Chắc chúng ta có cùng một tâm tình như Đức Giám mục Giáo phận đã ngỏ lời lúc đầu lễ: Giáo phận Hưng Hóa vừa vui mừng tạ ơn Chúa vì có thêm 18 Tân Linh mục, thì 5 ngày sau lại đau buồn vì một linh mục trẻ qua đời. Nhưng đời là thế: khi lần hạt Mân Côi, chúng ta ngắm “Năm Sự Vui” rồi ngắm “Năm Sự Thương”, tiếp theo là “Năm Sự Sáng” và “Năm Sự Mừng". Người Công giáo tin rằng: cuộc đời theo Chúa có Vui, có Thương, có Sáng và đích tới là Mừng.
Tuy thương tiếc Cha Giuse Nguyễn Quốc Thịnh qua đời ở tuổi 46, sau 6 năm làm linh mục, trong đó có khoảng 3 năm nghỉ dưỡng bệnh, nhưng chúng ta cũng vui mừng tạ ơn Chúa với Cha Giuse vì ngài đã hoàn tất cuộc sống ở trần thế theo thánh ý Chúa. Nói đến đây, tôi không thể không nhớ đến một linh mục trẻ thuộc Giáo phận Đà Lạt đã qua đời ở tuổi 44 sau 6 năm làm cha phó. Có người nói rằng:
“Cha còn trẻ quá, chưa làm được gì”, ngụ ý Cha chưa làm được một công trình nào như nhà thờ, nhà mục vụ, nhà xứ…
Vậy thì Chúa Giêsu đã làm được gì khi chỉ hưởng dương 33 tuổi sau 3 năm thi hành sứ vụ, mà trên thập giá Ngài đã cất tiếng nói rằng:
“Mọi sự đã hoàn tất”? Tác giả Sách Ngôn Ngoan trong
Bài đọc I (x. Kn 4, 7-15) đã khẳng định: “
Người công chính dù có chết trẻ, cũng vẫn được an nghỉ, vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Ðối với con người…, sống không tì ố đã là sống thọ… Người công chính nên hoàn thiện chỉ trong một thời gian ngắn, thì kể như đã hoàn tất một sự nghiệp lâu dài”. Như thế, có thể nói rằng: Cha Giuse Thịnh đã hoàn tất mọi sự theo thánh ý Chúa Cha chỉ trong một thời gian ngắn. Khi nghe đọc tiểu sử của ngài, chúng ta nghe nhắc đến ngài, dù bệnh tật nhưng luôn nói “xin vâng theo thánh ý Chúa”.
Hôm nay là lễ nhớ Đức Maria Nữ Vương. Cách đây hơn 100 năm, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ nhỏ tại Fatima. Trong lần hiện ra ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã cho ba em thấy hỏa ngục. Các em xin Đức Mẹ cứu giúp, Đức Mẹ nói với các em:
“Các con đã thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn tội lỗi phải vào. Như vậy, khi các con đọc Kinh Mân Côi, hãy đọc câu này sau mỗi chục kinh: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.
Hỏi rằng: linh hồn các linh mục qua đời có cần đến lòng Chúa thương xót hơn không? Có người nói không cần, bởi vì Chúa đã thương chọn các ngài thì Chúa thương đến cùng, hơn nữa ngay sau khi qua đời các ngài đã được đông đảo các cha dâng lễ và được nhiều người cầu nguyện. Thực ra, các linh mục vẫn thường ngày đấm ngực thú nhận
“lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”; vì thế chúng ta có nhiệm vụ cầu nguyện cho các ngài được Chúa Cha giàu lòng thương xót tha thứ mọi hình phạt đáng chịu vì tội, được nhập vào đoàn ngũ các thánh trong Nước Chúa. Đây là một cử chỉ biểu lộ lòng biết ơn đối với những người đã hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh Chúa Kitô.
Chiều nay chúng ta hiệp dâng Thánh lễ An táng cầu nguyện cho Cha Giuse, và còn tiếp tục cầu nguyện cho ngài, để xin Chúa thương xót ngài, vì trong cuộc sống mấy ai tránh khỏi những yếu đuối của thân phận con người, có khi lại
“cần đến lòng Chúa thương xót” nhiều hơn.
Tuy nhiên, Thánh Gioan trong
Bài Tin Mừng (x. Ga 6, 37-40) thuật lại lời Chúa Giêsu phán:
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ... Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”. Cha Giuse đã đến với Chúa Giêsu, đã được nuôi dưỡng bằng bánh trường sinh nhiều năm từ khi rước lễ lần đầu. Cha Giuse còn hướng dẫn biết bao nhiêu người đến với Chúa Giêsu và đã phân phát bánh trường sinh cho họ trong những năm thi hành sứ vụ mục tử. Vì thế, chúng ta tin tưởng rằng Cha Giuse
“không bị loại ra ngoài”.
Khi tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm “các thánh thông công”, Mẹ Giáo Hội luôn khuyến khích việc cầu nguyện cho các linh hồn còn đang phải thanh luyện để giúp họ được mau vào Vương quốc của Chúa. Tội trọng và tội nhẹ đều có thể được tha thứ qua Bí tích Hoà giải, nhưng hối nhân phải làm việc “đền tội”; theo lời dạy của Công Đồng Trentô, đây là hình phạt hữu hạn mà hối nhân cần làm để
“sửa lại những xáo trộn do tội đã gây nên”. Việc “đền tội” này, nếu không làm đầy đủ khi còn sống, thì cần được thanh luyện sau khi chết.
Nhằc đến lời Chúa Giêsu đã nói về ngày phán xét được tường thuật trong Sách Tin Mừng theo thánh Matthêu, chương 25, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng:
“Vào cuối đời, chúng ta sẽ chịu xét xử về tình yêu thương đối với người anh em của chúng ta một cách cụ thể”. ĐTC nhấn mạnh:
“Chúa Giêsu đã mở ra Vương quốc của Người, nhưng để được vào Vương quốc ấy, chúng ta phải bắt đầu ngay từ cuộc sống này, bằng cách thực thi những công việc trên”. Như thế, điều quan trọng là hoàn tất cuộc sống theo thánh ý Thiên Chúa, mà thiên ý rõ ràng nhất là nên hoàn thiện bằng thực hành di chúc của Chúa Giêsu:
“Hãy yêu thương như Thầy yêu thương” (Ga 15,12). Đó cũng là điều Thánh Gioan xác tín mà chúng ta vừa nghe đọc trong
Bài đọc II (x. 1 Ga 3,14-16):
“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã đi từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta thương yêu anh em”. Giờ đây, chúng ta tiếp tục dâng Thánh lễ khẩn khoản nài xin Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, xót thương các linh hồn đang còn phải thanh luyện, cách riêng linh hồn Cha Giuse mới qua đời. Chúng ta không quên cầu nguyện cho tất cả chúng ta, trong cuộc sống trần thế, biết noi gương Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Quan thầy giáo họ Giữa Hiền, luôn bước theo Chúa Giêsu làm theo thánh ý Chúa Cha, để khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta được Vua Giêsu phán rằng:
“Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi… Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống…; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng... Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 34-36.40).
Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, xin cho linh hồn Cha Giuse được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen.