Thứ năm, 09/01/2025

Mang yêu thương tới những bản làng heo hút

Cập nhật lúc 09:59 21/01/2017
“Giờ đam mê đồng hành với người dân tộc đã ăn sâu nên nếu được chọn, tôi vẫn muốn phục vụ anh em hơn là về một giáo xứ miền xuôi. Cứ dăm ba bữa không lên bản, trong lòng mình lại nhớ da diết” - Đó là trải lòng của người mục tử đã “phải lòng” những con người H’Mông vốn chất phác, thật thà và lòng đạo đức đơn sơ trên miền núi Tây Bắc xa xôi...
Xe còn lăn bánh, ngay từ phía xa, chúng tôi đã thấy dáng dấp ngôi nhà thờ Kiệt Sơn (xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Nhiều người gọi vui đây là nhà thờ Hòa Bình 2 của giáo phận Hưng Hóa, chỉ khác về địa bàn và nhỏ hơn so với nhà thờ Hòa Bình ‘bản gốc’ thuộc tỉnh Hòa Bình. Phụ trách giáo xứ Kiệt Sơn là cha Giuse Nguyễn Đức Khoái. Bên ly nước chè pha đậm, vị mục tử từ tốn kể cho chúng tôi nghe về quãng đường phục vụ đã trải qua với không ít cam go.

Cha chính thức nhận bài sai về làm cha sở tiên khởi giáo xứ Kiệt Sơn chỉ mới từ tháng 10.2015.  Bên cạnh việc coi sóc xứ này cùng 3 giáo họ khác ở Phú Thọ là Hoàng Văn, Tam Thanh và Tân Phú, cha còn được giao phụ trách toàn bộ huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La, nơi có trên 1.000 tín hữu H’Mông đang sinh sống.

Họ di cư từ Yên Bái sang đây mấy chục năm trước, và cũng từng đó thời gian sống chơi vơi về sinh hoạt nhà đạo vì thiếu người hướng dẫn, dù vậy, lòng đạo đức vẫn như ngọn lửa cháy âm ỉ trên bếp than hồng. Từ năm 2004, mỗi năm vài lần, các cha dòng Tên đến dâng lễ. Với mọi người, đó tựa như cơn mưa nặng hạt tưới vào sa mạc khô cằn.

Thương đoàn chiên thiếu người chăn dắt, do vậy ngay sau khi nhận bổ nhiệm, cha Khoái lao vào hành trình đến với bà con. Khắp huyện Phù Yên có 7 bản tập trung đông giáo dân, thuận tiện để dâng lễ. Tuy nhiên, mỗi nơi đều chưa có nhà nguyện, cũng chưa có bất kỳ một cơ sở vật chất nào.
Không nản chí, cha tìm đến các gia đình Công giáo và mượn nhà để cử hành. Trên nền đất trồi sụt được trải vội tấm bạt cho người tham dự ngồi, bàn thờ thì gộp lại từ mấy chiếc bàn chân thấp chân cao, có chỗ điện chưa tới nơi, ánh sáng thắp lên từ vài chiếc đèn dầu leo lắt…, nhưng từ đây, cứ cách tháng, mỗi điểm lại đều đặn có thánh lễ trang nghiêm diễn ra.

Ngoài việc lên dâng lễ, vào các dịp hè, cha Giuse Nguyễn Đức Khoái còn mời các thầy chủng viện, các nữ tu lên dạy hát, củng cố giáo lý cho giáo dân. Ngài còn ra sức xây dựng đội ngũ Ban hành giáo về từng bản, tạo điều kiện để họ đi học các khóa dành riêng cho người H’Mông nhằm nâng cao hiểu biết để về giúp lại bà con. Ưu tư hàng đầu hiện nay của cha là xây dựng nhà nguyện tại các điểm dâng lễ, vì có nơi cầu nguyện, đời sống tinh thần người tín hữu sẽ được nâng cao.

