Thứ ba, 26/11/2024

Chúa nhật 5 Mùa Chay - “Chúa Giêsu thổn thức và xúc động”

Cập nhật lúc 09:05 05/04/2014
Bài Phúc Âm hôm nay mô tả Chúa Giêsu như là một người có phép thần thông nổi tiếng làm cho kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, Ngài cũng có những nét đơn sơ giản dị và tình cảm giống như chúng ta. Hơn một lần, Ngài đến Bêthania, ngôi nhà của người nghèo:
- Nơi đây như là chỗ nương thân để Ngài có thể nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để đối thoại với Maria là người mà thích trò chuyện với Ngài.
- Nơi đây, Ngài cũng thích hương vị đậm đà của bữa ăn mà chị đầu bếp Martha thiết đãi.
- Nơi đây, ngài cũng nói với Ladarô về tình hình chính trị của đất nước Palestine. Nói tóm lại, Ngài rất yêu mến gia đình này !
Chúa Giêsu có một trái tim rất nhân loại như bao người khác: Một trái tim rất thương cảm. Cảm nghiệm được điều này, Cha Duval, một người rất yêu nhạc đã hát lên: “Lạy Chúa Giêsu, người bạn của tôi, Ngài đã cầm tay tôi”.
Chúa Giêsu xúc động sâu xa trước nỗi buồn của Maria vì em chị đã chết rồi và có lẽ Ngài cũng nghĩ thầm: “Tại sao mình lại đến đây muộn thế?”. Và rồi Ngài khóc trước mộ của người bạn thân. Có thể chúng ta thắc mắc: “Tại sai Ngài lại khóc vì Ngài biết rằng thế nào Ngài cũng sẽ đến để làm cho Ladaro sống lại”? Nên nhớ rằng Chúa Giêsu cũng là một con người và rất người. Những giọt nước mắt của Ngài đánh dấu tình bạn thắm thiết của Ngài với Ladaro. Cũng như chúng ta, dù thánh thiện đến đâu, dù chúng ta xác tín người chết sẽ sống lại vào ngày tận thế, nhưng chúng ta vẫn khóc trước cái chết của một người thân.
Hãy thử  một chuyến du lịch trên màn ảnh nhỏ của quyển Phúc Âm, chúng ta sẽ thâý gì?
1. Trước hết là tới Nadaret, Ngài cũng là cậu thiếu niên đẹp, giống mẹ và chơi đùa với các bạn bè. Đã đến tuổi 29 rồi, mà Ngài vẫn làm việc trong xưởng thợ, Ngài cầu nguyện và nhất là Ngài sống thầm lặng. Mẹ ngài cũng không hiểu nổi: “Ở cái tuổi này, người ta đã xây dựng gia đình hoặc là đã thành công trong sự nghiệp, không hiểu con trai mình có nghĩ đến không?”
2. Chúng ta hãy tiếp tục theo Ngài trên các nẻo đường của đất nước Palestine:
- Tại Naim, nơi người ta đang đi chôn cất con trai độc nhất của một bà goá, Ngài rất xúc động và không thể thể nào mà không nghĩ đến mẹ Ngài vào một ngày nào đó cũng sẽ mất đứa con duy nhất.
- Chúng ta hãy đến triền đồi đối diện với Giêrusalem, nơi đây Ngài đã phải khóc lên vì thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá. Rồi trên núi cây Dầu, chúng ta nghe vọng lại tiếng kêu ghê sợ của Ngài trước Mầu Nhiệm tử nạn: “Lạy Cha xin cất chén đắng này xa con”.
- Khắp  nơi đây đó, chúng ta đều khám phá ra dấu vết của Ngài đã sống trong những hoàn cảnh rất người, rất đơn giản và cũng rất thê thảm. Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.  Đó là những nét Chúa Giêsu khá giống chúng ta.
Tuy nhiên, Ngài lại có những nét hoàn toàn khác chúng ta. Trở lại câu thắc mắc: ”Vậy thì tại sao Ngài lại đến muộn thế để chữa cho bạn thân thiết của Ngài là Ladaro khỏi chết”. “Tại sao Ngài lại để cho chị em Martha và Maria phải buồn bã đến thế “? ” Hay là Ngài sợ đến đó bị người Do Thái ném đá”? Chắc chắn là không! Hay là Ngài chờ đợi lệnh của ai đó, phải chăng là Thánh Ý Cha Ngài? Có lẽ đúng!
Chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi khác: “Có một sự đảo lộn gì đó giữa tình bạn và sứ mệnh của Ngài chăng”?  Không chút nào! Chúa Giêsu không làm phép lạ có tính chất làm quà và cũng chẳng có gì ngược với tình bạn của Ngài. Ngài làm phép lạ là để tôn vinh Cha Ngài.
Chúng ta hãy nghe câu nói mạnh mẽ của Ngài trước mộ Lagiaro:”Ladaro, hãy ra đây”! Rõ ràng Ngài đã chiến thắng sự chết. Ngài đã chữa lành biết bao bệnh nhân và còn dẹp tan sóng gió. Một người đã chết được 4 ngày rồi, xác mùi hôi thối, thế mà Ngài lại ban sự sống cho.
Đúng thế, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha tội được, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho người mù từ khi mới sinh được sáng mắt, và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho kẻ chết sống lại. Chúa Giêsu, con người này, Ngài có quyền của Thiên Chúa. Vì Ngài dám nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống”, chứ không nói “Ta cho sự sống lại và cho sự sống”. Ngài có quyền nói như vậy và làm như vậy. Ngài cũng thực hiện lời tiên tri Êzekiel: “Ta đến mở tung mồ của các ngươi và truyền cho các ngươi ra khỏi đó”. Chúa Giêsu còn khẳng định thêm với Maria và Martha: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”. Chính Martha không lầm và trao tặng cho Ngài một căn tính đích thực: “Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Tất cả những gì chúng ta đã nói ở trên đều khẳng định: Chúa Giêsu vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Như vậy, Ngài còn là cây cầu bắc trên vực thẳm phân cách giữa cái không có gì và cái vô hạn, giữa Đấng tạo hoá và loài thụ tạo. Thánh nữ Catharina Siena đã nói: “Chúa Kitô là cây cầu, cầu duy nhất bắc từ đất tới trời, ngoài Ngài ra đó là vực thẳm”. Vậy tại sao chúng ta lại không bắt chước và đi theo Ngài. Hình như thế giới hôm nay càng sống xa Ngài nhiều quá!
Mùa chay đang bước vào giai đoạn cuối, nhưng chúng ta cũng đừng quên lời nguyện đầu lễ của chủ nhật đầu mùa chay mà GH dâng lên Thiên Chúa:”Lạy Thiên Chúa toàn năng, suốt mùa chay thánh này xin cho chúng con được tiến bộ trong việc học biết Chúa Kitô và dõi theo gương Ngài”. Dấu chỉ chúng ta có tiến bộ hay không đó là hãnh diện vì cảm thấy mình là môn đệ của một người thầy như vậy. Người thầy của chúng ta đã nói : ”Ai xấu hổ vì Tôi và những lời của Tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của Người”.
Biết Chúa Kitô là biết tất cả. Tại sao trong chúng ta lại có người xấu hổ vì là môn đệ của một con người như vậy?
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log