Thứ hai, 25/11/2024

5 Phút Lời Chúa - Tháng 4

Cập nhật lúc 19:37 30/03/2014
01/04/14 THỨ BA TUẦN 4 MC
Ga 5,1-3.5-16
 
LÀ BẠN CỦA NGƯỜI KHỔ ĐAU
Đức Giê-su... biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5,6)
Suy niệm: “Mãi là người đến sau”, tên một bài hát, chính là thân phận của người đau ốm trong bài Tin Mừng. Đã 38 năm nay, anh vẫn mãi là người đến sau: “Khi tôi đến đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Cuộc đời anh lặng lẽ trôi qua trong cô độc, không ai giúp đưa anh xuống hồ trước tiên để được khỏi bệnh. Rồi Đức Giê-su xuất hiện và thấy anh. Ngài gợi cho anh ước muốn rũ bỏ cuộc sống buồn sầu và thụ động. Ngài mời gọi anh đừng ngồi chờ phép lạ, nhưng cộng tác với Ngài bằng cách làm điều mà 38 năm nay anh chưa bao giờ làm được: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” Với quyết tâm của ý chí, khát khao của ước muốn, cùng với quyền năng Ngài, anh đã thành công.
Mời Bạn: Những trang Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su luôn ưu ái những kẻ cô thế cô thân, sẵn lòng nâng đỡ những người không ai quan tâm. Ngài là bạn của những con người khổ đau, không có bạn hữu trên đời. Hãy chọn Ngài làm bạn thân của đời mình, bạn sẽ có người luôn thông cảm, chia sẻ tất cả những gì vui buồn sướng khổ trong cuộc đời. Bạn có nỗ lực sống tình bạn hữu với những người cô độc, kém may mắn không?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này tôi sẽ dành thời gian -thay vì thư giãn giải trí theo sở thích riêng- để nâng đỡ, thăm viếng, an ủi một người đang buồn sầu, đau khổ, bệnh tật...
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn là người bạn với những ai cô đơn, buồn sầu. Xin giúp chúng con biết sống theo gương Chúa: mở đôi mắt nhìn thấy những người khổ đau, mở quả tim để yêu mến, mở đôi tay để diễn tả tình thương mến ấy cho con người. Amen.

02/04/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. Phan-xi-cô Pao-la, ẩn tu
Ga 5,17-30


ĐỪNG NGĂN CẢN THIÊN CHÚA!
Đức Giê-su tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Ngài phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình. (Ga 5,17-18)
Suy niệm: Có lẽ một trong những khó khăn của Chúa Giê-su khi rao giảng là diễn tả về mầu nhiệm Thiên Chúa cho con người. Mầu nhiệm Thiên Chúa là điều cao siêu, vượt quá lý trí vốn có giới hạn của con người. Thử tưởng tượng một người yêu loài bò đến nỗi tình nguyện trở thành một con bò. Đang khi tư tưởng, ngôn ngữ loài người phong phú, tình cảm dạt dào, còn với loài bò thì tất cả đều hạn hẹp, làm sao diễn tả về con người huyền nhiệm ấy cho các con bò hiểu được. Với Đức Giê-su cũng vậy, "Trời cao hơn đất chừng nào thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng loài người chừng ấy" (Is 55,9). Điều trớ trêu là, thay vì đón nhận tình yêu tự hạ của Thiên Chúa, con người lại loại bỏ Ngài, chỉ vì Ngài hành động không đúng với suy nghĩ của họ.
Mời Bạn: Không chỉ trở nên một con người, Thiên Chúa còn hạ mình trở thành tấm bánh không mùi, không vị nơi bí tích Thánh Thể. Thật là mầu nhiệm cao cả, cho thấy tình yêu tự hạ của Thiên Chúa. Nhưng đây cũng là điều khó chấp nhận đối với những ai không có lòng tin!
Chia sẻ: Chúa Giê-su thường bị từ chối bởi những hạng người nào?
Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian ít phút sau khi hiệp lễ để ở lại tâm sự với Chúa Giê-su Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương chúng con, Chúa đã không ngại mặc lấy thân phận thấp hèn. Xin cho con biết đón Chúa một cách đơn sơ và phó thác như trẻ nhỏ. Amen.

03/04/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Ga 5,31-47

 
“HƯƠNG NGƯỢC GIÓ”
“Phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,36)
Suy niệm: Trong bài Hương ngược gió, tác giả, một Phật tử, kể chuyện bố chồng cô bị bệnh tim, hay ngất xỉu. Mỗi lần như thế, các giáo dân một xóm đạo ở Thốt Nốt (Cần Thơ) luôn giúp đỡ gia đình cô. Chứng kiến người Ki-tô hữu sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, người Phật tử ấy rất cảm kích và muốn kể lại như một lời chứng (Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 10/1/1999). Thật vậy, dân chúng thời nào cũng đòi hỏi cuộc sống chứng tá của các Ki-tô hữu. Đã lãnh nhan bí tích thánh tẩy, người Ki-tô trở nên người môn đệ-nhà truyền giáo được Chúa chọn và sai đi loan báo Tin Mừng. Chứng tá cao đẹp và đáng tin cậy nhất là khi đời sống hằng ngày sóng đôi với việc tuyên xưng niềm tin. “Hương thơm của các loài hoa không bay ngược gió. Chỉ có hương người đức hạnh mới ngược gió tung bay.”
Mời Bạn: Bạn được Thiên Chúa chọn và giao phó sứ mạng làm chứng cho Chúa. Vậy lời bạn nói, việc bạn làm, suy nghĩ của bạn có phản ánh Tin Mừng của Chúa Giê-su? Đâu là cách bạn thể hiện đức tin đáng cho kẻ khác tin?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cố gắng tỏa hương thơm Tin Mừng qua cách hành xử thông cảm, quảng đại, yêu thương...
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn mượn đôi tay, đôi chân, con tim và khối óc của con để đến vơi con người hôm nay, diễn tả lòng Chúa yêu thương cứu độ. Xin cho con biết ra sức Phúc âm hóa bản thân, và làm lan tỏa hương thơm niềm tin qua đời sống chứng tá của con mỗi ngày. Amen.

04/04/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. I-xi-đo-rô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 7,1-2.10.25-30

 
BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT
“Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi.(Ga 7,28-29)
Suy niệm: Biết một người thường được hiểu là biết những tương quan của người ấy, nhất là về nguồn gốc như cha mẹ, dòng họ, quê quán... Người Do-thái nghĩ rằng họ đã biết tỏ tường về Chúa Giê-su khi nắm bắt được cội nguồn của Ngài: Chúng tôi biết ông ấy xuất phát từ đâu rồi. Do đó, ông ấy cũng chẳng có điều gì ngoại thường và chắc chắn không phải là Đức Ki-tô! Thật ra, không phải tương quan sinh học hay địa lý đã làm nên Đấng Ki-tô, mà chính là mối tương quan thâm sâu mầu nhiệm với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Chúa Giê-su khẳng định: để biết Ngài, người ta phải biết tương quan căn bản nhất làm nên con người Ngài là tương quan Con Một với Cha trên trời.
Mời Bạn: Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhận định: “Nhờ đức tin, con người bày tỏ sự ưng thuận của mình với chứng tá của Thiên Chúa.” Thiên Chúa không ai thấy bao giờ và chỉ có Chúa Giê-su là Đấng biết Chúa Cha và chính Ngài mạc khải cho chúng ta. Chúa Giê-su làm chứng cho ta về Chúa Cha bằng mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho mình qua Chúa Giê-su, nhất là trong Tuần Thánh sắp tới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con chưa bao giờ biết được Chúa Cha, nhưng chính Chúa đã mạc khải cho chúng con bằng những dụ ngôn, qua cuộc sống, và qua cái chết cùng sự phục sinh của Chúa. Xin cho chúng con nhìn ngắm chính Chúa để xác quyết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Amen.

05/04/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. Vinh-sơn Phê-ri-ô, linh mục
Ga 7,40-53

 
ĐỨC GIÊ-SU, SỰ THẬT BỊ DẬP VÙI
“Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?(Ga7,48)
Suy niệm: Gần 28 triệu lượt người đã xem trên Youtube về cô bé 12 tuổi nói chuyện tại hội nghị quốc tế về môi trường tại Rio de Janeiro năm 1992. Cô bé Severn Suzuki ấy đã nói về những gì mà người lớn đang làm và hủy hoại hành tinh này từng ngày từng giờ, và đang cướp mất sự sống của thế hệ tương lai. Điều đáng ghi nhận là toàn thể cử tọa, gồm các quan chức của Liên Hiệp Quốc, đã ngoan ngoãn lắng nghe, bởi cô bé này nói đúng quá và thuyết phục quá. Những người Pha-ri-sêu không có được thái độ tôn trọng sự thật như thế. Nghe các vệ binh trầm trồ về Ngài, họ bảo mấy anh này lú lẫn. Nghe dân chúng thán phục Ngài, họ bảo đúng là đám dân đen bị nguyền rủa. Rồi khi được Ni-cô-đê-mô là một người trong số họ nhắc nhở, họ lại cho rằng ông là kẻ ngốc nghếch. Người ta có thể cứng cỏi đến mức đó! Và sự cứng cỏi này dẫn đến cái chết của Con Thiên Chúa!
Mời Bạn đi vào trong tâm tư của Chúa Giê-su để đồng cảm với nỗi cay đắng của thiện chí bị chà đạp, của tình yêu bị từ khước, và của sự thật bị dập vùi. Phải chăng ngày nay, trong đời sống đạo đời của chúng ta, không đang diễn ra một mặt trận đấu tranh gay gắt giữa sự thật và sự dối trá, giữa lương tâm và sự cố chấp, giữa  ý thức trách nhiệm và thói cường quyền vô trách nhiệm?
Sống Lời Chúa: Tôi kiên trung đứng về phía sự thật, ngay cả những khi mà điều này đòi tôi phải trả giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là sự thật, nhưng Chúa đã bị loại trừ bởi sự cứng cỏi đẫm màu tham vọng và ích kỷ của con người. Xin cho con luôn  chọn Chúa và trung thành với Chúa.

06/04/14 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – A
Ga 11,1-45

 
TIN VÀO ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?(Ga 11,25-26)
Suy niệm: Chỉ còn hai tuần nữa chúng ta mừng biến cố quan trọng nhất trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu: Chúa Ki-tô phục sinh. Thế nhưng chúng ta không chỉ kỷ niệm biến cố đó như một sự kiện trong quá khứ, mà còn cử hành hồng ân sự sống cho chúng ta hôm nay và mãi muôn đời. Khi chứng kiến những người thân ra đi, nhất là ra đi đột ngột, tang gia buồn sầu, chỉ thấy khung trời mịt mù đầy nước mắt. Nếu không có niềm tin vào sự sống lại và sự sống muôn đời sau cái chết, thì cái gì sẽ nâng đỡ, an ủi tang gia trước sự phi lý của cái chết? Đấng đã không kết thúc cuộc đời trong nấm mồ, nhưng đã ra khỏi mồ trong vinh quang, Đấng ấy có thể đưa ta đến vinh quang phục sinh với Ngài. Chúng ta tin và tôn thờ Đấng ấy.
Mời Bạn: Kinh nghiệm trong những lúc phải tiễn đưa người thân về nơi an nghỉ có làm bạn mạnh mẽ hơn trong niềm tin vào sự sống lại của thân xác không?
Sống Lời Chúa: Viếng nghĩa trang và suy niệm việc Chúa chịu an táng trong huyệt đá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin rằng sự chết là một phần của sự sống. Con tin rằng mỗi khi chúng con bước từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của cuộc đời, thì đều có một cái gì đó chết đi và một cái gì đó mới sinh ra. Con tin rằng chúng con nếm mùi sự chết trong những lúc cô đơn, phiền muộn, thất vọng, thất bại, bị ruồng bỏ. Với đức tin của người tín hữu, con tin rằng cái chết không dập tắt được ánh sáng, mà chỉ là tắt đèn đi ngủ. Amen.
(Dựa theo Anon, “Tôi tin vào sự chết”)

07/04/14 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,1-11

 
THẢ HÒN ĐÁ TRÊN TAY XUỐNG
“Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.” (Ga 8,6)
Suy niệm: Đây là chỗ duy nhất sách Tin Mừng cho biết Đức Giê-su viết, viết trên đất, mà viết đến hai lần. Thế thì Ngài đã viết gì? Thánh Giê-rô-ni-mô cho rằng Đức Giê-su đã viết tội của những kẻ tố cáo người phụ nữ (theo Gr 17,13). Phải chăng Ngài vạch những đường nét trên đất, cố ý tạo ra những khoảng lặng để lương tâm lên tiếng nói nơi tâm hồn những người đang lăm lăm cầm đá trong tay. Sự tự tin của những người tố cáo, sự cam chịu của người phụ nữ và sự căng thẳng của đám đông cuối cùng được giải gỡ: - “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” - “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chị được tha thứ và được mời gọi bước vào một con đường mới với một trách nhiệm, thách đố mới: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Mời Bạn: Hôm đó Đức Giê-su đã viết trong quả tim mỗi người chữ “tình thương và tha thứ.” Những hòn đá chờ ném đi được lặng lẽ thả xuống, khi những người đang cầm chúng nhận ra rằng không ai là người vô tội trước mặt Thiên Chúa. Bạn cũng được mời gọi làm một cuộc hoán cải như thế: thanh thản hạ xuống hòn đá kết án tha nhân để mở ra cho họ một con đường hoán cải tựa như Chúa đã làm cho bạn.
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi ghi nhớ tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa trong đời mình, để có cái nhìn và đối xử khoan dung hơn với anh chị em chung quanh tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã nhắc chúng con nhớ không ai  vô tội trước mặt Chúa. Xin cho chúng con ghi nhớ sự thật này mỗi khi chúng con muốn lên án người khác. Amen.

