Yến bạc của con là chính cuộc đời con và khả năng lớn nhỏ Chúa trao. Con đã làm gì trên cuộc đời ấy?
Mt 25, 14-30
Chuyện kể rằng: ba người đầy tớ được ông chủ giao cho số vốn bạc khác nhau, tùy theo khả năng mỗi người, nghĩa là hợp tình hợp lý, đúng người đúng việc. Nhưng kết quả thực hành là khi ông chủ trở về, cả ba người đến tính sổ trả bài, tinh thần trách nhiệm của mỗi người mới bộc lộ rõ ràng. Người thứ nhất và người thứ hai đã trung thành thi hành y lệnh ông chủ, tùy theo vốn liếng được giao nên được tuyên thưởng và tín nhiệm hơn (đã có lại được cho thêm nhiều, thế mới gọi là “ăn nên làm ra”). Còn người thứ ba đã lười biếng lại ngoảnh mặt quay lưng với chủ, nên bị mắng nhiếc tồi tệ và bị tước đoạt cả vốn liếng cũ, bị phạt nặng (càng thất thu càng bị thua lỗ phá sản).
Ở trên đời, trong cả cộng đồng, mỗi người được xếp đặt một vị trí, thế giá, công việc của mỗi người cũng khác nhau. Người giàu sang quyền quý, kẻ nghèo hèn khốn khó bần cùng. Người làm sếp lớn công ty, người là bác sĩ, công nhân, người làm bếp núc việc nhà, người là công nhân quét lá bên đường làm sạch đường phố. Mỗi người mỗi vị trí, mỗi công việc khác nhau, nhưng mỗi người đều làm tốt phần việc của mình, sẽ thành một cộng đồng tốt đẹp phong phú, bổ túc cho nhau, tất cả làm thành một nhịp sống êm đềm, chứ không thể ai cũng là bác sĩ lấy gì mà ăn, hay ai cũng là dân cày lấy gì mà mặc.
Trở lại câu chuyện ba đầy tớ, hai người trước có lòng yêu mến nên tôn trọng ý chủ, ra sức làm lời, vừa tài giỏi vừa trung thành, vừa khôn vừa ngoan, nên được khen hết lời và thêm tín nhiệm: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Còn người thứ ba coi thường ông chủ, biếng nhác, mặc kệ bất cần, lại còn có thái độ phản chủ hỗn láo: “tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi... Của ông đây, ông cầm lấy!” Đã đến nước này thì làm sao mà ông chủ không nổi giận: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!... Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến… Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Số lượng bạc được giao không quan trọng, trên hết là lòng yêu mến trung thành, gắn bó nghĩa thiết trong tình thân yêu với ông chủ, để dù được nhiều hay ít, khả năng trình độ, thuận tiện hay không vẫn một lòng cố gắng nhờ “vốn liếng” mình được giao phó, gầy dựng cho.
Yến bạc của con là chính cuộc đời con và khả năng lớn nhỏ Chúa trao. Con đã làm gì trên cuộc đời ấy?
Yến bạc của con là người anh em bên cạnh, con đã làm gì cho họ, để tất cả trở thành người nhà thân ái của Chúa?
Yến bạc của con là chính Chúa, để dù con đây có là ai, nếu con đón nhận Chúa vào cuộc đời, ở trong con, thì giữa những yếu đuối hạn hẹp, bất lực, Chúa vẫn lấp đầy và làm trổ hoa kết trái tốt đẹp, cả trong những yếu kém ấy, bởi vì có Chúa là có tất cả! “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.”