Ra khỏi phòng khám bệnh, tôi lặng lẽ ngồi một mình đợi xe bên bờ sông Babilon, í quên, bờ sông Hồng rộng lớn lững lờ trôi bên hè phố, với hàng cây xanh mát rượi. Phố trưa yên ả bên những hàng ghế mây tăm tắp mà vắng khách. Mấy cậu chủ quán tha hồ ngon giấc trên chiếc võng đu đưa, mặc cho chú mèo con khóc meo meo dưới chân. Có tiếng ve ngân nga trên tán lá bàng che đầu, trên những chùm hoa phượng rực rỡ nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông sâu. Tôi thả hồn bay theo cảnh thiên nhiên đẹp như mơ, lòng tràn niềm cảm mến kỳ công của Chúa cho cảnh vật, cho chính tôi hôm nay. Vì lúc nãy ở phòng khám, bác sĩ cho thấy bệnh tôi đang điều trị đã hết…sạch sành sanh! Xin cảm tạ Chúa! tôi tạm biệt bác sĩ, lòng nhẹ nhõm...
Thấy tôi chỉ miên man “nhìn cõi xa vời”, một cậu bé mang ly nước nhẹ nhàng đặt xuống bàn mời tôi. Đang mải lãng du một mình bên ly nước, bỗng có bà cụ xách cái túi nhỏ, miệng nhai trầu bỏm bẻm từ hè phố bên kia sang đường, cụ đến bên tôi ngồi và nở nụ cười phúc hậu. Chắc thấy tôi vừa “hiền” lại vừa “lành”, cụ gợi chuyện, thế là chúng tôi thành đôi bạn thân thiết. Nghe cụ kể chuyện đời thường của mình tôi cứ vểnh tai gật đầu cười lắc lư. Cụ bảo vẫn thường nhắc các con rằng khi còn mẹ thì gắng cười với mẹ, làm mẹ cười thật nhiều, lúc mẹ chết thì khóc chút ít thôi, mẹ không cần đâu nhé. Nghe cụ kể mình là con gái Hà Đông lấy chồng về đây, tôi trộm nghĩ: vậy mà dân làng tôi hay gọi những cô nàng đanh đá cá cày là… “sư tử Hà Đông” đấy! Chẳng cần biết tôi đang nghĩ gì, cụ cứ tuồn tuột kể chuyện “cổ tích đời mình”. Cụ là diễn viên ngày xưa chuyên đi hát theo đoàn khắp Hải Phòng, Hà Nội…Vừa kể cụ vừa hát thử tôi nghe, nào “
Con ở miền Nam…, Tống Chân Cúc Hoa, Chuyện tình Lan Điệp, Anh ở đầu sông…” Chà chà! “bà già” hát hay thật! có điều giọng hát hơi run vì cụ đã…gần đất xa trời! Chồng cụ mất khi cụ mới 37 tuổi, một nách mẹ nuôi không phải “bảy chú lùn”, mà là “bảy nàng bạch tuyết” thì vất vả chừng nào? Những buổi lưu diễn cụ gửi con nhờ hàng xóm, phải bốc thăm đứa nào dính phiếu “được đi” thì mẹ mang theo đi diễn. Giờ thì các con đã khôn lớn trưởng thành, ba cô ở Sài Gòn, bốn cô ngoài Bắc. Cô nào cũng giành nhau nuôi mẹ, thế là cụ cứ vài tháng vào Sài Gòn tránh rét, vài tháng ra Bắc với con cháu, rất vui vẻ ấm cúng.
Đang trò chuyện, chúng tôi nghe thấy tiếng nói tục tĩu của mấy cô cậu sinh viên tóc vàng, mặt hoa da phấn ở bàn bên cạnh. Tôi cười mà nói với cụ, có ý vọng sang bên đó:
- Từ nhỏ tới giờ con chả biết nói mấy thứ tiếng ấy bao giờ!
Dường như mấy cô cậu lọt tai, thế là từ lúc ấy chúng nói năng ý thức lịch sự hẳn lên.
Chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi xe đã tới. Tôi chào mọi người và lên xe. Cả cụ và mấy cô cậu tròn xoe mắt ngỡ ngàng nhìn theo bóng tôi, vì nhìn tôi lên xe thật là khó khăn, thấy thương thương... mà mình chưa kịp sẻ chia giúp đỡ. Mọi chuyện như hãy còn dang dở...Bởi lúc nãy trông tôi ngồi đàng hoàng trên ghế đá, cười nói như ai, họ nào biết tôi bị làm sao đâu???
Gần hai giờ đợi xe bên góc phố nhỏ mà tôi không thấy uổng thời gian, thật thú vị và ấn tượng, ý nghĩa đối với tôi, một người xưa nay chỉ quanh quẩn ở góc nhà,
hôm nay mới được ra ngó... chợ đời!