Cũng vậy, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật), người ta nghe loáng thoáng vài phụ nữ loan tin: “Đức Giêsu đã trỗi dậy.” (Mc 16,6). Tin Mừng thánh Gioan cũng thuật lại chính Maria Mác-đa-la hoảng hốt khi thấy cửa mồ đã mở toang. Bà liền chạy về báo tin cho các môn đệ. Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến cũng hốt hoảng chạy ra mồ.
1. Dấu chỉ của sự phục sinh
Cả bốn Tin Mừng đều kể lại câu chuyện ngôi mộ trống. Các ngài muốn nói đây là dữ kiện quan trọng đầu tiên cho thấy thầy Giêsu đã phục sinh. Phêrô và người môn đệ Chúa Giê-su yêu dấu chạy ra mộ. Ông Phêrô tới và vào thẳng trong mộ, thấy băng vải và khăn che đầu. Các khăn ấy được quấn lại, xếp riêng ra một nơi. Môn đệ kia cũng vào. Ông đã thấy và đã tin Thầy sống lại!
Nếu đến Đất Thánh, bạn sẽ thấy ngôi đền nhỏ trên mộ Chúa được sửa sang và hoàn tất vào tháng 3 năm 2017. Sau những ngày tháng nghiên cứu trên bình diện khoa học về Mộ Chúa, giáo sư giám đốc dự án này phát biểu với giới truyền thông rằng: “Mọi thứ nơi đây đều chuyển tải một thông điệp Phục sinh: Niềm hy vọng và ơn phúc cho hàng triệu người.”[1]
Dấu chứng ấy gia tăng hy vọng của chúng ta trong lần đại dịch này!
Thực ra dấu chỉ phục sinh còn được nhận ra với câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau. Thầy Giêsu hiện ra để đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, chúc lành và giúp họ nhận ra Chúa Phục sinh. Khi đồng bàn, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc24, 30), họ mới nhận ra Thầy mình đã sống lại. Trong nghĩa này, phải chăng Chúa phục sinh cũng đang đi bên cạnh mỗi người trong cuộc đời. Ngài mời gọi tôi nhận ra niềm phấn khởi trong nỗi sầu tuyệt vọng. Đó là món quà, là tin vui giữa lúc các ông tuyệt vọng.
Dấu chứng ấy củng cố niềm tin của chúng ta trong lần đại dịch này!
Bằng chứng khác về biến cố phục sinh: Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ (x Ga 20,19-29). Họ đang tuyệt vọng, run sợ và hoang mang trước cái chết của Thầy mình. Trong hoàn cành co cụm ấy, Đức Giêsu đã hiện ra. Ngài trao ban bình an cho các ông. Các ông còn được xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Đây thực sự là tin vui giữa giờ tuyệt vọng! Thời khắc đó xoay chuyển mọi sự nơi các ông. Mỗi người mạnh dạn ra đi loan báo tin mừng cho muôn dân. Họ cho nhân loại thấy Đức Giêsu đã chết, và nay đã sống lại, để cứu độ con người.
Chúa đang trao sự sống cho chúng ta trong lần đại dịch này!
Thế là câu chuyện phục sinh mỗi lúc một lan nhanh. Nhiều người lấy lại sức sống với tin mừng đó. Họ tin theo Đức Giêsu nhiều hơn. Giáo Hội sơ khai lớn mạnh và lan nhanh đến nhiều gia đình, xóm làng, thành thị và quốc gia. Ai nghe và đón nhận thì tin ấy sẽ là phần phúc cho họ.
2. Để tin vui Phục Sinh lấn lát tin buồn mùa dịch
Có thể đỉnh điểm của mùa dịch diễn ra trong mùa phục sinh. Chúng ta hy vọng thế để cơn dịch sớm giảm dần. Trong thời khắc khó khăn này, đã và sẽ có muôn vàn khó khăn mà con người phải gánh chịu. Họ làm sao thanh thản khi người thân qua đời. Mấy ai vui khi có người nhà nhiễm bệnh. Chắc không thể an lòng khi dịch càng đến gần gia đình mình hơn. Điều ấy là có thực, nhưng đừng để tin tức ấy dập tắt mọi hy vọng của ta.
Giáo Hội tha thiết mời gọi mỗi người hãy để niềm hy vọng của Chúa phục sinh tiếp tục soi sáng con đường mỗi người. Phục sinh là niềm tin, là hy vọng của chúng ta. Đó là những thứ chúng ta cần lúc đại dịch đang lan tràn. Để cùng với Chúa và với nhau, tin vui bình an sẽ cho mỗi người sáng suốt hành xử trong bối cảnh đầy biến động này. Bởi, ánh sáng và niềm vui của Chúa Kitô tỏa ra trong niềm vui và sự bình an mà Chúa Phục Sinh ban cho, và không ai lấy mất được (Ga 14,27).
Xin đừng gieo cho mình và người khác sợ hãi và hoang mang. Chúa muốn trao ban bình an cho mỗi người. Đồng thời Ngài cũng muốn qua chúng ta, tin mừng bình an này đến với những người xung quanh. Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi đó than ngắn, thở dài mà nguyền rủa số phận đau thương. Đây là thời gian để Tin Mừng sự thật và sự hiện diện của Chúa Phục sinh lan nhanh bao nhiêu có thể. Dẫu cho dịch cũng lan tràn, nhưng mỗi người tin rằng Chúa Phục sinh đang ở với con người.
3. Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp chúng con
Câu cuối cùng của Tin Mừng thánh Mác-cô viết: “Các Tông Ðồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16,20).
Suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, Tin Mừng đã loan đến tận cùng trái đất. Nhiều người đã biết đến, yêu mến và tin theo Đức Giêsu. Khi đó họ cũng được Đức Giêsu ở cùng. Hẳn là mỗi người có kinh nghiệm về những điều Thiên Chúa đã làm cho mình. Đó là những dấu lạ, là sức mạnh và ân huệ để ta bước tiếp.
Trong ngày trọng đại này, hẳn là mỗi người tiếp tục xin Chúa cứu nhân loại trong cơn dịch bệnh. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô[2]: “cha khuyến khích các con luôn sống đức tin với lòng nhiệt thành và đừng mất hy vọng vào Chúa Giêsu. Ngài là người bạn trung thành, người lấp đầy cuộc sống của chúng ta với hạnh phúc, ngay cả trong những thời điểm khó khăn.”
Cũng thế, Friedrich Schiller nói với chúng ta rằng: “Người nào đã nhận được sứ điệp Phục Sinh không thể nào còn bước đi với bộ mặt bi thảm, và sống cuộc sống không có niềm vui của một người không có hy vọng.” Cầu chúc bạn và tôi, ai cũng nhận được niềm vui phục sinh.
Lời nguyện kết thúc và mở ra
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, hành trình Tuần Thánh năm nay cho chúng con nhiều kinh nghiệm thú vị. Từ con đường thập giá, chúng con thấy Chúa đang chịu đau khổ với con người. Chúa đã dùng thánh giá để làm những điều vĩ đại cho nhân loại. Dẫu dịch bệnh có uy hiếp từng người, nhưng chúng con không cô đơn. Chúng con có Thiên Chúa và có nhau. Nếu Chúa đã khởi sự những điều tốt lành nơi chúng con, thì xin tiếp tục đi cùng với chúng con trong chặng đường phía trước. Nơi ấy luôn có tin vui, tin mừng và tin tốt. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Xem thêm: Tạp chí The Holy Land review: The Tomb is Opened.
[2] ĐTC Phanxicô: chúng ta không đơn độc trong thử thách, hãy tín thác vào Chúa Kitô.
*********