Cha Hans Zollner, SJ trong một lần gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, ảnh: vaticannews.va/fr |
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI NHƯ CHIẾC LA BÀN
Tác giả: Linh mục Hans Zollner, SJ
Chuyển dịch từ Đức ngữ: Linh mục Giuse Nguyễn Trung Điểm
Tác giả là một linh mục dòng Tên, xuất thân từ Regensburg, Đức quốc. Ngài là chuyên gia về Thần học, Tâm lý học và Tâm lý trị liệu. Cha Zollner hiện tại là giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em (Centre for Child Protection) thuộc phân khoa Tâm lý học của đại học Gregoriana tại Rôma. Ngài là thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ trẻ vị thành niên. Ngoài ra, từ năm 2019 ngài là đối tác đối thoại và tư vấn cho các nạn nhân bị lạm dụng ở Vatican. Tài liệu dưới đây là bài thuyết trình của cha Zollner tại Aachen ngày 30.04.2021. * * *
Với tư cách là Giáo hội Công giáo và cũng là xã hội, chúng ta phải làm gì để bảo vệ phẩm giá con người và đặc biệt là phẩm giá của trẻ em và người trẻ? Và chúng ta phải làm gì và có thể làm gì để chữa lành họ càng nhiều càng tốt nơi họ bị tổn thương? Sau đây, tôi muốn suy tư về chủ đề này tựa trên một vài câu hỏi.
1. Chúng ta đang đứng ở đâu với tư cách là Giáo hội Công giáo?
Kindermissionswerk (Cơ quan truyền giáo cho trẻ em), Missio (Cơ quan truyền giáo) và các tổ chức cứu trợ khác của Giáo Hội hoàn vũ đang dấn thân trên toàn thế giới. Và ở tất cả các quốc gia đều có nạn nhân của bạo lực tình dục và của các hình thức lạm dụng khác trong môi trường Giáo hội. Lạm dụng xảy ra ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những nơi mà những người đáng lý biết rõ hơn lại cho rằng không có xảy ra. Nơi đây, khi chúng ta với tư cách là Giáo hội - và tôi tin là với tư cách xã hội cũng vậy - đối mặt với chủ đề này, thì các quá trình tương tự có thể thấy được trên khắp thế giới như: phủ nhận, đổi chỗ làm việc cho thủ phạm và từ chối giải quyết vấn đề, tức là từ chối nói về những gì cần làm để cải thiện tình hình. Điều chúng tôi nhận thấy là một phần của văn hóa phủ nhận và văn hoá bao che vốn không cấu tạo toàn bộ thực tại của Giáo hội Công giáo, nhưng là một khía cạnh quan trọng xảy ra ở khắp mọi nơi. Chủ đề này không thoải mái đối với nhiều người, không tốt đối với nhiều người, và nhiều người trốn tránh nó. Trong những năm gần đây, bên cạnh sự kinh hoàng trước những hành vi lạm dụng, còn có sự thất vọng lớn lao và mất niềm tin trầm trọng đối với cách hành xử của ban lãnh đạo trong Giáo hội. Đặc biệt ở Đức, các khía cạnh mới về vấn đề này xuất hiện hàng ngày. Trong tiếng Mỹ, nó được gọi là "cuộc khủng hoảng kép" (the double crises). Do có hai cuộc khủng hoảng liên kết với nhau: cuộc khủng hoảng lạm dụng và cuộc khủng hoảng ngờ vực hay mất niềm tin. Người ta nhận thấy không chỉ nhân viên trong Giáo hội - và đặc biệt là hàng giáo sĩ - đã có hành vi lạm dụng. Hơn nữa, người ta nhận thức rằng cấp trên của họ, có thể là các giám mục, các tổng đại diện, các giám tỉnh hoặc các người phụ trách tương tự, đã phủ nhận và bao che các hành vi lạm dụng và do đó họ đã góp phần để việc lạm dụng có thể tiếp diễn.