Thuộc thế hệ 8X, lần đầu tiên tôi sử dụng internet để học tập là năm nhất đại học, với chiếc điện thoại di động màn hình đen trắng chỉ gọi và nhắn tin. Giờ thì wifi khắp nơi, smartphone khắp chốn, ngay cả mấy em bé chưa biết nói cũng đã biết sử dụng.
Đó là khái niệm về tính toàn cầu của thế giới phẳng, đó là sự pha trộn khó có thể hình dung đối với các thế hệ trước. Sự pha trộn đến từ thế giới kỹ thuật số, đến từ các mạng xã hội, đến từ các cuộc du lịch, môi trường lao động toàn cầu. Thế giới trở nên bé nhỏ, xích lại gần nhau hơn, cũng là lúc người ta dễ cảm thấy lạc lõng hơn, cô đơn hơn. Ngày xưa có câu: xa mặt cách lòng. Bây giờ có câu: mặt thì lúc nào cũng thấy trên face, mà lòng ở đâu thì ai mà biết được!
Có lần, nói chuyện với cụ già 90 tuổi người Tây Ban Nha sống tại Ý, tôi hỏi nửa đùa nửa thật: Cụ ơi, sao mà thế kỷ 15 16, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia đôi thế giới để chinh phục, giờ thì Tây Ban Nha im lặng quá, còn Bồ Đào Nha chỉ là một nước nhỏ xíu?
Cụ cười bảo: “Các gì cũng có thời của nó thôi”. Cụ nói tiếp: “Ngày xưa, cái kiểu chinh phục và thực dân ấy còn làm được. Bây giờ không làm được đâu. Giờ cứ nói đến chiến tranh, là tất cả các bên đều sợ. Chẳng ai được lợi cả, tất cả đều thiệt thòi. Ngày xưa, người ta có thể chiếm đoạt lợi lộc nhờ cuộc chiến. Sau đó có hai cuộc chiến tranh thế giới, người ta thấy phải sống chung và hợp tác cùng có lợi. Bây giờ với kỹ thuật công nghệ số toàn cầu, người ta phải rất nhạy cảm trong từng cuộc tranh chấp, vì cái gì cũng đụng đến tầm mức thế giới và rất dễ hủy diệt lẫn nhau.”
Cụ kể: Có nhà nghiên cứu người Ba Lan cho rằng, thế giới hiện tại giống như thứ hỗn hợp chất lỏng pha trộn với nhau, chẳng có đặc nét hình thù cụ thể, cũng chẳng biết là từ những chất nào trộn với nhau, và rồi để làm gì. Cụ nhấn mạnh: Thế hệ các cháu có rất nhiều lợi thế so với thế hệ chúng ta, nhưng các cháu đang phải đối diện với những điều mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới và cũng chẳng hiểu là phải làm sao.
Do đó, có vài câu hỏi tôi muốn cùng bạn suy nghĩ một chút, không nghiêm túc lắm, nhưng đó là một phần của ngày sống hiện tại của chúng ta. Nó quan trọng vì nó có vai trò rất lớn trong việc định hình lối nghĩ và cảm nhận của mỗi người. Bạn biết rồi đó, tính cách tạo nên số phận!
Những gợi ý trên có vẻ “quá nghiêm túc”, nhưng bạn ạ: “đừng để quá muộn”. Tôi kể bạn nghe một chút. Sống tại Roma mới sang năm thứ ba, nhưng tôi cảm thấy rất ái ngại cho các anh chàng và cô nàng muộn màng. Nhiều “anh chàng” ba mươi bốn mươi thậm chí năm mươi, mà chưa có mảnh tình vắt vai và vẫn đang tìm cách… Nhiều “cô nàng” gần năm mươi mà vẫn còn nghĩ mình trẻ trâu tìm cách ăn mặc trang điểm để thu hút đối phương. Nhiều người bằng cấp tiến sĩ, mà còn sợ hãi đủ điều, và chỉ biết ở trong mấy sở thích riêng của bản thân. Nhiều người bạc tiền danh tiếng dư thừa mà không có nổi một người bạn thân.
Tôi còn trẻ, mới chỉ ba mươi, nhưng thừa nhận rằng: thế hệ cha mẹ ông bà chúng ta, được học hành rất hạn chế, do thời thế chiến tranh, nhưng các vị có bản lĩnh và rất trưởng thành trong cuộc sống. Thế hệ chúng ta, trẻ hơn, đẹp hơn, giỏi hơn, nhưng cẩn thận chút: đừng để mình bị rơi vào những khủng hoảng và đổ vỡ trong gia đình, truyền thống, như đã và đang xảy ra trong xã hội Tây phương (Âu Mỹ: Họ thông minh và giàu có nhưng đang rơi vào vòng xoáy của sở thích, tiêu thụ, trống rỗng và tự suy sụp).
Bạn giàu nhưng chưa chắc bạn đã sang. Ở nước nghèo, tôi thấy người nghèo cần tiền để lo cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống. Ở nước giàu, tôi thấy người giàu còn khát tiền hơn nữa, để thực hiện các dự án chiến lược toàn cầu. Đồng tiền che mờ tất cả! Dùng tiền chứ đừng thờ tiền. Bạn giỏi ngoại ngữ, chưa chắc bạn đã giỏi. Thử nhìn xem châu Phi và châu Mỹ Latinh, họ nói các thứ tiếng châu Âu từ bao nhiêu thế hệ, thế mà họ vẫn nghèo và hỗn loạn. Thử nhìn xem trong nội bộ châu Âu, các nước đối xử với nhau thế nào suốt chiều dài lịch sử. Thử nhìn xem trong nội bộ nước Mỹ, người ta hành xử với nhau ra sao. Thử nhìn xem vùng Trung Đông, họ là cái nôi văn minh thế giới và thực sự họ rất giỏi, thế mà cuộc chiến chẳng bao giờ ngừng. Thử nhìn gần hơn về Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, câu chuyện cũng không hề dễ hiểu.
Phác họa một chút, để thấy rằng, khi hòa mình vào cuộc chơi về thông tin, công nghệ, kinh tế, giáo dục, văn hóa, quân sự… toàn cầu, mỗi người phải vất vả hơn nhiều để tìm cách đi vào, để hội nhập với đầy bản lĩnh! Đừng để học hành quá nhiều, biết người quá nhiều, mà quên mất cần biết mình. Bạn có thể nói: tôi là công dân toàn cầu. Đúng, nhưng đừng để người ta lừa bạn bằng cách sử dụng bạn bằng những khẩu hiệu. Đừng quên bạn là người Việt Nam, và nếu bạn là người có đức tin thì cũng đừng có quên.
Phút suy nghĩ, chút cố gắng, thoáng bận tâm, một lối nhìn…
Tứ Quyết SJ