08/04/14 THỨ BA TUẦN 5 MC
Th. Ta-nít-lao, giám mục, tử đạo
Ga 8,21-30

 
TIN VÀO ĐẤNG HẰNG HỮU
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)
Suy niệm: “Tôi Hằng Hữu” có nghĩa Chúa Giê-su là Thiên Chúa, vô thủy vô chung, hiện hữu từ muôn đời. Thế nhưng, Ngài không phải là vị chúa xa cách, xa lạ với con người. Ngài là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Đấng đã nhập thể làm người, đồng hành với con người, thấu hiểu nỗi khổ của con người. Thế nhưng, cả hai danh hiệu ấy chỉ có thể tỏ hiện khi Ngài được giương cao trên thập giá. Nhìn lên thập giá, ta nhận ra tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Nơi thập giá, ta nhận ra tình yêu quá lớn Chúa Cha dành cho nhân loại, khi ban tặng món quà quý nhất là chính Con Một mình. Nhìn lên thập giá và tin vào tình yêu Chúa qua Đức Giê-su, ta nhận được ơn cứu độ, được cất khỏi gánh nặng của tội lỗi.
Mời Bạn: Cái chết của Đức Giê-su, Đấng vô tội, là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và nguồn mạch ơn tha thứ cho muôn người. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bạn cảm nhận được điều đó khi nhìn ngắm Đấng vô tội trở thành con chiên gánh tội, và chịu giương cao trên thập giá để xoá bỏ tội trần gian. Rồi chính bạn cũng được mời gọi gương cao trên thập giá của đời mình, qua những hy sinh, khổ chế... để kéo người khác lên với Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi sốt sắng tham dự các nghi thức mùa Chay như đi đàng Thánh Giá, ngắm 15 sự Thương Khó...
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chúa và là Thiên Chúa của con! Xin cho con nhận ra Chúa luôn ở với con, đồng hành và sống trong con để mọi việc con làm góp phần làm rạng Danh Chúa và mưu ích cho anh chị em. Amen.

09/04/14 THỨ TƯ TUẦN 5 MC
Ga 8,31-42

 
NÔ LỆ VÀ TỰ DO
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, các ông thật là môn đệ tôi... Tôi bảo thật các ông: Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.” (Ga 8,31.34)
Suy niệm: Người Do-thái luôn tự hào là con cháu Áp-ra-ham nên tự cho mình là người tự do, không làm nô lệ ai. Đúng là Áp-ra-ham có hai con trai, một sinh bởi người nô lệ, một sinh bởi người tự do, mà họ thì được sinh bởi bà Sa-ra, người vợ tự do. Nhưng thực ra họ chỉ đúng một nửa. Họ chỉ là con cái Áp-ra-ham theo huyết thống, còn những việc Áp-ra-ham đã làm thì họ không làm. Áp-ra-ham, cha của họ được kể là công chính “không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì” (Rm 4,10). Không phải máu huyết, mà là lòng trung thành với giao ước với Thiên Chúa mới làm cho họ thành con cháu Áp-ra-ham đích thực.
Mời Bạn: Những người Pha-ri-sêu đang tự hào ảo! Coi chừng chúng ta cũng có thể dẫm vào vết chân xưa đó của họ khi ta cho mình hơn người vì là đạo dòng, là trí thức, hay có công có của giúp Giáo Hội... Nếu không thận trọng và tiếp tục làm theo lời Chúa dạy thì ta vẫn là nô lệ cho những gì mà mình vốn tự hào.
Chia sẻ: Đáng cảm phục thay những anh chị em vừa sống vị tha, lại vừa sống khiêm nhường, nhiệm nhặt. Mùa Chay không chỉ nhịn vài bữa ăn theo luật dạy, nhưng còn “phải yêu mến Chúa Giê-su” (câu 42) qua người anh chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: Có những thói quen khiến ta trở thành nô lệ cho chúng. Nhờ tĩnh tâm, bạn hãy khám phá cho ra để khắc phục.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến để thi hành thánh ý Chúa Cha. Xin cho con cũng biết từ bỏ những gì con đang làm nô lệ, để trở nên thanh thoát hơn mà phụng sự Chúa. Amen.

10/04/14 THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59

 
SẼ KHÔNG BAO GIỜ PHẢI CHẾT
Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)
Suy niệm: Đây không phải là lần duy nhất Đức Giê-su cho biết khả năng “không bao giờ phải chết” của những ai tin vào Người, tuân giữ lời Người (x. Ga 11,26). Đã không bắt được ý nghĩa “tự do/nô lệ” trong phần trước của diễn từ này, những người Do-thái tiếp tục bắt hụt ý nghĩa của “sống/chết” mà Đức Giê-su muốn vén mở. Và một lần nữa, chính não trạng tự mãn và ỷ lại đã giam hãm họ trong ngục tù u minh: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết... Ông tự coi mình là ai?” Họ không thấy được ý nghĩa “chết” nào khác hơn là cái chết thể lý ở cuối đường đời của mỗi người – và vì thế cũng chẳng ý niệm được gì về sự sống tâm linh, về đời sống vĩnh cửu...
Mời Bạn hãy để cho sứ điệp Lời Chúa thấm nhập vào đáy lòng bạn: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết.” Không bao giờ phải chết! Nghĩa là từ sống đi đến... sống. Chỉ có một sự sống, nhưng đổi trạng thái, đổi cấp độ mà thôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi trào lưu vô thần thực tiễn, chỉ lo tranh thủ cho cuộc sống đời này; hoặc cũng có thể bị cám dỗ bởi một lối đạo đức lệch lạc, có tính thụ động, yếm thế, chỉ bận tâm đến cuộc sống sau cái chết đến nỗi chẳng thực sự sống trước cái chết gì cả!
Chia sẻ: Nền văn hoá sự chết đang gây những tác hại nào cho sự sống đời đời?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm một việc cụ thể để “tuân giữ Lời Chúa”, để “không bao giờ phải chết”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời Chúa là sự sống của con. Xin cho con biết chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày.

11/04/14 THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Ga 10,32-42

 
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM
“Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,38)
Suy niệm: Một mẫu người lý tưởng mẫu người ngôn hành hiệp nhất, nghĩa là có những lời nói hay, kèm theo những việc làm tốt đẹp. Việc làm cũng là một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ của hành động, và thứ ngôn ngữ này có sức mạnh, có sức tác động hơn cả những lời nói hùng hồn nhất: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Đức Giê-su là Vị Thầy có những lời dạy tuyệt vời, tuyệt vời đến nỗi các vệ binh được trát đi bắt Người, đã mải mê nghe Người giảng, quên mất nhiệm vụ bắt Người, về còn trả lời các vị thượng tế rằng: “Chưa có ai nói hay như ông này.” Tuy nhiên, người còn là vị Thầy tuyệt vời hơn nữa ở chỗ Người mời gọi người ta lượng giá Người không phải dựa trên lời nói của Người, mà là dựa trên những gì tốt đẹp Người đã làm.
Mời Bạn: Xét xem bạn có phải là người trung thực không? Giữa điều bạn suy nghĩ và bạn nói có khoảng cách nào không? Giữa điều bạn nói và bạn làm có khoảng cách nào không?
Chia sẻ: Để sống trung thực như Chúa Giê-su đã dạy và đã làm, tôi sẽ làm gì để lời nói của tôi đi đôi với việc làm?
Sống Lời Chúa: Để sống trung thực như Chúa dạy, theo như người mẫu Giê-su, bạn hãy làm trước nói sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là vị Thầy tuyệt vời, hoàn hảo vì lời Chúa nói luôn đi đôi với việc Chúa làm. Xin cho chúng con cũng biết noi theo mẫu gương của Chúa, để từ nay, chúng con tập sống trung thực, vừa nói, vừa rao giảng những điều tốt đẹp và sống những điều ấy. Amen.

12/04/14 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-56

 
CÙNG CHẾT ĐI VỚI CHÚA
Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối! (Ga 11,51-52)
Suy niệm: Ngày 8/3 vừa qua, chuyến bay MH 370 của Malaysia Airlines mất tích. Những gì xảy đến cho chiếc MH370 đó vẫn còn là bí ẩn, nhưng hiển nhiên là một hoặc một vài người trong tổ lái đã đóng vai trò định mệnh đối với số phận của 239 sinh linh trên chuyến bay này. Suy rộng ra số phận của nhân loại cũng không khác. Chỉ vì tội của A-đam mà cả nhân loại phải mang án tử. Và nay, qua miệng của giới lãnh đạo Do-thái, Chúa Giê-su cũng đóng vai trò người cơ trưởng trong chuyến bay của nhân loại tiến về cõi sống vĩnh cửu; tuy nhiên khác điều này là Chúa “chịu chết thay cho toàn dân, và khi sống lại, Ngài “quy tụ con cái Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”, và mối đó chính là hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Mời Bạn: Nhờ một người chết đi mà muôn người khỏi phải chết; nhờ một người sống lại muôn người được sống hạnh phúc mãi mãi (Rm 5,15-17). Nhờ bí tích Rửa tội, ta được tham dự vào mầu nhiệm chết đi và sống lại của Chúa Giê-su được tháp nhập vào trong Ngài, cùng chết đi với Ngài để cùng được sống lại với Người.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm đóng đinh những gì thuộc về con người cũ nơi tôi: tội lỗi, tham lam, ích kỷ kiêu căng, giả dối... để sự sống của Chúa Ki-tô ngày càng được hiển hiện nơi tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết để cho con được sống muôn đời. Xin cho con sẵn lòng giết chết những tham lam, ích kỷ, kiêu căng, giả dối để con được sống mãi mãi với Chúa.

13/04/14 CHÚA NHẬT LỄ LÁ – A
Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa
Mt 21,1-11
Bài Thương Khó: Mt 26,14-27-66

 
ÁNH SÁNG LÒNG THƯƠNG XÓT
Các môn đệ dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên... Đám đông reo hò vang dậy: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21,7.9)
Suy niệm: Ngày Lễ Lá khởi đầu bằng một niềm vui, niềm vui rước Chúa vào thành như một vị vua, và kết thúc bằng một nỗi buồn, nỗi buồn Chúa chịu khổ nạn. Bài Thương Khó ngày Lễ Lá còn đem đến cho ta bao điều tương phản khác: môn đệ hèn nhát chạy trốn, Phi-la-tô hèn nhát rửa tay, Thầy can đảm bình thản đón nhận; tương phản với lửa hận thù hừng hực, Đức Giê-su luôn tỏa ánh sáng dịu dàng của lòng thương xót: thương xót Phê-rô, thương xót người trộm hối cải, thương xót tha thứ cho quân lính độc ác, và cho cả người Do-thái đang nhạo cười; đối diện với những bạo tàn đến cực độ của con người, Đức Giê-su lại bày tỏ lòng yêu mến cho đến tận cùng của mình.
Mời Bạn cảm nhận được lòng thương xót của Chúa dành cho bạn. Bạn đừng sống tuần thánh, những ngày khổ nạn của Chúa, như một khách qua đường, như đang xem một cuộn phim, mà hãy sống với cả tâm tình yêu mến của mình.
Chia sẻ: Trong Tuần Thánh này, tôi, gia đình tôi, nhóm của tôi sẽ làm gì để chia sẻ đau khổ của Chúa nơi những anh chị em chung quanh?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian đọc cả bài hoặc một phần bài Thương khó, để nhận ra và cảm nếm tình thương của Chúa qua từng hoạt cảnh ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn bày tỏ lòng thương xót yêu thương trong cuộc Khổ nạn. Xin cho chúng con cũng biết sống lòng thương xót ấy với mọi người.

14/04/14 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11

 
GIU-ĐA ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-SU
“Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế không phải vì y lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp. (Ga 12,5-6)
Suy niệm: Người thầy nào cũng muốn môn đệ của mình trở thành người tốt, người hữu ích cho cho người khác. Nếu chẳng may người học trò nào biến chất trở thành người trộm cắp và gian dối, thì chắc chắn người thầy sẽ vô cùng đau khổ. Quả vậy, Đức Giê-su đã phải đau khổ vì Giu-đa. Ngài đã đích thân chọn ông làm tông đồ, dạy dỗ ông, lại còn tín nhiệm giao cho ông giữ túi tiền chung của nhóm, thế mà Giu-đa đã lạm dụng sự tín nhiệm của Thầy mình để ăn cắp và còn giả hình giả bộ, tỏ vẻ quan tâm tới người nghèo để tạo tấm bình phong che đậy lòng tham của mình. Thực sự Giu-đa đã đóng đinh Đức Giê-su rồi qua việc ăn cắp và sự giả dối của ông.
Mời Bạn: Chúng ta thường nghĩ những đau khổ Đức Giê-su phải chịu là bị đánh đòn, sỉ nhục, phải đội mão gai, phải vác thập giá, phải chịu đóng đinh, v.v.; và rồi chịu chết. Nhưng đó không phải là tất cả những đau khổ Đức Giê-su phải chịu. Trước đó, Người đã chịu đau khổ vì tội ăn cắp và gian dối của Giu-đa. Giờ đây, Người vẫn tiếp tục chịu đau khổ vì tội loài người. Mỗi khi chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta lại tiếp tục đóng đinh Người!
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm thế nào khi bạn chiến thắng được một cơn cám dỗ và nhờ đó bạn đã không đóng đinh Chúa bằng tội lỗi của bạn?
Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh trong việc ăn uống hoặc chi tiêu để cùng vác thập giá với Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng từ nay biết xa tránh tội lỗi và chỉ làm những điều đẹp lòng Chúa.

