MÁNG CỎ BÊLEM
Giáng Sinh đang về khắp muôn lối. Noel gõ cửa từng nhà. Lung linh ánh đèn, rực rỡ sắc màu, nhộn nhịp thanh âm, chan hòa niềm vui. Nhạc Giáng Sinh rộn ràng ngân vang mùa bình an.
Nhạc sĩ Thông Vi Vu (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống) đã viết hơn 30 ca khúc kể chuyện Giáng Sinh. Những đêm nhạc Thông Vi Vu như “Réo Rắt Noel” - “Rộn Ràng Noel”- “Rộn Rã Noel”… đã được tổ chức đó đây vào Mùa Noel. Các đĩa nhạc “Réo Rắt Noel” - “Rộn Ràng Noel” đã được quần chúng đón nhận với tất cả lòng mến yêu ngưỡng mộ. Những ngày này, đi đâu cũng nghe âm vang những bài ca Giáng sinh, khi cầu nguyện thiết tha, lúc réo rắt câu chuyện kể, khi rộn rã niềm vui.
Tôi rất tâm đắc ca khúc “Người khách lạ”. Suy niệm thành bài chia sẻ lễ đêm Giáng Sinh. Ns Thông Vi Vu đã dệt nhạc từ câu chuyện giàu ý nghĩa giáo lý và lịch sử cứu độ. Kể chuyện Thánh Kinh bằng ngôn ngữ âm nhạc là một cung cách chuyển tải Tin mừng vào cuộc đời. Gần gũi dễ hiểu, ai cũng có thể nghe và hát ngâm nga bất cứ ở đâu và lúc nào. “ Người khách lạ” là một ca khúc sâu lắng dệt trên âm giai rê thứ như lời tự sự về nổi lòng của Eva. Giai điệu dìu dặt kể về gánh nặng Nguyên Tổ đã trở nên nhẹ nhàng khi “Người khách lạ” đến Máng Cỏ gặp Chúa Hài Nhi, dâng trao quả táo năm xưa thưở địa đàng. Một quả táo cám dỗ, đau khổ và sự chết tràn vào thế gian. Giờ đây dâng cho Hài Nhi, Đấng xóa tội thế trần, Eva hạnh phúc, đứng thẳng lên lòng ngập tràn niềm vui.
“ Người khách lạ” được phổ nhạc từ câu chuyện “Người Khách Cuối Cùng” của Jérôme và Jean Tharaud thuộc Hàn lâm viện Pháp (Trích tuyển tập:Những mẫu chuyện Giáng Sinh của các tác giả lừng danh trên thế giới).
Câu chuyện xảy ra tại Bêlem vào lúc hừng đông. Ngôi sao vừa lặn, người hành hương cuối cùng đã rời chuồng bò, Người Trinh Nữ đã vun rơm lại, cuối cùng rồi Hài nhi cũng sắp ngủ. Nhưng một đêm Giáng Sinh thì có ngủ được chăng ? …
Cánh cửa nhè nhẹ hé ra, cứ như là do gió thổi hơn là do một bàn tay đẩy ra, một bà lão xuất hiện nơi ngưỡng cửa, ăn mặc rách rưới; bà già nua và nhăn nheo đến độ miệng bà giống như một lằn nhăn thêm vào bao nét chằng chịt trên gương mặt bà.
Nhìn thấy bà, cô Maria hoảng sợ, như có một yêu tinh nào đó bước vào. May thay, Hài nhi Giêsu vẫn ngủ ! Bò lừa nhai rơm trong bình yên và nhìn người lạ bước vào mà không hề ngạc nhiên gì, cứ như là chúng biết bà từ lâu lắm rồi. Trinh Nữ nhìn bà chằm chặp. Mỗi bước bà đi như kéo dài hàng thế kỷ.
Bà lão tiếp tục bước đến, và giờ đây đã ở cạnh máng cỏ. Đội ơn Chúa, Hài Nhi Giêsu vẫn ngủ. Nhưng một đêm Giáng Sinh thì có ngủ được chăng ? …
Bất giác, cậu mở mắt ra, và người mẹ nhận ra rằng mắt của người phụ nữ và mắt của con mình giống hệt nhau và long lên cùng một niềm hy vọng.
