xét lại động cơ theo Chúa để biết sống khiêm nhường hơn nữa. Nhiều khi điều chúng ta lớn tiếng hôm nay lại là điều ta làm không nổi sau này. Hơn nữa, dù đã đoan hứa với Chúa một lần thay cho tất cả, chúng ta vẫn phải lặp lại mỗi ngày quyết tâm theo Chúa trên con đường khổ nạn. Sống tinh thần của mùa Chay, ta cố gắng làm trọn điều phải làm hôm nay, dù khó khăn, ví dụ: không phàn nàn trong công việc bổn phận, xây dựng bầu khí vui tươi, tin tưởng nơi gia đình, cộng đoàn, xứ đạo...
Chia sẻ: Thái độ ‘dành ghế’ của “anh em nhà Giê-bê-đê” đang biểu hiện thế nào trong cộng đoàn của bạn?
Sống Lời Chúa: Hiệp thông với Chúa trong lời cầu nguyện của Ngài sau đây.
Cầu nguyện: Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha.”

05/03/15 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Lc 16,19-31

 
SỐNG ĐẠO LÀ SỐNG QUAN TÂM
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô…(Lc 16,19-20)
Suy niệm: Nếu lấy nhân vật La-da-rô ra khỏi câu chuyện thì ông nhà giàu kia hoàn toàn chẳng có vấn đề gì. Ông có tiền của là có phúc đó chứ! Nhưng vì La-da-rô nghèo khó có mặt ở đó, ngay trước cửa nhà ông, mà ông lại coi như không, nên mới có vấn đề. Vấn đề ở chỗ ông nhà giàu không ý thức rằng La-da-rô nghèo khó kia có quyền trên một phần của cải của ông, chí ít là phần dư thừa. Ông không ý thức rằng La-da-rô có quyền được ông quan tâm, vì ông giàu, còn anh ta thì nghèo.
Mời Bạn: Giáo huấn này của Chúa Giêsu nằm ở trọng tâm ưu tư mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài kêu gọi Giáo hội mở cửa, đi ra, đến với vùng ngoại biên để gặp những La-da-rô nghèo khó ở đó. Ngài lên án nền kinh tế thị trường tự do vô giới hạn, trong đó khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng chóng mặt và trở thành đầu mối của đủ thứ bạo lực (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 59-60). Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha lên án hiện tượng toàn cầu hóa thói vô cảm và mời gọi mọi tín hữu biết quan tâm đến các hoàn cảnh của tha nhân. Sống đạo là sống quan tâm!
Ta không thể tìm an ổn lương tâm bằng cách hô biến những người bần cùng nhất ở xung quanh mình (như một vài thành phố có chính sách xóa sự hiện diện của những người ăn xin!). Họ có quyền trên tiền bạc mà ta tiêu xài phung phí. Họ có quyền được ta quan tâm chia sẻ cho họ.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trích ra một ít trong số chi tiêu của mình dành để chia sẻ cho người nghèo khó.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

06/03/15
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Mt 21,33-43.45-46
 
SINH LỢI CHO NƯỚC TRỜI
“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,46)
Suy niệm: Ngày nay các ông chủ khôn ngoan tuyển trạch nhân sự cho doanh nghiệp của mình không chỉ đánh giá ứng viên qua bằng cấp mà còn xem xét năng lực của họ. Điều đó giúp chúng ta hiểu Tin Mừng hôm nay, trong công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su cho biết, Thiên Chúa cũng sẽ loại ra ngoài những người nào không biết sinh hoa lợi cho Nước Trời. Những người “tá điền bất lương,” lợi dụng sự tín nhiệm của Chúa để mưu đồ lợi ích nhóm hay cá nhân, thậm chí còn thua kém cả 'gái điếm và người tội lỗi' (Mt 21,31) là những người đã nghe lời, đã tin và hoán cải.
Mời Bạn: Thiên Chúa luôn rộng lượng để trao cho Bạn và tôi những giá trị cao quý của Nước Trời. Nhưng nếu chúng mình không biết dùng khả năng Chúa ban để làm cho những giá trị ấy được triển nở, thì ắt hẳn chúng mình sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa.
Chia sẻ: Bạn được mời gọi để sống và làm chứng cho những giá trị của Tin mừng, vậy đâu là hoạch định của bạn -người tá điền trung tín của Chúa - để sống như điều Chúa mong muốn ?
Sống Lời Chúa: Làm các việc bổn phận của mình một cách trung thực và với tất cả tinh thần trách nhiệm
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là Ki-tô hữu, con được vinh dự làm việc trong công cuộc Nước Trời. Xin giúp con biết nhiệt tâm đóng góp phần mình, và không bao giờ lợi dụng người khác, lợi dụng Giáo Hội, lợi dụng Chúa để tìm lợi ích riêng. Amen.

07/03/15 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Thánh Pe-pê-tua và Thánh Phê-li-xi-ta tử đạo
Lc 15,1-3.11-33
 
ĐỨNG LÊN VÀ TRỞ VỀ
“Thôi, ta đứng lên, đi về cùng Cha và thưa với Người: …” (Lc 15, 18)
Suy niệm: Người con thứ sau hành trình dài “một mình,” đã quyết định “đứng lên trở về” nhà cha, không phải vì hối hận về những việc mình làm, mà đúng hơn là vì “lâm vào bước đường cùng” (x. cc. 14-16). Người con cả, luôn ở bên phụng sự cha, nhưng anh không “cảm” được tình thương của cha đối với anh cũng như với người em trở về, bởi anh bị đóng chặt trong khuôn khổ của quả tim hẹp hòi. Xuyên suốt câu chuyện là một thiên tình sử của người cha dành cho cả hai người con. Với tuổi đời của ông, thân xác có thể hao mòn, nhưng con tim thì không hao mòn chút nào. Với quả tim yêu thương, độ lượng, ông giang tay đón đứa con thất lạc trở về, cũng như năn nỉ đứa con tưởng như không thất lạc vào lại nhà.
Mời Bạn: “Đứng lên trở về” với Chúa mỗi khi lầm lỡ, dù với ý hướng nào, bạn cũng tin chắc mình được yêu thương và chào đón. Hình ảnh người cha trong dụ ngôn phần nào phác họa hình ảnh một Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, luôn tìm kiếm và chờ đợi những đứa con trở về. Ngài không mệt mỏi chờ đợi và tha thứ, chỉ e rằng bạn mệt mỏi, cho rằng tội lỗi mình nhiều quá, không thể được thứ tha. Hay bạn đang mệt mỏi khi nghĩ về “tội lỗi” của người anh em, mà không muốn chia sẻ niềm vui, mở rộng tâm hồn, và niềm nở đón tiếp khi người anh em sám hối ăn năn.
Sống Lời Chúa: Tôi nhận ra mình là ai qua hình ảnh hai người con trong bài Tin Mừng này, để làm một hành trình “Đứng lên trở về” với Chúa, Giáo Hội, với cộng đoàn, gia đình… trong Mùa Chay năm nay.
Cầu nguyện: Sốt sắng hát bài: “Con nay trở về…

