Vùng ngoại biên có xa lắm không?
Cập nhật lúc 08:54 02/12/2022
- Dì ơi, hôm vừa rồi, dì có đi Đại hội Giới trẻ ở Đền Hùng không ạ? – Một bạn trẻ nhắn tin cho tôi.
- Có chứ, dì có đi – Tôi trả lời.
- Dì thích nhất phần nào trong hai ngày Đại hội ạ?
- Dì đang muốn hỏi em câu này đấy.
- Dạ, con thích nhất giờ Cung nghinh và Chầu Thánh Thể.
Nghe câu trả lời của em, lòng tôi bỗng rộn ràng vui, giống như đang ở giữa trời nắng mà được tấp vào một bóng cây mát rượi bên đường; và dù chưa biết rõ em là ai nhưng ngay lập tức, tôi đã có thiện cảm với em. Lòng tôi hi vọng, hào hứng chờ đợi được nghe em chia sẻ về những cảm nhận thiêng liêng hay những điều em được thúc đẩy sau hai ngày Đại hội.
- Vì sao em thích giờ Chầu Thánh Thể nhất? – Tôi hỏi em và chờ đợi.
- Dạ vì lúc đó khắp nơi đều là ánh nến lung linh, đẹp và thiêng liêng lắm dì ạ.
- Tạ ơn Chúa. Vậy lúc đó em có thấy lòng mình được thúc đẩy điều gì không?
- Con chỉ thấy bầu khí thiêng liêng thôi, chứ không thấy được thúc đẩy gì?
- Cảm nhận được bầu khí thiêng liêng cũng là một ơn riêng rồi đấy, và dì nghĩ, biết đâu, đó lại là một khởi đầu cho những khao khát và thao thức dấn thân sau này, em có nghĩ vậy không?
- Con cũng không biết ạ.
- Vậy em có còn nhớ chủ đề của Đại hội là gì không?
- “Hãy đến với vùng ngoại biên” ạ.
- Đúng rồi. Tất cả các bạn trẻ đang được Giáo hội mời gọi “hãy đến với vùng ngoại biên”
- Dạ vâng ạ.
- Là một người trẻ, em có thấy Giáo hội đang mời gọi chính mình không?
- Dạ không ạ. Con thực sự chưa bao giờ nghĩ là Giáo hội đang mời gọi con. Con nghĩ chủ đề Đại hội chỉ là khẩu hiệu hô hào cho ngày Đại hội thêm hứng khởi và cũng chỉ là lời mời gọi chung chung dành cho giới trẻ thôi, chứ con không nghĩ đó là lời mời gọi dành cho riêng con.
- Vậy em có là một thành phần của giới trẻ không?
- Dạ có ạ.
- Chúa và Giáo hội mời gọi giới trẻ “hãy đến với vùng ngoại biên”, mà em là một thành phần của giới trẻ, thì đương nhiên lời mời gọi đó cũng dành cho chính em rồi, đúng không nào?
- Dạ, bây giờ dì nói con mới hiểu ạ.
- Chúa và Giáo hội mời gọi giới trẻ nói chung và cách riêng là mời gọi mỗi người, mời gọi từng cá nhân mỗi người chúng ta “hãy đến với vùng ngoại biên”, và đương nhiên là có em trong đó rồi.
- Vậy vùng ngoại biên có xa lắm không ạ? Liệu con có đủ khả năng để đến đó không?