15/04/14 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

 
TRUNG THÀNH VỚI TÌNH YÊU
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy… Gà chưa gáy anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13,21.38)
Suy niệm: Hãy cứ đặt mình vào vị trí của Đức Giê-su để thấy được nỗi đau buồn, xót xa đang diễn ra trong tâm hồn của Ngài. Xuống thế để cứu chuộc con người, nhưng trớ trêu thay, khi sứ mạng đến hồi kết thúc thì Ngài lại bị chính con người phản bội. Mà kẻ phản bội ở đây, lại là chính những môn đệ thân tín của mình. Chúng ta như muốn trách móc những con người phản bội, những môn đệ vô ơn… Thế nhưng câu chuyện xưa kia van còn nguyên tính thời sự: Sự chối từ Thiên Chúa, phản bội lại tình yêu của Ngài vẫn ứng vào chúng ta hôm nay, vẫn còn nhan nhản đó đây trong cuộc sống. Con người phản bội đó có thể là chính bản thân mỗi người. “Trông người mà nghĩ đến ta”! Chúng ta hãy nhìn những tấm gương tày liếp của các môn đệ phản thầy đó như một bài học để ta biết sống cho phải đạo đối với Thiên Chúa của mình.
Mời Bạn: Là môn đệ của Thầy Giê-su, chúng ta có đồng cảm và chia sẻ sứ mạng của Ngài chưa? Thiết nghĩ, điều tối thiểu mà mỗi người chúng ta phải có, đó là lòng trung thành với Thầy Giê-su. Trong tâm tình phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta bày tỏ tình yêu cảm thông, chia sẻ với Thầy Giê-su trong việc hoàn thành sứ mạng cứu độ. Mời bạn tự vấn: Điều gì đang ngăn cản tôi sống trung tín với Thầy Giê-su?
Chia sẻ: Điều gì khác giữa Phê-rô và Giu-đa sau khi chối bỏ Thầy Giê-su?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và xin ơn sống trung thành với tình yêu Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con và đừng để chúng con phài lìa xa Chúa bao giờ. Amen.

16/04/14 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25

 
ĐỨC GIÊ-SU, NGƯỜI BỊ PHẢN BỘI
“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Mt 26,21)
Suy niệm: Chúa Giê-su vẫn bị mang tiếng là hay giao du với những kẻ tội lỗi, với quân thu thuế. Chúa dạy chúng ta tránh xa tội lỗi chứ không tránh xa người có tội. Với tính cách đó, hôm nay Ngài cũng đồng bàn với Giu-đa, người đã có ý định phản bội nộp Ngài. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi người tội lỗi sám hối như hôm nay Ngài chờ đợi ở Giu-đa. Ngài đã dùng cử chỉ và lời nói để khơi động lòng ăn năn hối lỗi của ông – “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” – nhưng lương tâm của Giu-đa không còn bén nhạy nữa, ông đã liều mình đi vào đêm tối của tội lỗi; tiền bạc đã chiếm chỗ trong trái tim Giu-đa, không còn chỗ đứng cho Chúa Giê-su nữa. Chúa Giê-su hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người, ngay cả để cứu rỗi con người, Ngài cũng muốn con người tự do cộng tác.
Mời Bạn: Hãy để ý và lắng nghe từng lời nói của Chúa trong cuộc sống bạn; có khi Ngài cảnh báo bạn đang có nguy cơ đi lạc xa Ngài. Chỉ khi lắng nghe bạn mới nhận ra Ngài muốn bạn làm gì.
Sống Lời Chúa: Dốc lòng chừa một tội mà bạn hay phạm nhất. Và khi có ai đó nhắc nhở về một khuyết điểm hay góp ý xây dựng cho bạn về một điều gì đó, bạn không bực tức, tự ái nhưng hãy lắng nghe, xét mình cho kỹ để nhận ra điều mà bạn cần sửa chữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cứu chuộc chúng con bằng một giá rất đắt là bằng chính mạng sống của Ngài. Cái chết của Chúa là hậu quả của lòng tham lam, ghen ghét, kiêu ngạo... của chúng con chứ không phải chỉ là tội của Giuđa hay của ai khác. Xin ban cho chúng con lòng thống hối ăn năn và biết chê ghét tội trên hết mọi sự. Amen.

17/04/14 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15

 
KÉO DÀI BỮA TIỆC HIỆP THÔNG
Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13,1)
Suy niệm: Chúa Giê-su thường dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời, Hôm nay, Ngài đã dùng chính bữa tiệc, bữa tiệc cuối cùng của đời Ngài trên trần gian để nói cho các môn đệ về tình yêu thương phục vụ, hiệp thông và chia sẻ. Bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giê-su đã lập trong đêm thứ Năm Thánh là bằng chứng rõ rệt nhất của tình yêu. Và cho đến hôm nay, hơn 2000 năm đã qua đi, bữa tiệc ấy vẫn luôn hiện thực trên các bàn thờ trong các thánh lễ.
Mời Bạn: Để tiếp tục “tình yêu đến cùng” của Chúa Giê-su, chúng ta phải kéo dài bữa tiệc hiệp thông trên bàn thờ trong thánh lễ thành bữa tiệc hiệp thông trên bàn thờ thế giới này, nghĩa là trong cuộc sống, nơi trường học, công sở, xí nghiệp, v.v… bằng cách tiếp tục công việc hiến mình vì yêu của Chúa Giê-su qua đời sống bác ái phục vụ của bạn. Khi tái diễn hành động yêu thương, tha thứ, phục vụ trên những bàn thờ đó, chúng ta mới thực sự sống hiệp thông với Đức Giê-su.
Sống Lời Chúa: Tập thực hành đức yêu thương và phục vụ trong những việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống thường ngày để dâng những công việc bác ái đó làm của lễ mỗi khi bạn tham dự bàn tiệc Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết noi gương Chúa: sống yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, nhỏ bé, bị quên lãng và cả những người thù ghét con vì Chúa đã để lại tấm gương đó cho chúng con như lời trăn trối cuối cùng: “Người ta cứ dấu đó mà nhận biết các con là môn đệ Thầy”. Amen.

18/04/14 THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
Ga 18,1-19,42

 
NGÀI ĐÃ CHẾT VÌ TÔI
Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. (Ga 19,17-18)
Suy niệm: Giáo Hội mời gọi con cái mình đặc biệt chiêm ngắm sự việc Chúa Giê-su chịu khổ nhục thập giá để chuộc tội cho con người. Chính Người đã tự nguyện vác lấy thập giá. Người tự hiến mình cho những thụ tạo mà Người yêu. Người chịu đóng đinh cùng với tên cướp để nói lên sự tự hạ tột cùng của Người, như có lời chép: “Người bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Những tên trộm không ai khác hơn là chính mỗi người chúng ta. Chẳng phải khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta lỗi nghĩa cùng Chúa và anh em, chúng ta đã tự tay lên án và đóng đinh Người vào thập giá đó sao? Ai đã từng biết yêu, ắt hiểu rằng tình yêu là cho đi, là dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Thế mà đã có nhiều lần chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta chưa thực sự nói bằng cả con tim của chính mình.
Mời Bạn: Thánh Bê-na-đô đã nói: “Chúa Ki-tô đã kích thích tình yêu nhân loại bằng cái chết của mình”. Bạn có cảm thấy mình được rung động bởi tình yêu thập giá Chúa hôm nay không?
Chia sẻ: Chúng ta cần có điều kiện gì, biện pháp gì để sống chấp nhận thập giá của mình như Chúa?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm cùng vác thánh giá với Chúa bằng một việc từ bỏ mình nào đó khi phục vụ anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con còn có thể nói gì trước tình thương bao la của Chúa dành cho con? Con chỉ biết cúi đầu xin Chúa ơn tha thứ và xin Chúa gia tăng tình yêu của Chúa trong con mỗi ngày một hơn. Amen.

19/04/14 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
 
CHÚA CHẾT
Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)
Mời Bạn đồng hành với Chúa Giê-su trên con đường thập giá và dừng lại trước cái chết của Người. Ai cũng mong có mặt bên người thân của mình trong những khoảnh khắc cuối cùng của người ấy. Dù là một bệnh nhân đang hấp hối trên giường hay một tử tội đang bị dẫn ra pháp trường xử bắn, đó bao giờ cũng là một khoảnh khắc hết sức thiêng liêng, một khoảnh khắc mầu nhiệm. Người thân của ta đang trải nghiệm nỗi chết! Kinh nghiệm này là của riêng người ấy, thuộc về một mình người ấy. Ta đứng đó, thiết tha muốn san sẻ, nhưng hiểu rằng mình không thể nào san sẻ được. Ta đứng đó, như để cho người thân mình vơi bớt nỗi cô đơn, nhưng kỳ thực là để nhìn ngắm nỗi cô đơn được người thân mình uống cạn. Ta đứng đó, lặng nhìn… Chúa Giê-su đã chết vì yêu ta. Tình yêu ấy trước hết gọi mời ta nếm cảm. Rồi, trong cuộc ‘đối thoại thinh lặng’ này, tình yêu của Người sẽ chinh phục và biến đổi ta, vừa trực tiếp vừa sâu xa hơn bất cứ thứ xúc cảm nào. Xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết ‘buông mọi khí giới xuống’, và để cho Ngài làm việc...
Suy niệm: Đọc chậm rãi, trình thuật khổ nạn theo Ga 18,1 – 19,42 với tất cả ý thức và tâm tình.
Sống Lời Chúa: Gác lại việc vui đùa, tiết chế ăn uống, gia tăng việc bác ái để đồng cảm với cuộc khổ nạn của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su khổ nạn, Chúa đã đi đến cùng con đường vâng phục Thánh ý Cha, và đã san sẻ đến cùng thân phận kiếp người. Xin cho chúng con, từ nay, dù trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, cũng đừng bao giờ quên rằng: ‘Chúa đã chết vì yêu tôi’. Để từ nay, chúng con chỉ còn một nghĩa sống và một nghĩa chết mà thôi.

20/04/14 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – A
Mừng Chúa Sống Lại
Ga 20,1-9

 
“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI NHƯ LỜI THÁNH KINH”
Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết. (Ga 20,9)
Suy niệm: Có những cái chết thật oan uổng: nửa đêm, đang ngủ trong nhà bị xe tải lạc tay lái đâm vào, sập nhà: chết! Có những cái chết thật bất ngờ: Chạy xe máy ngoài đường, bị va quẹt, xe cán: chết! Đối với nhiều người, cái chết là vô nghĩa, thậm chí thật phi lý bởi vì họ cho rằng nó là dấu chấm hết tuyệt đối của cuộc đời, của tất cả mọi sự. Đức Ki-tô phục sinh trả lời thoả đáng cho những vấn nạn tưởng chừng không có lời giải đó. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá đã xoá bỏ tội lỗi của toàn thể nhân loại. Đồng thời, khi chỗi dậy từ cõi chết, Ngài công bố cái chết không còn quyền chi với Ngài nữa, và Ngài mở đường đưa chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa là Cha Ngài và cũng là Cha chúng ta (x. Ga 20,17). Tất cả những điều đó không phải là tình cờ, mà đã được hiện thực “đúng như lời Thánh Kinh”.
Mời Bạn: Nhờ Chúa Ki-tô phục sinh, cái chết không còn là một kết thúc thảm hại nữa, trái lại giờ đây nó mở ra một cuộc sống mới đầy ý nghĩa và hy vọng: Nếu tôi tin vào Đức Ki-tô và cùng chết với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài sống lại và sống hạnh phúc mãi mãi (Rm 6,8; 2Tm 2,11). Vậy mời bạn đến gặp gỡ Chúa Ki-tô nơi Ngài vẫn hiện diện, đó là Lời Chúa và các Bí tích, để nhờ đó bạn càng thêm lòng tin vào Ngài và được sống đời đời với Ngài.
Sống Lời Chúa: Bạn dành thời gian suy niệm Lời Chúa hoặc viếng Thánh Thể để gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, Chúa đã hứa sẽ ở lại với con mọi ngày cho đến tận thế, xin đừng để con lìa xa Chúa bao giờ.

21/04/14 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15

 
TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI
Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Các phụ nữ bị coi là thua kém trong xã hội Do-thái lại đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Chúa Giê-su sống lại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui phục sinh cho các tông đồ; họ trở thành tông đồ của các tông đồ. Trong khi những người đàn ông như lính canh mồ, giới lãnh đạo ra sức đánh tráo dư luận, các môn đệ thân tín tỏ ra bị động, nghi ngờ thì các ba lại lên tiếng. Việc Đấng Phục Sinh ưu ái hiện ra và trao sứ vụ cho các bà là phần thưởng Ngài dành cho những tâm hồn yêu mến Ngài. Tin Mừng Phục Sinh không là của riêng ai mà là của mọi người, nam lẫn nữ, biết thao thức tìm kiếm, tin tưởng và sống niềm tin này.
Mời Bạn: Đỉnh điểm của công cuộc Phúc Âm Hóa là tin vào Đức Giê-su đã chết và sống lại để cứu độ con người, rồi trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng Phục Sinh ấy trong suy tư, lời nói và cách hành xử hằng ngày của mình. Bổn phận này không của riêng ai: bạn, tôi, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi...
Chia sẻ: Hãy nói về Chúa cho con cái, cho giáo dân, cho dự tòng... “như mẹ nói chuyện với con” (Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng, số 138).
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú ý lắng nghe và làm theo những điều Chúa dạy trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn của Giáo Hội, vì đó là tiếng của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con biết cách và can đảm nói về Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai mà con có bổn phận phải loan báo cách đặc biệt. Amen.

22/04/14 THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18

 
NGHE CHÚA GỌI TÊN TÔI
Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). (Ga 20,16)
Suy niệm: Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng trước ngôi mộ trống, đã không cầm được nỗi đau: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi!” Và bà khóc. Cả thiên thần và Chúa Giê-su đều hỏi bà cùng một câu hỏi: ‘Này bà, sao bà khóc?’ Ma-ri-a Mác-đa-la bị giam hãm trong nỗi đau vật vã vì thương khóc một Giê-su đã chết đến độ bà không còn lưu tâm đến sự gì khác, thậm chí khi chính Đức Giê-su sống lại và hiện đến đứng bên cạnh bà, bà cũng không nhận ra. Thế nhưng tâm hồn bà mở ra khi nghe Ngài gọi đích danh tên bà: “Ma-ri-a”. Bà đã đáp lại gần như tự phát: “Ráp-bu-ni”, “Lạy Thầy”, bởi vì trong lòng bà chỉ tồn tại giọng nói của duy một mình Thầy Giê-su mà bà luôn say mê lắng nghe.
Mời Bạn: Chúng ta thường để cho những công việc, những lo toan cuộc sống chi phối đến độ không còn chỗ cho lời Chúa nói trong tâm hồn nữa; và vì thế chúng ta cứ mãi quay quắt trong cái vòng lẩn quẩn những bận bịu riêng tư ích kỷ. Chỉ khi bạn chăm chú lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng cởi mở tâm hồn với Ngài, bạn mới có thể nghe được tiếng Chúa gọi bạn bằng chính tên bạn. Chỉ khi bạn biết xếp lại những bận tâm ích kỷ để quan tâm đến những người đang sống quanh bạn và nhất là những người thân trong gia đình, trong cộng đoàn của bạn, bạn mới có thể nhận Chúa Ki-tô vẫn đang hiện diện nơi họ.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp chương trình sống để có thời giờ suy niệm Lời Chúa cách cá nhân cũng như chung trong gia đình và cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa và nhận ra Chúa hiện diện trong anh chị em con.

