Một chị ở giáo xứ nọ tâm sự: Tháng mười một ở miền Bắc se se lạnh, từng cơn gió heo may lang thang ngoài ngõ, chúng len lỏi, luồn lách qua những bụi tre già kẽo kẹt, rồi tinh nghịch bứt từng nắm lá vàng rộm hất tung lên, làm cho đám lá tre mỏng manh quay tít như chong chóng trước khi rơi lả tả xuống đất. Nhìn đồng hồ thấy chưa đến giờ bố mẹ chồng hẹn đi đón, chả là chiều nay hai cụ đi thăm một người bạn ở xóm bên, chị khoác thêm chiếc áo len mỏng, ra đứng nơi hiên nhà ngắm nhìn cảnh vật một cách thích thú, vì đây là lần đầu tiên chị được nhìn và cảm nhận cảnh vật miền Bắc bằng đời thực, chứ không phải qua phim ảnh, sách báo hay các phương tiện truyền thông, truyền hình nào đó. Là một thiếu nữ... “Samaria” xứ cát trắng nắng cháy miền Trung, chị theo chồng về xứ Bắc xa xôi này, lạ lẫm về phong tục tập quán, tôn giáo và cả thời tiết nữa. Vì vậy, cảm xúc dâng trào trong chiều quê yên tĩnh thoảng heo may tuyệt vời này, chắc chắn là một điều xa xỉ không chỉ đối với chị, mà còn là của hầu hết những người miền Trung, nơi được ví là chiếc đòn gánh hai đầu đất nước, với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai nặng nề luôn rình rập, bủa vây những người dân lam lũ.
Chị đang say sưa tận hưởng những làn gió lành lạnh mơn man trên gò má, thi thoảng lại thổi tung mái tóc bồng bềnh như đùa giỡn. Bỗng có tiếng còi xe quen thuộc của chồng vọng lên ngoài ngõ, chị chạy ào ra đón chồng, anh vừa âu yếm quàng lên cổ chị chiếc khăn von mỏng tang mang sắc tím dịu dàng, màu mà chị yêu thích, vừa ghé tai vợ thì thầm:
“Tặng vợ yêu, màu tím thủy chung của chồng!” chị thấy mắt mình cay cay, cái vị cay... hạnh phúc. Chị nhẹ nhàng:
“Anh tắm rửa rồi nghỉ ngơi cho khỏe, em đi nấu cơm kẻo muộn”, anh bảo chị:
“Ừ! Lát nữa anh đi đón bố mẹ, tối nay nhà mình sẽ ăn cơm sớm hơn thường ngày, để kịp đi tham dự Thánh lễ ở Vườn Thánh em ạ!” Chị ngạc nhiên hỏi chồng:
“Vườn Thánh là gì hả anh? Có phải là tên gọi khác của Công viên không ạ!” anh hạ giọng:
“Cũng có thể gọi là như vậy, nhưng là Công viên của những người chết, hay nói đúng hơn, đó là nghĩa địa của người Công giáo, em là tân tòng nên nghe thấy lạ, nhưng dần rồi sẽ quen em ạ!” Chị giật mình hỏi dồn:
“Vậy là tối nay đi lễ mình phải ngồi gần bên những nấm mộ hả anh?” Thấy vợ lộ vẻ lo lắng, anh ôm vợ trấn an:
“Đi một lần rồi em sẽ biết, cảm giác không giống như khi ta đi vào các nghĩa địa thông thường, với những nấm mộ thuộc đủ mọi tôn giáo và quê quán khác nhau. Còn Vườn Thánh là nơi duy nhất chỉ chôn cất những người Công giáo, mà đa số đều là tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mọi người trong một giáo xứ, nên thấy gần gũi lắm em ạ!” Nghe chồng nói vậy, nhưng chị vẫn thấy lạnh sống lưng, khi nghĩ đến lúc phải ngồi trong đêm tối đen, bốn bề là những nấm mộ lô nhô bên tiếng côn trùng rên rỉ, lấp ló ánh lân tinh lập lòe, còn nỗi sợ nào hơn thế nữa. Chị chẳng muốn đi chút nào, nhưng vừa mới về làm dâu, cũng phải thể hiện mình một chút chứ, thôi thì cứ để đến tối xem sao.
Chị dọn dẹp bàn ăn và rửa bát đũa xong thì trời cũng vừa xẩm tối, ngoài ngõ đã lao xao tiếng người gọi nhau đi lễ. Chị cùng chồng và bố mẹ hòa vào dòng người đang rảo bước về phía Vườn Thánh, đường làng đèn điện giăng mắc thật sáng, người người đi lại tấp nập nhộn nhịp, trên tay ai cũng mang theo hương hoa và nến. Vườn Thánh được xây dựng trên một gò đất rộng cạnh bìa làng, từ xa chị đã thấy một... “Công viên” lung linh, rực rỡ, đèn nến lấp lánh như sao sa, diệu huyền tựa đêm hội hoa đăng. Hương trầm ngan ngát quyện tiếng nhạc dặt dìu, trăm ngàn bó hoa đủ mọi màu sắc, mọi kiểu cách, được đặt kính cẩn trên các ngôi mội, như tươi thắm hơn dưới ánh nến hồng ấm áp. Cả nhà quây quần quanh phần mộ của ông bà nội, sau khi đã thắp nến, niệm hương và chưng hoa xong, mọi người lại đi đến phần mộ của ông bà ngoại và một số mộ của người thân, họ hàng. Khắp Vườn Thánh, chỗ nào cũng sáng, cũng đông vui và thơm nồng hương hoa, xóa tan đi khoảng cách lạnh lẽo của cái chết, khác hẳn với viễn cảnh mà chị vẽ ra trong đầu lúc ban chiều.
Bầu khí bỗng trở nên linh thiêng, khi đoàn rước Linh mục từ nhà thờ đã đến Vườn Thánh để dâng lễ, tiếng Ca đoàn vang vọng niềm xác tín:
“Tôi tin rằng Đấng Cứu chuộc tôi hằng sống và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại...”. Chị thấy lòng rộn lên một cảm giác khó tả, cáí cảm giác về sự báo hiếu cho những người thân yêu của mình, ngay cả khi họ đã giã từ mọi người để... “nhập khẩu” vào thế giới của những người chết. Như lời Linh mục chia sẻ:
“Người Công giáo không chỉ báo hiếu ông bà, cha mẹ và những người thân yêu của mình khi họ còn sống với chúng ta, không chỉ lo cho họ cơm no áo ấm, thuốc thang đầy đủ khi ốm đau, trái gió trở trời. Mà ngay cả khi họ đã giã từ trần gian, chúng ta vẫn tiếp tục báo hiếu bằng cách năng xin lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm những việc lành phúc đức có ý chỉ cho người đã qua đời. Nhất là mỗi năm Phụng vụ, Hội Thánh đã dành riêng tháng mười một để cầu nguyện khẩn thiết hơn cho các linh hồn...”. Cuối Thánh lễ, Linh mục cùng giáo dân thành kính đọc kinh viếng Vườn Thánh, rồi tất cả lặng đi trong tiếng nài xin da diết:
“Mẹ ơi! Trong cuộc trần vương theo gót chân những bụi mờ lòng nặng bao nhung nhớ, Mẹ ơi! Trên nước Trời lòng Mẹ rất bao dung, con lỗi lầm này Mẹ thứ tha không?” Trên đường về, chị khẽ khàng hỏi chồng:
“Mai có lễ nữa không anh?” Anh nhìn chị nháy mắt tinh nghịch:
“Tưởng em sợ nghĩa địa, đi một lần là cạch đến già, vậy mà vẫn muốn đi nữa sao?” Thấy vợ thoáng buồn, anh cười xòa... “đính chính”:
“Đùa em một chút cho vui thôi, từ tối mai trở đi sẽ không có Thánh lễ ở Vườn Thánh nữa, cho đến ngày này năm sau. Nhưng trong tám ngày đầu tháng mười một, thì tối tối mọi người trong giáo xứ vẫn cùng nhau hội tụ đông đảo tại Vườn Thánh để viếng và đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn, anh sẽ cố gắng thu xếp công việc để cùng đi với vợ yêu nhé!” Chị nép sát vào anh, giọng nói nhẹ như gió thoảng:
“Cảm ơn anh đã đến bên em, cho em được làm một nửa của anh, để em được hiểu biết thế nào là đạo hiếu của người Công giáo, đạo hiếu của bên chồng”. Anh nắm chặt bàn tay vợ thì thầm:
“Đạo hiếu bắt nguồn từ tình thương của Thiên Chúa em à”.