Thứ năm, 23/01/2025

Chúa Giêsu chịu Phép Rửa - Lòng khiêm nhường thẳm sâu

Cập nhật lúc 22:45 08/01/2015
Gioan đã hiểu rõ sự kỳ lạ này của Chúa Giêsu. Phúc Âm thánh Matthêu nói rất rõ điều đó: “Gioan một mực can Chúa Giêsu và nói: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi”.
 
Bài Phúc Âm hôm nay trình bày hai khung cảnh rất đối lập nhau: cảnh thứ nhất, Chúa Giêsu khiêm nhường chịu phép Rửa; cảnh thứ hai, Chúa Cha tôn vinh Chúa Giêsu. Đó là bài Phúc Âm về sự khiêm nhường, và là sự khiêm nhường thẳm sâu.
Chúng ta thử đứng trên bờ sông Giodan một chút, con sông này lạ kỳ vì nó ném mình vào Biển Chết. Tại dòng sông này một người đàn ông tên là Gioan, lần lượt rửa cho tất cả những ai thành thật sám hối vì tội lỗi mình. Một cách kín đáo không muốn ai chú ý đến mình, Chúa Giêsu cũng xếp hàng theo những người tội lỗi đó. Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội lại đứng giữa những người tội lỗi. Lạ thật, sự thanh sạch laị phải thanh tẩy. Đức Mẹ cũng thế, Đấng vô nhiễm nguyên tội, lại phải chấp nhận thanh tẩy theo luật Môisê sau khi sinh Chúa Giêsu.
Gioan đã hiểu rõ sự kỳ lạ này của Chúa Giêsu. Phúc Âm thánh Matthêu nói rất rõ điều đó: “Gioan một mực can Chúa Giêsu và nói: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi”.
Thực vậy, Đấng Mêssia Giêsu hôm nay bắt đầu chức vụ của Ngài bằng cử chỉ khiêm nhường sâu thẳm. Ngài cúi xuống trước Gioan Tiền Hô và rồi sau này Ngài sẽ làm như vậy trước các tông đồ để rửa chân cho họ, mặc dù Phêrô ngỡ ngàng và từ chối. Ngài kiến tạo nguyên tắc căn bản trong lãnh đạo: “Cai trị là phục vụ”. Nếu chúng ta không lầm, chắc chắn Ngài sẽ luôn chối từ vinh quang, vương trượng và triều thiên, trừ triều thiên đầy gai và máu!
Bình đẳng sâu xa mà Ngài có là bình đẳng với tội nhân. Ngài không coi tội nhân như những người mắc bệnh dịch cần phải xa tránh, nhưng coi họ như những người anh em ốm yếu cần phải được săn sóc: phải chăng mục tử nhân lành đã chẳng tạm để lại 99 con chiên ngoan, rồi ưu tiên tìm kiếm con chiên lạc đó sao?
Ngài cúi mình vâng theo ý Cha. Ngài để Gioan làm phép Rủa để đi vào chương trình Cứu Độ của Cha. Ngài đến để hoàn thiện luật chứ không phải là để bãi bỏ. Từ lòng khiêm nhường, Ngài đã mặc khải khuôn mặt đích thực của Cha không phải là một ông vua chuyên chế độc tài, nhưng là Người Cha hoàn toàn yêu thương mà thôi. Cũng từ cử chỉ khiêm nhường đó, Ngài báo trước cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Bóng tối của Thập giá đã bắt đầu hiện hình. Chúa Giêsu bước xuống dòng sông và dìm mình trong nước như thể vào một ngày không xa Ngài sẽ phải đi vào cái chết. Nhưng sau khi chịu phép Rửa, Ngài lại bước lên, như thể Ngài sẽ ra khỏi mồ và sống lại.
Còn chúng ta, những người kitô, chúng ta có đủ khiêm nhường như Ngài chưa? Khiêm nhường là điều kiện hàng đầu để nên thánh. Chúng ta đã bình đẳng với các tội nhân chưa?....
Trở lại khung cảnh thứ hai của bài Phúc Âm hôm nay: Những ai khiêm nhường luôn được Thiên Chúa đề cao như Đức Maria đã hát lên trong bài Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi lẻ khiêm nhường”. Rồi thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philipphê cũng đã nói “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”.
Chính vì sự vâng lời và khiêm nhường như vậy mà Chúa Giêsu đã sửa lại sự bất tuân và kiêu ngạo của Adam. Sự bất tuân và kiêu ngạo của Adam đã đóng cửa trời lại, thì hôm nay của trời lại mở ra vì Chúa Kitô vâng lời hạ mình xuống. Thiên Chúa không hờn dỗi con người nữa, Ngài mở của trời. Lưu thông giữa Thiên Chúa và nhân loại lại được thiết lập sau một thời kỳ cấm vận. Lưu thông này được thiết lập nhờ Con yêu Dấu của Ngài.
Thiên Chúa rất vui mừng vì Con yêu Dấu của Ngài, và chắc chắn Ngài cũng rất vui mừng vì chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, lúc đó chúng ta cũng là con yêu dấu của Thiên Chúa. Và Ngài cũng nói với chúng ta như đã nói với con yêu Dấu của Ngài: “Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”
Giả sử chúng ta có một người cha uy quyền, địa vị cao trọng mọi người kính phục, liệu chúng ta có sống khiêm nhường hay là vênh vang với mọi người khác?
Xã hội hôm nay, chế độ ô dù rất phổ biến và có thể nó cũng len lỏi vào các tổ chức đạo của chúng ta. Chúng ta hãy cảnh giác! Con cái cán bộ rất dễ hư hỏng! Vậy con cháu các Đấng bậc lớn trong giáo hội có thế không?
Nếu vì ăn ở cách nào khác, chúng ta bị người cha đó thất sủng, chúng ta sẽ có gắng lấy lại niềm tin và danh dự cho người cha của mình. Vậy cũng có đôi lần chúng ta làm thất sủng người Cha chúng ta ở trên trời, tại sao chúng ta lại không tìm cách nhanh chóng để Cha trên trời của chúng ta phải phiền lòng?
Chẳng có vinh dự nào lớn lao hơn vinh dự được làm con Thiên Chúa?
Chúng ta có bao giờ cám ơn đầy đủ cha mẹ đã cho chúng ta được chịu phép rửa tội không?
Nếu thực sự làm được điều này, chúng ta hãy kêu vang cho mọi người và mọi nơi biết nỗi vui mừng của chúng ta là được Chúa Cha yêu mến. Còn tất cả những cái còn lại chỉ là dư thừa !
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:
Lễ Thánh Gia (27/12/2014)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log