23/04/14 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35

 
XIN CHÚA Ở LẠI VỚI CON
“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (Lc 24,29)
Suy niệm: Nỗi buồn bã và thất vọng trước cái chết đau thương của Thầy Giê-su, cũng như bao điều khúc mắc xung quanh việc Người có thật sự đã trỗi dậy hay không, có lẽ sẽ không được xua tan nếu hai môn đệ trên đường đi về quê Em-mau đã không mời vị lữ khách – Chúa Giê-su Phục Sinh – vào lưu lại trong nhà mình. Thật vậy, biến cố phục sinh của Đức Giê-su vẫn luôn là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của con người. Chỉ nhờ đức tin, nhờ được Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn mình qua cuộc sống kết hiệp mật thiết với Ngài mà chúng ta mới có thể cảm nghiệm được điều đó. Có Chúa Phục Sinh hiện diện, mọi lo âu, buồn bã và thất vọng, mọi băn khoăn, khúc mắc và nghi ngờ sẽ được xua tan. Thay vào đó, niềm tin và hy vọng, niềm vui và hạnh phúc sẽ ngập tràn. Mọi sự sẽ đổi mới với Đấng Phục Sinh.
Mời Bạn: Sống niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn luôn là một thách đố đối với người Ki-tô hữu, trong đó có bạn và tôi. Nó đòi hỏi chúng ta đổi mới cuộc sống mỗi ngày sao cho phù hợp với ơn phục sinh mà chúng ta đã lãnh nhận, hay nói cách rõ ràng hơn là biến cuộc đời mình thành chứng tá tình yêu và hy vọng cho con người ngày hôm nay. Muốn được như thế, chúng ta hãy luôn biết mời Chúa ở lại với chúng ta.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy cần Chúa Giê-su Phục Sinh ở trong cuộc đời của mình không? Có bao giờ bạn ý thức mời Chúa ở lại với bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Sống tin yêu và hy vọng để làm chứng Chúa đã phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin đến và ở lại với chúng con luôn mãi. Amen.

24/04/14 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48

 
ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN
“Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi … từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… Chính anh em là chứng nhân về những điều này.(Lc 24,46-48)
Suy niệm: Chỉ trong ít ngày, các môn đệ Chúa Ki-tô trải nghiệm đủ mọi sắc màu cảm xúc. Chưa hết kinh hoảng và trốn chui trốn nhủi vì Thầy mình bị bắt và chết thảm, các môn đệ lại ngỡ ngàng rồi bùng nổ với niềm vui gặp lại Ngài đang sống. Giờ đây các môn đệ lại được cuốn hút vào việc tiếp nối sứ mạng của Thầy mình là rao giảng và làm chứng cho muôn dân rằng Chúa Ki-tô đã chịu khổ hình, đã chết, và đã sống lại, và nhất là ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống đời đời với Ngài. Các tông đồ - và các thế hệ Ki-tô hữu xuyên suốt hai mươi thế kỷ nay - một khi đã tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, cũng đương nhiên trở thành những người được sai đi, rao giảng và làm chứng nhân cho Ngài.
Mời Bạn: Làm chứng nhân là người kể câu chuyện Đức Ki-tô phục sinh với tư cách một người trong cuộc. Câu chuyện “Chúa Phục sinh và tôi” cũng là câu chuyện của tôi, là điều tôi đã trải nghiệm. Tôi kể câu chuyện ấy như một chứng từ; nó có thể rất mộc mạc đơn sơ, nhưng chắc chắn đây là cách rất hữu hiệu để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng hôm nay. Người ta có thể phản đối những tuyên bố, thậm chí những tín biểu. Nhưng không ai phản đối một câu chuyện, nhất là câu chuyện về kinh nghiệm của một người trong cuộc.
Sống Lời Chúa: Tôi không ngại chia sẻ cho người khác về câu chuyện đức tin của mình, về tầm quan trọng của Chúa Giê-su trong cuộc đời tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục sinh, xin giúp con trở thành chứng nhân đích thực của Chúa trong đời sống mình.

25/04/14 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14

 
ĐỨC GIÊ-SU VẪN “TỎ MÌNH RA…”
Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a. (Ga 21,1)
Suy niệm: Thiên Chúa là “Đấng vô hình” (Dt 11,27); Ngài vốn “ẩn mình” nhưng khi Ngài phán dạy thì không “ẩn mình” nữa (x. Is 45,15.19). Thật thế, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1), vị Thánh Tử đó là Đức Giê-su Ki-tô, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Như vậy, Thiên Chúa “vô hình” (“ẩn mình”) đã trở nên “hữu hình” (“tỏ mình”) để hiện diện với chúng ta qua Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể. Cái chết của Ngài đã khiến các môn đệ “không trông thấy Thầy” trong một ít lâu, nhưng rồi “lại trông thấy Thầy” khi Ngài từ cõi chết chỗi dậy (x. Ga 16,16). Ngài hằng sống, nên hôm nay, tại biển hồ Ti-bê-ri-a, tức là trên biển trần gian này, Ngài “lại tỏ mình ra cho các môn đệ”, nghĩa là cho cả chúng ta nữa. Và Ngài “tỏ mình ra” như thế “để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (Kinh nguyện tạ ơn IV).
Mời Bạn: “Thiên Chúa im lặng không có nghĩa là Thiên Chúa vắng mặt” (Đức Bê-nê-đi-tô XVI). Ngài vẫn hiện diện bên ta trong Lời Chúa, nơi Thánh Thể và nhiều hình thức khác nữa. Bạn có tin tưởng Ngài vẫn hiện diện Chúa “với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nhất là trong lúc chúng ta gặp gian nan thử thách không? Nếu đã tin vào một Thiên Chúa “tỏ mình” cho con người, thì bạn cũng hãy mạnh dạn “tỏ mình” ra là người tin vào Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy là cách thể hiện lòng tin của bạn vào Chúa Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Đức Ki-tô Phục sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con.

26/04/14 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15

 
ĐỨC KI-TÔ ĐANG SỐNG
Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giê-su phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Ma-ri-a Mác-đa-la và các phụ nữ theo Chúa, nhóm 12 tông đồ và hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ. Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Ki-tô phục sinh hiện đến để cho họ thấy rằng Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Ki-tô khác, nhưng là một Đức Ki-tô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Ki-tô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Ki-tô phục sinh: loan đi, kể lại niềm vui này cho người khác, như Ma-ri-a Mác-đa-la, như hai môn đệ Em-mau… Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Chung quanh bạn có ai đó đang túng thiếu, bạn đến chia sẻ; có ai đó đang gặp chuyện đau buồn, bệnh tật, bạn đến thăm viếng, an ủi. Nhất là có tín hữu nào lơ là trong việc sống đạo, bạn đến thăm, chia sẻ niềm vui được Chúa Ki-tô Phục sinh với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ tin mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.

27/04/14 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – A
Kính lòng Chúa thương xót
Ga 20,19-31

 
VÌ TIN NÊN THẤY
Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hay tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,27-29)
Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tô-ma. Thật là oan cho ông Tô-ma! Ta không nên trách ông cứng tin, trái lại, phải cám ơn ông, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Ki-tô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi phải thấy tận mắt, sờ tận tay các vết thương của Đức Giê-su thì mới tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.
Mời Bạn: Củng cố lại niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh, điều quan trọng nhất đối với Ki-tô hữu. Tô-ma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: nhờ tin Đức Giê-su phục sinh bạn có thể thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: 1/ Ý thức Chúa Ki-tô phục sinh đang hiện diện đây, xin Ngài giúp bạn sống Tin Mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2/ Làm việc bác ái cho những người sống bên cạnh bạn để loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.

28/04/14 THỨ HAI TUẦN 2 PS
Th. Phê-rô Sa-nen, linh mục, tử đạo
Ga 3,1-8

 
KHÁT KHAO ƠN TÁI SINH
“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)
Suy niệm: Ông Ni-cô-đê-mô muốn đến gặp Đức Ki-tô nhưng lại “mắc cỡ” vì sĩ diện, vì ngại lời dèm pha, hay vì lý do gì gì khác nữa… Hiển nhiên điều đó là có thật vì ông đã không dám đường đường đến gặp Chúa giữa ban ngày ban mặt mà lại âm thầm gặp gỡ giữa đêm hôm. Dù thế ông vẫn được vén màn để lĩnh hội điều ông vẫn ngấm ngầm khao khát, đó là được ơn tái sinh. Tái sinh là tình trạng của một tâm hồn được ân sủng Thiên Chúa biến đổi từ tình trạng chết chóc vì tội lỗi sang cuộc sống mới, cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa. Tác nhân cho cuộc tái sinh của con người là nước và Thánh Thần. Trong bí tích Rửa tội, nước để thanh tẩy tội con người chính là Máu Chúa Ki-tô, và ơn đức tin ban cho con người chính là sức mạnh Thần Khí của Chúa Ki-tô. Mặt khác, ơn tái sinh có thông ban qua bí tích Rửa tội thật đấy, nhưng không phải là hễ cầm chiếc vé đó là đủ để lọt qua cánh cửa bước vào sự sống vĩnh cửu. Ơn tái sinh của bí tích Rửa tội chỉ mới gieo mầm cho cuộc sống mới, nó còn phải tăng trưởng liên tục cho tới ngày hoàn tất trong cuộc sống mai sau.
Mời Bạn: Phần bạn có bao giờ bạn cảm nhận được nỗi khao khát học biết về Chúa, được Chúa biến đổi và thuộc về Chúa mãi mãi chăng?
Chia sẻ: Bạn có bao giờ phát hiện nơi người chung quanh hay có khi nơi chính bạn, những Ni-cô-đê-mô ngày nay, những người luôn khao khát tìm gặp Thiên Chúa dù chưa biết Ngài không ?
Sống Lời Chúa: Bạn dành thời gian để suy niệm Lời Chúa ngày mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn khát khao tìm kiếm Chúa.

29/04/14 THỨ BA TUẦN 2 PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 3,7b-15

 
SINH RA BỞI THẦN KHÍ
“Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3,8)
Suy niệm: Mặc cho cái định nghĩa “khô như ngói” của các nhà khoa học rằng “gió” là hiện tượng chuyển động của không khí trên diện rộng, gió vẫn còn nguyên sức hấp dẫn huyền bí của nó như J.R.R. Tolkien (Ton-kin), tác giả cuốn tiểu thuyết thời danh “Chúa Tể những chiếc nhẫn”, đã ca ngợi: “Không tiếng nói, vẫn kêu gào; không đôi cánh, vẫn bay cao.” Chúa Giê-su cũng sánh ví hoạt động của Chúa Thánh Thần như ngọn gió thần linh: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, không ai biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (x. Ga 3,8). Người ta chỉ nhận ra gió hoạt động chứ không thấy gió là gì. Cũng thế, Chúa Thánh Thần hoạt động cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, hữu hiệu nơi những người “được sinh bởi Thần Khí”. Các tông đồ là chứng nhân về những điều ấy cũng được tràn đầy Thánh Thần trong ngọn gió thần linh của ngày lễ Ngũ Tuần để nhờ đó các ngài đã làm biến đổi thế giới.
Mời Bạn: Giờ đây, nhờ bí tích Rửa tội, bạn “sinh ra bởi Thần Khí” nên bạn cũng “sống theo Thần Khí”, đó là biết từ bỏ những đam mê xác thịt và làm trổ sinh những “hoa quả của Thần Khí” để nhờ đó thế giới này được tốt đẹp hơn.
Sống Lời Chúa: Đọc thư thánh Phao-lô (Rm 8,1-13; Gl 5,16-24) để hiểu bạn phải làm gì để “sống theo Thần Khí”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đừng để cho ngày nào qua đi mà chúng con không kêu cầu Chúa, không cảm tạ Chúa, không thờ lạy Chúa, không mến yêu Chúa, không sống như những đồ đệ chăm chỉ của Chúa. Chúng con xin Chúa ban ơn ấy cho chúng con. (Chiara Lubich)

30/04/14 THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Th. Pi-ô V, giáo hoàng
Ga 3,16-21

 
TIN VÀO CON THIÊN CHÚA
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Những câu chuyện tình làm rung động trái tim con người của mọi thời đại, như chuyện tình Romeo (Rô-mê-ô) và Juliet (Giu-li-ét) chẳng hạn, bao giờ cũng tán dương nét đẹp cao cả và đầy kịch tính của tình yêu là những người yêu nhau sẵn sàng làm tất cả để được sống bên nhau mãi mãi kể cả liều thân chịu chết để nếu không thể cùng sống thì được cùng chết với nhau. Kể chuyện Giê-su chính là kể chuyện tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu ấy lớn đến nỗi Thiên Chúa thí cả mạng sống của Con duy nhất của Ngài để cho muôn người được sống. Điều đáng nói ở đây, chuyện tình Giê-su ấy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà là hành động mà Thiên Chúa đã thực hiện thực sự: Thiên Chúa đã cho Con của Ngài chết đi để đền tội thay cho loài người và lại cho Con của Ngài sống lại để “ai tin vào Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.”
Bạn ơi, bạn có cảm thấy nhói lòng rung động vì Thiên Chúa yêu bạn đến nên nông nỗi ấy không? Nếu bạn không thể thờ ơ trước tình yêu của ai đó dám sống và dám chết cho bạn, thì bạn càng không thể vô cảm khi biết rằng Chúa yêu bạn mãnh liệt gấp bội phần như thế. Điều Chúa mong mỏi nơi bạn là bạn đặt niềm tin vào Chúa để được sống muôn đời với Ngài. Chúa đang hỏi bạn: “Con có tin như thế không?” (Ga 11,26). Bạn trả lời cho Chúa nhé!
Sống Lời Chúa: Hôn kính thánh giá để nói lên lòng tin của mình nơi Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa con tin. Xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của con.” 01/04/14 THỨ BA TUẦN 4 MC
Ga 5,1-3.5-16

 
LÀ BẠN CỦA NGƯỜI KHỔ ĐAU
Đức Giê-su... biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5,6)
Suy niệm: “Mãi là người đến sau”, tên một bài hát, chính là thân phận của người đau ốm trong bài Tin Mừng. Đã 38 năm nay, anh vẫn mãi là người đến sau: “Khi tôi đến đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Cuộc đời anh lặng lẽ trôi qua trong cô độc, không ai giúp đưa anh xuống hồ trước tiên để được khỏi bệnh. Rồi Đức Giê-su xuất hiện và thấy anh. Ngài gợi cho anh ước muốn rũ bỏ cuộc sống buồn sầu và thụ động. Ngài mời gọi anh đừng ngồi chờ phép lạ, nhưng cộng tác với Ngài bằng cách làm điều mà 38 năm nay anh chưa bao giờ làm được: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” Với quyết tâm của ý chí, khát khao của ước muốn, cùng với quyền năng Ngài, anh đã thành công.
Mời Bạn: Những trang Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su luôn ưu ái những kẻ cô thế cô thân, sẵn lòng nâng đỡ những người không ai quan tâm. Ngài là bạn của những con người khổ đau, không có bạn hữu trên đời. Hãy chọn Ngài làm bạn thân của đời mình, bạn sẽ có người luôn thông cảm, chia sẻ tất cả những gì vui buồn sướng khổ trong cuộc đời. Bạn có nỗ lực sống tình bạn hữu với những người cô độc, kém may mắn không?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này tôi sẽ dành thời gian -thay vì thư giãn giải trí theo sở thích riêng- để nâng đỡ, thăm viếng, an ủi một người đang buồn sầu, đau khổ, bệnh tật...
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn là người bạn với những ai cô đơn, buồn sầu. Xin giúp chúng con biết sống theo gương Chúa: mở đôi mắt nhìn thấy những người khổ đau, mở quả tim để yêu mến, mở đôi tay để diễn tả tình thương mến ấy cho con người. Amen.

