Chị chạy ào vào nắm lấy tay bà, bà nói: “Cảm ơn ông Giêsu đã cho bà gặp cháu, để rồi chính cháu, một đệ tử nhỏ của ông ấy, đã gieo rắc lời của ông ấy nơi bà và lời ấy đã cho bà cuộc sống hôm nay.
Ngày ấy, cánh đồng làng chị được coi là một vựa lúa lớn nhất của xã cũng như các khu vực lân cận. Đứng ở cổng làng nhìn ra đồng, từng cơn gió thổi làm cho những ruộng lúa đang thì con gái cứ bồng bềnh, nhấp nhô như những làn sóng xanh nối tiếp nhau không ngừng. Xa xa cuối cánh đồng, nơi tiếp giáp với làng bên, nổi lên một gò đất được bao quanh bởi những tán cây cổ thụ râm mát, trên gò là một ngôi chùa cổ. Thuở còn nhỏ, mỗi lần đi mò cua bắt ốc, chị thường lên ngồi nghỉ tránh nắng ở cổng chùa, nhờ đó chị biết ngôi chùa này chỉ có một ni cô, quanh năm bận bộ đồ nâu sồng, trên đầu cũng chít khăn màu như vậy. Cảnh chùa rất hiu quạnh, bởi cây cối rậm rạp, lại ở giữa cánh đồng, mỗi khi mùa nước lũ tràn về, gò chùa nổi lên giữa làn nước mênh mông, trông như một hoang đảo. Những lần ghé qua chùa, chị thường thấy ni cô cặm cụi quét lá rụng, vun thành từng đống rồi đốt đi, nhiều khi lại ưu tư, lặng lẽ nhìn chị với ánh mắt buồn man mác. Một lần ni cô hỏi chị: “Cháu ở trong làng đi bắt ốc phải không?” Chị trả lời: “Vâng! cháu đi bắt ốc, nhưng cháu ở làng bên kia, nơi có tháp chuông nhà thờ cao vút, vượt lên trên lũy tre xanh đấy ạ!” Dần dần chị và ni cô thân nhau như một… đôi bạn.
Có lần chị thủ thỉ hỏi: “Quê ni cô ở đâu ạ?” Ni cô bảo: “Ở xa lắm!” Rồi cất giọng trầm buồn: “Ta cũng như bao người con gái khác, lớn lên lấy chồng và sinh con, nhưng con gái ta mới hai tuổi thì lão ấy coi người khác hơn ta”. Chị càng tò mò: “Lão ấy là ai? còn… coi người khác hơn ni cô là sao ạ?”. Ni cô cốc nhẹ vào đầu chị: “Cái con bé này giống bà cụ non ra phết!” Rồi kể tiếp: “Lão ấy là chồng ta, còn coi người khác hơn ta là lão ấy… phải lòng một người đàn bà khác, lão bỏ nhà đi hú hí tối ngày, có lần lão về xin ta tha thứ, nhưng ta quyết không chấp nhận, một đêm mưa gió, bỏ lại đứa con thơ cho cha mẹ chồng, ta khăn gói ra đi. Ngày ấy xe cộ đâu thuận tiện như bây giờ, tiền thì không có và cũng chẳng biết phải đi đâu, ta chỉ biết cứ đi, đói thì xin ăn dọc đường, tối ngủ trọ ở hiên nhà hoặc lán chợ. Cứ như vậy, một ngày ta tới đây, sư thầy trụ trì đã cưu mang, sau đó ta xuống tóc đi tu, mấy năm sau sư thầy chuyển đi nơi khác, từ đó chỉ còn mình ta nương nhờ cửa phật đến nay đã mười năm có lẻ”. Nhìn xa xa