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng trong thái độ tổng thể của Giáo hội đối với việc giải quyết vấn đề và đưa ra các biện pháp phòng ngừa chỉ có những thay đổi nhỏ và chậm chạp đang diễn ra. Mọi thứ diễn ra chậm chạp, quá chậm chạp, là điều đáng kinh ngạc đối với một Giáo hội hiện diện và hoạt động trên toàn thế giới. Kinh nghiệm chúng tôi thu lượm từ các nơi khác nhau trên thế giới phải có thể giúp một Giáo hội địa phương có thể học hỏi được từ các Giáo hội khác. Tiếc thay không xảy ra như vậy, hoặc chỉ có ở một mức độ rất hạn chế, cho nên chúng tôi phải tự hỏi nguyên do nào và có thể xác định những tắc nghẽn nào gây ra điều đó. Tôi xác tín rằng cái tên mà chúng tôi đặt cho viện nghiên cứu mới ở Roma nói lên điều gì đó: “Viện Nhân chủng học. Nghiên cứu liên ngành về nhân phẩm và chăm sóc con người“ (Institute of Anthropology. Interdisciplinary Studies on Human Dignity and Care, IADC). Đây là một vấn đề về nhân chủng học, về con người toàn diện. Hiển nhiên là con người, chúng ta không thể thừa nhận rằng chúng ta lại là những kẻ đang lạm dụng tình dục, tài chính, tình cảm, tâm lý hoặc tinh thần nơi chính những người thực sự cần chúng ta bảo vệ. Tôi xác tín rằng loại kinh hoàng này đối với chính hành vi con người của chúng ta đã góp phần ngăn cản Giáo hội Công giáo thực sự tận tâm tận lực bảo vệ phẩm giá của người cần được bảo vệ. Trong Giáo hội Công giáo, có những yếu tố khác như mối quan hệ khó khăn với vấn đề giới tính hoặc sự biện minh thiêng liêng cho việc thực thi quyền bính, nhưng về tổng thể, đây là một vấn đề của con người toàn diện - điều này có thể được nhận ra từ số lượng trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục theo các nghiên cứu và ước tính (ít nhất 14% của trẻ gái và 4% trẻ trai trên toàn thế giới). Vì thế, - ngoài những quy định thuần túy luật pháp hoặc những tranh luận thuần trí tuệ - cần phải tìm một cách khác để đạt được sự thay đổi não trạng.
2. Chúng ta cảm nghiệm gì?
Những gì chúng tôi trải nghiệm ở các quốc gia khác nhau và ở các Giáo hội địa phương khơi dậy những cảm giác. Và giải đáp cho những cảm giác này là điều đáng làm. Vì thế, mỗi người nam và nữ - bất kể ở cấp bực nào, có vai trò gì, dù là người lãnh đạo hay người dấn thân trong lãnh vực này – cần phải đơn giản nhìn lại bản thân mình. Chúng ta nói quá ít về việc chủ đề lạm dụng có ảnh hưởng và ảnh hưởng thế nào đến cá nhân chúng ta, chúng ta liên kết điều gì với chủ đề này và chúng ta có những cảm giác nào ở giáo xứ của chúng ta, nơi chúng ta làm việc, trong giáo phận, trong cơ quan cứu trợ của chúng ta – cho dù ở Đức hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
- Những cảm xúc này kích hoạt điều gì nơi bản thân chúng ta, trong vòng bạn bè, trong vòng đồng nghiệp, trong gia đình, trong bối cảnh giáo xứ?
- Chúng ta có nói về điều đó không?
- Và nói về điều đó, chúng ta cũng có dành không gian cho những cảm giác, những tâm tình nảy sinh không?
Tôi nghĩ điều này xảy ra quá ít và rất nhiều người bị cô đơn trong vấn đề này. Và việc chúng ta không trò chuyện với nhau chính là một phần của vấn đề.
3. Chúng ta phải làm gì?
Rất nhiều chủ đề tôi chỉ có thể gợi ý ở đây, nhưng tất cả chúng ta đều có trong đầu. Chúng ta phải gấp rút tiếp cận nhiều câu hỏi đến với chúng ta, đang gia tăng mạnh mẽ và theo từng đợt. Đồng thời, người ta chắc chắn có thể nhìn thấy một nỗ lực, nhưng đồng thời cũng là một loại tê liệt, xuất phát từ thực tế là dường như có quá nhiều thứ cùng một lúc.
Đầu tiên là vấn đề sử dụng quyền lực. Trong tư cách viên chức ở các cấp bậc và có vai trò khác nhau, chúng ta hiểu nhau, hòa hợp với nhau như thế nào? Chúng ta có quyền lực và thực thi quyền lực như thế nào?
Quyền lực đương nhiên phải có, chúng ta không thể phủ nhận nó. Đặc biệt, chúng ta không được dẹp những cân nhắc cần thiết sang một bên, chẳng hạn vì chúng ta đang cố gắng đối xử thân thiện với nhau. Có những khác biệt trong quyền lực. Chúng ta phải nhận thức những khác biệt này và uốn nắn cho phù hợp. Đặc biệt trong Giáo hội Công giáo, và nhiều nơi khác, vẫn còn nỗi lo sợ bị tai tiếng. Trong tiếng Ý có cụm từ “không làm xấu mặt” (non fare brutta figura) - “người ta không nên thể hiện xấu”. Và điều đó hiển nhiên ngăn cản chúng ta đối mặt với chủ đề này. Nó cũng ngăn cản chúng ta đối mặt với quá khứ và với những tội ác và lỗi phạm đã xảy ra trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ.
Đặc biệt trong lãnh vực Công giáo, chúng ta phải tìm một cách thế khác để thảo luận về vấn đề bản năng giới tính. Theo một từ ngữ trong một ngữ cảnh khác và với một hình thức đã được sửa đổi, bản năng giới tính là một “mầu nhiệm run sợ và mê mẩn” (mysterium tremens et fascinans), một sức mạnh vừa đáng sợ vừa hấp dẫn. Giới tính không chỉ đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà giới tính là một phương tiện để thực thi quyền lực và bạo lực. Nhưng trong sự đa dạng của nó, giới tính cũng sinh động và mang lại sự sống. Vì vậy, đối với nhiều người, giới tính có tính cách nước đôi rất cao, đặc biệt là đối với những người đã bị tổn thương về giới tính trong tâm hồn và thể xác.
Trong bối cảnh này, chúng ta phải thừa nhận ba điều: nỗi sợ hãi về khả năng bị tổn thương của chính mình, nỗi sợ hãi về sự đồng cảm với những nạn nhân đã bị lạm dụng, và mức độ của tội ác và lỗi phạm đã xảy ra.
Nơi mỗi tổ chức, mỗi giáo phận, mỗi tỉnh dòng, mỗi trường học hoặc mỗi tổ chức cứu trợ nào đã xảy ra lạm dụng hoặc lạm dụng được bao che theo bất kỳ cách nào, hoặc lạm dụng chưa được điều tra, thì tổ chức đó phải tuân theo quy trình chúng ta thực hiện trong việc xưng tội cá nhân: thành thật hối cải, thú nhận tội lỗi cụ thể, ăn năn đền tội. Điều chúng ta đòi hỏi phải làm trong việc xưng tội cá nhân và là điều sau cùng tạo nên bí tích, lại chính là điều chúng ta không làm với tư cách là cơ chế. Đây là điều rất đáng kinh ngạc và rất đáng tiếc, vì đó là điều thực sự cần thiết để chúng ta có thể đối mặt với vấn đề lạm dụng. Thay vì đó, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình thường bị lùa đẩy, đến mức cuối cùng không còn có thể hiểu được ai là người chịu trách nhiệm về việc gì. Như thế, người ta trốn tránh trách nhiệm giải trình của mình với tư cách là một cá nhân, cũng như với tư cách là một cơ chế.
Nhìn chung lại, rõ ràng là chúng ta cũng phải rút ra những hệ quả về cơ chế và cá nhân. Đối với mỗi người trong chúng ta, đây cũng là một yêu cầu hãy đối phó với vấn đề lạm dụng theo một cách khác, bởi vì tất cả chúng ta - không chỉ các cá nhân, không chỉ từng tổ chức, không chỉ các giáo phận hoặc dòng tu riêng lẻ - tất cả chúng ta đều có thể làm điều gì đó, để phẩm giá con người luôn ở trong tầm nhìn và được bảo vệ.
4. Điều gì có thể tiếp tục giúp ích?