08/03/15 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – B
Ga 2,13-25

 
THANH TẨY ĐỀN THỜ TÂM HỒN
Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. (Ga 2,14-15)
Suy niệm: Đức Giê-su vốn quý trọng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Ngài gọi đó là nhà Cha của Ngài, nhà cầu nguyện. Ngài không muốn nơi thánh này trở thành nơi buôn bán, đổi chác tiền bạc. Hơn nữa, tiền đang lưu hành trên thị trường được đổi thành tiền Đền Thờ với giá cắt cổ. Bò, chiên, bồ câu thường được bán với giá gấp mười lăm lần giá bên ngoài. Đền Thờ trở thành nơi giới thượng tế nhân danh việc phụng thờ Thiên Chúa để bóc lột khách hành hương. Do lòng yêu mến Chúa Cha và yêu mến con người, Đức Giê-su đã bừng bừng nổi giận, không thể khoanh tay nhìn nơi thánh bị xúc phạm, khách hành hương khốn khổ bị bóc lột.
Mời Bạn: Giữ gìn nhà thờ luôn sạch đẹp, bầu khí tôn nghiêm là điều cần thiết. Thế nhưng, giữ gìn ngôi đền thờ thiêng liêng, nơi Chúa Ba Ngôi ngự, là tâm hồn ta, cũng cần thiết không kém. Mùa Chay là dịp tốt nhất để Chúa thanh tẩy tâm hồn bạn khỏi những ngẫu tượng như tiền bạc, bản năng, thói ích kỷ... qua việc thực hiện qua trụ cột của mùa Chay: siêng năng cầu nguyện, ăn chay (hy sinh) và làm việc bác ái.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bớt những chi tiêu không cần thiết để chia sẻ với người nghèo hoặc đóng góp xây dựng nhà Chúa trong mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm phục Chúa đã can đảm thanh tẩy Đền Thờ dù biết rằng làm vậy sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Xin cho con  can đảm từ bỏ thói coi tiền bạc trọng hơn Chúa hầu tâm hồn con xứng đáng là nơi Chúa ngự. Amen.

09/03/15 THỨ HAI TUẦN 3 MC
Th. Phan-xi-ca Rô-ma-na, nữ tu
Lc 4,24-30

 
BỤT NHÀ CHẲNG CÓ THIÊNG!
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)
Suy niệm: Lời ông Si-mê-on năm nào “cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34) nay bắt đầu ứng nghiệm. Oái ăm thay người đời trước tiên lại là người đồng hương! Con người có thể giải phóng cả trái đất này nhưng giải tỏa những thành kiến ra khỏi đầu óc hẹp hòi, thiển cận của mình thì chẳng dễ chút nào. Người đồng hương Chúa Giê-su tưởng rằng biết Ngài quá rõ, nhưng lại không hiểu Ngài chút nào. Cho nên, Chúa vẫn bị họ đóng khung mãi là “con bác thợ mộc” nghèo mỗi khi trở về làng cũ. Không có phép lạ nào được thực hiện tại quê hương là minh chứng thái độ không hài lòng của Chúa Giê-su đối với người làng. Đối với họ, “bụt nhà chẳng thiêng,” Chúa có làm phép lạ cũng vô ích thôi!
Mời Bạn: Khi yêu mến một người, bạn dễ tha thứ, “chín bỏ làm mười;” nhưng nếu không thích thì mọi việc sẽ trở nên cớ cho bạn giải thích tiêu cực về hành vi, lời nói của người ấy. Xem ra đó là một thứ bất công chỉ mình bạn mới giải gỡ được mà thôi.
Chia sẻ: Hiện tại bạn có thành kiến với người anh chị em nào thuộc cộng đoàn bạn? Vì sao? Vì bạn hay vì người đó luôn biết làm điều tốt lành?
Sống Lời Chúa: Tôi tập có cái nhìn khách quan về một người mình không ưa thích. Tôi cũng tập không ghen tức khi thấy có những người tốt hơn, trổi trang hơn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không hài lòng với thái độ thành kiến hẹp hòi của người làng Na-da-rét. Xin dạy con biết sống quảng đại, vui với người vui, không bao giờ ghen tị trước những việc lành của bà con lối xóm quanh con. Amen.

10/03/15 THỨ BA TUẦN 3 MC
Mt 18,21-35

 
THA THỨ
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,21-35)
Suy niệm: Liền sau khi chấm dứt Thế Chiến Thứ II, Bà Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, hậu quả của những khổ hình bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Châu Âu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình. Thế rồi bất ngờ một ngày kia bà gặp lại chính người đã từng hành hạ bà. Người đàn ông đó tiến lại, khiêm tốn đưa tay muốn bắt tay bà và nói: “Tôi rất cám ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi.” Bà Coritanbun như chết điếng người. Trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng bây giờ đối diện với sự thật, bà không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ. Về sau, bà kể lại: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người hành khổ con. Xin hãy ban cho con trái tim của Chúa, để con có thể tha thứ như Chúa.’” Và chính trong lúc đó bà hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Tập sẵn sàng tha thứ bằng cách luôn nhớ rằng mình vẫn thường xuyên cần được thứ tha.
Chia sẻ: Rất nhiều trường hợp thực tế ta thấy dường như tha thứ là điều không thể. Làm sao để điều tưởng chừng không thể ấy trở thành có thể?
Sống Lời Chúa: Chủ động nói lời hoà giải với người xúc phạm đến bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha – đọc chậm rãi, với tất cả ý thức câu: “… và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con…”

11/03/15 THỨ TƯ TUẦN 3 MC
Mt 5,17-19

 
TÌNH YÊU MỚI ĐÁNG KỂ
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: Luật mà Chúa Giê-su đề cập ở đây là Luật của Thiên Chúa ban cho Mô-sê trên núi Si-nai, là Mười Điều Răn. Luật này tóm gọn luật luân lý tự nhiên được Thiên Chúa đặt để trong lương tâm mỗi người, vì thế, Luật này có giá trị muôn thuở, tuyệt đối và đòi buộc tất cả mọi người. Mọi xáo trộn trong các mối tương quan đều do không tuân giữ Luật này. Người Do Thái tưởng Chúa Giê-su đến loan báo một Thiên Chúa nào khác và một thứ luật xa lạ. Nhưng không, Thiên Chúa mà Giê-su loan báo là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp và Lề Luật Ngài kiện toàn là Lề Luật Thiên Chúa ban. Đối với Ngài, điều cốt yếu để sống Luật Chúa trọn hảo là thi hành Luật với tình yêu, vì tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn: mến Chúa, yêu người (Mt 22,40). Nơi Chúa Giê-su, tình mến Chúa và yêu người được diễn tả trọn hảo. Ngài là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và là tình yêu của con người phải có dành cho Thiên Chúa. Nếu tình yêu là chìa khóa kiện toàn Luật, thì Luật đã được kiện toàn trong Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Mùa Chay kêu gọi bạn làm sống lại tình thân với Chúa, bằng cách chu toàn mọi luật Chúa với lòng yêu mến Chúa và tha nhân.
Sống Lời Chúa: Giúp cho người nghèo khó một món quà hay đem lời bình an cho một người đang ưu sầu, thất vọng, với lòng kính trọng và quan tâm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con lòng mến yêu Chúa nơi con được lớn mạnh thêm khi con thi hành luật Chúa.

