Chúa nhật 5 TNB - “Một ngày làm việc của Chúa Giêsu”
Cập nhật lúc 16:00 05/02/2015
Thánh Mácô trong Phúc Âm của ngài đã báo cáo cho chúng ta một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Một ngày làm việc bận rộn cho việc loan báo Tin Mừng.
WGPHH - Có rất nhiều sách kể về một ngày làm việc của những nhân vật nổi tiếng: vị giáo hoàng ở Vatican, Tổng thống Mỹ, ngôi sao điện ảnh…, các ca sỹ nổi tiếng….. Thánh Mácô trong Phúc Âm của ngài đã báo cáo cho chúng ta một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Một ngày làm việc bận rộn cho việc loan báo Tin Mừng.
Đúng thế, Phúc Âm đã nói điều đó:
1. Chúa Giêsu thức dậy từ sáng sớm trước bình minh. Công việc đầu tiên là cầu nguyện. Trước hết Ngài tìm một nơi thanh vắng để một mình với Cha yêu Dấu của Ngài. Trái tim buổi sáng của Ngài với Cha chính là lương thực hằng ngày. Ngài kín múc sức mạnh từ đó cho một ngày mệt nhọc đang chờ đợi Ngài. Ngài kín múc từ đó năng lực và niềm vui để mà quan tâm và tiếp nhận những người cùng khổ cũng như những người tội lỗi sẽ đến với Ngài. Như vậy, điểm khởi cho hoạt động của Ngài là đời sống chiêm niệm.
Đối với chúng ta,
- nếu là linh mục và tu sỹ, chúng ta sẽ đưa ra hằng ngàn lý do để từ chối cầu nguyện với chiêu bài là: xây dựng nhà thờ nhà xứ, soạn giảng, dạy học, dạy các em mẫu giáo, hoạt động bác ái, tông đồ và yêu mến anh em là điều cần thiết hơn cả.
- nếu là người nông dân lao động hoặc công nhân trong các doanh nghiệp nhà máy, chúng ta cũng rất dễ từ chối cầu nguyện.
- nếu là các em học sinh, các em lấy cớ rất nhiều bài học, nào là bài tập quá nhiều, lại còn học thêm học nếm, các em rất dễ coi thường cầu nguyện.
2. Sau khi cầu nguyện, Ngài trở về với các đồ đệ của mình. Ngài bắt đầu huấn luyện các ông: một cuộc huấn luyện thực tế tại nơi làm việc mà không cần phải trường lớp. Họ theo sát ngài trên khắp nẻo đường và nhận thấy một ngày sống của Ngài như thế nào. Công việc của Ngài đã được vạch sẵn bằng nhiều biến cố. Danh tiếng của Ngài đến trước Ngài và vì thế nhiều bệnh nhân tuôn đến với Ngài. Nhìn thấy bao nỗi khốn cùng, Ngài xúc động, xoa dịu và chữa lành. Ngay cả Phêrô cũng cầu cứu Ngài vì mẹ vợ của ông ốm. Ngài chạy ngay tới, cầm tay bà, chữa lành bà và truyền cho bà trỗi dậy.
Quan sát các phép lạ Chúa thực hiện, chúng ta có thể nhận định rằng:
Các phép lạ đó đều phát xuất từ lòng thương xót, tế nhị và tình yêu Thiên Chúa: tại Caphanaum, Ngài thực hiện một nghĩa cử yêu thương đối với Phêrô, đồ đệ trung thành của Ngài; tại Naim, Ngài thương xót người đàn bà goá khóc thương con trai duy nhất của bà vừa mới mất. Tất cả những lần chữa bệnh này đều được thực hiện một cách nhanh chóng. Phúc Âm ghi lại: “Cơn sốt biến mất tức khắc”. Và cả sau khi được khỏi bệnh, cũng không cần phải có thời gian dưỡng bệnh để lấy lại sức. Vì chưng, mẹ vợ của Phêrô lập tức trỗi dậy phục vụ Chúa và đoàn tuỳ tùng.
Không phải Chúa chỉ chữa một loại bệnh, mà còn nhiều bệnh khác nhau. Các bệnh nhân không phải là những người được chọn lựa trước: bất luận tín hữu hay vô thần, bất luận trẻ em, thanh niên hoăc cụ già, bất luận nam hay nữ, giàu hay nghèo .
Nhưng điều quan trọng vẫn là: công việc chữa bệnh đầu tiên Chúa Giêsu đến trần gian để chu toàn đó là giải phóng con người khỏi tội lỗi. Cuộc chiến chống lại sự dữ là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của Ngài.
Thời đại chúng ta hôm nay, sự dữ vẫn chưa được diệt trừ hết. Chúng ta thấy đó. Sống trong thế giới thông tin, người kitô hữu chúng ta liệu có khả năng can đảm làm chứng cho sự thật để có thể giảm bớt sự dữ không?
Nói cho cùng, phần lớn ngày sống của Chúa Giêsu là loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô trong bài đọc II nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”. Trước hết, Chúa Giêsu không phải là phù thuỷ tài cán. Ngài cũng phải là nhà ảo thuật dụ dỗ quần chúng. Khi cảm thấy dân chúng chỉ tìm Ngài với mục đích Ngài có tài chữa bệnh, Ngài liền lẩn trốn: “Chúng ta hãy đi chỗ khác. Thầy đến trần gian không phải là để làm thay cho các bác sỹ, y sỹ và thầy thuốc. Tất nhiên, thầy biết rõ họ chơ đợi thầy để được chữa bệnh, nhưng thầy còn nhiều việc khác phải làm. Loan báo Tin Mừng, đó là công việc thúc bách Thầy. Chúng ta hãy đến nơi khác, nơi mà nhiều tam hồn đang khát khao tình yêu của Cha Thầy”.
Phần chúng ta, chúng ta xin gì cùng Chúa Giêsu: sức khoẻ hay là sự thánh thiện. Chúng ta xin gì cho đạo của chúng ta: xin được may mắn trong cuộc sống để không gặp phải khó khăn ư?, giống như những người người lên đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh cầu may cho năm mới. Hay là chúng ta cần phải nhắc lại những đòi hỏi tình yêu của Thiên Chúa và biến đổi con tim chúng ta? Chúng ta có bận tâm cho việc loan báo Tin Mừng không?
Ngày sống của Chúa Giêsu đều bận rộn. Còn ngày sống của mỗi người chúng ta thì sao?
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa