Thứ hai, 23/12/2024

Chúa nhật lễ Hiển Linh - Mọi ngươì đều được mời gọi tới hang đá

Cập nhật lúc 23:25 03/01/2015
Người ta thường nghĩ rằng: một nhân vật quan trọng khi sinh ra đều được báo hiệu bằng sự xuất hiện của một ngôi sao…

Các nhà đạo sỹ hoặc gọi theo lối ngày xưa là Ba Vua, trước hết họ là những nhân vật lịch sự tế nhị, nhưng cũng kỳ lạ không biết họ đến từ đâu, Batư hay Caldée? Điều chắc chắn họ là người ngoại giáo, vừa là đạo sỹ vừa là chiêm tinh, một hạng người mà Kinh Thánh không ưa. Họ có đặc tính này: thích săn tin, thích tìm tòi ý nghĩa sự việc, tò mò, thích nhìn lên trời để tìm hiểu ý nghĩa các dấu chỉ. Thời nay, nghề chiêm tinh rất thịnh hành trong vùng Á Đông của chúng ta. Người ta thường nghĩ rằng: một nhân vật quan trọng khi sinh ra đều được báo hiệu bằng sự xuất hiện của một ngôi sao… Hôm nay một ngôi sao lạ bỗng chốc xuất hiện từ phương đông.
- Chúng ta không biết có bao nhiêu người trông thấy ngôi sao này?
- Và không biết có bao nhiêu người trông thấy nhưng lại không hiểu ý nghĩa của nó?
- Rồi cũng không biết có bao nhiêu người đoán được tầm quan trọng của nó nhưng không nhúc nhích đến nỗi tìm cách lẩn trốn.
Ngược lại, chỉ có các đạo sỹ hôm nay đã ra đi như Abraham hướng về đấng mà mình không biết mặc dù có nhiều khó khăn trong cuộc hành trình: thời tiết xấu, mây mù xuất hiện và ngôi sao biến mất! …Làm gì bây giờ? Con Thiên Chúa sinh ra chẳng cho địa chỉ gì cả. Nếu có máu làm vua, thì chắc chắn Ngài phải ở trong cung điện vua chứ!.
Thề là, họ đã đến hỏi vua Hêrôđê: “Vua dân do Thái mới sinh ra ở đâu?” Tuy nhiên, Hêrôđê cũng chẳng hay biết gì. Ông giật mình khi các nhà đạo sỹ nói vua dân Do Thái… Người ngoại giáo mặc dù rất muốn cho dân tộc mình được nổi danh, nhưng họ cũng biết rằng người Do Thái đang trông đợi một Đấng Mêssia và vì thế họ chẳng muốn có một đối thủ khác cạnh tranh vương quyền. Còn Hêrôđê thì bối rối, “liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”. Một chuyên gia Kinh Thánh liền chậm rãi mở Kinh Thánh. Ông chỉ tay vào bài viết của tiên tri Michée: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuda, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuda, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”.
Đúng chỉ có Belem thôi, là quê hương của vua Đavit mà! Nhưng, tất cả mọi người vẫn nghi ngờ. Dù sao, Hêrôđê vẫn rỉ tai các nhà đạo sỹ rằng: “Xin quí Ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.
Về phần các đạo sỹ, họ không do dự. Cấp tốc tới Bêlem! Lòng tin của họ liền được thưởng công. Bầu trời như sáng ra, ngôi sao lại xuất hiện và chỉ đường cho họ tiếp bước. Ngôi sao đi trước họ như cột mây dẫn đưa dân tộc Do Thái trong rừng vắng Sinai. Lộ trình của họ lại có mũi tên chỉ đường và niềm vui của họ lại dâng tràn! Họ tới gần một nơi trọ nghèo hèn và ở đó. Trước một trẻ thơ như những trẻ thơ khác, họ quỳ gối xuống. Họ không ngờ một nhân vật nổi tiếng lại sinh ra trong cái cảnh đơn hèn đến như vậy! Dù sao, họ vẫn tiếp tục mang của lễ tiến dâng cho Người.
 
