Đọc bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy nhiều pha hấp dẫn. Chúa Giêsu, không những là Chúa, mà còn là một con người thực sự. Ngài đói và ngồi trên bờ giếng để chờ đợi ai đó. Và ai đó chính là một người phụ nữ Samaria. Ngài biết trước lý lịch của chị và Ngài bắt đầu đi thẳng vào cuộc đời của chị. Chị sẽ không có thể trốn tránh Ngài được, vì chị phải đi múc nước ở cái giếng mà Ngài đã ngồi sẵn ở đó.
Thiên Chúa cũng đang chờ đợi tôi, ngài đi trước tôi và hôm nay Ngài cũng kể cho tôi nghe hết về cuộc đời của tôi, nết xấu của tôi (tôi hay nói chuyện trong nhà thờ, tôi hay cờ bạc rượu chè say xỉn, tôi mải xem tivi không chịu đi nhà thờ tham dự đọc kinh và dâng lễ, tôi hay châm chọc khích bác người này người kia, tôi hận thù người này người nọ, tôi không chia sẻ cho người khác, tôi bảo thủ cứ cho mình là đúng, v. v…)
Samaria, một mảnh đất ngoại giáo. Vậy Chúa Giêsu chờ đợi một người ngoại giáo ư? Đúng! Ngài chờ đợi một người ngoại giáo và người giáo đó lại là một phụ nữ tội lỗi. Dân tộc Dothái cũng chẳng thiếu gì những người tội lỗi như vậy, nhưng phụ nữ này lại là người mà Chúa Giêsu có cuộc hẹn gặp một cách đặc biệt.
Hôm nay, Chúa cũng chờ đợi và gặp tôi, vì tâm hồn tôi cũng là mảnh đất tội lỗi chẳng có Chúa chút nào, chỉ đầy dẫy những đam mê trần tục.
Chắc hẳn, người phụ nữ Samaria này đẹp, dong dỏng cao, hoá trang kín đáo. Chị đến giếng múc nước, dù chưa thấy Chúa Giêsu bao giờ, nhưng chị cũng không thể không chú ý đến người đàn ông đẹp trai và có tài này, hay đúng hơn đó là một vị tiên tri. Và Chúa tiếp tục cuộc đối thoại với chị. Ngài xin chị một điều gì đó. Chỉ một cử chỉ nhỏ thôi, đó là cho Ngài một chút nước uống.
Đúng thế, Thiên Chúa cũng giơ bàn tay ra để xin tôi. Trước hết ngài cũng xin tôi một cử chỉ nhỏ khi tôi tham dự Thánh lễ trước khi Ngài cho tôi chính Thịt Máu Ngài. Ngài gọi tôi và Ngài khát một cử chỉ lương thiện của tôi khi tôi vào dâng Thánh lễ.
Và cuối cùng sau cuộc gặp gỡ tại bờ giếng Giacob, người phụ nữ không khát nữa và Chúa Giêsu cũng đã no thoả. Dường như các nhu cầu vật chất của chị đã được no thoả nhờ cuộc gặp gỡ và chia sẻ này. Chúa Giêsu đã làm cho người phụ nữ này vượt qua mọi nhu cầu về vật chất để hướng tới sự khát khao đối thoại.
Trong mỗi người chúng ta có những cơn khát còn lớn hơn những cơn khát về thể xác: khát tương quan và khát gặp gỡ. Tại sao thế? Vì con người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Thiên Chúa không là ai khác, mà là tương quan Tình Yêu giữa Ba Ngôi. Thiên Chúa không phải là một cụ già đơn độc và cổ hủ. Ngài là Tình Yêu, là sức sống dâng tràn và là đại dương tương quan mênh mông. Ngài cho chúng ta tất cả và không giữ lại gì.
Đứa trẻ thơ không chỉ cần sữa tốt, mà còn rất cần mối tương quan nồng thắm giữa nó với mẹ nó. Cậu thiếu niên, nếu không có mối tình đầm ấm trong gia đình, nó sẽ lao vào những cuộc phiêu lưu thuần tuý nhục dục. Muốn giáo dục nó, điều quan trọng là làm cho nó vượt qua những nhu cầu vật chất để mà tìm kiếm mối tương quan tình thân hữu bạn bè. Bệnh nhân không chỉ cần săn sóc về thuốc thang, mà còn cần những lời nói động viên của y bác sỹ.
Thế giới tiêu thụ hôm nay làm chúng ta đầy đủ những nhu cầu vật chất, nhưng mặt trái của nó là đã giết đi những tương quan thân thiện…nhất là mối tương quan gia đình.
Mùa chay, mùa chia sẻ và trao đổi. Chia sẻ không phải chỉ là chia sẻ những nhu cầu vật chất, tiền bạc và của cải cho những người nghèo sống chung quanh chúng ta, mà còn chia sẻ bằng lời, bằng những cố gắng để đối thoại.
Chúa Giêsu không chỉ ước muốn gặp gỡ cá nhân với phụ nữ Samaria, mà còn chỉ cho chị biết cơn khát sâu xa đang tiềm ẩn trong chị: khát Thiên Chúa, là Đấng sẽ ban cho thứ nước dồi dào và không bao giờ khát nữa…Thứ nước này càng làm cho chúng ta ước ao gặp gỡ Ngài nhiều hơn. Thiên Chúa thường ẩn mình đối với những ai đi tìm Ngài và càng làm cho họ lớn lên trong việc tìm kiếm cõi vĩnh hằng (trò chơi ú tim…)
Thánh Gioan Thánh giá đã nói: “Nếu linh hồn đi tìm kiếm Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã tìm kiếm linh hồn trước rồi”. Con người là niềm khát vọng của Thiên Chúa, vì như Thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài, và tâm hồn con hằng khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài mà thôi”.
Mùa chay, mùa chia sẻ và trao đổi về Thiên Chúa.
- Chúng ta có thể chia sẻ với những người giáo hữu khác chung quanh chúng ta về kinh nghiệm đời sống thiêng liêng của mình?
-Tại mâm cơm, chúng ta đã chia sẻ cho nhau về một bài Phúc Âm, một bài giảng hoặc một Thánh lễ chưa?
- Nếu bạn là một học sinh hay một sinh viên công giáo, bạn có thể nói được gì, bằng lời hay là bằng chính cuộc sống của bạn, để những bạn bè lương dân của bạn cũng biết khát và tìm đến Thiên Chúa?
Noi gương người phụ nữ Samaria hôm nay, dù chị là người tội lỗi, nhưng sau khi gặp gỡ Chúa, chị đã biến đổi, đã no thoả cơn khát và đã trở nên người truyền giáo là loan truyền sứ điệp của Chúa cho những người chung quanh.