Thứ tư, 08/01/2025

Trung Thực

Cập nhật lúc 09:01 20/03/2016
Trung thực là sự ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật.
Levtoltoy đã viết câu chuyện “chú bé chăn cừu”:
Ở một làng nọ ven rừng sâu, có một chú bé chăn cừu tinh nghịch thường hay nói dối xí gạt người khác. Một hôm đang chăn bầy cừu ở cánh đồng cỏ ven rừng, bỗng chú bé chạy về làng la to lên rằng: “Các ông bà ơi! Mau ra giúp cháu với: Có một bầy sói đông lắm đang cắn xé đàn cừu nhà cháu”. Nghe tiếng kêu cứu, mọi người tưởng thật liền tức tốc mang theo cuốc xẻng gậy gộc chạy theo chú bé, đến nơi thì không thấy tăm hơi đàn sói đâu cả, còn đàn cừu vẫn đang an lành gặm cỏ. Khi bị mọi người vặn hỏi, chú bé vừa cười vừa nói: “Cháu nói thế mà mọi người cũng tin hay sao?”, rồi chú ta ôm bụng cười về sự dễ tin của dân làng. Sau đó ít hôm, lần này có đàn sói kéo đến thật. Chú bé liền ba chân bốn cẳng chạy về làng kêu cứu như lần trước. Nhưng chú kêu rát cả họng mà dân làng vẫn làm ngơ và không một ai chịu ra giúp đỡ, khiến đàn cừu bị bầy sói dữ cắn xé tất cả, vì dân làng tin rằng chú bé lại xí gạt họ một lần nữa.

Đó là hậu quả của sự không trung thực trong lời nói, là tác hại của thói hay nói dối xí gạt người khác. Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất của mỗi người là chữ “tín”. Nếu đánh mất nó, đồng nghĩa với đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của tha nhân đối với mình. Thế nhưng, tại thời điểm này, nơi xã hội chúng ta việc nói dối lại trở thành tệ nạn, nói dối như ranh. Ở nhà con cái nói dối bố mẹ lấy tiền bỏ học chơi điện tử, mua sắm tiêu vặt, ăn hút lêu lổng. Vợ chồng nói dối nhau. Ra ngoài xã hội, bạn bè nói dối nhau để giương vây dựng cánh, để được bốc thơm, ngụy quân tử; cơ quan nói dối nhau để khoe thành tích, khoe tài, thăng quan tiến chức, ăn cắp, tham ô, tranh quyền nhặt lợi, làm đảo lộn luân thường, nhân tâm bại hoại...

Hệ lụy này từ đâu? Muốn cho con hay ăn chóng lớn, người lớn bảo: Ăn đi mai bố cho đi công viên mua ôtô, tàu hỏa, cho đi ăn kem; hay người mẹ: “Ăn đi không ngáo ộp bắt”... Trẻ tưởng thật ăn một vài lần rồi chẳng thấy kem, thấy ôtô đâu và cũng chẳng thấy ngáo ộp đâu khi nó không ăn. Thế là lâu dần nó biết đấy là truyện bịa, rồi trơ ra.

Nói dối tự ngấm vào con trẻ lúc nào không hay. Chuyện như vậy vẫn thường xẩy ra, trẻ bị nhiễm, coi nói dối là đương nhiên, không phải thói xấu... Ra xã hội thì lại bảo: “Thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm”; “thật thà là cha thằng dại”…Nếu mình trung thực trong việc làm, thành thật trong lời nói thì là thằng khờ, thằng dại chỉ có mà nghèo suốt đời và không cẩn thận trong nhiều trường hợp sẽ mang họa vào thân... Vì cả xã hội đều là dối trá. Niềm tin của con người thời nay bị đánh cắp, nói dối và thiếu trung thực trở thành căn bệnh truyền nhiễm mãn tính nơi xã hội. Xã hội là như thế. Vậy mà khi nhìn vào đời sống của người Kitô, có nhiều người phải thốt lên rằng: “Tin đạo chứ không tin người có đạo”; hay “tin Chúa chứ đừng tin kẻ theo Chúa”. Thật đau lòng! Lẽ nào ta không nhìn lại mình xem tại sao họ lại nói vậy ? Vì nhiều người khi đến nhà thờ thì miệng cầu kinh mà ra khỏi đó thì lại chửi tục, thề gian... lời nói lại không đi đôi với hành động, tâm nghĩ tư suy một kiểu nhưng lại nói và làm một nẻo... Nên ta trở thành kẻ giả đạo.

Giữa lúc sự dối trá đang tràn ngập khắp nơi nơi, thì lời kêu mời sống cho sự thật, trung thực trong lời nói và việc làm nơi Chúa Giêsu lại vang lên để mỗi người biết tìm lại chính mình mà xây dựng niềm tin trong cuộc đời và xã hội nhiễu nhương này. Chúa phán: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ” (Mt 5, 37). Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải trung thực trong lời nói, đó là dấu của người con Chúa. Ngài không chấp nhận lời nói thiếu trung thực, thiếu ngay thật. Có lần Ngài đã quở trách nặng nề những người Pharisêu và Kinh sư là những kẻ giả hình: “Họ nói mà không làm, họ chất gánh nặng lên vai người khác, còn chính họ một ngón tay cũng không đụng vào.