12/03/15 THỨ NĂM TUẦN 3 MC
Lc 11,14-23

 
NGÓN TAY CỦA THIÊN CHÚA
“Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,20)
Suy niệm: Cả thế giới đang bàng hoàng, bức xúc khi xem những cảnh nhóm IS “Nhà nước Hồi giáo” hành quyết các con tin. Cảnh tượng man rợ của thuở hồng hoang tái hiện: bịt mắt chặt đầu, thiêu sống, bắn chết… Chúa Giê-su đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa không phải bằng bạo lực hay sức mạnh của tiền tài nhưng bằng tình yêu thương. Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỉ. Khi có người nghi vấn về quyền năng của Ngài, Chúa Giê-su xác định phương thế vạn năng của mình: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.”
Mời Bạn: Sau những ngày đầu năm nghỉ ngơi, thăm viếng, đoàn tụ gia đình, giờ đây, chúng ta đang bắt tay vào việc với những chương trình, kế hoạch, dự tính. Ki-tô hữu được mời gọi, qua công việc hằng ngày của mình, xây dựng Nước Chúa trên trần gian cùng với Chúa Ki-tô. Họ làm việc đó không phải bằng những cách thế của trần gian nham hiểm hay của Xa-tan độc hại nhưng bằng “ngón tay của Thiên Chúa”. Nói như thế có nghĩa là họ phải để Thiên Chúa hành động nơi họ, dùng họ như khí cụ trao ban tình yêu của Ngài cho anh em.
Sống Lời Chúa: Xoá bỏ “cái tôi” tự ái, ích kỷ để việc thiện tôi làm không bị biến thành những chướng ngại khiến người khác không thể đến với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con biết rằng: nếu con yêu mến Chúa và để Chúa hành động nơi con, thì những việc con làm tuy rất nhỏ bé nhưng sẽ như hạt giống âm thầm nảy mầm và lớn lên không ngừng. Amen.

13/03/15 THỨ SÁU TUẦN 3 MC
Mc 12,28b-34

 
CUỘC CÁCH MẠNG LẬT ĐỔ
“…Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình…” (Mc 12,32-33)
Suy niệm: Số lượng 613 khoản luật của Cựu Ước đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt trong giới luật sĩ Do Thái: điều luật nào quan trọng hơn? Trong câu trả lời, Chúa Giêsu khẳng định điều quan trọng nhất là tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Ngoài Ngài ra, không có Chúa nào khác (tôn giáo độc thần). Tất cả mọi người mọi vật đều là thụ tạo của Thiên Chúa. Ngày nay hơn lúc nào hết, con người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ Thiên Chúa. Con người, bằng cách này hay cách khác, nếu không tự xưng mình là “chúa”, thì cũng suy tôn đủ thứ lên làm “chúa”, ngoại trừ chính Thiên Chúa đích thực! Chính vì không tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa đích thực, nên con người cũng không yêu mến tha nhân như chính mình.
Mời Bạn: Vì bạn là “khách hàng”, nên bạn được chào mời và ve vãn như là “thượng đế”. Bạn có nghĩ mình là hoặc sống và cư xử như mình là “thượng đế” không? Nếu không, Chúa hiện tại của bạn là ai? Thiên Chúa Ba Ngôi còn là “thượng đế” của bạn không? Hay bạn đã lật đổ Ngài?
Chia sẻ: Cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi hy sinh lớn lao. Để Thiên Chúa thực sự là “Thượng Đế” của bạn, bạn hãy can đảm thực hiện một cuộc cách mạng “trở về” với Ngài trong chính hoàn cảnh sống hiện tại của mình.
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, bạn hãy dành cho Chúa những gì tốt đẹp nhất của bạn, để Ngài là tất cả cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Tin Kính một cách sốt sắng.

14/03/15 THỨ BẢY TUẦN 3 MC
Lc 18,9-14

 
CÁCH CẦU NGUYỆN ĐẸP LÒNG CHÚA
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13)
Suy niệm: Người thu thuế đến đền thờ cầu nguyện và anh ý thức rõ thân phận tội lỗi, bất xứng của mình: Anh không dám bước tới gần cung điện mà chỉ đứng xa xa ở cuối đền thờ; thậm chí anh cũng không dám ngước mắt nhìn trời, mà chỉ cúi đầu, đấm ngực và nói lên những lời thống thiết tỏ bày cõi lòng tan nát của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tâm tình của anh thật giống với tâm tình của vịnh gia trong Thánh vịnh 50: - bày tỏ với Chúa tấm lòng “tan nát” vì tội lỗi: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê;” – và nài xin lòng từ bi thương xót của Ngài: “Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy… (Tv 50). Cách cầu nguyện của anh là cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, anh được Chúa nhậm lời và kể anh là người công chính.
Mời Bạn: Mùa chay là mùa sám hối. Tinh thần sám hối của mùa chay được diễn tả trong cung cách, thái độ và cả trong lời cầu nguyện. Chúa yêu thích tâm tình này hơn là những “thành tích” mình đạt được qua việc giữ luật bên ngoài và lấy đó làm thoả mãn rồi tự đánh giá mình là người mẫu mực.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày lập lại nhiều lần lời sám hối đầu lễ: “Xin Chúa thương xót chúng con…”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con sám hối để trở thành người công chính. Xin cho chúng con trong mùa chay thánh này biết thật tình thống hối tự đáy lòng.

