Thứ bảy, 11/01/2025

Các bài suy niệm Tết Nguyên Đán

Cập nhật lúc 19:05 18/02/2015
Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp,

Tâm Tình Tạ Ơn và Phó Thác

Suy Niệm Thánh lễ Tất Niên

Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương ( Tv 135)
Chúng ta đang cùng nhau sống những giờ phút cuối cùng của năm cũ, và chuẩn bị chia tay năm 2014, năm Giáp Ngọ, bước vào năm 2015, năm Ất Mùi với thời khắc thật linh thiêng. Vào dịp tạ ơn cuối năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng : “Người tín hữu Kitô hữu dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc”. Đúng thế, nêu chúng ta nhìn lại một năm vừa trôi qua chính là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thị việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.
Chắc chắn mỗi người mang một tâm tình, vui, buồn, sướng, khổ, thành công hay thất bại. Nhưng giờ phút này đây, tất cả đều có chung một ý tưởng là tạ ơn và phó thác. Tạ ơn, vì Chúa đã cho chúng ta sống đến giờ phút này, còn gì thích hợp và ý nghĩa hơn khi chúng ta mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria để hát vang lên tới Chúa : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 29-55). Lời của thánh Phaolô nhắn nhủ với tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca xưa kia, nay ngài muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5, 16-18). Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, về ân huệ Người đã thương ban (1Cr 1, 3-9).
 
Nhìn lại trong năm qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra : các thảm kịch và hy vọng, niềm vui và đau khổ, chiến thắng và thất bại; kinh tế thế giới tiếp tục lún sâu, thiên tai ngày càng khủng khiếp xuất hiện siêu bão, tai nạn dữ hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn, hành vi người với người đối xử với nhau giã man hơn v.v...
Việt Nam chúng ta đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng về nhiều phương diện từ đạo đức đến nhân văn, từ mô hình phát triển xã hội đến từng bước phát triển, từ lãnh đạo đến đường lối, từ kinh tế đến chính trị, từ ổn định xã hội đến an ninh quốc phòng, đạo đức con người như đang bị suy giảm tới mức báo động trong các ngành nghề như y học và giáo dục, nạn tham nhũng trở nên hệ thống hơn từ trên xuống dưới... chúng ta đang phải đối mặt với thực tại. 
Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đay, chúng ta phải khẳng định rằng Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại. Ngài đồng hành với con người và không ngừng thực hiện những điều vĩ đại. Làm sao chúng ta có thể không cám ơn Người vào đêm nay? Và nhất là trong năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ này, làm sao chúng ta có thể không dâng lên Người lời tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con đặt niềm tin tưởng nơi Chúa"!
Giờ đây chúng ta mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria hướng về trời cao và cất lên lời tạ ơn Thiên Chúa và phó thác nơi Ngài. Bởi lẽ, tạ ơn là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Thiên Chúa.
"Linh hồn tôi ngợi khen...
Thần trí tôi hớn hở vui mừng...
Ngài đã làm cho tôi những điều kỳ diệu..."
Chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ ca tụng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa đã và còn đang làm trong lịch sử : Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài... đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng... đã và còn đang hạ xuống người quyền thế... đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung... đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát... đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không... đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người." Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử: Người luôn đứng về phía những kẻ thấp hèn nhất, những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn, những ai "kính sợ Người, trung thành với Lời Người; đó là những kẻ khiêm tốn, những kẻ đói khát; đó là Israel người tôi tớ trung thành của Người; đó là cộng đồng dân Chúa, được kết thành bằng những kè nghèo hèn, trong sạch và đơn sơ trong tâm hồn, như Mẹ Maria.
Thánh lễ này diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm 2014 Âm Lịch, đôi mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của đời sống chúng ta. Vì không có Chúa, chúng ta sẽ không hiện hữu, không có Chúa sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì. Chúa là Đấng “vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 13), Chúa là Đấng mà nhờ Chúa, chúng ta được tạo thành, và sống cho đến phút này đây. Không có Chúa, sự sống không thể đạt đến vận mệnh cuối cùng của nó. Không có Chúa sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì. Chính Người giúp chúng ta đối diện với các thách đố trong năm mới; chính Người ban cho chúng ta khả năng sử dụng đời sống để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho nhân loại. Chúng ta hãy để tình yêu Ngài lôi cuốn cuộc đời ta.
Lúc này đây, chúng ta hãy đặc biệt nhớ tới và cầu nguyện cho những ai đang đau khổ, những ai đang gặp khó khăn và những ai đang sống trong buồn phiền, để khẩn cầu sự trợ giúp quan phòng của Chúa.
Cái nhìn của chúng ta giờ đây mở rộng ra hướng về gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, toàn thể Hội Thánh và thế giới. Chúng ta hy vọng rằng Năm Mới sẽ đem lại hoà bình, công lý, tình huynh đệ và sự thịnh vượng cho tất cả mọi quốc gia!  Nguyện xin Ðức Nữ Trinh Rất Thánh, Hừng Đông của thời đại mới, giúp chúng ta nhìn lịch sử đã qua và Năm Mới khởi đầu với con mắt đức tin. Xin cầu chúc một Năm Mới hạnh phúc đến với mọi người! Amen.