Vậy trung thực là gì? Có thể hiểu trung thực là sự ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Ngược với điều đó là nói dối, vu khống, xuyên tạc, hứa mà không làm, hẹn mà không giữ... Đức tính trung thực của một người thể hiện qua lối sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mắc khuyết điểm, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối xí gạt người khác, lấy cái của người khác làm của mình. Tuy nhiên, không phải sự thật nào cũng nói ra. Có những sự thật không cần phải nói ra vì tinh thần bác ái, có những sự thật không buộc phải nói với người không cần phải biết. Khi nói về sự thật nhà thơ Phùng Quân đã từng viết:
“Con ơi! Trước khi nhắm mắt,
Cha con dặn con
Suốt đời phải làm người chân thật.
Mẹ ơi! Chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi! Một người chân thật:
Thấy vui, muốn cười, cứ cười.
Thấy buồn, muốn khóc, cứ khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu”.
Trung thực hay thật thà là vậy!

Và nơi Đức Kitô ta sẽ tìm thấy thế nào là một sự thật trọn vẹn. Chính Ngài đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Con đường Ngài đi là con đường sự thật, con đường ấy đưa Ngài tới sự sống. Cả con người, lời nói, hành động và toàn bộ cuộc đời của Ngài là một minh chứng cụ thể cho lời nói và lối sống trung thực của mình. Đứng trước Philatô Chúa Giêsu đã nói cho ông ấy biết rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này:  là làm chứng cho sự thật.  Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37).

Mục đích Đức Giêsu đến Trần gian không phải là để hành xử quyền bính, nhưng là “làm chứng cho sự thật”. Thực vậy, Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã xuống thế làm người theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Do quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đã được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Người từ trời đến thế gian không phải để thành lập một quốc gia có chính phủ, dân chúng, quân đội, thể chế giống như đế quốc Rôma, nhưng là khởi đầu một vương quốc thiêng liêng, vô hình.  Tất cả hiến pháp, luật lệ, mọi tổ chức của vương quốc này đều xoay quanh một điểm chính là tình yêu.  Ngay cả đến chính nghĩa hay sự thật của vương quốc này cũng là một sự thật về tình yêu.  Thánh Gioan Tông đồ đã tóm tắt sự thật về tình yêu ấy trong một khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). 

Qua cái chết và sự phục sinh đã chứng minh mọi điều Ngài loan báo và giảng dạy đều là sự thật. Ngài thành thật, trung thực với chính mình, với Thiên Chúa và với mọi người. Nơi Ngài không có gì gian dối. Ta không còn gì để mà ngờ vực nữa. Hãy tin! Hãy sống cho sự thật! Tức là làm chứng nhân tình yêu, và “đứng về phía sự thật” như Chúa Giêsu, Vua chúng ta. Đó là điều làm cho ta nên công chính. Như chúng ta ghét những kẻ lừa dối mình, Thiên Chúa cũng không ưa người thiếu trung thực. Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 5, 1-11) có thuật lại:
Hồi ấy, có hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, tự nguyện lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng lại lừa đảo thánh Phêrô, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới chân thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên thánh Phêrô đã nặng lời lên án hành vi giả trá của anh. Lập tức anh ngã lăn ra chết. Ba giờ sau người vợ là Saphira đến gặp thánh nhân và khi thánh nhân hỏi: “Tiền bán ruộng chỉ có bấy nhiêu sao?” Saphira lừa dối thánh nhân, trả lời là: “Chỉ có ngần ấy” và Saphira cũng ngã lăn ra chết.
Như thế không có nghĩa là Thiên Chúa chẳng hơn gì chúng ta, nhưng điều quan trọng mà tôi muốn đưa câu chuyện đó vào là muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy cố gắng sống thành thực với nhau. Đồng thời chúng ta cũng phải nghĩ tới việc sống thành thực với Chúa. Đó là điều đòi buộc để ta nên con cái đích thực của Ngài.

Lạy Chúa - Đấng Sự Thật. Chúng con cám ơn Chúa đã đến để đem sự thật phủ lấp sự gian dối đang tràn ngập khắp thế gian, từ đó làm cho cuộc sống của chúng con nên tốt đẹp hơn khi nhờ sống trong sự thật là chính Chúa. Xin cho con biết sống trung thực, thật thà với chính con để con được an bình; xin cho con biết sống trung thực với người khác để con có được niềm tin yêu nơi mọi người. Xin cho con biết sống trung thực với Chúa để con được Chúa mến yêu và vui sống bên Ngài. Amen.
 
                                                                                                                         

 
Hoàng Núi  
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log