15/03/15 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – B
Ga 3,14-21

 
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, ĐẤNG ĐÃ CHẾT VÌ YÊU
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Cuộc chuyện trò giữa Chúa Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô không đơn thuần là một cuộc trò chuyện xã giao, mà còn là lúc Chúa Giê-su tự mặc khải Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian. Nơi Chúa Giê-su và nhờ Chúa Giê-su, chúng ta mới được biết rõ về mầu nhiệm của Thiên Chúa và đường lối của Người. Ngài là hiện thân của tình yêu thương của Thiên Chúa – nhất là qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giê-su tỏ rõ cho con người biết lòng Chúa Cha yêu thương con người cách trọn vẹn.
Mời Bạn: Hạnh phúc của con người là yêu và được yêu. Khi cảm nghiệm mình được Chúa yêu thương, một cách tự nhiên, chúng ta chỉ có một cách đáp đền đó là yêu mến Ngài bằng cách sống theo Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương với anh chị em đồng loại. Cách sống yêu thương đó là lời chứng cho mọi người biết rằng: Thiên Chúa Là Tình Yêu. Mời bạn nhìn ngắm Chúa Giê-su trong cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài để nhận ra “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” và cũng để nhận ra nơi Đức Giê-su mẫu gương tuyệt hảo của việc đáp đền tình yêu Chúa, đó là: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy vui sướng và bình an khi cảm nghiệm rằng bạn đang được Chúa yêu thương không?
Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái cho người thân cận để đáp lại tình yêu Chúa.
Cầu nguyện: Hát kinh Hòa Bình.

16/03/15 THỨ HAI TUẦN 4 MC
Ga 4,43-54

 
BỆNH TẬT VÀ ĐỨC TIN
Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)
Suy niệm: Cuộc sống càng ngày sung túc tiện nghi nhưng con người vẫn không hết canh cánh trong lòng nỗi lo bệnh tật. Khoa học tiến bộ bao nhiêu thì các bệnh mới lại phát sinh bấy nhiêu, khiến cho các phương pháp trị liệu không kịp thích ứng. Đứng trước những căn bệnh nan y, người ta mới thấy mọi vấn đề nhân sinh đều có liên hệ đến những giá trị đức tin. Với một số người, bệnh tật có thể là cớ vấp phạm, họ thất vọng và oán trách Thiên Chúa. Thế nhưng, với một số khác, đó lại là phương thế giúp họ thêm hy vọng, tín thác vào Chúa. Qua cơn trọng bệnh của đứa con trai, gia đình viên sĩ quan nhờ đó mà được ơn đức tin. Vượt quãng đường xa hơn 30km từ Ca-phác-na-num đến Ca-na để gặp Đức Giê-su, ông an tâm ra về, tin vào lời cam kết con ông sẽ sống mà không cần ông Thầy Giê-su ấy đến nhà chữa bệnh. Quả thật, bệnh tật là một thách thức không nhỏ cho đức tin, nhưng cũng từ đó đức tin được thêm vững vàng.
Mời Bạn: Y khoa tiến bộ là điều ích lợi cho đời sống con người, nhưng y khoa không phải là chiếc đũa thần có thể chữa trị mọi bệnh tật. Bất cứ phương pháp chữa trị nào cũng cần đến sự lạc quan, mà đức tin là yếu tố chính tạo nên sự lạc quan, hy vọng ấy.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn tin tưởng, cậy trông vào Chúa, dù phải bệnh hoạn, tật nguyền trong cuộc đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin dâng mọi bệnh tật con đang chịu, để được kết hiệp với cuộc Khổ Nạn của Chúa trên đồi Gôn-gô-tha. Amen.

17/03/15 THỨ BA TUẦN 4 MC
Th. Pát-trích, giám mục
Ga 5,1-3a.5-16

 
“ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA!”
“Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.” (Ga 5,14)
Mời bạn đọc kỹ Tin Mừng hôm nay để thấy Chúa Giê-su tha thiết chữa lành cho người bệnh này thế nào, mà tiếc thay anh ta sao lại quá vô tình! Anh nằm ở bờ hồ Bết-da-tha đã 38 năm thế nhưng anh không hề tìm một phương thế tích cực nào để được chữa lành. Không đợi anh xin, Chúa hỏi anh có muốn được chữa lành không; anh trả lời bằng một giọng điệu bất cần. Dù thế, Chúa vẫn thương và chữa anh lành. Anh đứng dậy vác chõng đi, không một lời cám ơn, cũng không biết người vừa chữa lành cho mình là ai. Thật phũ phàng thay! Gặp lại anh trong đền thờ, Chúa vẫn thương và cảnh báo: bệnh của anh có liên hệ với tội lỗi, vì thế, “đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.” Biết anh có nghe lời cảnh báo mà tỉnh ngộ hay cứ tiếp tục thờ ơ lạnh nhạt? Ôi, đáng buồn thay!
Bạn ơi phải chăng chúng ta vẫn biết mình có tội đấy, nhưng lại thích nấn ná trong tội? Phải chăng chúng ta cứ sa đi ngã lại trong đam mê tội lỗi đến độ lòng mình trở a chai lỳ trước Lời Chúa kêu gọi hoán cải? Phải chăng vì tội lỗi, chúng ta đã trở nên lạnh nhạt thờ ơ với Ngài, đã dập tắt ngọn lửa tình yêu nồng nhiệt dành cho Ngài? Bạn có nghe Lời Chúa khẩn thiết năn nỉ bạn không: “Đừng phạm tội nữa! Bạn ơi, đừng phạm tội nữa!” Ngài đang gọi bạn trong nước mắt và trong máu của Ngài nữa đấy!
Sống Lời Chúa: Bạn ngồi thật yên lặng lặp lại nhiều lần những lời này của Chúa để chúng vang vọng thật sâu trong lòng bạn: “Đừng phạm tội nữa! Bạn ơi, đừng phạm tội nữa!”
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

18/03/15 THỨ TƯ TUẦN 4 MC
Th. Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem
Ga 5,17-30

 
LỜI NGÀI LÀ SỨC SỐNG CỦA CON
“Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời.” (Ga 5,17-30)
Suy niệm: Sự sống phải tăng trưởng và tăng trưởng đến viên mãn, đó là qui luật tất yếu của mọi sinh vật; nếu không tăng trưởng, cơ thể sẽ bị hoại tử, và sự sống đó sẽ tàn lụi. Trong bình diện thiêng liêng, sự sống đời đời cần phải được tăng trưởng nơi linh hồn ta theo ngày tháng, nhờ các bí tích (đặc biệt bí tích Thánh Thể) và nhờ Lời Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó: “Ai ăn Ta sẽ sống nhờ Ta” (Ga 6,57), “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 54) và “Ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5, 25). “Lời Ta là thần khí và là sự sống” (Ga 6, 63b).
Mời Bạn: Trong những năm Tân Phúc-Âm-hoá này, chúng ta được mời gọi chuyên cần đọc và nghe, suy và sống Lời Chúa. Lời Chúa đã được trao vào tay ta, đặt trên môi miệng ta, rót vào tai ta. Và mỗi ngày ta có nhiều dịp để sống Lời Chúa. Bạn có thật sự khao khát được sống và sống dồi dào không? Sự sống đời đời có thể lớn lên trong bạn không? Điều ấy hoàn toàn có thể được nhờ việc bạn năng lãnh nhận lương thực thần linh là Mình Máu Thánh Chúa và Lời Ngài nhiều hết sức có thể, tức là hằng ngày.
Chia sẻ:Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Chúa thiết tha đến sự sống đời đời của chúng ta lắm, vậy bạn hãy mạnh dạn chia sẻ điều này với mọi người thân quen, và cùng nhau đến với Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để được sống mạnh mẽ.
Sống Lời Chúa: Năng nguyện tắt bằng những lời tâm tình với Chúa.
Cầu nguyện: Năng tâm sự với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68b).