 
 
 
 
 
 

Thiên Chúa muốn người hạnh phúc
SUY NIỆM THÁNH LỄ GIAO THỪA
(Mt 5, 1-10)

Sau năm Giáp Ngọ tức năm con Ngựa chấm đứt, thì đến năm Ất Mùi, năm con Dê được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ tư, 18/02/2015 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 07/02/2016.
Mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.
Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.
Trong giờ phút giao thừa, trước thềm năm mới, phụng vụ Lời Chúa vang lên lời chúc lành tư tế cổ xưa mà chúng ta nghe trong Bài đọc I :“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ các con! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến các con, và dủ lòng thương các con! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho các con!” (6, 22- 27). Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh…  (1 Tx 5, 16-26). Như thế, điều mà tất cả chúng ta mong ước là “được Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến và chúc phúc”. Chúng ta cần phúc lành của Chúa ngay từ những giây phút đầu tiên của năm mới. Chúng ta ước mong được một năm mới bình an, thịnh vượng, tai qua nạn khỏi.
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Đoạn Tin Mừng thánh Mathêu đọc trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng : «  Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc ». (x. Mt 5, 1-10)
Hạnh phúc thật theo Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mt 5:1-12) nghe xong nhiều người không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt, bởi vì những người mà người đời coi là khờ dại, bất hạnh và đáng thương hại theo Chúa Giêsu lại là những người có phúc. Lý do là vì họ sống tinh thần nghèo khó, mặc dù họ giàu sang, có tiền của. Sống tinh thần nghèo khó là không cậy dựa vào tiền của, nhưng phó thác vào quyền năng của Chúa. Họ còn là những người hiền lành, những người đau khổ, những người đói khát sự công chính, những người hay thương xót người, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hoà và những người bị bách hại vì lẽ công chính. Đó là những người được Thiên Chúa chúc phúc.
Quả thật, Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc, và chỉ một mình Chúa Giêsu là Ðấng có phúc tuyệt hảo, Ngài cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc đích thật nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân. Con đường Chúa đã đi khi còn sống thân phận lữ thứ trần gian như chúng ta : Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10). Chính Chúa là Ðấng nghèo khó thật trong tinh thần, là Ðấng đau khổ, là Ðấng dịu hiền, là Ðấng đói khát sự công chính, là Ðấng nhân từ, là Ðấng trong sạch trong tâm hồn, là Ðấng họat động cho hoà bình, là Ðấng bị bách hại vì lẽ công chính. Chúa mời gọi chúng ta tiếp bước theo sau để tiến về cõi phúc thật. Với Chúa, điều không thể được trở thành có thể, ngay cả việc con lạc đà có thể chui qua lỗ kim (x. Mt 10,25), với sự trợ giúp của Chúa và chỉ với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta mới được ơn trở nên những người có phúc.
Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, Đấng được sứ thần chào là ‘Đấng đầy ơn phúc’, được bà Isave chị họ gọi là người ‘có phúc’ làm cho chúng ta trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.
 
 

Hãy ký thác đường đời cho Chúa
 
SUY NIỆM  THÁNH LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM ẤT MÙI
Mt 6, 25-34

 
“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”
 
Chúng ta vừa bước sang Năm Mới, năm Ất Mùi. Mùi tức Dê cũng là Dương, Dê đứng hạng thứ 8 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi, nó đứng sau con tuấn mã oai hùng đã từng xong pha ra trận mạc đánh đuổi ngoại bang phương Bắc xâm chiếm đất nước chúng ta. 
Khi nói chuyện Dê có rất nhiều, đặc biệt chuyện :”Vợ chồng Bá Lý Hề và năm bộ da Dê” đã được truyền khẩu trong dân gian. Trong dân gian có câu: “Treo đầu Dê bán thịt Chó” ngụ ý nói không thành thật.
Tết năm con Dê, dân gian còn nhắc đến Bà Từ Hi Thái Hậu, đời nhà Thanh, khoản đãi các sứ thần thuộc các quốc gia Tây Phương, nhân dịp mừng Xuân Canh Tý 1874. Tiệc được chuẩn bị 11 tháng 6 ngày trước, có 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu hoa viên thời bấy giờ tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu giờ giao thừa Tết nguyên đán năm Canh Tý. Đó là món Sơn Dương Trùng. Sơn dương là Dê núi, trùng là con dòi.
Tương truyền rằng: Bà Tây Dương Thái Hậu xuống chiếu đòi các thợ săn chuyện nghiệp tỉnh Hồ Bắc vào rừng phải tìm cho được một cặp Sơn Dương thật lớn. Sau thời gian băng rừng trèo núi cả tháng ở Thiểm Tây, đoàn thợ săn mới bắt được ba cặp Sơn Dương, trong số có ba con cái đều mang thai, nên được Bà Từ Hi Thái Hậu, trọng thưởng 50 lượng vàng mỗi con. Dê núi (Sơn Dương) sau đó được thả trong một khu vườn rộng đầy cỏ non xanh tốt. Cỏ lạ nuôi dê có được chất bổ dưỡng gan thận được vận tải đến mỗi ngày từ Vân Nam và Quảng Tây, cỏ này tên là “Đông Trùng Hạ Thảo” bởi mùa Hạ cỏ mịn như nhung còn sang mùa Đông thì trong cỏ quí có dược tính cùng với cỏ non, lá cây thuốc …nên sinh con khỏe mạnh và to lớn khác thường.
Cho dù Năm Ngựa hay Dê thì cả tháng nay, mọi người đã sửa soạn ăn Tết, ngày Tết, ai cũng có cái cảm tưởng là có cái gì mới vì ai cũng dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.
Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, thường người dướt tết người trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng. Kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, lại có những lời chúc thật tốt đẹp cho Năm Mới. 
          Ngày Tết, người ta chúc mừng nhau, chúc nhau.                            
                              . Phúc, lộc, thọ.
                             . Phú, qúi, thọ, khang, ninh.
                             . Đa tử, đa tôn, đa phú qúi.
                             . Thăng quan tiến chức
                             . Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.
 