Qua câu chuyện này tác giả tin mừng muốn dẫn chúng ta đến nhiều bài học: Chúa Kitô là ngôi sao đích thực chiếu sáng tận cùng trái đất. Trong sách Dân số, lời tiên báo của người ngoại giáo Balaam đã nói: “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel”. Malaki viết: đó là mặt trời công chính. Còn Isaia thì gọi Ngài là ánh sáng huy hoàng chiếu soi Giêrusalem. Cuối cùng Gioan Tông đồ thì viết: “Ta là ánh sáng thế gian”. Phải chăng Chúa Kitô có là ngôi sao dẫn đường chúng ta đi không? Ngôi sao đã sáng lên ngày chúng ta chịu phép Rửa tội. Chúng ta đừng quên ngôi sao vẫn còn đó và hãy hỏi ý kiến ngôi sao đó muốn nói gì ?.
Chúa Kitô đã đến trần gian cho hết mọi người. Các nhân vật được mời đến hang đá đầu tiên không phải là người Do Thái thông minh sáng suốt, cũng không phải là các tư tế, nhưng là các mục đồng và đạo sỹ: nghĩa là những người đơn sơ và ngoại giáo. Nói đúng hơn là tất cả mọi người! Không cần thẻ ưu tiên nào… Lễ Ba vua, hay còn gọi là lễ Hiển linh, đó là mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa làm người gửi đến cho tất cả những ai thiện chí. Lời các tiên tri đã loan báo: “Ánh sáng chiếu soi trên núi; muôn dân sẽ đi về ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”.
Chúng ta có tin rằng Chúa Kitô là Đấng cứu độ cho hết mọi người không? Người kitô, người Hồi giáo và cả người phật giáo không? Nhiều người thấy ngôi sao trên bầu trời Đông, nhưng không phải tất cả đều giải mã được dấu chỉ. Người ta không thể thấy Thiên Chúa bằng khám phá khoa học, hoặc tại phòng thí nghiệm. Kính hiển vi tối tân nhất cũng không xuyên thủng được bề dày của bầu trời và thiên nhiên. Nhận biết Thiên Chúa là một sự nhận biết nhờ các dấu chỉ. Dấu chỉ để nhận ra Người luôn hiện diện chung quanh chúng ta.
Dấu chỉ đó không thiế! Dấu chỉ đó rất nhiều! Nếu có thiếu, là chỉ thiếu đối với những ai không có sự hiểu biết của con tim để giải mã được ý nghĩa các dấu chỉ mà thôi. Những ai quá cận thị chỉ cúi mặt xuống đất toan tính những lo lắng trần tục, không bao giờ nhìn ngắm trời đầy sao, thì không bao giờ nhận biết Thiên Chúa được. Thiên Chúa được ban cho những ai ngước mắt cao hơn một chút vượt trên những thửa ruộng sắp cày cấy và ao vườn của họ, cao hơn một chút vượt trên những bài học nếu họ là học sinh sinh viên và công chức, cao hơn một chút vượt trên những hàng hoá của họ bán tại chợ hay tại các siêu thị, hoặc cao hơn một chút vượt trên những chương trình ti vi hấp dẫn. Thiên Chúa được ban cho tất cả những ai mai phục sự hiện diện của Người, những ai khát khao nồng cháy chân lý và những ai trung thành nhận ra lời mời gọi của Người.
Đức tin là một lộ trình được ngôi sao dẫn đường trong lúc vui mừng cũng như khi gặp khó khăn. Đức tin là đánh cuộc về Thiên Chúa và về cuộc sống. Đức tin là cuộc tìm kiếm không bao giờ hoàn thành: càng gần Thiên Chúa, chúng ta càng cảm thấy Ngài lẩn tránh. Không có những người tin và không tin, mà chỉ là không có những người tìm kiếm và không tìm kiếm. Tội chống lại đức tin là chủ nghĩa bất động.
Nếu chúng ta bị lạc mất trong lộ trình đức tin, cần phải học các đạo sỹ: tra cứu Kinh Thánh và những chứng nhân khác. Khi sao bị che phủ và lộ trình gặp khó khăn, chúng ta đừng nghĩ rằng Thiên Chúa im lặng hoặc không biết đến chúng ta. Chúng ta hãy mở Tin Mừng. Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta cô đơn. Khi đau khổ và thử thách xẩy đến cho chúng ta, bài đọc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta sống ý nghĩa cuộc đời. Đừng bao giờ chúng ta vội kêu lên: “Thiên Chúa đã phạt tôi”. Hãy tìm gặp Thiên Chúa của Đức Giêsu. Ngài không phải là một Thiên Chúa tàn bạo vô tâm, nhưng là một Thiên Chúa nghèo khó và bị thương tổn luôn bên cạnh chúng ta để chia sẻ với nổi khổ đau của chúng ta. Ngài là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Khi các mục đồng thấy Chúa Hài Nhi sinh ra, họ đã kể lại cho những người khác nghe. Có lẽ các nhà đạo sỹ cũng vậy, khi trở về nhà, họ cũng kể lại chuyến đi gặp Chúa cho vợ con nghe! Người kitô chúng ta cũng phải là nhân chứng cho Thiên Chúa, là một ngôi sao cho những người khác. Nhờ lời nói và cuộc sống, người kitô mạc khải Thiên Chúa cho anh chị em mình. Người kitô cũng là lễ hiển linh cho Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, có nghĩa là những người khác sẽ được mạnh mẽ lên trong đức tin, nếu chúng ta sống đúng với cái mình là. Anh chị em chúng ta sẽ trở nên những người tốt, nếu chúng ta sống thánh thiện. Anh chị em chúng ta sẽ khô khan, nếu chúng ta lạnh nhạt. Hãy đừng thờ ơ! Hãy rung cảm vì trẻ thơ Giêsu dịu hiền đang nằm bên hang đá. Hãy lấy tình yêu đáp trả tình yêu. Hãy mang cho Ngài vàng của trái tim chúng ta, hương thơm của lời cầu nguyện và mộc dược của tâm hồn thờ lạy.
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:
Lễ Thánh Gia (27/12/2014)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log