19/03/15 THỨ NĂM TUẦN 4 MC
Th. Giu-se, bạn trăm năm Đức Ma-ri-a                            
Mt,1,16.18-21.24a

 
NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÍCH THỰC
“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy.(Mt 1,24a)
Suy niệm: Phúc Âm không thuật lại lời nói nào của thánh Giu-se. Chỉ thấy ghi ngài lặng lẽ “làm theo lời sứ thần Chúa dạy”. Vậy mà ngài được gọi là “người công chính” (Mt 1,19). Nói như người thời nay, thánh Giu-se là “người đàn ông đích thực”. Không “đích thực” sao được khi Giu-se cao thượng đã không đứng lên tố cáo người bạn trăm năm của mình có thai trước khi thành hôn? Không “đích thực” sao được khi Giu-se tinh tế âm thầm rời bỏ đi, không để Đức Ma-ri-a phải khó xử khi đối diện với mình? Hay khi ngài mưu lược xử lý tình huống nan giải để bảo vệ Con Thiên Chúa được vẹn toàn giữa trùng vây của quân lính Hê-rô-đê? Giu-se quả là “người đàn ông đích thực” luôn thầm lặng mà vẫn hoàn thành mọi “sứ mạng bất khả thi” Thiên Chúa trao phó.
Mời Bạn: Đúng là trong toàn bộ Kinh Thánh cũng chẳng thấy thánh Giuse nói câu nào. Ngài âm thầm vâng lời và nghe theo những gì Thiên Chúa phán qua lương tâm, qua lời sứ thần; đó chính là phẩm chất công chính, phẩm chất “người đàn ông đích thực”. Phần bạn, đâu là thánh ý Chúa muốn bạn ngay trong thời gian này và bạn đã được đánh dộng do đâu?
Sống Lời Chúa: Lắng lòng nghe tiếng Chúa qua các biến cố cuộc sống và đời thường và làm theo thánh ý Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thánh cả Giu-se xưa một lòng phó thác trong bàn tay quan phòng của Chúa nhờ biết lắng nghe và vâng lời Chúa trong khiêm nhường. Xin cho chúng con cũng biết học theo Ngài mà trở nên một người con đích thực của Chúa, với tâm hồn biết đón nhận những điều Chúa dạy bảo trong cuộc sống hàng ngày. Amen.

20/03/15 THỨ SÁU TUẦN 4 MC
Ga 7,1-2.10.25-30

 
ĐỂ HIỂU VÀ YÊU CHÚA HƠN
Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông đã không biết Người. Còn tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,28-29)
Suy niệm: Ngày nay, một em học sinh tiểu học cũng biết muốn thấy được vi trùng, vi khuẩn thì phải dùng một công cụ đặc biệt là kính hiển vi. Cũng thế, muốn dự báo động đất, sóng thần phải có những dụng cụ thăm dò tinh vi và mắc tiền mà những nước nghèo, chậm tiến không dễ gì sắm được. Người Do thái ‘bị trật đường rầy’ ở chỗ này vì họ tưởng rằng chỉ cần biết lý lịch Đức Giê-su là con bác thợ mộc làng Na-da-rét là đã nắm rõ được gốc gác của Ngài. Chúa Giê-su chỉnh lại cái nhìn đó: Ngài từ Thiên Chúa mà đến; mà muốn lãnh hội được những gì thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là những mầu nhiệm, thì phải có công cụ thích hợp đó là cặp mắt đức tin.
Mời Bạn: Sự hiểu biết về Đức Ki-tô không phải là quá trình cân đong đo đếm trong phòng thí nghiệm, mà là một cảm nghiệm trong sự hiệp thông, là mở lòng đón nhận Ngài với niềm tin và tình yêu mến, để sẵn sàng chia sẻ với Ngài, đi theo Ngài trên con đường khổ giá. Lời Chúa hôm nay là dịp để bạn kiểm tra mình đã có công cụ đức tin để nhìn thấy mầu nhiệm Thiên Chúa chưa.
Chia sẻ: Đối với bạn, Đức Ki-tô là ai? Với tâm tình chân thành và đơn sơ, bạn chia sẻ điều đó trong nhóm của bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn nán lại thêm ít phút nữa trong giờ cầu nguyện của bạn để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu đóng đinh thập giá và xin ơn được hiểu Chúa hơn và yêu Chúa hơn.
Cầu nguyện: Cầu nguyên với Chúa bằng những tâm tình riêng của bạn.

21/03/15 THỨ BẢY TUẦN 4 MC
Ga 7,40-53

 
ĐÃ KHÔNG TIN THÌ ĐỪNG MONG CHẤP NHẬN!
“Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?... Không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.” (Ga 7,41.52)
Suy niệm: Những lời trên đây cho thấy lập trường hẹp hòi của giới lãnh đạo Do Thái về Chúa Giê-su. Họ nại cớ phải điều khiển ý kiến, dư luận trái chiều của quần chúng để dân không hiểu sai Thánh Kinh và nguy hiểm đến tiền đồ đất nước, nhưng kỳ thật họ muốn loại trừ Chúa Giê-su. Cho rằng không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê để khỏi phải chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, họ quên bao nhiêu việc kỳ diệu Đấng Cứu Thế ấy đã làm giữa họ: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (x. Mt 11,2-6: Chúa Giê-su trả lời môn đệ ông Gio-an). Tin Mừng đối với giới lãnh đạo đã trở thành tin buồn, tin lo vì trong dân chúng có lời rỉ tai: “Ông này thật là ngôn sứ, ông ấy là Đấng Ki-tô…”
Mời Bạn: Ngày nay bạn và tôi biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế mà chẳng bận tâm Ngài xuất thân từ vùng đất nào, bởi Tin Mừng của Ngài đang lan rộng đến tận chân trời góc biển. Vấn đề còn lại là ta tin Ngài ở mức độ nào. Tin là chấp nhận vô điều kiện những đòi hỏi của đức tin. Tin như các thánh và Hội Thánh tin. Bạn đã tin như thế chưa hay còn nghi ngại?
Sống Lời Chúa: Nếu có nghi ngại, bạn làm gì? – Cầu nguyện, học giáo lý, bàn hỏi… hay cứ để mối hoài nghi ăn mòn lòng tin của bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn thưa với Chúa như Thánh nữ Mác-ta: “Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11,27). Amen.

