Chúa nhật, 08/09/2024

Niềm kiêu hãnh

Cập nhật lúc 18:48 16/09/2023
Nhà nó thuộc miền quê trung du Bắc Bộ, một làng chài lưới và cũng rất thuần nông. Ngày ấy, nhà ở của các gia đình quê nó, ngoài một vài gia đình có nhà xây cấp bốn, còn lại hầu hết đều làm vách bằng rơm nhào trộn với đất rồi vắt vào phên tre, mái thì lợp bằng lá cọ, một loài cây đã đi vào văn thơ ca của bao thế hệ. Trước đây, người dân quê nó sống theo hai mùa chính, sau tết Nguyên Đán thì ra ruộng làm nông cày cấy, sang tháng 5 gặt hái xong thì mùa nước nổi tràn về, dân làng lại bắt đầu vào vụ chài lưới cá tôm. Trên cánh đồng, tiếng kẽo kẹt của nhữngchiếc vó bè cao lênh khênh như chiếc cần cẩu khổng lồ, hòa nhịp cùng tiếng đuổi cá gõ vào mạn thuyền lanh canh, lạch cạch của những ngư phủ đang giăng lưới. Ven bờ, thấp thoáng bóng các bà, các cô đang tần tảo mò cua, bắt ốc lặn lội mưu sinh, nhưng những nụ cười quê vẫn giòn tan, tỏa nắng trên làn nước mênh mông. Cuộc sống cứ như vậy, êm đềm trôi chảy theo năm tháng và tiếng chuông nhà thờ ngân lên mỗi chiều hoàng hôn.
Ngày nay, đường cao tốc, đường HCM, khu công nghiệp điện tử, may mặc của Hàn Quốc, Trung Quốc mọc lên san sát. Đồng cá chẳng còn, ruộng nương cũng hết, nhà nhà, người người vào làm vào trong khu công nghiệp. Trung niên thì làm bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh môi trường và nấu nướng, lớp trẻ thì làm công nhân chính thức, học sinh lại làm theo thời vụ những tháng nghỉ hè. Còn đâu những buổi chiều chầm chậm đạp xe trên con đường đất quanh co, rợp bóng tre mát rượi. Còn đâu những buổi ban mai, bao con thuyền nan bồng bềnh trên cánh đồng mênh mông mờ ảo sương trắng, bảng lảng bên những bông hoa súng rung rinh, ngả nghiêng theo từng con sóng. Còn đâu mỗi chiều hoàng hôn, từng đàn trâu bụng no tròn, bước chân chậm chạp đi về phía cổng làng, trên lưng vắt vẻo những chú bé cởi trần, tóc cháy khét mùi nắng. Quê nó bây giờ lũy tre xanh cũng chỉ còn lác đác mấy bụi cằn cỗi, con bò, con trâu là những con vật gắn liền với nhà nông một thời: “con trâu đi trước cái cày theo sau”, giờ đây cũng chỉ là dĩ vãng. Câu hát ru con của những bà mẹ trong đêm khuya vắng giờ thay bằng chiếc điện thoại thông minh trên tay các bé. Rồi còn đâu những đồi sim tím mộng mơ, rúc rích tiếng cười của đám trẻ chăn trâu lục tìm quả chín. Cũng hết rồi, hương thơm của cốm nếp lan tỏa trong gian bếp chật hẹp, ám khói mỗi khi mùa về… Ôi sao là nhớ, có chăng chỉ còn là trong ký ức.
Theo trào lưu, quê nó giờ đây cũng nhiều nhà cao tầng, nhà vườn mái Thái mái Nhật cùng sân vườn, cây cảnh, hồ cá thật đẹp. Riêng nhà nó vẫn là căn nhà cấp bốn, được xây dựng đã 35 năm, nhưng nó cảm thấy rất hạnh phúc và bằng lòng, vì đây chẳng là mơ ước của nó khi còn ở trong túp lều lá lụp sụp hay sao. Trải qua bao thăng trầm thời thế, giờ đây nhà nó trở thành “thuầnViệt” nhất làng, nó thường trêu đùa, biết đâu sau này lại trở thành nhà cổ, hằng ngày có du khách đến tham quan, khéo lại “hái ra xèng” chứ chẳng đùa. Theo truyền thống tổ tiên từ ngàn xưa ở quê nó, gian chính giữa là nơi trang trọng nhất dành đặt bàn thờ Chúa. Một hôm, có người bạn Samari đến chơi, vừa bước vào nhà, bạn đứng nhìn bàn thờ một lúc rồi mới lại ngồi trò chuyện tâm tình với nó. Lát sau bạn ngập ngừng:
- Nè! Sao đạo của bạn lại thờ một ông trần truồng treo trên cây gỗ, trông phản cảm quá!