Thế rồi bà lão cúi mình xuống lớp rơm; bà đưa tay lục lọi trong bộ đồ rách bươm của mình một vật gì mà dường như hàng thế kỷ bà mới tìm ra. Cô Maria vẫn lo lắng dõi mắt nhìn theo. Mấy con thú cũng đưa mắt nhìn, nhưng vẫn không ngạc nhiên gì, cứ như là chúng biết trước chuyện gì sắp xảy ra.
Cuối cùng, sau một thời gian thật lâu, bà lão rút ra từ lớp áo mình một vật bà giấu kín trong bàn tay và bà trao cho Hài Nhi.
Sau những vàng bạc của Ba Vua và của lễ các mục đồng, giờ đây Chúa nhận được quà gì? Từ nơi cô Maria đứng, cô không thể nhìn thấy món quà ấy. Cô chỉ thấy chiếc lưng vốn còng xuống vì tuổi tác càng còng thêm khi nghiêng mình bên nôi Hài Nhi. Bò lừa thì nhìn thấy, nhưng chúng cũng chẳng hề ngạc nhiên.
Việc này cũng kéo dài lâu thật lâu. Rồi bà lão thẳng người lên, như thể đã trút được gánh thật nặng kéo gập người bà xuống sát đất. Lưng bà không còn còng nữa, đầu bà gần chạm đến mái tranh, gương mặt bà đã trở lại nét tươi trẻ. Khi bà rời chiếc nôi để đi về phía cửa rồi biến đi trong đêm tối, nơi bà đã đến, bấy giờ Maria mới nhìn thấy quà dâng của bà.
Eva (vì bà là bà Eva) vừa trao cho Hài Nhi một quả táo, cái quả táo gây nên tội lỗi đầu tiên (và kéo theo bao tội lỗi khác !). Và quả táo đỏ lấp lánh trên đôi tay của Hài Nhi như quả địa cầu vừa ra đời cùng lúc với cậu.
Câu chuyện được chuyển thể âm nhạc thành bài ca tuyệt đẹp. Chuyện kể thành ca khúc thật giàu chất lịch sử cứu độ.
Linh mục Pietro Messa, Giám đốc trường Cao đẳng nghiên cứu Trung cổ và Phan sinh thuộc Đại Học Giáo Hoàng Antonianum nhận định: “Hài Nhi ở Bêlem là trung tâm của vũ trụ và lịch sử. Vì vậy, Lễ Giáng Sinh là sự loan báo niềm hy vọng cho mọi người!” (x.Zenit.org 17-12-2012).
Bên Hang Đá, thinh lặng chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu giang đôi tay chúc lành; Máng Cỏ Bêlem tỏ bày nhiều ý nghĩa.
Trong đêm Giáng Sinh, Sứ thần loan báo cho các mục đồng : "Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. " (Lc 2, 11). Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." (Lc 2,12).
Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu. Các quán trọ khinh người nghèo hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm.
Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một Hài Nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một Hài Nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó. Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9,5).
Dấu chỉ của Thiên Chúa thật là đơn sơ. Đó là một Hài Nhi mới sinh. Dấu chỉ của Thiên Chúa là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Ngài không đến với quyền lực và một bề ngoài xa hoa. Ngài đến như một hài nhi cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của Ngài. Vì thế, Ngài đã hóa chính mình thành nhỏ bé. Ngài không muốn điều gì khác nơi ta ngoại trừ tình yêu, qua đó chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác, tư duy và ý chí của Ngài. Chúng ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình là điều tinh túy nhất của tình yêu. Ngài đã hóa thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.
Theo Thánh Kinh, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là Thiên Chúa làm người vì tình yêu. Hài Nhi Giêsu ra đời trong cảnh nghèo hèn chính là một vị Thiên sai. Ngài đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần: trước công nguyên và sau công nguyên. Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã làm người. Ngài giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía.
Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao. Một trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài đồng hoang nghèo hèn. Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn những trẻ thơ khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc biệt. Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên trên mọi niềm vui.
Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.
Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.
Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại. Giáng Sinh là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giàu sang….Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn mầu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:
‘’ Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’’ (Lc 2,14)
Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ.Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau.Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau.