Thứ sáu, 10/01/2025

Ba Thánh cùng làm việc, bị bắt, Tử đạo, được phong Chân phước và Hiển Thánh

Cập nhật lúc 17:48 28/12/2012





Thánh
Phaolô Nguyễn Văn Mỹ

thầy giảng Tử đạo (1798 – 1838)

 Ghi chú:

* Lễ nhớ  18/12

* Bị bắt tại Nỗ Lực, phần hài cốt có lưu giữ tại nhà thờ Nỗ Lực và Cao Mại.

 

 

Phaolô Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1798, tại làng Sơn Nga xứ Kẻ Non, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tên Thật là Nguyễn Văn Hữu, trong một gia đình có 5 anh em, cha mẹ đạo đức khá giả.

 Năm 13 tuổi (1811), sau khi xin phép, được cha mẹ vui vẻ sẵn sàng dâng con cho Chúa, Cậu Phaolô Mỹ theo giúp việc Đức cha Giacôbê Longer Gia, rồi sau đó giúp việc cha Luật xứ Kẻ Đầm bốn năm. Năm 19 thuổi (1817) theo học tại chủng viện Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị).

 Học hết chương trình chủng viện, sau khi giúp việc tại nhà chung một thời gian, Thầy Phaolô Mỹ được sai lên giúp cha thừa sai Marette. Sau đó,  Đức cha Havard Du giám quản địa phận Tây Đàng Ngoài, sai Thầy lên giúp cha Cornay Tân xứ Bầu Nọ (Nỗ Lực) tỉnh Sơn Tây.

 Qua kinh nghiệm và có nhiều khả năng, Thầy Phaolô Mỹ hỗ trợ đắc lực cho vị thừa sai trẻ tuổi nhiệt thành nhưng hay ốm đau này. Thầy Phaolô Mỹ luôn làm tròn nhiệm vụ mình cách chu đáo: Giảng giáo lý tân tòng và trẻ em, khuyên bảo tội nhân hối cải.

 Khi tình hình cấm đạo gắt gao, Thầy là vị tông đồ nhiệt thành và hữu hiệu: Đi thăm từng gia đình để khích lệ họ kiên vững đức tin, và không những thế, còn được nhiều anh em bên lương đón nhận niềm tin Ki-Tô giáo.


Thánh Phêrô Trương Văn Đường

thầy giảng Tử đạo (1808 – 1838)

 

 Ghi chú:

* Lễ nhớ  18/12

* Bị bắt tại Nỗ Lực, phần hài cốt có lưu giữ tại nhà thờ Cao Mại.

 

 

 

 Phêrô Trương Văn Đường sinh năm 1808 tại làng Kẻ Sở, xã Ninh Phú, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nghèo nhưng rất thánh thiện.

Lên 9 tuổi, Cậu được cha Trương Văn Thi là chú ruột đang quản xứ Sông Chảy đỡ đầu, và gửi cho cha Phương quản xứ Yên Tập nhận khai tâm cho Cậu vào đời tu. Năm 15 tuổi Chú Phêrô Đường được sai về giúp thừa sai Marette Phan tại xứ Bầu Nọ (Nỗ Lực). Được sự khích lệ của Cha, Chú Phêrô Đường chuyên tâm học chữ Hán và Latinh để chuẩn bị cho tương lai.

Một năm sau, với khả năng và nhân cách vui tươi, hiền lành, được mọi người trong xứ mến chuộng, Đức Cha Havard Du nhận vào bậc thầy giảng ở tuổi 16, là một Thầy giảng trẻ tuổi nhất.

 Thầy tiếp tục giúp Cha Cornay Tân tại xứ Bầu Nọ cho đến khi bị bắt.

 

 


Thánh Phêrô Vũ Văn Truật

thầy giảng Tử đạo (1817 – 1838)

 

 

Ghi chú:

* Lễ nhớ  18/12

* Bị bắt tại Nỗ Lực, phần hài cốt có lưu giữ tại nhà thờ Cao Mại và Hà Thạch

 

 

 

Phêrô Vũ Văn Truật sinh năm 1817 tại Kẻ Thiệc xứ Bầu Nọ tỉnh Sơn Tây, nay là xóm Đồng Giang, giáo xứ Hà Thạch, thuộc huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Xuất thân từ một gia đình nghèo, 15 tuổi bố chết, mẹ phải đầu tắt mặt tối tần tảo nuôi ba con dại, nên Phêrô Truật không được đi học, thể lực lại gầy yếu xanh xao.

 

Tuy nhiên, Phêrô Truật có lòng đạo đức, siêng năng đến nhà thờ kinh lễ. Khi  15 tuổi, Cậu được cha Cornay Tân nhận vào nhà xứ giúp việc và học tập. Nhưng vì hay ốm đau, sức yếu nên phải về gia đình. Đến sau, khi cha Trạch về xứ Bầu Nọ, Cậu được nhận vào làm người giúp việc và giao cho việc dạy kinh bổn cho trẻ em.

 Thời đó, ở làng Bầu Nọ (Nỗ Lực) có tên Đức phản tặc bị bắt. Y âm mưu cho vợ là thị Yển giả vờ học đạo để dò xét tình hình. Lựa lúc thuận lợi, thị dấu vũ khí trong vườn nhà xứ, rồi đi mật báo cho quan tỉnh Sơn Tây.

 Ngày 20/6/1837, quan Sơn Tây đưa 1.500 quân lính về bao vây làng Bầu Nọ để lùng bắt cha Cornay Tân. Lính lùng sục suốt ngày mà không bắt được Cha. Chiếu đến, Quan bắt toàn dân phải tập trung ra đình làng trình diện. Hai thầy Mỹ, thầy Đường và chú Truật cùng ra trình diện. Thị Yển liền chỉ mặt nói là ba tên này cùng ở với Tây giang đạo trưởng. Cả ba người liền bị bắt để tra hỏi đạo trưởng ở đâu, nhưng cả ba đều không khai báo gì.

 Chiều tà, lính dùng ninh xỉa lao vào các bụi rậm để lùng bắt. Khi đó cha Cornay Tân đang núp trong một bụi rậm tại khu vực có tên là Vườn Hồng, phía đầu làng Bầu Nọ, Cha liền ra đầu thú, thế là chúng xông vào bắt Cha. Quan cho áp giải cha Cornay Tân cùng với ba phụ tá, quãng đường hơn sáu mươi dặm, về nộp quan tỉnh Sơn Tây.

 Tại công đường, hai Thầy và chú Truật đều bênh vực là cha Cornay Tân không làm loạn, và giải thích những đồn đại xuyên tạc đạo Công giáo. Quan hỏi: “Tại sao các anh móc mắt người chết để luyện bùa phép ?” Thầy Mỹ trả lời: “Sao Quan lại tin những lời vu khống vô lý đó ? Nếu chúng tôi làm như thế, thì cha mẹ, vợ chồng con cái họ đâu có để chúng tôi yên. Vậy mà chúng tôi vẫn ra vào nhà họ, gặp gỡ vui vẻ !”. Quan quyến rũ hai Thầy và chú Truật quá khóa, thầy Phêrô Đường trả lời: “Nhất định chúng tôi không đạp lên ảnh Chuộc tội, vì như vậy là chọn cái chết đời đời cả hồn lẫn xác!

 Những cuộc hỏi cung đi liền với những tra tấn dã man. Đây là chứng thư của thầy Mỹ: “Lính lột áo chúng tôi, bắt chúng tôi nằm xuống, lấy dây thừng trói chân tay chúng tôi, rồi kéo căng cột vào bốn góc. Nguyên sự căng nọc như vậy cũng làm cho chúng tôi vô cùng đau đớn, thế rồi họ bắt đầu đánh đòn… Mỗi trận đánh, hàng trăm đầu roi mây in lằn trên thân thể chúng tôi, làm nên nhiều vết thương đẫm máu”. Sau mỗi đợt tra tấn, cả hai Thầy và chú Truật đều kiệt sức, lính phải khiêng về ngục. Tại ngục, riêng chú Truật vì gầy yếu nên được đeo gông nhẹ hơn.

 

Đức cha Havard Du thấy chú Truật can đảm làm chúng đức tin như thế, thưởng phong lên bậc Thầy giảng.

 

Ngày 20/9 năm đó, lính canh tù thông báo cha Cornay Tân bị trảm quyểt, và khuyên ba Thầy bỏ đạo để được tha. Cả ba Thầy đều nói: “Chúng tôi mừng vì Thầy chúng tôi được phúc tử đạo, chúng tôi nguyện theo gương Ngài”.