02/04/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. Phan-xi-cô Pao-la, ẩn tu
Ga 5,17-30


ĐỪNG NGĂN CẢN THIÊN CHÚA!
Đức Giê-su tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Ngài phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình. (Ga 5,17-18)
Suy niệm: Có lẽ một trong những khó khăn của Chúa Giê-su khi rao giảng là diễn tả về mầu nhiệm Thiên Chúa cho con người. Mầu nhiệm Thiên Chúa là điều cao siêu, vượt quá lý trí vốn có giới hạn của con người. Thử tưởng tượng một người yêu loài bò đến nỗi tình nguyện trở thành một con bò. Đang khi tư tưởng, ngôn ngữ loài người phong phú, tình cảm dạt dào, còn với loài bò thì tất cả đều hạn hẹp, làm sao diễn tả về con người huyền nhiệm ấy cho các con bò hiểu được. Với Đức Giê-su cũng vậy, "Trời cao hơn đất chừng nào thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng loài người chừng ấy" (Is 55,9). Điều trớ trêu là, thay vì đón nhận tình yêu tự hạ của Thiên Chúa, con người lại loại bỏ Ngài, chỉ vì Ngài hành động không đúng với suy nghĩ của họ.
Mời Bạn: Không chỉ trở nên một con người, Thiên Chúa còn hạ mình trở thành tấm bánh không mùi, không vị nơi bí tích Thánh Thể. Thật là mầu nhiệm cao cả, cho thấy tình yêu tự hạ của Thiên Chúa. Nhưng đây cũng là điều khó chấp nhận đối với những ai không có lòng tin!
Chia sẻ: Chúa Giê-su thường bị từ chối bởi những hạng người nào?
Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian ít phút sau khi hiệp lễ để ở lại tâm sự với Chúa Giê-su Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương chúng con, Chúa đã không ngại mặc lấy thân phận thấp hèn. Xin cho con biết đón Chúa một cách đơn sơ và phó thác như trẻ nhỏ. Amen.

03/04/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Ga 5,31-47

 
“HƯƠNG NGƯỢC GIÓ”
“Phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,36)
Suy niệm: Trong bài Hương ngược gió, tác giả, một Phật tử, kể chuyện bố chồng cô bị bệnh tim, hay ngất xỉu. Mỗi lần như thế, các giáo dân một xóm đạo ở Thốt Nốt (Cần Thơ) luôn giúp đỡ gia đình cô. Chứng kiến người Ki-tô hữu sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, người Phật tử ấy rất cảm kích và muốn kể lại như một lời chứng (Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 10/1/1999). Thật vậy, dân chúng thời nào cũng đòi hỏi cuộc sống chứng tá của các Ki-tô hữu. Đã lãnh nhan bí tích thánh tẩy, người Ki-tô trở nên người môn đệ-nhà truyền giáo được Chúa chọn và sai đi loan báo Tin Mừng. Chứng tá cao đẹp và đáng tin cậy nhất là khi đời sống hằng ngày sóng đôi với việc tuyên xưng niềm tin. “Hương thơm của các loài hoa không bay ngược gió. Chỉ có hương người đức hạnh mới ngược gió tung bay.”
Mời Bạn: Bạn được Thiên Chúa chọn và giao phó sứ mạng làm chứng cho Chúa. Vậy lời bạn nói, việc bạn làm, suy nghĩ của bạn có phản ánh Tin Mừng của Chúa Giê-su? Đâu là cách bạn thể hiện đức tin đáng cho kẻ khác tin?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cố gắng tỏa hương thơm Tin Mừng qua cách hành xử thông cảm, quảng đại, yêu thương...
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn mượn đôi tay, đôi chân, con tim và khối óc của con để đến vơi con người hôm nay, diễn tả lòng Chúa yêu thương cứu độ. Xin cho con biết ra sức Phúc âm hóa bản thân, và làm lan tỏa hương thơm niềm tin qua đời sống chứng tá của con mỗi ngày. Amen.

04/04/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. I-xi-đo-rô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 7,1-2.10.25-30

 
BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT
“Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi.(Ga 7,28-29)
Suy niệm: Biết một người thường được hiểu là biết những tương quan của người ấy, nhất là về nguồn gốc như cha mẹ, dòng họ, quê quán... Người Do-thái nghĩ rằng họ đã biết tỏ tường về Chúa Giê-su khi nắm bắt được cội nguồn của Ngài: Chúng tôi biết ông ấy xuất phát từ đâu rồi. Do đó, ông ấy cũng chẳng có điều gì ngoại thường và chắc chắn không phải là Đức Ki-tô! Thật ra, không phải tương quan sinh học hay địa lý đã làm nên Đấng Ki-tô, mà chính là mối tương quan thâm sâu mầu nhiệm với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Chúa Giê-su khẳng định: để biết Ngài, người ta phải biết tương quan căn bản nhất làm nên con người Ngài là tương quan Con Một với Cha trên trời.
Mời Bạn: Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhận định: “Nhờ đức tin, con người bày tỏ sự ưng thuận của mình với chứng tá của Thiên Chúa.” Thiên Chúa không ai thấy bao giờ và chỉ có Chúa Giê-su là Đấng biết Chúa Cha và chính Ngài mạc khải cho chúng ta. Chúa Giê-su làm chứng cho ta về Chúa Cha bằng mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho mình qua Chúa Giê-su, nhất là trong Tuần Thánh sắp tới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con chưa bao giờ biết được Chúa Cha, nhưng chính Chúa đã mạc khải cho chúng con bằng những dụ ngôn, qua cuộc sống, và qua cái chết cùng sự phục sinh của Chúa. Xin cho chúng con nhìn ngắm chính Chúa để xác quyết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Amen.

05/04/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. Vinh-sơn Phê-ri-ô, linh mục
Ga 7,40-53

 
ĐỨC GIÊ-SU, SỰ THẬT BỊ DẬP VÙI
“Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?(Ga7,48)
Suy niệm: Gần 28 triệu lượt người đã xem trên Youtube về cô bé 12 tuổi nói chuyện tại hội nghị quốc tế về môi trường tại Rio de Janeiro năm 1992. Cô bé Severn Suzuki ấy đã nói về những gì mà người lớn đang làm và hủy hoại hành tinh này từng ngày từng giờ, và đang cướp mất sự sống của thế hệ tương lai. Điều đáng ghi nhận là toàn thể cử tọa, gồm các quan chức của Liên Hiệp Quốc, đã ngoan ngoãn lắng nghe, bởi cô bé này nói đúng quá và thuyết phục quá. Những người Pha-ri-sêu không có được thái độ tôn trọng sự thật như thế. Nghe các vệ binh trầm trồ về Ngài, họ bảo mấy anh này lú lẫn. Nghe dân chúng thán phục Ngài, họ bảo đúng là đám dân đen bị nguyền rủa. Rồi khi được Ni-cô-đê-mô là một người trong số họ nhắc nhở, họ lại cho rằng ông là kẻ ngốc nghếch. Người ta có thể cứng cỏi đến mức đó! Và sự cứng cỏi này dẫn đến cái chết của Con Thiên Chúa!
Mời Bạn đi vào trong tâm tư của Chúa Giê-su để đồng cảm với nỗi cay đắng của thiện chí bị chà đạp, của tình yêu bị từ khước, và của sự thật bị dập vùi. Phải chăng ngày nay, trong đời sống đạo đời của chúng ta, không đang diễn ra một mặt trận đấu tranh gay gắt giữa sự thật và sự dối trá, giữa lương tâm và sự cố chấp, giữa  ý thức trách nhiệm và thói cường quyền vô trách nhiệm?
Sống Lời Chúa: Tôi kiên trung đứng về phía sự thật, ngay cả những khi mà điều này đòi tôi phải trả giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là sự thật, nhưng Chúa đã bị loại trừ bởi sự cứng cỏi đẫm màu tham vọng và ích kỷ của con người. Xin cho con luôn  chọn Chúa và trung thành với Chúa.

06/04/14 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – A
Ga 11,1-45

 
TIN VÀO ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?(Ga 11,25-26)
Suy niệm: Chỉ còn hai tuần nữa chúng ta mừng biến cố quan trọng nhất trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu: Chúa Ki-tô phục sinh. Thế nhưng chúng ta không chỉ kỷ niệm biến cố đó như một sự kiện trong quá khứ, mà còn cử hành hồng ân sự sống cho chúng ta hôm nay và mãi muôn đời. Khi chứng kiến những người thân ra đi, nhất là ra đi đột ngột, tang gia buồn sầu, chỉ thấy khung trời mịt mù đầy nước mắt. Nếu không có niềm tin vào sự sống lại và sự sống muôn đời sau cái chết, thì cái gì sẽ nâng đỡ, an ủi tang gia trước sự phi lý của cái chết? Đấng đã không kết thúc cuộc đời trong nấm mồ, nhưng đã ra khỏi mồ trong vinh quang, Đấng ấy có thể đưa ta đến vinh quang phục sinh với Ngài. Chúng ta tin và tôn thờ Đấng ấy.
Mời Bạn: Kinh nghiệm trong những lúc phải tiễn đưa người thân về nơi an nghỉ có làm bạn mạnh mẽ hơn trong niềm tin vào sự sống lại của thân xác không?
Sống Lời Chúa: Viếng nghĩa trang và suy niệm việc Chúa chịu an táng trong huyệt đá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin rằng sự chết là một phần của sự sống. Con tin rằng mỗi khi chúng con bước từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của cuộc đời, thì đều có một cái gì đó chết đi và một cái gì đó mới sinh ra. Con tin rằng chúng con nếm mùi sự chết trong những lúc cô đơn, phiền muộn, thất vọng, thất bại, bị ruồng bỏ. Với đức tin của người tín hữu, con tin rằng cái chết không dập tắt được ánh sáng, mà chỉ là tắt đèn đi ngủ. Amen.
(Dựa theo Anon, “Tôi tin vào sự chết”)

07/04/14 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,1-11

 
THẢ HÒN ĐÁ TRÊN TAY XUỐNG
“Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.” (Ga 8,6)
Suy niệm: Đây là chỗ duy nhất sách Tin Mừng cho biết Đức Giê-su viết, viết trên đất, mà viết đến hai lần. Thế thì Ngài đã viết gì? Thánh Giê-rô-ni-mô cho rằng Đức Giê-su đã viết tội của những kẻ tố cáo người phụ nữ (theo Gr 17,13). Phải chăng Ngài vạch những đường nét trên đất, cố ý tạo ra những khoảng lặng để lương tâm lên tiếng nói nơi tâm hồn những người đang lăm lăm cầm đá trong tay. Sự tự tin của những người tố cáo, sự cam chịu của người phụ nữ và sự căng thẳng của đám đông cuối cùng được giải gỡ: - “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” - “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chị được tha thứ và được mời gọi bước vào một con đường mới với một trách nhiệm, thách đố mới: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Mời Bạn: Hôm đó Đức Giê-su đã viết trong quả tim mỗi người chữ “tình thương và tha thứ.” Những hòn đá chờ ném đi được lặng lẽ thả xuống, khi những người đang cầm chúng nhận ra rằng không ai là người vô tội trước mặt Thiên Chúa. Bạn cũng được mời gọi làm một cuộc hoán cải như thế: thanh thản hạ xuống hòn đá kết án tha nhân để mở ra cho họ một con đường hoán cải tựa như Chúa đã làm cho bạn.
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi ghi nhớ tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa trong đời mình, để có cái nhìn và đối xử khoan dung hơn với anh chị em chung quanh tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã nhắc chúng con nhớ không ai  vô tội trước mặt Chúa. Xin cho chúng con ghi nhớ sự thật này mỗi khi chúng con muốn lên án người khác. Amen.

