Chúa nhật 2 Mùa Chay B - Ánh sáng Phục Sinh chiếu soi con đường Mùa Chay của chúng ta
Cập nhật lúc 10:55 01/03/2015
Ông Phêrô ước muốn được kéo dài thời khắc diễm phúc chóng vánh đó: “Thưa Thầy, chúng con thật hạnh phúc được ở đây; vậy chúng con xin dựng ba lều!”
( Mc 9, 2-10 )
Lễ Hiển Dung là thời khắc chủ yếu của việc Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem. Với các môn đệ lúc đó đang hoảng sợ về viễn tượng cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã cho họ thấy vinh quang mà Người chia sẻ với Cha của Người.
Ông Phêrô ước muốn được kéo dài thời khắc diễm phúc chóng vánh đó: “Thưa Thầy, chúng con thật hạnh phúc được ở đây; vậy chúng con xin dựng ba lều!” Đừng mơ hồ, mà phải xuống núi ngay đây, để theo Thầy. Khi thị kiến đã biến mất, chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, thánh Maccô nói thế với chúng ta. Các môn đệ đã được chọn, ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nghe tiếng từ trời nói trong đám mây: “Đây là con Ta yêu dấu. Hãy vâng nghe lời Người.”
Đôi khi Thiên Chúa cho chúng ta niềm vui nhạy cảm của sự hiện diện của Chúa. Nhưng, nhiều khi chúng ta phải lần bước trong niềm tin. Lúc đó là lúc chúng ta phải suy niệm Lời của Chúa Cha “đây là Con Ta yêu dấu…” Chúng ta cũng vậy, nhờ ân sủng của phép rửa, chúng ta là con trai hay con gái yêu dấu của Cha. Chính khi mỗi ngày chúng ta suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành, là chúng ta đã có thể sống đời sống của Đấng đã sống lại của lễ Phục sinh ( Francois Margeat, đan sĩ).
Từ hạnh phúc biến hình trên núi Tabor, Đức Giêsu dẫn đưa các môn đệ vượt qua đau khổ Núi sọ để đến vinh quang phục sinh. Trong cuộc biến hình Đức Giêsu, Người tỏ mình là Thiên Chúa, là người con được Cha yêu thương, là tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa. Sự kiện biến hình chính là ý nghĩa cuộc khổ nạn dưới ánh sáng Đức tin. Đau khổ để vinh quang (per crucem ad lucem). Cuộc đời con người cứ đau khổ để rồi lại đau khổ thì chắc chắn không ai sống nổi. Đời sống nhân loại không thể phát triển hưng thịnh. Đó là tiêu cực suy vi. Con đường cuộc đời con người không phải là đường hầm tăm tối. Đau khổ là hữu hạn. Trước mắt chúng ta là ánh sáng rực rỡ. Ánh sáng Đức Kitô là vĩnh hằng. Như thế, cuộc biến hình giúp chúng ta biết đối diện với những gian lao của cuộc sống trong tinh thần “vâng ý Chúa Cha”.
Đức Giêsu biến hình khi Người đang cầu nguyện. Và các vị thánh cũng thế, các ngài nhận ra thánh ý Chúa nhờ đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ, là mối tương giao với Thiên Chúa. Đời sống Kitô giáo là một đời cầu nguyện luôn luôn để tạ ơn, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa. Xin Ngài tha thứ tội lỗi. Nhờ đời sống cầu nguyện, con người mới có thể nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối duy nhất cứu độ nhân loại. Ngài vẫn hiện diện dẫn dắt và hành động trong đời ta.
Nhờ cầu nguyện, Thiên Chúa giúp chúng ta thực hiện cuộc biến hình tâm linh nơi mỗi người. Chính trong khi cầu nguyện, chúng ta nhận ra những bất toàn của mình. Chỉ khi tự mình nhận ra những thiếu sót tội lỗi, những yếu đuối của mình, chúng ta mới có khả năng dũng cảm để từ bỏ, để biến đổi. Có thể nói rằng: “Cầu nguyện là gặp gỡ Tình Yêu. Chúa Giêsu là tình yêu của tâm hồn. Người sống động và ban sự sống bên trong chúng ta. Nhờ đó chúng ta sẽ chiến thắng những lầm lỡ. Vâng Đức Giêsu đến để biến đổi mọi sự: tương lai của Israel, vận mệnh con người và cả cách nói chuyện với Thiên Chúa. Với chúng ta là những người đã được mặc áo trắng ngày chịu phép Rửa. Ngài nói: Hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy y phục người giúp việc, hãy mặc lấy bình an và niềm vui”. Qua những đắng cay, những tang tóc và thất bại, hãy để cho mình được biến đổi thành chứng nhân mang lại sự phục sinh đến cho con người.
Đổi mới con người chúng ta hằng ngày là để trở nên hoàn hảo, đẹp đẽ, tròn đầy xứng đáng theo gương Đức Giêsu, để vượt qua cuộc đời lầm than khốn khổ, vượt qua núi Sọ tiến đến đỉnh Tabor Phục sinh. Nói như thánh Phêrô: “ Thưa Thầy, ở đây tốt lắm” đó là được ở trong tình yêu thương của Thiên Chúa”.
Pr. Nguyễn Mai