Thứ hai, 25/11/2024

Chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi

Cập nhật lúc 09:11 06/06/2020



Một Chúa Ba Ngôi luôn là mầu nhiệm lớn lao và khó hiểu nhất. Lớn lao vì đây là mầu nhiệm trọng tâm nhất của Kitô giáo. Khó hiểu vì chẳng thể nào giải thích thấu đáo chỉ có một Thiên Chúa nhưng trong đó lại có ba Ngôi Vị. Ngay cả thánh Augustinô sau khi nỗ lực tìm kiếm để giải thích về mầu nhiệm này, ngài cũng chấp nhận trong khó hiểu. Với ngài, việc múc “nước biển đổ vào hang sò”[1] còn dễ hơn giải thích mầu nhiệm này. Do đó, bài viết dưới đây xin chọn con đường chiêm ngắm để thấy Thiên Chúa chúng ta thật cao vời, nhưng gần gũi biết bao.

1.Thuở tạo thiên lập địa

Cựu Ước chỉ có một Thiên Chúa là Giavê duy nhất. Tất cả Kinh Thánh Cựu Ước đều diễn tả một mình Thiên Chúa làm chủ muôn loài. Dân trong cựu ước không kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi. Dù đôi chỗ có nhắc đến “thần khí” hoặc dân đang mong mỏi Đấng Thiên Sai (Mêsia); nhưng dĩ nhiên, họ không cho rằng đó là Chúa Thánh Thần hoặc Đức Giêsu. Trong nhãn quan thời cựu ước, ngoài Thiên Chúa không có thần nào khác quyền năng và cao cả cho bằng. Dân thời ấy cũng không dám và cũng chẳng thắc mắc về Thiên Chúa có mấy ngôi! Có lần họ muốn biết Thiên Chúa là ai, và qua lần gặp với Môsê, Thiên Chúa cho dân biết một chút về Ngài: “Ta là Đấng Ta là!” (Xh 3,14).

Điều thú vị là trong đoạn đầu của sách Sáng Thế, độc giả sẽ ngạc nhiên về cách mô tả trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sau năm ngày Thiên Chúa tạo nên muôn loài, ngày thứ Sáu, Thiên Chúa muốn dựng nên một loài giống hình ảnh Thiên Chúa. “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” (St 1,26) Thiên Chúa xưng hô trong số nhiều khi chuẩn bị làm một công trình lớn lao nhất[2]. Đây là một cuộc bàn luận của Ba Ngôi, nếu nhìn từ Tân Ước.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể biết các Ngài bàn luận bao lâu và về những gì. Chúng ta biết chắc một điều: Thiên Chúa muốn tạo nên con người một cách đặc biệt. Con người này mang “gen di truyền” của Thiên Chúa. Nghĩa là, con người được thừa hưởng tình yêu, tự do, hiệp nhất nhiều điều tốt lành từ Thiên Chúa. Các nhà chú giải khẳng định rằng: chắc chắn Thiên Chúa không bàn luận với các thiên thần, vì các vị không làm ra con người. Cuộc bàn luận ấy chỉ diễn ra trong Thiên Chúa, Ba Ngôi trò chuyện với nhau.

Kết quả của cuộc bàn luận này là các Ngài lấy đất nặn ra con người. Thiên Chúa thổi sinh khí vào con người. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Đó là ngày thứ Sáu. Vậy là công trình sáng tạo muôn loài của Thiên Chúa Ba Ngôi đã hoàn tất. Mọi sự đều tốt đẹp. Ngày thứ Bảy Thiên Chúa Ba Ngôi “nghỉ ngơi”.

2.Trong công trình cứu độ

Tiếc là con người đã không tuân giữ lời căn dặn của Thiên Chúa. Họ đã ăn trái cấm và bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Từ đó về sau là giai đoạn khốn cùng của con người. Vì Thiên Chúa Ba ngôi là tình yêu, nên các Ngài không bỏ con người. Thiên Chúa một lần nữa bàn luận để tìm cách cứu con người.

Kinh Thánh không ghi lại cuộc bàn luận này. Tuy nhiên nếu ai có dịp đọc sách Linh Thao của thánh I–nhã Loyola, hoặc làm Linh Thao, sẽ bắt gặp cuộc trò chuyện này. Để giúp chiêm ngắm màu nhiệm nhập thể thánh I–nhã mời chúng ta hình dung Ba Ngôi Thiên Chúa nhìn xuống trái đất bao la với muôn vàn con người. Họ đang đau khổ lầm than. Nào là thiên tai chiến tranh, bệnh tật chết chóc; nào là cảnh nghèo đói lầm than. Trước tình cảnh bi thương đó, Ba Ngôi bàn thảo với nhau để tìm cách cứu độ con người, loài thụ tạo mà Thiên Chúa đã nắn nót làm nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì tội lỗi, nên con người đang phải chịu cảnh đọa đày như thế.

Ba Ngôi Thiên Chúa quyết định cử Ngôi Hai xuống thế làm người. Vậy là Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình. Sau ba năm rong ruổi trên mọi nẻo đường để rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu phải lên Giêrusalem để đối diện với cái chết. Ba Ngôi đã dùng phương cách ấy để cứu lấy con người đang lầm than, chết chóc.