08/04/14 THỨ BA TUẦN 5 MC
Th. Ta-nít-lao, giám mục, tử đạo
Ga 8,21-30

 
TIN VÀO ĐẤNG HẰNG HỮU
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)
Suy niệm: “Tôi Hằng Hữu” có nghĩa Chúa Giê-su là Thiên Chúa, vô thủy vô chung, hiện hữu từ muôn đời. Thế nhưng, Ngài không phải là vị chúa xa cách, xa lạ với con người. Ngài là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Đấng đã nhập thể làm người, đồng hành với con người, thấu hiểu nỗi khổ của con người. Thế nhưng, cả hai danh hiệu ấy chỉ có thể tỏ hiện khi Ngài được giương cao trên thập giá. Nhìn lên thập giá, ta nhận ra tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Nơi thập giá, ta nhận ra tình yêu quá lớn Chúa Cha dành cho nhân loại, khi ban tặng món quà quý nhất là chính Con Một mình. Nhìn lên thập giá và tin vào tình yêu Chúa qua Đức Giê-su, ta nhận được ơn cứu độ, được cất khỏi gánh nặng của tội lỗi.
Mời Bạn: Cái chết của Đức Giê-su, Đấng vô tội, là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và nguồn mạch ơn tha thứ cho muôn người. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bạn cảm nhận được điều đó khi nhìn ngắm Đấng vô tội trở thành con chiên gánh tội, và chịu giương cao trên thập giá để xoá bỏ tội trần gian. Rồi chính bạn cũng được mời gọi gương cao trên thập giá của đời mình, qua những hy sinh, khổ chế... để kéo người khác lên với Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi sốt sắng tham dự các nghi thức mùa Chay như đi đàng Thánh Giá, ngắm 15 sự Thương Khó...
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chúa và là Thiên Chúa của con! Xin cho con nhận ra Chúa luôn ở với con, đồng hành và sống trong con để mọi việc con làm góp phần làm rạng Danh Chúa và mưu ích cho anh chị em. Amen.

09/04/14 THỨ TƯ TUẦN 5 MC
Ga 8,31-42

 
NÔ LỆ VÀ TỰ DO
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, các ông thật là môn đệ tôi... Tôi bảo thật các ông: Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.” (Ga 8,31.34)
Suy niệm: Người Do-thái luôn tự hào là con cháu Áp-ra-ham nên tự cho mình là người tự do, không làm nô lệ ai. Đúng là Áp-ra-ham có hai con trai, một sinh bởi người nô lệ, một sinh bởi người tự do, mà họ thì được sinh bởi bà Sa-ra, người vợ tự do. Nhưng thực ra họ chỉ đúng một nửa. Họ chỉ là con cái Áp-ra-ham theo huyết thống, còn những việc Áp-ra-ham đã làm thì họ không làm. Áp-ra-ham, cha của họ được kể là công chính “không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì” (Rm 4,10). Không phải máu huyết, mà là lòng trung thành với giao ước với Thiên Chúa mới làm cho họ thành con cháu Áp-ra-ham đích thực.
Mời Bạn: Những người Pha-ri-sêu đang tự hào ảo! Coi chừng chúng ta cũng có thể dẫm vào vết chân xưa đó của họ khi ta cho mình hơn người vì là đạo dòng, là trí thức, hay có công có của giúp Giáo Hội... Nếu không thận trọng và tiếp tục làm theo lời Chúa dạy thì ta vẫn là nô lệ cho những gì mà mình vốn tự hào.
Chia sẻ: Đáng cảm phục thay những anh chị em vừa sống vị tha, lại vừa sống khiêm nhường, nhiệm nhặt. Mùa Chay không chỉ nhịn vài bữa ăn theo luật dạy, nhưng còn “phải yêu mến Chúa Giê-su” (câu 42) qua người anh chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: Có những thói quen khiến ta trở thành nô lệ cho chúng. Nhờ tĩnh tâm, bạn hãy khám phá cho ra để khắc phục.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến để thi hành thánh ý Chúa Cha. Xin cho con cũng biết từ bỏ những gì con đang làm nô lệ, để trở nên thanh thoát hơn mà phụng sự Chúa. Amen.

10/04/14 THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59

 
SẼ KHÔNG BAO GIỜ PHẢI CHẾT
Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)
Suy niệm: Đây không phải là lần duy nhất Đức Giê-su cho biết khả năng “không bao giờ phải chết” của những ai tin vào Người, tuân giữ lời Người (x. Ga 11,26). Đã không bắt được ý nghĩa “tự do/nô lệ” trong phần trước của diễn từ này, những người Do-thái tiếp tục bắt hụt ý nghĩa của “sống/chết” mà Đức Giê-su muốn vén mở. Và một lần nữa, chính não trạng tự mãn và ỷ lại đã giam hãm họ trong ngục tù u minh: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết... Ông tự coi mình là ai?” Họ không thấy được ý nghĩa “chết” nào khác hơn là cái chết thể lý ở cuối đường đời của mỗi người – và vì thế cũng chẳng ý niệm được gì về sự sống tâm linh, về đời sống vĩnh cửu...
Mời Bạn hãy để cho sứ điệp Lời Chúa thấm nhập vào đáy lòng bạn: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết.” Không bao giờ phải chết! Nghĩa là từ sống đi đến... sống. Chỉ có một sự sống, nhưng đổi trạng thái, đổi cấp độ mà thôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi trào lưu vô thần thực tiễn, chỉ lo tranh thủ cho cuộc sống đời này; hoặc cũng có thể bị cám dỗ bởi một lối đạo đức lệch lạc, có tính thụ động, yếm thế, chỉ bận tâm đến cuộc sống sau cái chết đến nỗi chẳng thực sự sống trước cái chết gì cả!
Chia sẻ: Nền văn hoá sự chết đang gây những tác hại nào cho sự sống đời đời?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm một việc cụ thể để “tuân giữ Lời Chúa”, để “không bao giờ phải chết”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời Chúa là sự sống của con. Xin cho con biết chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày.

11/04/14 THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Ga 10,32-42

 
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM
“Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,38)
Suy niệm: Một mẫu người lý tưởng mẫu người ngôn hành hiệp nhất, nghĩa là có những lời nói hay, kèm theo những việc làm tốt đẹp. Việc làm cũng là một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ của hành động, và thứ ngôn ngữ này có sức mạnh, có sức tác động hơn cả những lời nói hùng hồn nhất: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Đức Giê-su là Vị Thầy có những lời dạy tuyệt vời, tuyệt vời đến nỗi các vệ binh được trát đi bắt Người, đã mải mê nghe Người giảng, quên mất nhiệm vụ bắt Người, về còn trả lời các vị thượng tế rằng: “Chưa có ai nói hay như ông này.” Tuy nhiên, người còn là vị Thầy tuyệt vời hơn nữa ở chỗ Người mời gọi người ta lượng giá Người không phải dựa trên lời nói của Người, mà là dựa trên những gì tốt đẹp Người đã làm.
Mời Bạn: Xét xem bạn có phải là người trung thực không? Giữa điều bạn suy nghĩ và bạn nói có khoảng cách nào không? Giữa điều bạn nói và bạn làm có khoảng cách nào không?
Chia sẻ: Để sống trung thực như Chúa Giê-su đã dạy và đã làm, tôi sẽ làm gì để lời nói của tôi đi đôi với việc làm?
Sống Lời Chúa: Để sống trung thực như Chúa dạy, theo như người mẫu Giê-su, bạn hãy làm trước nói sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là vị Thầy tuyệt vời, hoàn hảo vì lời Chúa nói luôn đi đôi với việc Chúa làm. Xin cho chúng con cũng biết noi theo mẫu gương của Chúa, để từ nay, chúng con tập sống trung thực, vừa nói, vừa rao giảng những điều tốt đẹp và sống những điều ấy. Amen.

12/04/14 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-56

 
CÙNG CHẾT ĐI VỚI CHÚA
Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối! (Ga 11,51-52)
Suy niệm: Ngày 8/3 vừa qua, chuyến bay MH 370 của Malaysia Airlines mất tích. Những gì xảy đến cho chiếc MH370 đó vẫn còn là bí ẩn, nhưng hiển nhiên là một hoặc một vài người trong tổ lái đã đóng vai trò định mệnh đối với số phận của 239 sinh linh trên chuyến bay này. Suy rộng ra số phận của nhân loại cũng không khác. Chỉ vì tội của A-đam mà cả nhân loại phải mang án tử. Và nay, qua miệng của giới lãnh đạo Do-thái, Chúa Giê-su cũng đóng vai trò người cơ trưởng trong chuyến bay của nhân loại tiến về cõi sống vĩnh cửu; tuy nhiên khác điều này là Chúa “chịu chết thay cho toàn dân, và khi sống lại, Ngài “quy tụ con cái Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”, và mối đó chính là hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Mời Bạn: Nhờ một người chết đi mà muôn người khỏi phải chết; nhờ một người sống lại muôn người được sống hạnh phúc mãi mãi (Rm 5,15-17). Nhờ bí tích Rửa tội, ta được tham dự vào mầu nhiệm chết đi và sống lại của Chúa Giê-su được tháp nhập vào trong Ngài, cùng chết đi với Ngài để cùng được sống lại với Người.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm đóng đinh những gì thuộc về con người cũ nơi tôi: tội lỗi, tham lam, ích kỷ kiêu căng, giả dối... để sự sống của Chúa Ki-tô ngày càng được hiển hiện nơi tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết để cho con được sống muôn đời. Xin cho con sẵn lòng giết chết những tham lam, ích kỷ, kiêu căng, giả dối để con được sống mãi mãi với Chúa.

13/04/14 CHÚA NHẬT LỄ LÁ – A
Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa
Mt 21,1-11
Bài Thương Khó: Mt 26,14-27-66

 
ÁNH SÁNG LÒNG THƯƠNG XÓT
Các môn đệ dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên... Đám đông reo hò vang dậy: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21,7.9)
Suy niệm: Ngày Lễ Lá khởi đầu bằng một niềm vui, niềm vui rước Chúa vào thành như một vị vua, và kết thúc bằng một nỗi buồn, nỗi buồn Chúa chịu khổ nạn. Bài Thương Khó ngày Lễ Lá còn đem đến cho ta bao điều tương phản khác: môn đệ hèn nhát chạy trốn, Phi-la-tô hèn nhát rửa tay, Thầy can đảm bình thản đón nhận; tương phản với lửa hận thù hừng hực, Đức Giê-su luôn tỏa ánh sáng dịu dàng của lòng thương xót: thương xót Phê-rô, thương xót người trộm hối cải, thương xót tha thứ cho quân lính độc ác, và cho cả người Do-thái đang nhạo cười; đối diện với những bạo tàn đến cực độ của con người, Đức Giê-su lại bày tỏ lòng yêu mến cho đến tận cùng của mình.
Mời Bạn cảm nhận được lòng thương xót của Chúa dành cho bạn. Bạn đừng sống tuần thánh, những ngày khổ nạn của Chúa, như một khách qua đường, như đang xem một cuộn phim, mà hãy sống với cả tâm tình yêu mến của mình.
Chia sẻ: Trong Tuần Thánh này, tôi, gia đình tôi, nhóm của tôi sẽ làm gì để chia sẻ đau khổ của Chúa nơi những anh chị em chung quanh?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian đọc cả bài hoặc một phần bài Thương khó, để nhận ra và cảm nếm tình thương của Chúa qua từng hoạt cảnh ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn bày tỏ lòng thương xót yêu thương trong cuộc Khổ nạn. Xin cho chúng con cũng biết sống lòng thương xót ấy với mọi người.

14/04/14 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11

 
GIU-ĐA ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-SU
“Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế không phải vì y lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp. (Ga 12,5-6)
Suy niệm: Người thầy nào cũng muốn môn đệ của mình trở thành người tốt, người hữu ích cho cho người khác. Nếu chẳng may người học trò nào biến chất trở thành người trộm cắp và gian dối, thì chắc chắn người thầy sẽ vô cùng đau khổ. Quả vậy, Đức Giê-su đã phải đau khổ vì Giu-đa. Ngài đã đích thân chọn ông làm tông đồ, dạy dỗ ông, lại còn tín nhiệm giao cho ông giữ túi tiền chung của nhóm, thế mà Giu-đa đã lạm dụng sự tín nhiệm của Thầy mình để ăn cắp và còn giả hình giả bộ, tỏ vẻ quan tâm tới người nghèo để tạo tấm bình phong che đậy lòng tham của mình. Thực sự Giu-đa đã đóng đinh Đức Giê-su rồi qua việc ăn cắp và sự giả dối của ông.
Mời Bạn: Chúng ta thường nghĩ những đau khổ Đức Giê-su phải chịu là bị đánh đòn, sỉ nhục, phải đội mão gai, phải vác thập giá, phải chịu đóng đinh, v.v.; và rồi chịu chết. Nhưng đó không phải là tất cả những đau khổ Đức Giê-su phải chịu. Trước đó, Người đã chịu đau khổ vì tội ăn cắp và gian dối của Giu-đa. Giờ đây, Người vẫn tiếp tục chịu đau khổ vì tội loài người. Mỗi khi chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta lại tiếp tục đóng đinh Người!
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm thế nào khi bạn chiến thắng được một cơn cám dỗ và nhờ đó bạn đã không đóng đinh Chúa bằng tội lỗi của bạn?
Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh trong việc ăn uống hoặc chi tiêu để cùng vác thập giá với Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng từ nay biết xa tránh tội lỗi và chỉ làm những điều đẹp lòng Chúa.

15/04/14 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

 
TRUNG THÀNH VỚI TÌNH YÊU
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy… Gà chưa gáy anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13,21.38)
Suy niệm: Hãy cứ đặt mình vào vị trí của Đức Giê-su để thấy được nỗi đau buồn, xót xa đang diễn ra trong tâm hồn của Ngài. Xuống thế để cứu chuộc con người, nhưng trớ trêu thay, khi sứ mạng đến hồi kết thúc thì Ngài lại bị chính con người phản bội. Mà kẻ phản bội ở đây, lại là chính những môn đệ thân tín của mình. Chúng ta như muốn trách móc những con người phản bội, những môn đệ vô ơn… Thế nhưng câu chuyện xưa kia van còn nguyên tính thời sự: Sự chối từ Thiên Chúa, phản bội lại tình yêu của Ngài vẫn ứng vào chúng ta hôm nay, vẫn còn nhan nhản đó đây trong cuộc sống. Con người phản bội đó có thể là chính bản thân mỗi người. “Trông người mà nghĩ đến ta”! Chúng ta hãy nhìn những tấm gương tày liếp của các môn đệ phản thầy đó như một bài học để ta biết sống cho phải đạo đối với Thiên Chúa của mình.
Mời Bạn: Là môn đệ của Thầy Giê-su, chúng ta có đồng cảm và chia sẻ sứ mạng của Ngài chưa? Thiết nghĩ, điều tối thiểu mà mỗi người chúng ta phải có, đó là lòng trung thành với Thầy Giê-su. Trong tâm tình phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta bày tỏ tình yêu cảm thông, chia sẻ với Thầy Giê-su trong việc hoàn thành sứ mạng cứu độ. Mời bạn tự vấn: Điều gì đang ngăn cản tôi sống trung tín với Thầy Giê-su?
Chia sẻ: Điều gì khác giữa Phê-rô và Giu-đa sau khi chối bỏ Thầy Giê-su?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và xin ơn sống trung thành với tình yêu Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con và đừng để chúng con phài lìa xa Chúa bao giờ. Amen.