 Giai đoạn này, thầy Phaolô Mỹ ghi lại một lá thư: “Suốt bốn tháng liền chúng tôi bị gông cùm xiềng xích, chịu lính canh ngục ngược đãi, ngục giam thì ẩm thấp hôi hám, ruồi muỗi tự do hoành hành, trên người đầy những vết thương tra tấn

 Tháng 10/1937 bản án tỉnh Sơn Tây tâu vua Minh Mệnh được gửi về. Nhưng thay vì giết ngay, bản nghị án “giam hậu”, nghĩa là khoan xử chờ nghị án mới. Bề ngoài có vẻ nhân đạo, nhưng bên trong rất thâm độc: Với thời gian, sự nhiệt tình ban đầu có thể dễ bị phai nhạt, vì tù nhân luôn bị ám ảnh đến chuyện ngồi tù không biết đến bao giờ. Mặt khác, sức chịu đựng của con người có hạn, quá đau khổ, quá mòn mỏi, quá thất vọng, con người dễ bị lung lay, dễ bị thay đổi, nhụt ý chí. Thực tế ba Thầy phải chờ thêm 14 tháng, như vậy tất cả là 18 tháng bị giam cầm.

 Nhưng suốt thời gian bị thử thách giam cầm lâu dài như thế, ba Thầy vẫn gắn bó với nhau trong can đảm, nhẫn nại, và kiên vững ý chí Tử đạo. Mỗi sáng cũng như mỗi tối, các Thầy lớn tiếng đọc kinh chung và lần hạt Mân Côi, các đồ ăn thức uống, thuốc men các Thầy nhận được đều chia sẻ cho lính canh, ai đến thăm các Thầy đều được yên ủi: “Anh em hãy sống hòa thuận với mọi người trong gia đình, hàng xóm, hãy là tín hữu sốt sáng, vì đời sống trần gian mau qua chóng hết. Phần chúng tôi vâng theo ý Chúa định đoạt, mong rằng mai sau chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên đàng !

 Là người lớn tuổi nhất, thầy Phaolô Mỹ như một người anh cả, và là chỗ dựa cho hai Thầy cùng bị giam chung. Trong một lá thư gửi cho cha thừa sai Marette Phan, thầy Phêrô Đường viết: “Từ ngày được diễm phúc chịu khó vì đức tin, thầy Mỹ thay chúng con viết thư cho Cha, vì chúng con coi Thầy như thay mặt Cha ở giữa chúng con”.

 Cha Triệu giả làm thường dân đưa Mình Thánh Chúa cho các Thầy, đó quả là hồng phúc lớn lao. Xin hãy đọc thư tâm sự của Thầy Phêrô Đường gửi cho cha Marette Phan: “Hôm nay là ngày trọng đại chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ xiềng xích cho chúng con. Cửa Thiên đàng đã gần kề, nghĩ đến hạnh phúc đang chờ đợi, chúng con chẳng còn ước ao sự gì khác nữa”.

 Năm 1838, triều đình duyệt lại bản án và chỉ thị cho quan tỉnh Sơn Tây thi hành. Ngày 18/12, ba chứng nhân anh dũng bị điệu ra pháp trường Gò Vôi làng Mông Phụ tỉnh Sơn Tây. Mỗi người mang trên ngực tấm thẻ ghi họ tên, nguyên quán, tội theo đạo Gia-tô, đã thú nhận, truyền xử trảm. Trên đường đến nơi hành quyết, như đã hẹn trước, ba Thầy cùng làm dấu Thánh giá khi thấy cha Triệu đứng giữa đám dân chúng ban phép lành giải tội. Đến pháp trường, một người lính cho ba Thầy uống rượu, ba Thầy cám ơn, uống nước trà và nói: “Thầy giảng chúng tôi kiêng rượu như kiêng sắc dục và kiêng phản bội”.

 Rồi ba Thầy nằm dài trên chiếu, lính quây thành một vòng tròn lớn để ngăn cản dân chúng. Từng vị một bị trói chân vào cột và trói chéo tay quặt cánh khỉ, dây thừng thì tròng sẵn vào cổ.

Giữa tiếng chiêng, trống vang rền, theo lệnh quan, mỗi tên lính nắm chặt một đầu dây, xiết thật căng cho tới khi tắt thở, máu ứa ra miệng. Sau đó, họ lấy lửa đốt gan bàn chân để xác minh các tử tội đã chết thật.

 Cha Marette Phan và giáo dân Bách Lộc đưa thi hài ba Thầy về họ Kẻ Máy (Cao Mại) để khâm liệm và an táng vụng tại nhà bà Maria Nguyễn Thị Tín. Cha dâng lễ cầu hồn tạ ơn Chúa đã cho các bậc tôi trung thắng trận khải hoàn.

 Đức Lêô XIII suy tôn ba thầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Phêrô Trương Văn ĐườngPhêrô Vũ Văn Truật lên bậc Chân phước ngày 27/5/1900.

 Đức Gioan Phaolô II suy tôn các Ngài lên bậc hiển Thánh ngày 19/6/1988.






 

 

 

GB.Toản (sưu tầm)
Thông tin khác:
MÁNG CỎ BÊLEM (22/12/2012)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log