22/03/15 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – C
Ga 12,20-33

 
KHAO KHÁT GẶP CHÚA GIÊ-SU
“Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” (Ga 12,21)
Suy niệm: Giê-ru-sa-lem là điểm hẹn để dân Do thái lên thờ phượng Thiên Chúa. Còn Chúa Giê-su, Ngài biết rằng Ngài lên Giê-ru-sa-lem lần này là lần cuối cùng, rồi để chịu khổ hình. Trong bối cảnh đó, có một số người trong số những người lên Giê-ru-sa-lem, muốn được gặp Chúa Giê-su. Tâm hồn của Ngài lúc này xao xuyến. Nhưng cũng chính lúc này, Chúa Giê-su nhận ra thời điểm Ngài được tôn vinh. Những lời Ngài nói lúc này cô đọng tất cả sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Ngài. Anh em muốn gặp Tôi ư? Một lúc nữa, anh em sẽ không gặp Tôi. Nhưng “Ai phục vụ Tôi, thì hãy theo Tôi; và Tôi ở đâu, kẻ phục vụ Tôi cũng sẽ ở đó. Chúa cũng đã nói với chúng ta như thế. Chúng ta có muốn gặp Chúa, theo Chúa, để được sự sống đời đời và ở mãi với Chúa không?
Mời Bạn: Trong những giây phút quyết định cho mạng sống và cả cuộc đời của Chúa Giê-su, Chúa đã hướng về Cha, để gắn bó với Ngài. Còn chúng ta, những giờ phút cuối đời, những giây phút đấu tranh chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối, chúng ta có can đảm để nói: tôi muốn gặp và theo Thầy Giê-su không?
Chia sẻ: Có lần nào trong cuộc đời, bạn được thúc đẩy để nói: bây giờ, tôi muốn gặp Chúa Giê-su để tỏ bày với Ngài.
Sống Lời Chúa: Dành một phút hồi tâm, để nhớ đến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ hình, gánh chịu mọi đau khổ vì chúng con. Chúa còn nói những lời thắm thiết dành cho chúng con, để cho chúng con vững tâm theo Chúa mà được sống đời đời. Lòng chúng con yêu Chúa và đội ơn Chúa thật nhiều. Amen.

23/03/15 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Th. Tu-ri-bi-ô Môn-rô-vê-khô, giám mục
Ga 8,1-11

 
“TỪ NAY ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA!”
“Tôi không lên án chị đâu. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,11)
Suy niệm: Chiếu theo luật Do Thái, cái giá mà ‘người phụ nữ ngọai tình’ này phải trả là án tử hình. Nếu người ta giết chị, điều đó hẳn cũng… bình thường thôi. Luật mà! Nhưng sự việc đã không diễn ra như thế, vì có Đức Giê-su ở đó! Và Ngài đang bị buộc phải đưa ra một lời tuyên án. Trái với lòng mong đợi của những kẻ tố cáo và sắp ném đá người phụ nữ này, Đức Giê-su chất vấn lương tâm của chính họ. Công tố viên bỗng nhiên trở thành bị cáo. Không ai dám tự nhận mình là vô tội để ném viên đá đầu tiên. Họ đã không thể giết chị vì Đức Giê-su, con người vô tội duy nhất ở đó, cũng không kết án chị. Điều luật kia, đối với Người, là hoàn toàn vô nghĩa. Người phụ nữ được trắng án và tha bổng kèm theo lời nhắc nhở: “Từ nay đừng phạm tội nữa!”
Mời Bạn: Mỗi lần lãnh nhận ơn tha thứ trong bí tích giao hòa, chúng ta cũng được Chúa nhắc bảo ‘đừng phạm tội nữa!’ Nghĩa là Ngài cũng ban cho chúng ta cái khả năng giữ mình tinh sạch kể từ đây - (vì chẳng lẽ Chúa bảo ta làm một điều vượt quá khả năng mình!)
Chia sẻ: Để không phạm tội nữa, chúng ta – những con người yếu đuối – phải dựa vào một điểm tựa. Theo bạn, đâu là điểm tựa ấy và phải làm sao để đừng vụt mất điểm tựa ấy?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần lãnh nhận bí tích hoà giải, bạn cộng tác với ơn Chúa bằng việc “ăn năn dốc lòng chừa” một cách tích cực và cụ thể để “từ nay đừng phạm tội nữa”.
Cầu nguyện: Con nay trở về cùng Chúa, Chúa ơi. Quyết chí ăn năn chừa lỗi, đây trái tim con tận hiến Ngài.

24/03/15 thứ ba tuần 5 mc
Ga 8,21-30
 
thập giá: con đường cứu độ
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)
Suy niệm: Đức Giêsu hé mở nguồn gốc thần linh của Người bằng kiểu nói “Tôi Hằng Hữu”. Hằng hữu là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’ – như trong các khẩu hiệu mà người ta vẫn thường hô. Điểm khác biệt: các khẩu hiệu chỉ là cường điệu, đại ngôn, còn Đức Giê-su là Đấng Hằng Hữu thật: không chỉ là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’, mà còn là ‘vô thủy vô chung’ và là nguồn tác sinh vạn vật. Nói tóm, Ngài thật là Thiên Chúa. Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của mọi người chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.
Mời Bạn: Thập giá của Đức Giê-su mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống. Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá ấy là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ trong thế giới hưởng thụ, buông thả ngày nay. Liên kết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh, những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt!
Sống Lời Chúa: Vui tươi hoà nhã trước những sự khó chịu, xúc phạm để bắt đầu vác thập giá với Chúa
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cùng vác thập giá với Ngài, trên mọi nẻo đường đời con đi.