Chúng ta là những tín hữu, là những lữ khách trên con đường đức tin, đương nhiên niềm tín thác vào Chúa sẽ giúp ích. Kết nối với niềm tin ấy là điều Đức Mẹ Maria diễn đạt khi nói: Tôi sẵn sàng cho những gì sẽ xảy đến (x. Lc 1,38). Với tư cách Giáo hội, chúng ta nên có can đảm tiến bước đến một tương lai với Chúa – cho dù là tương lai chúng ta chưa biết -, ngay cả khi trong một vài năm nữa, ở Đức và những nơi khác trên thế giới - chúng ta sẽ trở thành một Giáo hội hoàn toàn khác: ít quyền lực hơn, ít giàu có hơn, ít phương tiện trang bị hơn. Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể xảy ra khi chúng ta tin vào Ngài, như Tin Mừng Marcô nói (Mc 9:23).
Thật vậy, chúng ta cũng phải đóng góp vào đó, bằng cách không chỉ lắng nghe những nạn nhân bị lạm dụng kể kinh nghiệm của họ, mà còn phải hợp tác với họ trong các cấu trúc và quy trình của Giáo hội. Tuy nhiên, ở đây có thể nảy sinh ấn tượng là ý tưởng này vẫn còn rất xa vời. Nhiều người trong chúng ta nhìn những nạn nhân hoặc đối mặt với họ như thể họ bị sai sót. Trong nhiều trường hợp, những nạn nhân bị cảm nghiệm hoặc bị coi là người rất nóng giận. Nhưng những nhận định hay thành kiến này không được cản trở cái nhìn của chúng ta. Trên thực tế, nhiều người trong số những nạn nhân có thiện chí lớn và khả năng cao, để làm việc chung với các cơ chế Giáo hội và giúp chúng ta cùng nhau tìm ra một cách thế khác để giải quyết với nhau.
Tôi rất ngạc nhiên về việc chúng ta có ít can đảm để đưa ra quyết tâm và quyết định. Nó bị đùn đẩy ở mọi cấp bậc thay vì đối mặt với tình huống tương ứng. Điều đó do bản chất của việc các quyết định cũng có thể sai. Nhưng vì đó mà không đưa ra quyết định nào cả thì cũng không phải là một giải pháp. Làm điều cần làm và thực hiện điều hiển nhiên cho toàn thế giới, điều này bao gồm lòng can đảm thực sự phát xuất từ đức tin và từ thái độ sống của chúng ta. Càng hơn thế nữa, vì chúng ta hiện đang đối mặt với một thực tế đã thay đổi. Cơn đại dịch mà chúng ta đã sống trong gần một năm rưỡi cho thấy rõ rằng không phải chúng ta là người có thể xác định được tiến trình của lịch sử. Chúng ta sẽ phải từ biệt những gì chóng qua và đã qua, và chúng ta phải đối mặt với một điều gì đó mới mẻ. Cả khi chúng ta đã ổn định rất thoải mái: Ít nhất trong vĩ độ của chúng ta rất nhiều điều qua đi mãi mãi. Điều này liên quan đến hình ảnh của Giáo hội, hình ảnh của linh mục và cách thế chúng ta nói chuyện trao đổi với nhau.
Chúng ta có tìm ra một con đường, một ngôn ngữ diễn đạt điều đánh động chúng ta khi chúng ta dấn thân bảo vệ trẻ em và bảo vệ phẩm giá con người không?
Dựa vào động lực bên trong, chúng ta có thể sáng tác lý do hành động của mình thành một câu chuyện không?
Phải chăng có điều gì đó thúc đẩy người khác cộng tác với chúng ta, bất kể họ từ đâu đến, bất kể họ xác tín điều gì, bất kể họ giữ niềm tin nào?
Đối với chúng ta, đây là một bức hình đưa chúng ta trở lại với Chúa Giêsu, với Đấng bị đóng đinh, Đấng sau khi phục sinh cho chúng ta thấy những vết thương của Người. Chỉ khi nào Giáo hội để cho những vết thương của Chúa gần gũi mình và để những vết thương ấy phát huy tác dụng, thì chúng ta mới có thể đóng góp tốt hơn, chuyên sâu hơn và nhất quán hơn vào việc bảo vệ, bảo tồn và thăng tiến phẩm giá con người trên toàn thế giới - cho những ai đang cần được bảo vệ đặc biệt và cũng cho tất cả mọi người.