16/04/14 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25

 
ĐỨC GIÊ-SU, NGƯỜI BỊ PHẢN BỘI
“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Mt 26,21)
Suy niệm: Chúa Giê-su vẫn bị mang tiếng là hay giao du với những kẻ tội lỗi, với quân thu thuế. Chúa dạy chúng ta tránh xa tội lỗi chứ không tránh xa người có tội. Với tính cách đó, hôm nay Ngài cũng đồng bàn với Giu-đa, người đã có ý định phản bội nộp Ngài. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi người tội lỗi sám hối như hôm nay Ngài chờ đợi ở Giu-đa. Ngài đã dùng cử chỉ và lời nói để khơi động lòng ăn năn hối lỗi của ông – “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” – nhưng lương tâm của Giu-đa không còn bén nhạy nữa, ông đã liều mình đi vào đêm tối của tội lỗi; tiền bạc đã chiếm chỗ trong trái tim Giu-đa, không còn chỗ đứng cho Chúa Giê-su nữa. Chúa Giê-su hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người, ngay cả để cứu rỗi con người, Ngài cũng muốn con người tự do cộng tác.
Mời Bạn: Hãy để ý và lắng nghe từng lời nói của Chúa trong cuộc sống bạn; có khi Ngài cảnh báo bạn đang có nguy cơ đi lạc xa Ngài. Chỉ khi lắng nghe bạn mới nhận ra Ngài muốn bạn làm gì.
Sống Lời Chúa: Dốc lòng chừa một tội mà bạn hay phạm nhất. Và khi có ai đó nhắc nhở về một khuyết điểm hay góp ý xây dựng cho bạn về một điều gì đó, bạn không bực tức, tự ái nhưng hãy lắng nghe, xét mình cho kỹ để nhận ra điều mà bạn cần sửa chữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cứu chuộc chúng con bằng một giá rất đắt là bằng chính mạng sống của Ngài. Cái chết của Chúa là hậu quả của lòng tham lam, ghen ghét, kiêu ngạo... của chúng con chứ không phải chỉ là tội của Giuđa hay của ai khác. Xin ban cho chúng con lòng thống hối ăn năn và biết chê ghét tội trên hết mọi sự. Amen.

17/04/14 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15

 
KÉO DÀI BỮA TIỆC HIỆP THÔNG
Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13,1)
Suy niệm: Chúa Giê-su thường dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời, Hôm nay, Ngài đã dùng chính bữa tiệc, bữa tiệc cuối cùng của đời Ngài trên trần gian để nói cho các môn đệ về tình yêu thương phục vụ, hiệp thông và chia sẻ. Bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giê-su đã lập trong đêm thứ Năm Thánh là bằng chứng rõ rệt nhất của tình yêu. Và cho đến hôm nay, hơn 2000 năm đã qua đi, bữa tiệc ấy vẫn luôn hiện thực trên các bàn thờ trong các thánh lễ.
Mời Bạn: Để tiếp tục “tình yêu đến cùng” của Chúa Giê-su, chúng ta phải kéo dài bữa tiệc hiệp thông trên bàn thờ trong thánh lễ thành bữa tiệc hiệp thông trên bàn thờ thế giới này, nghĩa là trong cuộc sống, nơi trường học, công sở, xí nghiệp, v.v… bằng cách tiếp tục công việc hiến mình vì yêu của Chúa Giê-su qua đời sống bác ái phục vụ của bạn. Khi tái diễn hành động yêu thương, tha thứ, phục vụ trên những bàn thờ đó, chúng ta mới thực sự sống hiệp thông với Đức Giê-su.
Sống Lời Chúa: Tập thực hành đức yêu thương và phục vụ trong những việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống thường ngày để dâng những công việc bác ái đó làm của lễ mỗi khi bạn tham dự bàn tiệc Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết noi gương Chúa: sống yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, nhỏ bé, bị quên lãng và cả những người thù ghét con vì Chúa đã để lại tấm gương đó cho chúng con như lời trăn trối cuối cùng: “Người ta cứ dấu đó mà nhận biết các con là môn đệ Thầy”. Amen.

18/04/14 THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
Ga 18,1-19,42

 
NGÀI ĐÃ CHẾT VÌ TÔI
Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. (Ga 19,17-18)
Suy niệm: Giáo Hội mời gọi con cái mình đặc biệt chiêm ngắm sự việc Chúa Giê-su chịu khổ nhục thập giá để chuộc tội cho con người. Chính Người đã tự nguyện vác lấy thập giá. Người tự hiến mình cho những thụ tạo mà Người yêu. Người chịu đóng đinh cùng với tên cướp để nói lên sự tự hạ tột cùng của Người, như có lời chép: “Người bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Những tên trộm không ai khác hơn là chính mỗi người chúng ta. Chẳng phải khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta lỗi nghĩa cùng Chúa và anh em, chúng ta đã tự tay lên án và đóng đinh Người vào thập giá đó sao? Ai đã từng biết yêu, ắt hiểu rằng tình yêu là cho đi, là dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Thế mà đã có nhiều lần chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta chưa thực sự nói bằng cả con tim của chính mình.
Mời Bạn: Thánh Bê-na-đô đã nói: “Chúa Ki-tô đã kích thích tình yêu nhân loại bằng cái chết của mình”. Bạn có cảm thấy mình được rung động bởi tình yêu thập giá Chúa hôm nay không?
Chia sẻ: Chúng ta cần có điều kiện gì, biện pháp gì để sống chấp nhận thập giá của mình như Chúa?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm cùng vác thánh giá với Chúa bằng một việc từ bỏ mình nào đó khi phục vụ anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con còn có thể nói gì trước tình thương bao la của Chúa dành cho con? Con chỉ biết cúi đầu xin Chúa ơn tha thứ và xin Chúa gia tăng tình yêu của Chúa trong con mỗi ngày một hơn. Amen.

19/04/14 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
 
CHÚA CHẾT
Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)
Mời Bạn đồng hành với Chúa Giê-su trên con đường thập giá và dừng lại trước cái chết của Người. Ai cũng mong có mặt bên người thân của mình trong những khoảnh khắc cuối cùng của người ấy. Dù là một bệnh nhân đang hấp hối trên giường hay một tử tội đang bị dẫn ra pháp trường xử bắn, đó bao giờ cũng là một khoảnh khắc hết sức thiêng liêng, một khoảnh khắc mầu nhiệm. Người thân của ta đang trải nghiệm nỗi chết! Kinh nghiệm này là của riêng người ấy, thuộc về một mình người ấy. Ta đứng đó, thiết tha muốn san sẻ, nhưng hiểu rằng mình không thể nào san sẻ được. Ta đứng đó, như để cho người thân mình vơi bớt nỗi cô đơn, nhưng kỳ thực là để nhìn ngắm nỗi cô đơn được người thân mình uống cạn. Ta đứng đó, lặng nhìn… Chúa Giê-su đã chết vì yêu ta. Tình yêu ấy trước hết gọi mời ta nếm cảm. Rồi, trong cuộc ‘đối thoại thinh lặng’ này, tình yêu của Người sẽ chinh phục và biến đổi ta, vừa trực tiếp vừa sâu xa hơn bất cứ thứ xúc cảm nào. Xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết ‘buông mọi khí giới xuống’, và để cho Ngài làm việc...
Suy niệm: Đọc chậm rãi, trình thuật khổ nạn theo Ga 18,1 – 19,42 với tất cả ý thức và tâm tình.
Sống Lời Chúa: Gác lại việc vui đùa, tiết chế ăn uống, gia tăng việc bác ái để đồng cảm với cuộc khổ nạn của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su khổ nạn, Chúa đã đi đến cùng con đường vâng phục Thánh ý Cha, và đã san sẻ đến cùng thân phận kiếp người. Xin cho chúng con, từ nay, dù trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, cũng đừng bao giờ quên rằng: ‘Chúa đã chết vì yêu tôi’. Để từ nay, chúng con chỉ còn một nghĩa sống và một nghĩa chết mà thôi.

20/04/14 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – A
Mừng Chúa Sống Lại
Ga 20,1-9

 
“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI NHƯ LỜI THÁNH KINH”
Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết. (Ga 20,9)
Suy niệm: Có những cái chết thật oan uổng: nửa đêm, đang ngủ trong nhà bị xe tải lạc tay lái đâm vào, sập nhà: chết! Có những cái chết thật bất ngờ: Chạy xe máy ngoài đường, bị va quẹt, xe cán: chết! Đối với nhiều người, cái chết là vô nghĩa, thậm chí thật phi lý bởi vì họ cho rằng nó là dấu chấm hết tuyệt đối của cuộc đời, của tất cả mọi sự. Đức Ki-tô phục sinh trả lời thoả đáng cho những vấn nạn tưởng chừng không có lời giải đó. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá đã xoá bỏ tội lỗi của toàn thể nhân loại. Đồng thời, khi chỗi dậy từ cõi chết, Ngài công bố cái chết không còn quyền chi với Ngài nữa, và Ngài mở đường đưa chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa là Cha Ngài và cũng là Cha chúng ta (x. Ga 20,17). Tất cả những điều đó không phải là tình cờ, mà đã được hiện thực “đúng như lời Thánh Kinh”.
Mời Bạn: Nhờ Chúa Ki-tô phục sinh, cái chết không còn là một kết thúc thảm hại nữa, trái lại giờ đây nó mở ra một cuộc sống mới đầy ý nghĩa và hy vọng: Nếu tôi tin vào Đức Ki-tô và cùng chết với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài sống lại và sống hạnh phúc mãi mãi (Rm 6,8; 2Tm 2,11). Vậy mời bạn đến gặp gỡ Chúa Ki-tô nơi Ngài vẫn hiện diện, đó là Lời Chúa và các Bí tích, để nhờ đó bạn càng thêm lòng tin vào Ngài và được sống đời đời với Ngài.
Sống Lời Chúa: Bạn dành thời gian suy niệm Lời Chúa hoặc viếng Thánh Thể để gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, Chúa đã hứa sẽ ở lại với con mọi ngày cho đến tận thế, xin đừng để con lìa xa Chúa bao giờ.

21/04/14 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15

 
TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI
Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Các phụ nữ bị coi là thua kém trong xã hội Do-thái lại đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Chúa Giê-su sống lại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui phục sinh cho các tông đồ; họ trở thành tông đồ của các tông đồ. Trong khi những người đàn ông như lính canh mồ, giới lãnh đạo ra sức đánh tráo dư luận, các môn đệ thân tín tỏ ra bị động, nghi ngờ thì các ba lại lên tiếng. Việc Đấng Phục Sinh ưu ái hiện ra và trao sứ vụ cho các bà là phần thưởng Ngài dành cho những tâm hồn yêu mến Ngài. Tin Mừng Phục Sinh không là của riêng ai mà là của mọi người, nam lẫn nữ, biết thao thức tìm kiếm, tin tưởng và sống niềm tin này.
Mời Bạn: Đỉnh điểm của công cuộc Phúc Âm Hóa là tin vào Đức Giê-su đã chết và sống lại để cứu độ con người, rồi trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng Phục Sinh ấy trong suy tư, lời nói và cách hành xử hằng ngày của mình. Bổn phận này không của riêng ai: bạn, tôi, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi...
Chia sẻ: Hãy nói về Chúa cho con cái, cho giáo dân, cho dự tòng... “như mẹ nói chuyện với con” (Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng, số 138).
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú ý lắng nghe và làm theo những điều Chúa dạy trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn của Giáo Hội, vì đó là tiếng của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con biết cách và can đảm nói về Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai mà con có bổn phận phải loan báo cách đặc biệt. Amen.

22/04/14 THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18

 
NGHE CHÚA GỌI TÊN TÔI
Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). (Ga 20,16)
Suy niệm: Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng trước ngôi mộ trống, đã không cầm được nỗi đau: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi!” Và bà khóc. Cả thiên thần và Chúa Giê-su đều hỏi bà cùng một câu hỏi: ‘Này bà, sao bà khóc?’ Ma-ri-a Mác-đa-la bị giam hãm trong nỗi đau vật vã vì thương khóc một Giê-su đã chết đến độ bà không còn lưu tâm đến sự gì khác, thậm chí khi chính Đức Giê-su sống lại và hiện đến đứng bên cạnh bà, bà cũng không nhận ra. Thế nhưng tâm hồn bà mở ra khi nghe Ngài gọi đích danh tên bà: “Ma-ri-a”. Bà đã đáp lại gần như tự phát: “Ráp-bu-ni”, “Lạy Thầy”, bởi vì trong lòng bà chỉ tồn tại giọng nói của duy một mình Thầy Giê-su mà bà luôn say mê lắng nghe.
Mời Bạn: Chúng ta thường để cho những công việc, những lo toan cuộc sống chi phối đến độ không còn chỗ cho lời Chúa nói trong tâm hồn nữa; và vì thế chúng ta cứ mãi quay quắt trong cái vòng lẩn quẩn những bận bịu riêng tư ích kỷ. Chỉ khi bạn chăm chú lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng cởi mở tâm hồn với Ngài, bạn mới có thể nghe được tiếng Chúa gọi bạn bằng chính tên bạn. Chỉ khi bạn biết xếp lại những bận tâm ích kỷ để quan tâm đến những người đang sống quanh bạn và nhất là những người thân trong gia đình, trong cộng đoàn của bạn, bạn mới có thể nhận Chúa Ki-tô vẫn đang hiện diện nơi họ.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp chương trình sống để có thời giờ suy niệm Lời Chúa cách cá nhân cũng như chung trong gia đình và cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa và nhận ra Chúa hiện diện trong anh chị em con.

