Thứ sáu, 01/11/2024

Làm sao để tha thứ?

Cập nhật lúc 09:38 18/10/2018

Xuất phát từ mong muốn được sống trong một bầu không khí công bình và yêu thương, ai trong chúng ta cũng cố gắng không gây xích mích hay thiệt hại cho người khác với hy vọng mình cũng được đối xử tốt và nhận lại điều tốt. Thế nhưng, cuộc đời đâu dễ dàng như ta mong ước. Cái xấu, cái ác vẫn cứ hoành hành khắp nơi như muốn đè bẹp khao khát hướng thiện của ta. Cứ mỗi khi quyền lợi của ta bị xâm phạm, khi người khác vô lý vô cớ làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của ta, một cách tự nhiên, ta thường cảm thấy nổi giận, bất bình, muốn người đó phải chịu cùng một hậu quả cho những gì đã gây ra. Thậm chí, ngay cả khi người khác không đụng chạm gì đến ta, nhưng chỉ đơn giản là làm điều gì đó xấu xa thôi, môi miệng ta cũng ngay lập tức thốt lên những lời nguyền rủa. Những phản ứng này xảy đến rất bình thường đối với bất cứ ai. Một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng những điều tệ hại trong cuộc sống, thế giới của chúng ta cũng trở nên tràn ngập một nền văn hoá mang tên “trả thù”.

Vì yêu chuộng sự công bình, nên khi thấy bất công, ta cảm thấy rất khó chịu. Biết bao điều trớ trêu diễn ra ngay trước mắt đôi khi cũng không làm ta thích thú là bao. Tại sao lại có “kẻ ăn không hết người lần không ra”? Tại sao người ta tham nhũng, gian dối, lật lọng vẫn cứ sống trong an nhàn sung sướng, còn người thật thà, lương thiện thì cứ hết lần này đến lần khác phải đối diện với những khó khăn, thậm chí còn bị đầy đến đường cùng? Hẳn là cũng có nhiều lần, ta mong ước sao những người gian ác trên đời này chết hết, trả lại cho trái đất này một màu xanh của thái bình và an vui. Có một người vừa nói xấu ta, ta ngay lập tức tìm cách nói xấu lại. Có một người vừa làm ta thất thoát một món lợi, ta chẳng chịu ngồi yên cho đến khi chính người đó phải lâm vào cảnh sa cơ thất thế. Phải rồi, đáng thế mà! Đó chẳng phải là công bình sao? Công bình là điều đáng quý mà xã hội nào, quốc gia nào cũng phấn đấu để có được, nhưng có vẻ như, nhiều lúc, người ta mệnh danh “công bình” chỉ để thoả mãn cho một cảm xúc bốc đồng và cổ võ cho một nền văn hoá bạo lực. Hệt như ngọn lửa đang cháy làm tan hoang nhà cửa, thay vì cố gắng dập tắt ngọn lửa ấy, ta lại châm dầu vào thêm, với một danh nghĩa “vì hoà bình và công lý”.

Đã đành, cần phải có những luật pháp và kỷ cương, cùng những hình phạt thích đáng dành cho những người đã phá vỡ đi trật tự và công ích của xã hội, làm ảnh hưởng đến mưu cầu hạnh phúc của người khác, nhưng nuôi dưỡng một mối hận thù và bực bội trong lòng không bao giờ là điều giúp ích cho bất kỳ ai. Nhưng mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm này, là mình thường dễ cáu giận hơn là bao dung, dễ trách tội hơn là bỏ qua, dễ kết án hơn là tha thứ. Bao dung, bỏ qua, tha thứ, trong mắt một số người, là thái độ của những kẻ khờ dại, cam chịu, không có chí tiến thân. Thế nhưng, bình tâm mà ngẫm nghĩ lại, chỉ có những con người phi thường và quả cảm mới có thể làm được điều đó. Bởi lẽ, để có thể tha thứ, người ta phải chiến thắng được con người ích kỷ của mình, phải vượt lên trên xu hướng tự nhiên bốc đồng của mình, phải có một niềm tin rất lớn vào chữ “thiện” nơi bản chất của người khác, bất chấp người đó đã có những hành vi tồi tệ thế nào đối với mình. Hận thù sẽ luôn nối tiếp hận thù; chỉ có tha thứ mới chấm dứt mối ân oán truyền kiếp con người với nhau mà thôi.