Theo lịch trình, từ trưa thứ Bảy, cha rời nhà xứ đến tối Chúa nhật mới quay về, vượt quãng đường dài gần 300 cây số đèo dốc để đến các giáo họ và lên bản dâng lễ cho bà con. May mắn đi hết cả 7 bản, từ đó tôi hiểu thêm phần nào những vất vả trên đường mục vụ mà cha đã đi qua. Đường lên các bản mùa này ngập chìm trong sương, dốc, đá lởm chởm, có đoạn dài chỉ 7, 8 cây số song mất gần 45 phút xe mới đi qua, đến nơi ai cũng thấm mệt.

Thế mới càng thương hơn khi trên cung đường đó, đều đặn hằng tuần vẫn in dấu chân người mục tử đi - về. Vậy mà khi được hỏi, cha chỉ cười và tâm sự rất thật: “Nhiều lúc đi lên đến nơi đã mệt lả nhưng thấy lòng đạo đức, thánh thiện hăng say của bà con, mọi ưu phiền dường như tan biến hết. Nhất là mỗi lần chia tay ra về, ai nấy quyến luyến bảo ‘Cha mau đến với chúng con nữa nhé’, khi đó mình không cầm được lòng, lại quý họ nhiều hơn”.

Trên chiếc xe vẫn rong ruổi, ít khi cha để trống mà chất trên đó gói bánh, thùng mì hay mấy chiếc kẹo mút làm quà cho lũ nhỏ. Nhìn những đứa trẻ miệng ngậm kẹo, mừng vui chạy ríu rít, người mục tử như càng được thôi thúc hy sinh nhiều hơn… Có lúc, chiếc xe chật ních mùng mền, gối chiếu, áo quần mà cha xin đâu đó mang lên phát lại cho bà con. Trước đây, ngày còn ở miền xuôi, những lần viếng thăm mục vụ, bắt gặp cảnh nhiều gia đình phải sống dưới mái nhà xập xệ, tạm bợ, trống huơ trống hoác, không cầm lòng, cha liền chạy vạy, kiếm tìm ngân khoản để giúp họ xây mới. Nhờ đó nhiều người giờ đã yên vui trong mái nhà kiên cố.

Với bước chân lặn lội không ngừng nên dù mới hơn một năm lên bản, cha đã có cả kho kỷ niệm để kể. Có hôm đi gần đến nơi, xe cha bị lọt hố bùn, tiến hay lùi đều chẳng xong, lúc này chỉ còn cách gọi điện cho mấy anh em xuống phụ đẩy qua. Đến khi về, cả đoàn người “hộ tống” cha đi qua đoạn đường xấu rồi mới chịu quay xe. Cha còn kể trong đời mình có hai lần được “nếm” vị ngã xe máy, chính là hai lần lên Phù Yên khi vào mùa mưa, một ở bản Chè Mè và một lần lên bản Đá Đỏ…

Cũng cần nói thêm là sau ngày chịu chức linh mục (17.11.2007), cha Khoái về làm phó xứ Phù Lao và được cha sở giao toàn quyền xứ Đồn Vàng. Đây là một họ đạo lâu năm nhưng do chiến tranh, cộng số đông giáo dân đã di tản đi nơi khác nên đời sống đạo mang nhiều nét ảm đạm.

Ngày cha về, nơi đây chưa có bất kỳ một cơ sở nào, tới hơn nửa năm sau, khi nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho giáo xứ, cha con mới bắt tay vào xây dựng nhà thờ, nhà xứ, làm sống dậy một xứ đạo bao năm “ngủ quên”. Song song đó, cha còn tìm mua đất, xây dựng nhà thờ và các cơ sở ở Kiệt Sơn để nâng giáo họ này trước vốn thuộc Đồn Vàng lên thành giáo xứ.

Tạm biệt những dãy núi điệp trùng, chúng tôi trở về mang theo niềm vui vì được gặp thêm một gương mục tử nhiệt thành, đầy tận tụy. Bước chân của cha cứ vậy âm thầm, lặn lội mang theo hơi ấm đi vào các bản làng heo hút gió nơi miền núi cao Tây Bắc.

 
ĐÌNH QUÝ
baoconggiao.info
Thông tin khác:
Con Đường Hẹp (06/09/2016)
Bên Hè Phố (05/09/2016)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log