Có lẽ chưa bao giờ quyền của con người lại được đề cao như hiện nay. Mặc dù thời xa xưa các triết gia, chính trị gia đã bàn luận nhiều đến quyền con người; tuy nhiên, phải đến thế kỷ 18, thuật ngữ “quyền con người” mới chính thức xuất hiện trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và Pháp. Trong đó chúng ta đồng ý rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo Hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” (Mỹ, năm 1776), và “Người ta sinh ra và sống tự do và bình đẳng về các quyền.” (Pháp, năm 1789). Trong nhãn quan này, dường như con người không có quyền loại bỏ đi mầm sống của thai nhi, vì đó cũng là sự sống của một con người?
Một mặt những người ủng hộ phá thai cho rằng họ có quyền phá thai với nhiều lý do chính đáng: để bảo vệ người mẹ, hay vấn đề dân số hoặc mang thai ngoài ý muốn chẳng hạn. Mặt khác, những người bảo vệ sự sống cũng có nghĩa vụ và quyền hành để bảo vệ các bào thai vô tội ấy. Hầu hết người ta vẫn đang ủng hộ quyền bình đẳng, quyền được sống của con người. Xét trong một khía cạnh nào đó, bào thai cũng xứng đáng nhận được quyền cao thượng ấy, và các em cần được chào đời. Trong mối giằng co này, dường như phần quyết định thường đặt ra cho người mẹ, người cha của bào thai. Chính họ có quyền giữ lại hay phá bỏ bào thai ấy.
Tiếc rằng thực tế nhiều cha mẹ không cho đứa con mình đang cưu mang được mở mắt chào đời. Họ dẫn chứng quá nhiều ý do hợp lý về phía họ để tước đoạt sự sống của chính đứa con mình. Tôi nực cười khi nhiều người phẫn nộ, chạnh lòng nếu thấy ai đó tàn nhẫn với thú vật, nhất là hành hạ động vật đang mang thai. Cười vì công bằng mà nói, con người đều yêu mến sự sống, thì tại sao chúng ta lại nhẫn tâm phá thai, một hình hài con người? Với tôi, việc phá thai, nong và gắp thai, hay nạo hút thai… không gì khác hơn là hành động xâm phạm đến sự sống của một con người. Dù người ta dùng từ ngữ nào đi nữa, thì thực tế sự sống của bào thai đều bị cướp đoạt. Nhiều người đưa ra lý do thai nhi trước bao nhiều tuần tuổi thì không được gọi là người, nên họ được quyền phá thai trong giai đoạn đó. Nhưng thực tế, rất nhiều ca phá thai bất chấp tuần tuổi của thai nhi!
Trong khi đó, chúng ta thấy nhiều đôi vợ chồng vui dường nào, hạnh phúc dường bao khi họ sắp có em bé. Ngay những ngày đầu thai kỳ, họ mừng rỡ mong đợi bào thai ấy lớn lên từng ngày. May mắn cho bào thai ấy vì cha mẹ em có nhiều tình yêu, hạnh phúc để sẵn sàng đón một thành viên mới chào đời. Bậc làm cha, làm mẹ hẳn là phải có bổn phận và quyền bảo vệ, quyền được yêu thương để chăm sóc đứa con ngay từ giai đoạn thai kỳ. Quyền ấy không ai có thể xâm phạm hay tước đoạt khỏi họ.
Ngược lại trong thực tế, người ta phá thai vì họ mang thai ngoài ý muốn (hoặc vì sức khỏe của người mẹ). Trước áp lực của cộng đồng, gia đình và trước trách nhiệm với đứa con (nếu sinh ra), dường như đó là gánh nặng quá lớn khiến đôi bạn không thể và không dám gánh vác. Họ chưa sẵn sàng để đón nhận một con người đang hình thành và sẽ chào đời. Nhiều người có lý khi cho rằng họ chưa có đủ tình yêu và can đảm để thực hiện quyền và nghĩa vụ cho bào thai ấy chào đời. Cũng cần nói thêm rằng không ít người mẹ, người cha bất chấp nguy hiểm đến tính mạng để sẵn sàng bảo vệ và cho con mình được chào đời. Kể ra những trường hợp trái chiều như thế để cho thấy dường như mỗi người đều có quyền làm cả điều tốt lành lẫn sự xấu xa. Nhất là trong chủ đề phá thai vốn phức tạp, chúng ta thấy luôn có những quyền rất trái ngược nhau: quyền phá thai hay quyền bảo vệ sự sống.
Người ta bảo rằng giá như trước khi phá thai, cha mẹ của bào thai được tiếp cận với người chuyên môn đủ tầm và đủ tâm, thì bào thai có nhiều cơ hội chào đời. Thay vì hoang mang, bối rối đến bất chấp mọi thứ để phá thai, họ bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề. Ước gì họ có can đảm để làm theo những mách bảo của lương tâm. Nơi đó, Tạo Hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, quyền bảo vệ đứa con mình đang cưu mang. Khi dám cho bào thai ấy được sinh ra, tuy khó khăn không biến mất, nhưng ít là họ can đảm làm theo tiếng nói lương tâm của một người mẹ, người cha ước mong cho con mình được sống. Phải chăng đó mới là tình mẫu tử, đó mới là quyền đáng trân quý biết bao!
Dĩ nhiên mỗi người đều có những quan niệm khác nhau về chủ đề phá thai này. Ủng hộ hay chống đối phá thai cũng đang là quyền của mỗi người. Đã đến lúc mỗi người cần nhận thấy quyền của chính mình. Nếu không, thật đúng như Wolfgang Benedek nói: “Hàng triệu người sinh ra rồi chết đi mà không hề biết rằng mình là chủ nhân của các quyền con người.” Một trong những quyền ấy là quyền được sống! Tôi có quyền và nghĩa vụ xây đắp một nền văn minh tình thương và sự sống.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