23/04/14 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35

 
XIN CHÚA Ở LẠI VỚI CON
“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (Lc 24,29)
Suy niệm: Nỗi buồn bã và thất vọng trước cái chết đau thương của Thầy Giê-su, cũng như bao điều khúc mắc xung quanh việc Người có thật sự đã trỗi dậy hay không, có lẽ sẽ không được xua tan nếu hai môn đệ trên đường đi về quê Em-mau đã không mời vị lữ khách – Chúa Giê-su Phục Sinh – vào lưu lại trong nhà mình. Thật vậy, biến cố phục sinh của Đức Giê-su vẫn luôn là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của con người. Chỉ nhờ đức tin, nhờ được Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn mình qua cuộc sống kết hiệp mật thiết với Ngài mà chúng ta mới có thể cảm nghiệm được điều đó. Có Chúa Phục Sinh hiện diện, mọi lo âu, buồn bã và thất vọng, mọi băn khoăn, khúc mắc và nghi ngờ sẽ được xua tan. Thay vào đó, niềm tin và hy vọng, niềm vui và hạnh phúc sẽ ngập tràn. Mọi sự sẽ đổi mới với Đấng Phục Sinh.
Mời Bạn: Sống niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn luôn là một thách đố đối với người Ki-tô hữu, trong đó có bạn và tôi. Nó đòi hỏi chúng ta đổi mới cuộc sống mỗi ngày sao cho phù hợp với ơn phục sinh mà chúng ta đã lãnh nhận, hay nói cách rõ ràng hơn là biến cuộc đời mình thành chứng tá tình yêu và hy vọng cho con người ngày hôm nay. Muốn được như thế, chúng ta hãy luôn biết mời Chúa ở lại với chúng ta.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy cần Chúa Giê-su Phục Sinh ở trong cuộc đời của mình không? Có bao giờ bạn ý thức mời Chúa ở lại với bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Sống tin yêu và hy vọng để làm chứng Chúa đã phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin đến và ở lại với chúng con luôn mãi. Amen.

24/04/14 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48

 
ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN
“Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi … từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… Chính anh em là chứng nhân về những điều này.(Lc 24,46-48)
Suy niệm: Chỉ trong ít ngày, các môn đệ Chúa Ki-tô trải nghiệm đủ mọi sắc màu cảm xúc. Chưa hết kinh hoảng và trốn chui trốn nhủi vì Thầy mình bị bắt và chết thảm, các môn đệ lại ngỡ ngàng rồi bùng nổ với niềm vui gặp lại Ngài đang sống. Giờ đây các môn đệ lại được cuốn hút vào việc tiếp nối sứ mạng của Thầy mình là rao giảng và làm chứng cho muôn dân rằng Chúa Ki-tô đã chịu khổ hình, đã chết, và đã sống lại, và nhất là ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống đời đời với Ngài. Các tông đồ - và các thế hệ Ki-tô hữu xuyên suốt hai mươi thế kỷ nay - một khi đã tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, cũng đương nhiên trở thành những người được sai đi, rao giảng và làm chứng nhân cho Ngài.
Mời Bạn: Làm chứng nhân là người kể câu chuyện Đức Ki-tô phục sinh với tư cách một người trong cuộc. Câu chuyện “Chúa Phục sinh và tôi” cũng là câu chuyện của tôi, là điều tôi đã trải nghiệm. Tôi kể câu chuyện ấy như một chứng từ; nó có thể rất mộc mạc đơn sơ, nhưng chắc chắn đây là cách rất hữu hiệu để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng hôm nay. Người ta có thể phản đối những tuyên bố, thậm chí những tín biểu. Nhưng không ai phản đối một câu chuyện, nhất là câu chuyện về kinh nghiệm của một người trong cuộc.
Sống Lời Chúa: Tôi không ngại chia sẻ cho người khác về câu chuyện đức tin của mình, về tầm quan trọng của Chúa Giê-su trong cuộc đời tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục sinh, xin giúp con trở thành chứng nhân đích thực của Chúa trong đời sống mình.

25/04/14 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14

 
ĐỨC GIÊ-SU VẪN “TỎ MÌNH RA…”
Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a. (Ga 21,1)
Suy niệm: Thiên Chúa là “Đấng vô hình” (Dt 11,27); Ngài vốn “ẩn mình” nhưng khi Ngài phán dạy thì không “ẩn mình” nữa (x. Is 45,15.19). Thật thế, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1), vị Thánh Tử đó là Đức Giê-su Ki-tô, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Như vậy, Thiên Chúa “vô hình” (“ẩn mình”) đã trở nên “hữu hình” (“tỏ mình”) để hiện diện với chúng ta qua Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể. Cái chết của Ngài đã khiến các môn đệ “không trông thấy Thầy” trong một ít lâu, nhưng rồi “lại trông thấy Thầy” khi Ngài từ cõi chết chỗi dậy (x. Ga 16,16). Ngài hằng sống, nên hôm nay, tại biển hồ Ti-bê-ri-a, tức là trên biển trần gian này, Ngài “lại tỏ mình ra cho các môn đệ”, nghĩa là cho cả chúng ta nữa. Và Ngài “tỏ mình ra” như thế “để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (Kinh nguyện tạ ơn IV).
Mời Bạn: “Thiên Chúa im lặng không có nghĩa là Thiên Chúa vắng mặt” (Đức Bê-nê-đi-tô XVI). Ngài vẫn hiện diện bên ta trong Lời Chúa, nơi Thánh Thể và nhiều hình thức khác nữa. Bạn có tin tưởng Ngài vẫn hiện diện Chúa “với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nhất là trong lúc chúng ta gặp gian nan thử thách không? Nếu đã tin vào một Thiên Chúa “tỏ mình” cho con người, thì bạn cũng hãy mạnh dạn “tỏ mình” ra là người tin vào Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy là cách thể hiện lòng tin của bạn vào Chúa Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Đức Ki-tô Phục sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con.

26/04/14 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15

 
ĐỨC KI-TÔ ĐANG SỐNG
Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giê-su phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Ma-ri-a Mác-đa-la và các phụ nữ theo Chúa, nhóm 12 tông đồ và hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ. Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Ki-tô phục sinh hiện đến để cho họ thấy rằng Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Ki-tô khác, nhưng là một Đức Ki-tô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Ki-tô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Ki-tô phục sinh: loan đi, kể lại niềm vui này cho người khác, như Ma-ri-a Mác-đa-la, như hai môn đệ Em-mau… Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Chung quanh bạn có ai đó đang túng thiếu, bạn đến chia sẻ; có ai đó đang gặp chuyện đau buồn, bệnh tật, bạn đến thăm viếng, an ủi. Nhất là có tín hữu nào lơ là trong việc sống đạo, bạn đến thăm, chia sẻ niềm vui được Chúa Ki-tô Phục sinh với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ tin mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.

27/04/14 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – A
Kính lòng Chúa thương xót
Ga 20,19-31

 
VÌ TIN NÊN THẤY
Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hay tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,27-29)
Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tô-ma. Thật là oan cho ông Tô-ma! Ta không nên trách ông cứng tin, trái lại, phải cám ơn ông, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Ki-tô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi phải thấy tận mắt, sờ tận tay các vết thương của Đức Giê-su thì mới tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.
Mời Bạn: Củng cố lại niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh, điều quan trọng nhất đối với Ki-tô hữu. Tô-ma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: nhờ tin Đức Giê-su phục sinh bạn có thể thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: 1/ Ý thức Chúa Ki-tô phục sinh đang hiện diện đây, xin Ngài giúp bạn sống Tin Mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2/ Làm việc bác ái cho những người sống bên cạnh bạn để loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.

28/04/14 THỨ HAI TUẦN 2 PS
Th. Phê-rô Sa-nen, linh mục, tử đạo
Ga 3,1-8

 
KHÁT KHAO ƠN TÁI SINH
“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)
Suy niệm: Ông Ni-cô-đê-mô muốn đến gặp Đức Ki-tô nhưng lại “mắc cỡ” vì sĩ diện, vì ngại lời dèm pha, hay vì lý do gì gì khác nữa… Hiển nhiên điều đó là có thật vì ông đã không dám đường đường đến gặp Chúa giữa ban ngày ban mặt mà lại âm thầm gặp gỡ giữa đêm hôm. Dù thế ông vẫn được vén màn để lĩnh hội điều ông vẫn ngấm ngầm khao khát, đó là được ơn tái sinh. Tái sinh là tình trạng của một tâm hồn được ân sủng Thiên Chúa biến đổi từ tình trạng chết chóc vì tội lỗi sang cuộc sống mới, cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa. Tác nhân cho cuộc tái sinh của con người là nước và Thánh Thần. Trong bí tích Rửa tội, nước để thanh tẩy tội con người chính là Máu Chúa Ki-tô, và ơn đức tin ban cho con người chính là sức mạnh Thần Khí của Chúa Ki-tô. Mặt khác, ơn tái sinh có thông ban qua bí tích Rửa tội thật đấy, nhưng không phải là hễ cầm chiếc vé đó là đủ để lọt qua cánh cửa bước vào sự sống vĩnh cửu. Ơn tái sinh của bí tích Rửa tội chỉ mới gieo mầm cho cuộc sống mới, nó còn phải tăng trưởng liên tục cho tới ngày hoàn tất trong cuộc sống mai sau.
Mời Bạn: Phần bạn có bao giờ bạn cảm nhận được nỗi khao khát học biết về Chúa, được Chúa biến đổi và thuộc về Chúa mãi mãi chăng?
Chia sẻ: Bạn có bao giờ phát hiện nơi người chung quanh hay có khi nơi chính bạn, những Ni-cô-đê-mô ngày nay, những người luôn khao khát tìm gặp Thiên Chúa dù chưa biết Ngài không ?
Sống Lời Chúa: Bạn dành thời gian để suy niệm Lời Chúa ngày mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn khát khao tìm kiếm Chúa.

29/04/14 THỨ BA TUẦN 2 PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 3,7b-15

 
SINH RA BỞI THẦN KHÍ
“Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3,8)
Suy niệm: Mặc cho cái định nghĩa “khô như ngói” của các nhà khoa học rằng “gió” là hiện tượng chuyển động của không khí trên diện rộng, gió vẫn còn nguyên sức hấp dẫn huyền bí của nó như J.R.R. Tolkien (Ton-kin), tác giả cuốn tiểu thuyết thời danh “Chúa Tể những chiếc nhẫn”, đã ca ngợi: “Không tiếng nói, vẫn kêu gào; không đôi cánh, vẫn bay cao.” Chúa Giê-su cũng sánh ví hoạt động của Chúa Thánh Thần như ngọn gió thần linh: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, không ai biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (x. Ga 3,8). Người ta chỉ nhận ra gió hoạt động chứ không thấy gió là gì. Cũng thế, Chúa Thánh Thần hoạt động cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, hữu hiệu nơi những người “được sinh bởi Thần Khí”. Các tông đồ là chứng nhân về những điều ấy cũng được tràn đầy Thánh Thần trong ngọn gió thần linh của ngày lễ Ngũ Tuần để nhờ đó các ngài đã làm biến đổi thế giới.
Mời Bạn: Giờ đây, nhờ bí tích Rửa tội, bạn “sinh ra bởi Thần Khí” nên bạn cũng “sống theo Thần Khí”, đó là biết từ bỏ những đam mê xác thịt và làm trổ sinh những “hoa quả của Thần Khí” để nhờ đó thế giới này được tốt đẹp hơn.
Sống Lời Chúa: Đọc thư thánh Phao-lô (Rm 8,1-13; Gl 5,16-24) để hiểu bạn phải làm gì để “sống theo Thần Khí”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đừng để cho ngày nào qua đi mà chúng con không kêu cầu Chúa, không cảm tạ Chúa, không thờ lạy Chúa, không mến yêu Chúa, không sống như những đồ đệ chăm chỉ của Chúa. Chúng con xin Chúa ban ơn ấy cho chúng con. (Chiara Lubich)

30/04/14 THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Th. Pi-ô V, giáo hoàng
Ga 3,16-21

 
TIN VÀO CON THIÊN CHÚA
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Những câu chuyện tình làm rung động trái tim con người của mọi thời đại, như chuyện tình Romeo (Rô-mê-ô) và Juliet (Giu-li-ét) chẳng hạn, bao giờ cũng tán dương nét đẹp cao cả và đầy kịch tính của tình yêu là những người yêu nhau sẵn sàng làm tất cả để được sống bên nhau mãi mãi kể cả liều thân chịu chết để nếu không thể cùng sống thì được cùng chết với nhau. Kể chuyện Giê-su chính là kể chuyện tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu ấy lớn đến nỗi Thiên Chúa thí cả mạng sống của Con duy nhất của Ngài để cho muôn người được sống. Điều đáng nói ở đây, chuyện tình Giê-su ấy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà là hành động mà Thiên Chúa đã thực hiện thực sự: Thiên Chúa đã cho Con của Ngài chết đi để đền tội thay cho loài người và lại cho Con của Ngài sống lại để “ai tin vào Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.”
Bạn ơi, bạn có cảm thấy nhói lòng rung động vì Thiên Chúa yêu bạn đến nên nông nỗi ấy không? Nếu bạn không thể thờ ơ trước tình yêu của ai đó dám sống và dám chết cho bạn, thì bạn càng không thể vô cảm khi biết rằng Chúa yêu bạn mãnh liệt gấp bội phần như thế. Điều Chúa mong mỏi nơi bạn là bạn đặt niềm tin vào Chúa để được sống muôn đời với Ngài. Chúa đang hỏi bạn: “Con có tin như thế không?” (Ga 11,26). Bạn trả lời cho Chúa nhé!
Sống Lời Chúa: Hôn kính thánh giá để nói lên lòng tin của mình nơi Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa con tin. Xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của con.” 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log