Thứ ba, 17/09/2024

Bài giảng của Đức cha Antôn trong Thánh lễ truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc 17.08.2023

Cập nhật lúc 15:50 17/08/2023
Hôm nay, chúng ta tham dự Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục cho 18 thầy Phó tế thuộc Giáo phận Hưng Hóa. Tính đến nay, có lẽ đây là lần truyền chức cho nhiều linh mục nhất trong lịch sử Giáo phận. Chúng ta sốt sắng dâng lời tạ ơn Chúa. Đây cũng là dịp để cùng nhau ôn lại ý nghĩa và mục đích của ơn gọi và sứ vụ linh mục.
1. Ơn gọi làm linh mục
Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, tại Lisbon Bồ Đào Nha, đã diễn ra “Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37” do ĐTC Phanxicô chủ sự. Trong diễn văn khai mạc, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng: “Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa gọi vì Người yêu thương chúng ta. Mỗi ngày, Thiên Chúa không ngừng gọi chúng ta để ôm lấy chúng ta và khích lệ chúng ta, để biến chúng ta thành một kiệt tác độc nhất vô nhị”.
Như thế, mỗi người chúng ta, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, đều có cùng một ơn gọi cao quý nhất, đặc biệt qua Bí tích Thánh Tẩy, là được làm con Thiên Chúa và là một phần tử của Hội Thánh. Trong số những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, một số ít người lại có ơn gọi làm linh mục qua Bí tích Truyền Chức Thánh, để phục vụ con cái Thiên Chúa, trong cũng như ngoài Hội Thánh.
Riêng đối những người được chọn gọi làm linh mục để cộng tác với giám mục là người kế vị các tông đồ, Chúa Giêsu cũng nói với họ như đã nói với các Tông đồ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Thật vậy, chính từ trái tim, không phải bởi lý trí, linh mục cảm nhận mình được Chúa chọn gọi.
Bài Tin Mừng theo Thánh Luca vừa nghe đọc (x. Lc 5,1-11) thuật lại việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên: Khi Chúa Giêsu thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới, Ngài lên thuyền của ông Simon. Sau khi giảng xong,Ngài bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Ông Simon nói thế có lẽ vì nghĩ thầm rằng: Ông Giêsu làm nghề thợ mộc thì biết gì về nghề đánh cá. Nhưng một phần vì nể Đức Giêsu đã lên thuyền của mình, ông thưa với Ngài: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Chắc ông cũng nghĩ thầm rằng: Ông Giêsu ơi, hãy chờ đấy, sẽ không có cá đâu, người ta chuyên nghiệp đã thức suốt đêm mà còn không bắt được gì! Nhưng sau đó, ông Simon đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”, ông phải gọi các bạn chài đến giúp, và họ đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm”. Thấy vậy, ông Simon sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Vâng, chính lúc đó, và chỉ lúc đó (lúc ông ý thức mình là người tội lỗi, chứ không phải lúc ông tự phụ), Chúa mới gọi ông: “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (anh sẽ lưới người như lưới cá, mà kết quả không phải do mình tài giỏi, mà do quyền năng Chúa). Thánh Luca ghi nhận: Thế là ông Simon và các bạn chài của ông, trong đó có ông Gioan và em là ông Giacôbê, đã “đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Theo Thánh Marcô (x. Mc 1,14-20) còn có ông Anrê là em ông Simon.
Sau đó Chúa đã chọn gọi thêm các tông đồ khác, tổng cộng là 12 ông; các ông đã được Thầy Giêsu đào tạo suốt 3 năm (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Thầy). Vậy mà khi Thầy Giêsu bị bắt và bị kết án tử hình trên thập giá, ông Giuđa là người bán thầy, ông Phêrô là người chối thầy ba lần, hầu hết các tông đồ đều bỏ chạy. Nhưng Chúa Giêsu đã yêu thì “yêu họ đến cùng” (Ga 13,1); Ngài đã tha thứ tất cả, vẫn đặt ông Simon Phêrô làm đầu Hội Thánh vì ông đã ba lần thưa với Chúa Giêsu: “Thầy biết con yêu mến  Thầy”; Ngài đã củng cố các ông tin vào Chúa Phục Sinh, đã ban Thánh Thần cho các ông và sai các ông đi loan báo Tin Mừng.
Có lần thầy trò đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, các tông đồ rất tự hào khi được phân phát bánh cho dân chúng, Chúa liền bảo các ông xuống thuyền qua bên kia bờ biển hồ để cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ tự mãn; khi thuyền bị sóng gió muốn chìm, các ông hoảng sợ; Chúa Giêsu liền đi trên mặt biển đến với các ông; Ông Simon Phêrô thấy thế cũng bước ra khỏi thuyền đi trên mặt biển đến với Chúa, rồi ông chìm xuống biển, nhưng đã được Chúa kéo lên. Đó cũng là ý tưởng gợi hứng cho bài hát nổi tiếng “You raise me up” (Chúa nâng con lên). Bài hát có câu: Chúa nâng con lên, để con có thể vượt qua bao sóng gió… Chúa nâng đỡ con, khiến con vượt lên hơn cả chính mình(You raise me up to more than I can be”).