Trong tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, tôi rất ấn tượng phân đoạn bốn thầy trò Đường Tăng gặp nạn khi giao chiến với Hồng Hài Nhi, con trai của Ngưu Ma Vương. Một số nhà chú giải cho rằng ngọn lửa mà Hồng Hài Nhi phun ra tượng trưng cho “cái nóng giận” của mỗi người. Trước khi phun lửa, Hồng Hài Nhi thường đấm vào mũi mình, mặt đỏ bừng lên. Đó là những biểu hiện của sự nóng giận. Ngọn lửa nóng giận có thể thiêu đốt mọi thứ, với sức tàn phá không có gì tả nỗi. Bảy mươi hai phép thần thông biến hoá của Tôn Ngộ Không hay nước của Long Vương cũng không thể làm gì được nó. Cứ mỗi khi cơn bực bội trồi lên trong người, ta thường dễ có những phán đoán và hành vi bất chấp, bạo tàn, mất bình tĩnh. Biết bao tai ương cũng từ đó mà ra. Chỉ có một phương thuốc duy nhất có thể chữa được “cơn lửa nóng giận” của Hồng Hài Nhi là dòng nước Cam Lộ của Quan Thế Âm Bồ Tát. Nước Cam Lộ là biểu tượng của sự thanh tịnh, từ bi, độ lượng, tha thứ. Ý tưởng của Ngô Thừa Ân quả thật thâm sâu khi dùng một câu chuyện để diễn tả một chân lý vô cùng đúng đắn: hãy lấy tha thứ, từ bi để chiến thắng sự bốc đồng, nóng giận của bản thân mình.

Không đâu xa, chính Đức Giêsu cũng dạy chúng ta nhiều lần về bài học tha thứ và chính Ngài cũng đã nêu gương cho chúng ta về điều đó. Thay vì hùa theo đám đông kết án người phụ nữ ngoại tình, Ngài đã tha thứ cho chị và mở ra cho chị một con đường mới để làm lại cuộc đời. Thay vì quyền rủa tên trộm cùng chịu đóng đinh với mình, Ngài đã trao ban cho anh ta một tia hy vọng mới. Khi người ta mang đến cho Ngài biết bao đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, còn chút hơi còn lại, Ngài cũng cố gắng thốt lên lời cầu nguyện xin Cha tha thứ cho họ. Tha thứ là dấu chấm hết cho mọi hận thù. Tha thứ là không cất giữ trong lòng những điều xấu mà mình đã nhận từ người khác. Tha thứ là không nhìn người khác qua những gì họ làm, nhưng nhìn thấy cái tâm lương thiện đang bị che mờ bên trong con người họ. Bởi thế, cái khó làm nhất trên đời chính là tha thứ; cái làm cho con người trở nên cao quý chính là thái độ tha thứ; người nào biết lấy tha thứ làm lối sống của mình, ấy đích thực là một vị chân nhân.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Đại Phác rước kiệu và dâng hoa bế mạc Tháng Mân Côi
Giáo xứ Đại Phác rước kiệu và dâng hoa bế mạc Tháng Mân Côi
Vào lúc 19g15, thứ Tư ngày 30 tháng 10 năm 2024, giáo xứ Đại Phác đã long trọng tổ chức rước kiệu, dâng hoa kính Đức Mẹ và Thánh lễ tạ ơn bế mạc Tháng Mân Côi. Buổi dâng hoa có sự tham gia của 180 chị em hiền mẫu trong đội hoa của giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log