25/03/15 THỨ TƯ TUẦN 5 MC
Truyền tin cho Đức Ma-ri-a
Lc 1,26-38

 
CÓ MẸ, KHÔNG LO SỢ CHI!
Sứ thần liền nói với Đức Ma-ri-a: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1,26-30)
Suy niệm: Đức Ma-ri-a đã tỏ ra bối rối trước lời chào đầy kính trọng của vị thiên sứ lúc truyền tin. Thiên thần đã trấn an Mẹ “đừng sợ” chỉ vì Mẹ “đẹp lòng Thiên Chúa.” Quả thế, người “đẹp lòng Chúa” thì được “Chúa ở cùng” và như thế không có gì có thể làm hại họ được. Biết bao lần Chúa Giê-su đã trách các môn đệ: “Sao lại hoảng sợ.” Ngay trước lúc chịu khổ nạn, Ngài đã khẳng định: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II, khi lên ngôi Giáo Hoàng, đã chọn khẩu hiệu “Đừng sợ!” Đức Bê-nê-đi-tô XVI ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình cũng nhấn mạnh điều đó. Vậy ở bên Mẹ, là có Chúa. Và có Chúa, tat không lo sợ chi!
Mời Bạn: Trước những vấn đề hiện nay của Giáo Hội, của xã hội, nơi các cộng đoàn cũng như đối với từng cá nhân, bao người đang bất an lo lắng vì dường như sự dữ đang thắng thế. Điều đó có vẻ đúng, dưới con mắt nhân loại, nhưng mời bạn nhìn với con mắt đức tin như Đức Ma-ri-a để xác tín rằng “Đối với Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Chia sẻ: Lời Chúa nói trước khi về trời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” có giúp bạn xua tan mọi nỗi sợ và luôn bình an trong niềm cậy trông vào Ngài không?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần tham dự cử hành phụng vụ, hãy chú ý lắng nghe và cảm nghiệm lời chào này : “Chúa ở cùng anh chị em”, để luôn chuẩn bị tâm hồn đón nhận cách xứng đáng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin củng cố đức tin, để chúng con luôn cảm thấy Chúa ở cùng chúng con mọi ngày.

26/03/15 THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59

 
CHÚA GIÊ-SU LÀ THIÊN CHÚA
Người Do Thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!” Đức Giê-su đáp: “Thật tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,57-58)
Suy niệm: “Ta là Đấng Hằng Hữu” là Danh của Thiên Chúa được Ngài mạc khải cho Mô-sê biết. Danh ấy bày tỏ Thiên Chúa là Đấng duy nhất hiện hữu mà không có một giới hạn nào và không ai có thể đi vào bí nhiệm của Ngôi Vị Thiên Chúa. Vì thế, khi nghe Chúa Giê-su giới thiệu Ngài là Đấng Hằng Hữu, những người Do Thái không hiểu nổi, họ liền lấy đá ném Ngài, vì cho rằng lời ấy là phạm thượng. Tin Mừng theo thánh Gio-an cho biết, dù họ khước từ, Chúa Giê-su vẫn là Đấng Hằng Hữu, là “Đức Chúa” trong Cựu ước và Chúa vẫn khẳng định: “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết” (Ga 8,24). Như thế, trong niềm tin của Giáo Hội sơ khai, Chúa Giê-su còn hơn là một tiên tri, hay một thầy dạy, vì Ngài là Thiên Chúa và là vị Thiên Chúa đang ở cùng nhân loại.
Mời Bạn: Niềm tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa đòi hỏi bạn phải thay đổi cuộc sống cho phù hợp với Ngài, Đấng đang sống với bạn. Niềm tin này còn đòi hỏi bạn không ngừng sống mật thiết với Chúa nhiều hơn. Bạn đón nhận Đức Giê-su chỉ như một con người hay bạn đã tuyên Ngài “là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một tật xấu để thể hiện niềm tin của bạn vào Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, đang hiện diện giữa chúng con. Xin cho con biết phụng thờ Chúa và tìm là đẹp lòng Chúa mỗi ngày.

27/03/15 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Ga 10,31-42

 
DẤU CHỨNG ĐÁNG TIN
“Nếu Tôi không làm các việc của Cha Tôi, thì các ông đừng tin Tôi. Còn nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)
Suy niệm: Cách đây gần 10 năm, công việc phục vụ của các nữ tu tu hội Nữ Tử Bác Ái tại trại cùi Di Linh đã được xã hội tuyên dương qua việc trao tặng huân chương cho nữ tu Mai Thị Mậu. Việc tuyên dương như thế không chỉ có ý nghĩa công nhận sự hiện diện của các nữ tu, và xác nhận tính chất “tử tế” của công việc họ làm hằng ngày giữa những anh chị em đang bị bệnh phong tàn phá. Họ đã âm thầm phục vụ như thế từ đã lâu vì họ được thôi thúc bởi tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa và tha nhân, cách riêng với những anh chị em bất hạnh nhất. Họ đang lặp lại sự chọn lựa của Chúa Giê-su nơi cuộc đời mình: Cùng với Đức Giê-su “làm các việc của Thiên Chúa” để nếu như người đời chưa tin thì ít ra cũng cảm nhận được Ngài qua những “việc-của-Thiên-Chúa” đó.
Mời Bạn: Hẳn bạn đang tự hỏi đâu là tiêu chí xác định một việc là việc của Thiên Chúa. Gương sống của các nữ tu trên đây minh hoạ cho Lời Chúa và trả lời cho bạn câu hỏi đó: Tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân đến độ “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Bạn chỉ trở thành một chứng nhân đáng tin cậy khi bạn làm “việc-của-Thiên-Chúa” theo cũng một tiêu chí đó.
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ mà bạn thấy giúp bạn nên giống Chúa Giê-su nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Cha; bởi đó là tình yêu và lẽ sống của Ngài. Xin cho con cũng biết luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, dù phải đi vào con đường thập giá. Amen.

28/03/15 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-57

 
CHẾT THEO VÀ CHẾT THAY
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga 11,50)
Suy niệm: Lịch sử xưa nay từng ghi nhận nhiều trường hợp người sống phải chết theo người khác vì đạo trung quân như các võ sĩ Nhật, vì nghĩa vợ theo chồng như trường hợp Huyền Trân Công chúa (may mà được cứu sống). Nếu những cái “chết theo” được đánh giá cao vì lòng trung thành, thì những cái “chết thay” cho người khác chỉ có thể giải thích vì Tình Yêu, như trường hợp cha Maximilian Kolbe chấp nhận chết thay cho một người tù trong trại giam thời Đức quốc xã. Đó chính là khuôn mặt của Đức Giê-su. Đấng vì quá yêu con người, đã chấp nhận lấy cái chết của mình để đền tội cho chính những kẻ thù của mình, để cái chết ấy mang lại sự sống cho người khác.
Mời Bạn: Không ai có thể yêu người khác, nếu không hề cảm nghiệm mình được yêu. Bước vào Tuần Thánh, bạn hãy chiêm ngắm và cảm nghiệm Tình Yêu của Đức Giê-su dành cho mình, dù chúng ta không đáng được như thế, để có thể dám sống và dấn thân cho Tình Yêu của Ngài.
Chia sẻ: Điều gì giúp bạn cảm nhận và bị thôi thúc bởi Tình yêu Đức Giêsu dành cho mình?
Sống Lời Chúa: Suy gẫm lời thư thánh Phao-lô: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8), và làm một việc hy sinh phục vụ để diễn tả tâm tình của bạn muốn đáp đền tình Chúa yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu và yêu chúng con rất nhiều hơn những gì chúng con có thể nghĩ tới. Xin cho chúng con biết cảm nghiệm và sống xứng đáng với tình yêu ấy. Amen.