Trong hai cuộc bàn luận trên, chúng ta có thể hiểu thêm về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Cụ thể Giáo Hội tuyên tín rằng: Chúa Cha sinh ra (natus) Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô. Ngôi Cha không có khởi đầu và kết thúc; Ngài tự Ngài mà có. Ngài là nguồn suối và nguồn gốc, hay sự khởi đầu của toàn thể thiên tính. Ngài làm ra tất cả mọi sự nhờ Ngôi Con và Thánh Thần (x. HD tr.1609)[3]. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô là Con Một duy nhất của Chúa Cha. Ngôi Hai cũng hiện hữu từ trước muôn đời trong mầu nhiệm thánh thiêng. Người là Đấng trung gian cứu độ. Sau cùng, Chúa Thánh Thần phát xuất từ Ngôi Cha và Ngôi Con. Ngài là Thần Khí (Tình Yêu) của Ngôi Cha và Ngôi Con. Còn nhớ trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ và cho Giáo Hội. Hoặc nói đúng hơn, Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. (x. Tuyên tín của Công đồng Con-tan-ti-nô-pô-li (381) và Khan-kê-đô-ni-a (451)).

Chắc chúng ta không cần đi vào chi tiết những thuật ngữ chuyên môn nói về Thiên Chúa Ba Ngôi. Với truyền thống Giáo Hội và kinh nghiệm đức tin, mỗi người đều nhận thấy trong công trình cứu chuộc, Thiên Chúa luôn đồng hành với con người. Chúng ta có khi cầu nguyện với Thiên Chúa trong cương vị là Chúa Cha (Kinh Lạy Cha), trong cương vị là Chúa Giêsu và có khi chúng ta nài xin ơn Chúa Thánh Thần. Dù cầu nguyện với Ngôi Vị nào, chúng ta cũng vẫn trò chuyện với một mình Thiên Chúa mà thôi. Nơi đó, cả Ba Ngôi đều hoạt động và cứu lấy con người.

3.Nơi cuộc đời Đức Giêsu

Có lẽ chúng ta hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi rõ nhất trong những gì Kinh Thánh Tân Ước ghi lại. Ngay từ biến cố Truyền Tin, chúng ta tuyên xưng: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh.” Rồi trong khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng “hiện ra” ban lời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,13–17). Điều này xuất hiện lần thứ hai khi Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (Lc 9,28–36).

Điều thú vị là Đức Giêsu hằng ngày đều cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu và Chúa Cha rất gần gũi[4]. Lúc này Ngôi Con trong hình hài con người. Vì là người thật, nên Đức Giêsu cần chạy đến với Thiên Chúa Cha để xin ơn và được hướng dẫn. Có lẽ vì là con người nên Ngài có lần thấy mình cô đơn, thấy Chúa Cha vắng bóng. Và chính trên thập giá, Chúa Giêsu khi sắp lìa đời, đã hướng về Chúa Cha và kêu lên: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Tuy vậy, Ngài vẫn hằng vâng lời Cha để cứu chuộc con người. Nhờ đó sau khi chết, chính Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại để mở ra một thời gian của hồng ân cứu độ.

Còn nhớ trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cũng nói nhiều đến Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng an ủi, bào chữa, nâng đỡ và trợ giúp cho mỗi người. Rồi sau biến cố Phục Sinh, chính Đức Giêsu đích thân hiện ra với các môn đệ và ban Chúa Thánh Thần cho các ngài. (Ga 20,22). Đó là ngày lễ Ngũ Tuần. Như vậy, Đức Giêsu đã hoàn tất giai đoạn dương thế và lên trời. Từ đó về sau là giai đoạn hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta thật may mắn vì chính Đức Giêsu mặc khải về Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần! May mắn vì Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn ta, nhưng khi con người đón nhận mặc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, thì họ có thể hiểu được mầu nhiệm này trong tình yêu và sự chấp nhận của lý trí. Nói cách khác, chính khi tin yêu nơi Đức Giêsu cũng là tin yêu nơi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” Và, “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” (x. Ga 14,1–12).

Tạm Kết

Chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi ngày, ít là khi làm dấu thánh giá. Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta có nhiều thời gian hơn để chiêm ngắm các Ngài. Tuy còn nhiều tranh cãi và khó hiểu về mầu nhiệm này, nhưng với lòng khiêm tốn, ước gì mỗi người để Thiên Chúa Ba Ngôi ngự vào tâm hồn mình.

Có Chúa Cha, chúng ta được tạo dựng và chăm sóc; có Chúa Con, chúng ta được cứu độ và sống lại; có Chúa Thánh Thần, chúng ta được thánh hóa và sống bình an. Hoặc nói như thánh Phaolô: “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.” (2Cr 13,13).

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng chân và hỏi:

– Em làm gì thế?

Em bé bèn trả lời:

– Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.

Thánh nhân mỉm cười và nói:

– Làm sao tát hết được?

Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:

– Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.

Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này. (Trích lại từ: https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-chua-ba-ngoi/)

[2] St 11,7 Thiên Chúa cũng xưng trong số nhiều. Chỗ khác: “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”” (Is 6,8).

[3] Heinrich Denzinger, Các Tín Biểu, Định Tín và Tuyên Bố, dịch giả: Nguyễn Văn Hòa OP, Tôn Giáo, 2019.

[4] “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy.” (Ga 14 23).

Nguồn: dongten.net

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log