2. Được sai đi loan báo Tin Mừng
Khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh, các tân linh mục được “xức dầu” ban Thánh Thần và được sai đi loan báo Tin Mừng như Đức Giêsu; vì thế họ cũng xác tín như Đức Giêsu rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18).
Trong dịpĐại hội Giới trẻ Thế giới vừa qua, ĐTC Phanxicô đã có buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục và chủng sinh tại Lisbon. Ngài đã dùng Bài Tin Mừng theo Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe đọc để khích lệ mọi người nhiệt tâm thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. ĐTC giải thích rằng:“Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá, là can đảm đối diện với cuộc đời và với những khó khăn phía trước để loan báo Tin Mừng”.
ĐTC nhắn nhủ: “Chúng ta cần dâng lên Chúa những nỗ lực và mồ hôi nước mắt của mình, để rồi cùng nhau đáp ứng những nhu cầu mục vụ và thiêng liêng với tâm hồn rộng mở, và tìm ra những con đường mới để theo Chúa, tin tưởng rằng Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đưa tay ra và nâng đỡ Hội Thánh là Hôn thê  yêu dấu của Ngài”.
Vì thế, cần cầu nguyện cho nhau biết tín thác vào sự nâng đỡ của Chúa và biết nâng đỡ nhau hơn là phê phán nhau. Trong một buổi tiếp kiến dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương của Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến những căn bệnh có thể thường xảy ra trong đời sống của Giáo hội, đặc biệt là bệnh ngồi lê đôi mách và nói hành nói xấu. Về bệnh này, Ngài nói rằng: “Tôi đã nói nhiều về bệnh này nhưng sẽ không bao giờ nói cho đủ. Đó là một bệnh nặng. Người mắc bệnh này trở thành kẻ sát nhân máu lạnh, hủy hoại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và anh em mình. Đó là bệnh của những người hèn nhát, không can đảm nói thẳng, mà chỉ nói sau lưng”.
Thánh Bônaventura chỉ ra 4 kiểu nói xấu: một là, khi người khác có sự tốt còn kín, ta tìm cách giấu đi kẻo có ai biết mà khen; hai là, khi người khác có sự tốt đã trống, ta tìm cách dèm pha để người ta nghi ngờ mà bớt khen; ba là, khi người khác có sự xấu còn kín, ta tìm cách khui ra để người ta biết mà chê; bốn là, khi người khác có sự xấu đã trống, ta tìm cách tuyên truyền rộng ra để người ta càng biết.
Cuối bài nói chuyện, ĐTC kêu gọi mọi người cần “tăng trưởng trong tình hiệp thông… để chu toàn sứ mạng” và cầu xin Đức Mẹ giúp chữa lành những căn bệnh thường gặp trong Giáo hội.
Trong Đại hội Giới trẻ Thế giới, khi trả lời những băn khoăn của về việc liệu Giáo hội có chỗ cho những người sai lỗi không, ĐTC khẳng định rằng: Trong Giáo hội luôn có chỗ cho mọi người, cho những người đã phạm sai lầm, những người đã sa ngã, những người đang vất vả chiến đấu. Thiên Chúa là người dang rộng vòng tay. Vì thế, hãy loan truyền cho nhau sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa…; Hãy gọi tên người khác bằng tất cả tình yêu, và đừng ngại nói thêm với họ rằng: Thiên Chúa yêu họ, Thiên Chúa gọi họ; Hãy nhắc nhớ nhau rằng mỗi người chúng ta đều có một giá trị quý giá trước mặt Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cảnh giác rằng: “Nhiều người nói rằng họ biết bạn nhưng thực tế họ không yêu thương bạn, họ hứa hẹn rồi sau đó bỏ bạn lại một mình khi bạn chẳng còn giá trị lợi dụng nữa. Nhưng Đức Giêsu thì không. Ngài tin tưởng bạn. Đối với Ngài, bạn rất quan trọng”.
Giờ đây, chúng ta tham dự nghi lễ truyền chức linh mục, tiếp tục dâng Thánh Lễ để tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận, cách riêng cho các tân linh mục, luôn biết tín thác vào sự nâng đỡ của Chúa, đồng thời biết nâng đỡ nhau trong cuộc sống và sứ vụ.
Lạy Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, xin cầu cho chúng con.
Thông tin khác:
Ngang lối (14/04/2023)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Dị Nậu khai giảng năm học Giáo lý 2024 – 2025 với chủ đề: "Hãy học cùng Chúa Giêsu"
Giáo xứ Dị Nậu khai giảng năm học Giáo lý 2024 – 2025 với chủ đề: "Hãy học cùng Chúa Giêsu"
Vào lúc 07g30, Chúa Nhật ngày 15.09.2024, giáo xứ Dị Nậu đã tổ chức buổi lễ khai giảng năm học giáo lý 2024 – 2025 cho các em thiếu nhi, trong bầu khí sôi nổi và vui tươi. Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của thầy phó tế Giuse, quý dì, quý đại diện Hội đồng Giáo xứ, quý thầy cô giáo lý viên, đại diện quý phụ huynh, quý anh chị huynh trưởng, cùng hơn 300 em thiếu nhi trong giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log