Chúa nhật, 29/12/2024

Sẵn sàng cho Cuộc Thương Khó

Cập nhật lúc 08:15 07/04/2020



1. Dịch bệnh có phải là thập giá?

Ai cũng đồng ý rằng thập giá là biểu tượng của đau khổ, ô nhục, sợ hãi và chết chóc. Đó là hình phạt mà thời Đức Giêsu, Đế quốc Rôma trừng phạt tội nhân. Đó là khúc gỗ hình chữ thập mà chính Đức Giêsu phải vác lên đồi Canvê. Trải qua dòng lịch sử, dĩ nhiên thập giá trở nên biểu tượng của Kitô giáo. Trong ý nghĩa đức tin này, thập giá là thánh giá vì nó liên kết với sự hiến tế của Đức Giêsu. 

Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi Giáo Hội thường liên hệ những đau khổ của con người với thập giá Đức Giêsu. Những đau khổ, bệnh tật và chết chóc như những thập giá mà con người phải gánh lấy. Dù muốn dù không, nó luôn hiện diện với từng người. Nhất là trong hoàn cảnh này, thật dễ để thấy biết bao đau thương nhân loại đang hứng chịu. Có người gào lên trong tuyệt vọng vì thập giá ấy quá nặng. Họ không đón nhận và vác theo. Là người không có niềm tin, chắc chắn những đau khổ thường không có ý nghĩa. Vì lý do này, rất nhiều người bế tắc khi giải thích về khổ đau của kiếp người.

Là người Công Giáo, không chỉ dịch bệnh lần này mới là thập giá nặng nề. Giáo Hội xác tín rằng: “Thiên Chúa toàn năng tốt lành, nên Ngài biết cách rút lấy điều lành từ sự dữ.” (GLHTCG 311). Đối diện với dịch bệnh lần này, chúng ta vững tin vào điều tốt đẹp mà Ngài sẽ đem đến cho ta. Ngài làm cho đêm tối của chúng ta thành ánh sáng. Bởi chính Ngài cũng đang vác thập giá cùng ta.

Chúng ta ý thức mỗi người có một thập giá rất riêng mà Đức Giêsu mời gọi “hãy vác thập giá hàng ngày của mình” (Lc 9,23) mà đi theo Ngài. Trong thời Cựu Ước, trước cảnh khốn cùng của dân Israel, Thiên Chúa đã đoái thương và giải thoát họ khỏi ách nô lệ (Xh 3,17). Sang thời Tân Ước, chính cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu đã giải thoát con người khỏi ách tội lỗi.

Hiểu theo những ý nghĩa trên, dịch bệnh virus Corona thực sự là thập giá. Đó là một nỗi đau cho toàn nhân loại. Chúa Giêsu mời tôi vác chứ không kéo lê hoặc chối từ; nghĩa là đón nhận trong bình an. Chỉ có ai dám đi với Ngài trong con đường khổ giá, người ấy mới hy vọng được ở với Ngài trong vinh quang.

2. Niềm vui của thập giá

Đau khổ, dịch bệnh và chết chóc không bao giờ là niềm vui. Chẳng ai mong chờ điều ấy. Đó là nỗi buồn khủng khiếp cho bất kỳ ai vướng phải. Thực ra chúng ta đang giải thích theo lối hiểu thông thường, theo phương diện sinh học, tâm lý tự nhiên. Về chiều kích tôn giáo, những điều ấy lại trở nên cơ hội để con người gần hơn với Đấng họ tôn thờ. Cụ thể người Công Giáo luôn tôn sùng thập giá Chúa Kitô, vì nơi đó, chúng ta kín múc được sức mạnh để bước theo Ngài.

Bởi thế, các Tông Đồ khuyên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai hãy kiên cường, vui vẻ đón nhận thánh ý Chúa. Chính các ngài cũng luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu. (2 Cr 4,7). Nếu ai bảo mình luôn yêu mến Thiên Chúa mà từ chối thập giá là người ấy nói dối. Bởi, “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt10,37–39). Đấy là lời mời gọi thách đố cho mọi thời và mỗi người!

Dĩ nhiên Chúa không trừng phạt con người bằng những khổ đau và cái chết. Đó là thực tại của kiếp người sinh, lão, bệnh, tử. Bằng con đường thập giá của Đức Giêsu, chúng ta hy vọng tìm được nhiều bình an trong mọi biến cố. Nhìn các vị tử đạo, những người tù đày vì đức tin, chịu mọi khổ đau vì Thiên Chúa, niềm vui nội tâm của họ thật lớn lao biết bao!

Trong cuốn Con đường Hạnh phúc, Đức Giám Mục Fulton J. Sheen viết rằng: “Nếu có Đấng Chuộc Tội, thì có Thập giá. Nếu có Thập giá, thì có phương thế để điều chỉnh lại cuộc đời chúng ta. Và như thế thì sự thất vọng sẽ biến đi và ta có được sự an bình mà thế gian không thể nào ban cho được”. Đó là niềm vui cho những ai cảm nhận được ý nghĩa của khổ đau.

3. Đường tình đó Ngài dành cho con

Có lẽ hôm nay là ngày cuối cùng Đức Giêsu ở nhà của Marta. Hôm sau, thứ Năm Tuần Thánh, Ngài chính thức bước vào con đường thập giá. Đó là con đường Chúa đã đi qua mà linh mục Văn Chi gọi là con đường tình yêu. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thật khó để bước vào. Cũng như dịch bệnh hôm nay, thử hỏi mấy ai vui lòng đón nhận. Với Chúa và trong Chúa, chúng ta có thể vác được nó.

Thực ra chúng ta đã sắp kiệt sức để chấp nhận thập giá bệnh dịch này. Giáo Hội luôn mời gọi con người cầu khẩn, van xin Chúa ban sức mạnh để chấp nhận tất cả. Không chỉ Giáo Hội Công Giáo, các tôn giáo khác cũng hướng về Đấng họ tôn thờ để cầu xin. Chúng ta tin Thiên Chúa, ít là lúc này, cho mỗi người không hoang mang, vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nếu lúc bình an hoan hỷ xin được vác thánh giá đi theo Chúa, thì lúc này chẳng lẽ chúng ta chối từ thập giá sao?

Đừng quên con đường thập giá nhẹ nhàng hơn nhiều nếu chúng ta vác cùng nhau. Nghĩa là mỗi người sẵn sàng bước vào cuộc thương khó cùng với nhau. Chúa đi trước, mình đi sau. Chúa bảo đảm cho mình bình an, chúng ta tín thác. Thay vì cứ chăm chú nhìn vào thập giá, thay vì giải thích khổ đau…Chúa gọi tôi kề vai cùng vác. Đó là sức năng động của con đường tình này.

Để sẵn sàng đi cùng với Chúa, chúng ta cùng nhau nghe lời cầu nguyện của ca khúc: Chúa Đau Cùng Con, Sáng tác: Sr. Quỳnh Thoại, Thể hiện: Minh Nguyệt: 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

dongten.net
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log