29/03/15 CHÚA NHẬT LỄ LÁ – B
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
Mc 11,1-10

 
ĐỪNG KẾT ÁN NGƯỜI
“Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa… Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11,1)
Suy niệm: Dân chúng Giê-ru-sa-lem vừa reo hò tung hô Đức Giê-su: “Hoan hô Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” trong ngày Ngài vào thành thánh cách trọng thể, thì ít ngày sau, cũng chính họ lại nhao nhao tố cáo và kết án tử cho Ngài. Nghi thức kiệu lá và bài Thương Khó trong phụng vụ thánh lễ ngày Lễ Lá nêu bật tính cách tương phản ấy. Lòng người thay đổi thật nhanh nhưng đồng thời cũng thật dễ bị giật dây, bị tác động. Họ dễ dàng hoà mình vào cái hào khí của đám đông để hoan hô, chúc tụng Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a mà họ đang đợi trông. Liền sau đó, họ cũng thật vô ý thức và hèn nhát hùa theo đám đông để đả đảo, đòi lên án tử hình cho Đấng vô tội.
Mời Bạn: Chúng ta vừa chứng kiến một sự sai lầm ghê gớm dẫn đến hậu quả là kết án và giết chết Đấng Cứu Thế. Lắm khi chúng ta cũng áp dụng cung cách sống đó như khuôn vàng thước ngọc để khỏi chuốc lấy bao sự rắc rối: Phán đoán theo chiều gió của dư luận, hành xử theo kiểu ‘ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo’. Chính vì vậy mà chúng ta không dám tuyên xưng đức tin, không dám bênh vực cho lẽ phải, trái lại, về hùa với số đông, kết án đối xử tệ bạc với những anh chị em thấp bé, nghèo hèn.
Chia sẻ: Có khi nào bạn thấy một người chịu cảnh bất công mà bạn không dám lên tiếng bênh vực?
Sống Lời Chúa: Ta đừng kết án để khỏi bị kết án.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, bản tính con người yếu đuối của con hay xúi giục con lên án, đổ lỗi cho người khác. Xin đừng để con lên án một ai nữa, để ngay bây giờ con đáng được Chúa thứ tha. Amen.

30/03/15 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11

 
CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI
Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người tin vào Đức Giê-su. (Ga 12,10-11)
Suy niệm: La-da-rô, em của Mác-ta và Ma-ri-a, là người đã được Đức Giê-su cho sống lại từ cõi chết dù đã được chôn trong mồ bốn ngày. Sự phục sinh của anh là bằng chứng hùng hồn về quyền năng Thiên Chúa và là câu trả lời rõ ràng cho vấn nạn người Do thái về căn tính của Đức Giê-su. Mặc dù Tin Mừng Gio-an không đề cập gì đến việc La-da-rô rao truyền kỳ công phục sinh ấy, nhưng sự kiện vì anh mà nhiều người Do thái tin vào Đức Giê-su chứng tỏ anh đã thi hành cách tuyệt hảo vai trò chứng nhân của mình. Tuy nhiên, “dấu lạ La-da-rô” đã không thuyết phục được giới lãnh đạo Do thái tin vào Đức Giê-su. Trái lại, vì dấu lạ ấy mà họ đi đến quyết định giết Đức Giê-su và cả La-da-rô, chứng nhân của Ngài. Như thế, sự bách hại là điều mà các sứ giả của Đức Giê-su sẽ phải đương đầu khi dấn thân loan báo Tin Mừng.
Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn có bổn phận loan truyền về tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt cho những người chưa biết Chúa qua cuộc sống thường nhật của mình.
Chia sẻ: Đâu là những trở ngại khiến bạn ngần ngại làm chứng cho Đức Giê-su? Bạn sẽ thắng vượt chúng thế nào?
Sống Lời Chúa: Tôi thực hành một nghĩa cử bác ái với người nghèo khổ ở chung quanh để tình yêu của Thiên Chúa được lan tỏa cho mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, làm chứng cho Chúa là một sứ mạng cao quý. Xin ban thêm sức mạnh cho chúng con để thắng vượt những khó khăn, thử thách khi thực thi sứ mạng làm chứng cho tình yêu Chúa giữa thế giới. Amen.

31/03/15 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

 
MỘT TÌNH YÊU KHÔNG MỆT MỎI
“Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần. ” (Ga 13,38)
Suy niệm: Đức Giê-su xao xuyến tâm thần là phải, vì Ngài cùng bàn với hai môn đệ thân tín nhưng hoặc đang toan tính phản bội, hoặc sẽ chối Ngài. Với Giu-đa, kẻ bội phản, Ngài ba lần mời gọi ông thức tỉnh: lần thứ nhất cảnh báo chung là Ngài đã biết việc ông làm (c. 21); lần thứ hai chấm miếng bánh trao cho ông như một cử chỉ thân tình đặc biệt (c. 26); lần thứ ba khi cảnh báo trực tiếp với Giu-đa (c. 27). Thế nhưng, Giu-đa vẫn lạnh lùng chủ tâm thực hiện kế hoạch đã suy tính kỹ lưỡng. Với Phê-rô, Ngài cũng cảnh báo bằng con số ba, nhưng là ba lần chối Ngài. Trái với Giu-đa, Phê-rô không chủ tâm, ông bị gục ngã trong giây phút yếu đuối, trong khoảnh khắc bị khích động quá mức.
Mời Bạn: Đức Giê-su biết rõ Phê-rô  chối Thầy là do một khoảnh khắc yếu đuối, chứ ông thành tâm yêu mến Ngài. Chúa bị thương tổn, đau đớn vì lỗi lầm của Phê-rô, nhưng Chúa không cắt đứt tình nghĩa thầy-trò với ông. Bạn cũng vậy, đừng vì những lầm lỡ của người thân mà quên đi bao tình mến xưa nay người ấy dành cho bạn.  
Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm tình yêu không mệt mỏi Đức Giê-su dành cho hai môn đệ Giu-đa và Phê-rô, rồi dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu chúng con cho đến tận cùng, yêu cho đến chết trên thập giá. Xin cho chúng con sống Tuần Thánh này trong tâm tình hoán cải, sám hối vì lầm lỗi của mình, đồng thời cũng chiêm ngắm bao đau khổ thể lý lẫn tinh thần của Chúa trong cuộc Khổ Nạn. Chúng con xin dâng Tuần Thánh này lên Chúa với ý chỉ cao đẹp ấy.
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log