- Sao lại phản cảm! Đó là Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa, đã quá thương nhân loại phải đau khổ vì tội lỗi, do ông bà nguyên tổ Ađam - Evà gây nên. Vì vậy, Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Chúa lại còn hạ mình chịu nạn chịu chết trên thập giá để cứu độ nhân loại, cho nhân loại được hưởng phúc trường sinh vĩnh cửu trên Thiên Đàng với Chúa. Đối với người Công giáo, thập giá là niềm vinh dự, là ơn cứu độ, là sức sống và sự phục sinh. Chúa Giêsu tự hiến thân trên thập giá, cái “chết vì yêu”của Chúa đã biến đổi thập giá vốn là khổ hình, là nhuốc nhơ, là gớm ghiếc, trở thành Thánh giá chói lọi vinh quang. Đức Kitô treo trên thập giá không phải là một dấu chấm hết, nhưng là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng cho nhân loại. Nói cho cùng, Thánh giá Chúa Giêsu là “niềm kiêu hãnh” của người Công giáo.
Nghe nó nói, bạn lại đưa mắt nhìn lên bàn thờ, thấy vậy, nó “bồi” thêm:
- Bạn nhìn xem Thánh giá hình gì, có phải là chữ T (tê) không? Hay gọi theo cách phổ thông là chữ tờ: tờ-inh-tinh-huyền Tình. Còn Chúa Giêsu giang tay trên Thánh giá là hình chữ Y dài: y-ê-u Yêu. Đó, Thánh giá là chữ Tình, Giêsu là chữ Yêu, cả hai nói một điều: Thiên Chúa Là Tình Yêu.
Nó và bạn còn tranh luận nhiều điều về đạo Công giáo, nó cũng biết, với khả năng và sự hiểu biết còn rất hạn hẹp của mình, nó khó có thể làm cho bạn thông suốt hoàn toàn. Nhưng ít nhất, nó cũng bày tỏ được một chút những gì mà bạn đang hiểu sai về đạo Công giáo.
Sau khi tiễn bạn ra về, nó tản bộ trong khuôn viên nhỏ nhà mình và lan man về cái gọi là “xù lông” mỗi khi có ai đó “đụng chạm” đến Chúa của nó. Dẫu rằng, nó là kẻ tội lỗi muôn vàn, xác thịt nặng nề yếu đuối, ham mê sự đời, lơ là bổn phận của một người Ki-tô hữu. Nhưng, có một điều chắc chắn là nó luôn luôn bảo vệ, tuyên xưng đức tin Công giáo, dù ở bất cứ nơi nào, không gian, thời gian nào và nó rất tự hào mình là người Công giáo. Còn nhớ, những lần đi chăm sóc người nhà hoặc chính bản thân nó nằm viện, nó luôn thể hiện những cử chỉ, việc làm khi ăn uống, lúc ngủ nghỉ và cách quan tâm, giúp đỡ đến những người cùng phòng. Đến khi họ hỏi nó: “Chị là người Công giáo phải không?” lúc đó, nó cảm thấy sung sướng lạ lùng.
Cũng vậy, có lần đi du lịch cùng hội lớp, bạn bè nó đều là người Samari, đứa là đại gia, đứa làm “quan” bên an ninh, cảnh sát, của thành phố, thị xã, nhỏ nhỏ cũng là cán bộ cấp xã, phường. Duy chỉ mình nó là người Công giáo, lại là nông “dân” quẩn quanh đầu làng cuối xóm. Buổi tối tất cả hội cùng nhau quây quần hát… “ca dao”, nó bảo với bạn bè:
- Trước khi đi, tớ khấn với Đức Chúa và Mẹ Maria, xin cho chuyến đi của chúng ta được bình an, giờ đây tớ xin hát Thánh ca Công giáo để tạ ơn vì mọi sự tốt đẹp trong suốt hành trình của chúng ta.
Khi nó hát xong, bạn bè bình luận:
- Nhạc Công giáo có giai điệu hay và lời thật ý nghĩa.
Nghe vậy, nó thầm tạ ơn Chúa, vì đã ban cho nó được làm con Chúa.
Cứ vậy, khi thì nó mời bạn bè tham dự ngày lễ Khánh nhật Truyền giáo, lúc lại mời tới những buổi rước hoa kính Đức Mẹ. Dẫu biết mình là “thợ gặt” không chuyên, đã dốt lại còn lười biếng, ỉ nại. Nhưng nhờ ơn Chúa quan phòng, nó vẫn luôn tôn thờ, yêu mến và cậy tin vào Thiên Chúa. Dù trần thế có thay đen đổi trắng, thì Thánh giá Chúa vẫn mãi mãi là thần tượng của nó, là niềm kiêu hãnh của người Công giáo. 
Hồng Minh
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Sơn La làm bác ái tại Chiềng Cơi
Giáo xứ Sơn La làm bác ái tại Chiềng Cơi
Ngày 05/09/2024, cha xứ, cha phó và Ban hành giáo giáo xứ Sơn La đã kết hợp với chính quyền địa phương đến trợ giúp một số đồ dùng và nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log