về phía chân trời, ni cô thở dài: “Giờ đây chẳng biết nơi quê nhà con gái ta ra sao?” Chị thắc mắc: “Ni cô đã có chồng con rồi sao còn đi tu được?” Ni cô bảo: “Sao không? nhiều người thất tình, hận đời, làm ăn đổ bể… cũng vào chùa đi tu mà”. Chị lục lọi hết những gì biết được qua Cha xứ chia sẻ, qua thầy cô giáo lý viên và gia đình rồi nói: “Bên cháu” không như vậy, muốn đi tu là phải có ý hướng từ nhỏ, nam nữ đều vậy, vừa đi học phổ thông vừa tìm hiểu “ơn gọi”, vì muốn nên giống Chúa, làm chứng nhân cho Chúa, thì phải tìm hiểu về Chúa, sống Lời Chúa, bước đi theo Chúa và luôn tìm cách làm đẹp lòng Chúa, dâng cho Chúa trọn vẹn cả thể xác và tâm hồn. Còn những người đã kết hôn thì họ lo chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng của mình, đó cũng là một điều rất tốt đẹp mà Chúa đã chúc phúc, nhưng họ không được đi tu nữa”. Thấy ni cô trầm ngâm không nói gì, chị nhỏ nhẹ: “Chiều mai cháu mời ni cô đến dự lễ ở nhà thờ với cháu nhé!” Im lặng một một lát rồi ni cô gật đầu đồng ý, chị vừa chạy ra cổng vừa nói với lại: “Cháu sẽ đón ni cô ở cổng làng”. Đúng hẹn, chiều hôm sau ni cô đến với một dáng điệu khác xa ngày thường, chiếc quần lụa đen, áo bà ba màu ghi, trên đầu chít khăn trông chẳng khác gì các bà ở làng chị. Ni cô bảo: “Ta mặc như vậy cho hòa đồng với mọi người”. Bài Tin Mừng hôm đó thuật lại việc ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? có phải bảy lần không?”. Đức Giêsu nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-22). Từ bài Tin Mừng đó, Cha xứ đã cắt nghĩa thật thấu đáo về sự tha thứ. Kết thúc Thánh lễ, chị tiễn ni cô đến cổng làng, ni cô nắm chặt tay chị, rồi lầm lũi bước đi, bóng nhỏ dần trên cánh đồng rì rào sóng lúa. Hai tuần trôi qua chị không gặp lại ni cô vì đang vào mùa ôn thi, một buổi chiều chị ghé qua, cửa chùa đóng im ỉm, một tờ giấy gấp tư được cài nơi then cửa. Mở ra mới biết ni cô viết cho chị: “Ta cảm ơn cháu về buổi lễ, ông Giêsu đã dạy phải tha thứ mãi mãi, vì khi ta tha thứ là khi chính bản thân ta được thứ tha. Người chồng là một nửa thân thể của ta, mà ta cũng không tha thứ, còn bỏ cả đứa con thơ cho cha mẹ già, tu mà lòng còn đầy oán hận, còn vương nặng bụi trần thì tu nỗi gì. Bây giờ ta mới thấm thía câu nói của tiền nhân: Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Ta sẽ về tìm lại chồng để nói lời tha thứ, tìm lại con và cha mẹ để dưỡng nuôi và báo hiếu, ta sẽ không bao giờ quên cháu”.