          Đối với các cha chúng ta thường chúc:
                             . Thánh thiện,
                             . Khôn ngoan,
                             . Khỏe mạnh.
 
          Thi sĩ Trần tế Xương lại chúc :
 
                             Bắt chước ai ta chúc mấy lời :
                             Chúc ai sống ra cái con người.
Người Việt Nam còn có tục xông nhà, xông đất các gia chủ mong có người hiền, nhanh nhẹn, tử tế đến xông nhà đầu tiên để gia đình có người tốt đặt chân trước nhất sẽ gặp những điều mới, điều tốt lành trong năm mới. Tựu chúng lại là mong có dược mọi sự may mắn tốt lành.
Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Xem ra, tất cả đều hướng về những của cải chóng qua đời này và những thành quả chỉ dừng lại ở trần thế. Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.
“Các con chớ áy náy về ngày mai”. Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai..tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.
Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí quá là dâng ngày đầu năm cho Thiên Chúa. Dâng những giây phút đầu của một năm, người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới.Ngay ca nhập lễ thánh lễ minh niên đã viết:" Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài"(Tv 66, 2-3).
Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của những ngày mới, chúng ta quả đã muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ tân niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.
Khi bàn đến tuổi Dê, vì Dê nằm trong nhóm tứ mộ là : Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, chúng nó khắc kỵ nhau, cho nên gọi là nhóm tứ xung. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét cho kỹ thì chúng nó khắc kỵ trực tiếp từng cặp: Thìn và Tuất và Sửu và Mùi. Trái lại, còn nhóm nhị hạp là: Ngọ Mùi và tam hạp là: Hợi, Mão, Mùi
Người tuổi Mùi ưa mùi mẫn, nên rất thảnh thơi, còn người tuổi Thân có đồng âm với tủi thân, nên phần số phải vất vả, cơ cực lầm than cho cuộc đời, giải thích ngang xương như vậy có tính cách trào lộng cho vui chứ không có chứng minh khoa học chánh xác của nó. Cho nên trong dân gian thường nói :“Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi, sao em lận đận một đời tuổi Thân”.
Tết con Dê đã đến. Hy vọng Năm Mới Ất Mùi sẽ có nhiều đổi mới để con người, tổ quốc và Giáo hội Việt Nam được phát triển nhanh hơn.
Nhân dịp bước sang năm Ất Mùi cầu chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.
  
 
 
 

Thảo Cha kính Mẹ
MỒNG HAI TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

(Mt 15,1-6)
Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, kèm theo những món quà thơm thảo bày tỏ lòng biết ơn, kính quí, thảo hiếu với người trên, anh em nâng chén chúc tụng nhau.
Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên : “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1, 10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được, chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải ‘kể lại sự khôn ngoan của các ngài’ để noi theo, các ngài đã giữ các điều răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1, 10-15 )
Thảo kính mẹ cha là điều Chúa truyền dạy
Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa : ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài,  để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa.Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụ dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ : luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta : “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào : “ truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13, 6) Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.
Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước mơ và lời cấu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh phúc, khang an và trường thọ.  Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó trở thành hiện thực ? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy chúng ta : “Hãy thảo kính mẹ cha”; “ Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).
Thực hành chữ hiếu là thể hiện đạo lý dân tộc
Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm nhất là khi ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời.
Vì cha nên mới có mình,
Mẹ cha đối đáp công trình biết bao
Ơn này sách với trời cao
Trong lòng con dám lúc nào lãng quên
Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như : thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.
Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông : có cha có me,  có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha.
Tôn kính
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”
Phụng dưỡng
Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”  (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)
Vâng lời
Dạy sao cho được con hiền
Để cho cha mẹ khỏi phiền về con
Một niềm phép tắc nết na
Biết sống biết kính mới là khôn ngoan
Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.
Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:
 
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh dành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
            Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.” (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)
 
 
Khi cha mẹ qua đời
Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.
Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.
Thực hành chữ hiếu
Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.
Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
(Ca dao)
Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.
 
 

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Thông tin khác:
Cây Noel (24/12/2014)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log