- Vùng ngoại biên không hề xa em ạ, mà nó ở gần, rất gần với em. “Vùng ngoại biên” Giáo hội mời gọi em không phải là một vùng đất có biên giới với một đất nước khác, hay một khu vực miền núi xa xôi hẻo lánh nào đó theo nghĩa đen của từ ngữ, mà “vùng ngoại biên” ở đây chính là tha nhân, là những người sống gần với em, sống cùng nhà, cùng xóm, cùng làng, cùng xứ đạo, cùng trường học, cùng công ty, cùng đất nước… với em mà hiện tại giữa em và những người đó đang bị ngăn cách bởi một đường “biên giới” vô hình nào đó. Giáo hội mời gọi em hãy vượt qua cái “biên giới” đó để đến với họ, nhất là trong lúc họ gặp khó khăn, thử thách. Ví dụ: khi em thấy một người bị ngã xe trên đường, mà đó lại là người em không ưa và họ cũng chẳng thích em chút nào thì lúc đó em sẽ làm gì? Em sẵn sàng gạt bỏ cái cảm giác “không ưa” để tiến đến giúp đỡ người đó hay em thấy hả hê vì người đó gặp nạn? Cảm giác “không ưa” chính là đường biên giới hay rào cản ngăn cách em với người đó. Nếu lúc đó, em vượt qua được cái “không ưa” mà giúp đỡ họ là em đã đến được với “vùng ngoại biên” rồi đấy. Hoặc đơn giản như em tập nhìn những người “khó thương” với cái nhìn tích cực hơn để cố gắng yêu thương họ hơn, cảm thông với họ hơn. Nhìn mọi thứ với cái nhìn khác, ở một góc độ khác, nhất là nhìn mọi thứ bằng cái nhìn đức tin trong tình yêu của Chúa thì đó chính là sự ra đi “đến với vùng ngoại biên” một cách đúng nghĩa nhất.
- Ôi, thế hả dì? Vậy mà con cứ tưởng “đến với vùng ngoại biên” là phải đi tới những vùng cao như là Sapa, Mèo Vạc, Sông Mã… để làm từ thiện ạ.
- Đến với những vùng cao để làm công tác thiện nguyện, bác ái, từ thiện… cũng là một cách đến với vùng ngoại biên. Nếu đến phục vụ những vùng đó thì đúng là đến với vùng ngoại biên với cả hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng.
- Dạ vâng, con cám ơn dì.
- Dì hi vọng, khi em đã hiểu rồi thì em sẽ có những hành động, những quyết tâm cụ thể để vượt qua mọi rào cản mà đến với tha nhân, với những người ở xung quanh mình và nhất là nhìn thấy những khó khăn của họ để cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ họ. Vùng ngoại biên Chúa mời gọi chúng ta chẳng hề xa xôi chút nào, phải không em?
- Dạ vâng ạ.
- Dì hi vọng em sẽ cố gắng sống lời mời gọi “đến với vùng ngoại biên” mỗi ngày và có những thay đổi tích hơn, tốt đẹp hơn để làm nhân chứng cho Chúa trong cuộc sống của mình.
- Dạ, con sẽ cố gắng ạ. Con cám ơn dì nhiều lắm ạ.
Sau cuộc nói chuyện với bạn trẻ đó, lòng tôi có những băn khoăn, trăn trở. Không biết có bao nhiêu bạn trẻ tham gia Đại hội hiểu đúng nghĩa về lời mời gọi “đến với vùng ngoại biên”? Có bao nhiêu bạn trẻ còn mơ hồ, còn “vô tư” đặt mình ở bên ngoài lời mời gọi ấy? Có bao nhiêu bạn trẻ chỉ coi chủ đề Đại hội là một khẩu hiệu hô hào cho thêm vui, thêm hứng khởi? Lòng tôi chợt thấy buồn vì các bạn trẻ ấy có một khoảng cách khá xa với chính Mẹ Giáo Hội của mình. Nhưng tôi cũng thấy rất vui vì các bạn trẻ đã có được một điều gì đó đọng lại sau Đại hội, các bạn ấy vẫn cảm nhận được sự linh thánh trong những giây phút lắng đọng bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Ước gì các bạn trẻ giữ mãi được cảm nhận thánh thiêng ấy trong tâm hồn như ngọn lửa đức tin soi rọi cuộc đời các bạn, giúp các bạn sống tốt, sống nên thánh mỗi ngày. Ước gì các bạn trẻ đều nhận thấy sự hiện diện của Chúa trong Giáo hội và trong cuộc đời để sống gắn bó với Ngài, với một Đức Kitô đang sống trong tâm hồn mỗi người và trong thế giới hôm nay. Và ước gì các bạn trẻ luôn cố gắng vượt qua chính mình, vượt qua những rào cản của ích kỷ, nhỏ nhen, của danh - lợi – thú để bước ra khỏi thế giới riêng của bản thân và đến với tha nhân, đến với những người xung quanh, nhất là đến với những người gặp khó khăn, thử thách, những người nghèo khổ, đói khát đang cần sự cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ. Vì đó chính là vùng ngoại biên mà Giáo hội mời gọi mỗi người.
Bờ Xa - MTG HH