Bánh xe thời gian cứ lăn đi chẳng chờ đợi ai, đã mười tám năm nữa trôi qua, bóng áo nâu sồng quét rác sân chùa năm ấy cũng dần vào dĩ vãng, phai nhòa trong chị, thay vào đó là bao tất bật lo toan của cuộc sống gia đình, chồng con. Một chiều thu êm ả, lá vàng rơi xào xạc trong vườn, chị đang lúi húi tưới mấy chậu cây, thì có một phụ nữ hỏi thăm đến nhà. Qua trò chuyện, chị rất cảm động khi biết đó chính là con gái của ni cô ở ngôi chùa nhỏ năm nào. Người phụ nữ kể với chị: “Khi mẹ bỏ nhà ra đi, bố ngày đêm rượu chè say khướt, đập phá đồ đạc. Một hôm thấy nhà cửa yên tĩnh, không nghe tiếng chửi thề tục tĩu, ông bà nội tìm thì chẳng thấy bố đâu, mãi sau này mới biết, bố kéo theo một nhóm đầu gấu, bụi đời, lên một tỉnh phía bắc nơi có mỏ đá quý, chấn lột cướp bóc ở đó. Trong một lần tranh chấp với một băng đảng khác, bố gây ra án mạng, hậu quả là bố phải lãnh hai mươi năm tù giam. Vào tù rồi bố vẫn giữ thói giang hồ, đánh lộn với phạm nhân, chống lại ban quản giáo, bố bị liệt vào danh sách những phần tử nguy hiểm. Còn ông bà nội phần thì thương cháu côi cút, phần thì mất mặt với dân làng vì có một đứa con trai duy nhất lại là phường trộm cướp, giết người, thêm cô con dâu bỏ đi biệt xứ, ông bà cứ héo hon dần, nên lần lượt về với tổ tiên, bỏ lại chị bơ vơ giữa dòng đời đầy lường gạt, cạm bẫy. Tôi lang thang lúc thì đi nhặt ve chai, lúc lại rửa bát, bế con thuê, rồi cuộc đời đẩy đưa tôi rơi vào tay một mụ tú bà, mụ nhào nặn tôi trở thành một cái máy làm tiền nhơ bẩn, nhục nhã, cho đến ngày mẹ tôi trở về, kéo tôi ra khỏi cái hố bùn lầy tanh hôi ấy. Hai mẹ con tôi tìm đến trại giam thăm bố, ông cảm động không nói nên lời, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của một người đã từng là đại ca khét tiếng một thời. Từ đó bố thay đổi rất nhiều, mỗi lần đến thăm bố, mẹ và tôi đều được ban quản giáo cho biết những cố gắng và quyết tâm hoàn lương của bố, bố bảo: “Hai mẹ con là động lực thúc đẩy bố vượt qua”. Rồi niềm vui cũng đến với gia đình tôi, theo chính sách khoan hồng của nhà nước, bố tôi là một trong số những phạm nhân có tinh thần cải tạo tốt, nên đã được ra trại trước thời hạn. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi càng ngập tràn tiếng cười hạnh phúc, khi tôi có một người chồng biết yêu thương cảm thông với hoàn cảnh, niềm vui càng nhân lên khi những đứa con kháu khỉnh chào đời.
Chị thu xếp công việc cùng người phụ nữ về Quảng Ninh thăm bà, ngồi trên xe nhìn những đợt sóng biển nhấp nhô, chị liên tưởng đến biển lúa quê mình. Chắc ngày ấy bà nhớ quê hương, nên mới dừng chân ở ngôi chùa giữa cánh đồng bát ngát, ngắm sóng lúa mà vợi bớt sóng biển. Xe dừng trước một căn nhà nhỏ, chị nôn nao như người đi xa nay trở về nhà, lòng trào dâng một cảm giác khó tả. Chị chạy ào vào nắm lấy tay bà, bà nói: “Cảm ơn ông Giêsu đã cho bà gặp cháu, để rồi chính cháu, một đệ tử nhỏ của ông ấy, đã gieo rắc lời của ông ấy nơi bà và lời ấy đã cho bà cuộc sống hôm nay. Chị đặt vào tay bà cuốn Kinh thánh Tân Ước: “Đây là tài sản quý nhất của người Công giáo, bà và gia đình hãy xem, trong này có nhiều lời kỳ diệu lắm ạ!” Chị ở chơi với bà và gia đình mấy hôm rồi về, phút chia tay thật bịn rịn. Tạ ơn Chúa, chỉ một lần con “ngẫu hứng gieo hạt” rồi quên đi, thế mà Chúa đã cho nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Xin cho con từ nay biết gieo hạt vào lòng đời, để gặt về những mùa vàng yêu thương nồng ấm. “Lời Người sáng ngời chiếu soi trần gian, dìu người lữ hành xuôi bến bình an, dù rằng đất trời lắm phen điêu tàn, ai giữ lời Cha sẽ mãi yên hàn.”
Mua đồ có truyền giáo được không?
Tiếp khách cũng hướng về truyền giáo
Cắm hoa đẹp cũng hướng về truyền giáo