Chúa nhật, 24/11/2024

Bài thuyết trình của cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn trong ĐHGT Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII với chủ đề: HÃY ĐẾN VỚI VÙNG NGOẠI BIÊN

Cập nhật lúc 15:16 29/11/2022
Dẫn nhập
Ngày nay chúng ta đã quá quen với các chuyến đi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, với cách thức hành động của ngài như: chen lẫn giữa đám đông, bế trẻ em vào lòng, bắt tay với các nhà báo, nói chuyện trực tiếp với mọi người, v.v. Từ ngày lên ngôi Giáo hoàng (19/3/2013) cho đến nay, ngài đã thực hiện 39 chuyến tông du hải ngoại và thăm 66 quốc gia. Bên cạnh đó còn rất nhiều chuyến viếng thăm trong nước Ý và các Giáo xứ ở Rô-ma.
Các chuyến đi đến khắp nơi trên thế giới và cách thức hoạt động mục vụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cho chúng ta thấy rõ là Giáo hội ngày hôm nay đã trở nên di động hơn, Giáo hội biểu lộ ý muốn đến với thế giới và con người thay vì đợi cho người ta đến với mình. Giáo hội đi ra khỏi nhà mình đến bất cứ nơi nào cần đến Giáo hội, không phải để tranh dành ảnh hưởng mà để loan báo Tin Mừng cứu độ. Trong Tông huấn “EVANGELII GAUDIUM - NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG”, ngài viết: “…Mọi Kitô hữu và mọi cộng đồng sẽ phân biệt đâu là con đường mà Chúa đòi hỏi, nhưng chúng ta đều được mời chấp nhận lời mời gọi này: đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng[1]Và cũng trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta: “Tôi thích một Giáo hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục.”[2]
Cách riêng, khi ngỏ lời với người trẻ trong Tông huấn “CHRISTUS VIVIT - CHÚA KITÔ ĐANG SỐNG”, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: “Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? Không có ranh giới, không có giới hạn: Người sai chúng ta đến với mọi người. Tin Mừng dành cho tất cả mọi người và không chỉ dành cho một số người. Tin Mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi hơn, dễ tiếp thu hơn, dễ đón nhận hơn. Tin Mừng dành cho tất cả mọi người. Các con đừng sợ ra đi và mang Đức Kitô vào mọi môi trường, cho đến những cuộc sống ở vùng ngoại vi, ngay cả với người xa xăm nhất, người thờ ơ nhất.Chúa tìm kiếm mọi người, Người muốn tất cả cảm nhận được sự ấm áp của lòng thương xót và tình yêu của Người. Người mời chúng ta ra đi công bố sứ vụ mà không sợ hãi, ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ người nào, nơi khu phố, trong trường học, trong lĩnh vực thể thao, trong khi chúng ta đi chơi với bạn bè, khi làm thiện nguyện hoặc làm việc công sở, tất cả đều luôn là dịp tốt và thuận tiện để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng. Đây là cách Chúa tiếp cận mọi người. Và Người muốn các con, những người trẻ, như những phương tiện để Người chiếu giãi ánh sáng và hy vọng, bởi vì Người tin tưởng vào sự can đảm, sự tươi trẻ và lòng nhiệt thành của các con.”[3]
“HÃY ĐẾN VỚI VÙNG NGOẠI BIÊN”[4]đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” và Tông huấn “Đức Ki-tô đang sống.” Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên...Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi và hữu hiệu hơn. 
Chính những chuyến “đi ra với vùng ngoại biên” sẽ neo lại nơi tâm hồn người ta nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
1. Ga-li-lê, vùng ngoại biên của Chúa Giê-su
Cách thức hoạt động mục vụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lúc đầu người ta đã coi là rất lạ lùng và cách mạng; thật ra, đây đã là cách thức hoạt động của Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Giáo hội, và của các thánh tông đồ là những người nối tiếp sứ mạng của Chúa Giê-su. Đoạn Tin Mừng Mt 4, 12-23mà chúng ta nghe sau đây, sẽ cho chúng ta thấy điều đó:
Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!. Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người
Thế rồi, Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
Sau khi ông Gio-an Tẩy giả bị bắt giam, Đức Giê-su khởi sự sứ vụ rao giảng tại miền Ga-li-lê. Rồi Người chọn một số người là những người chài lưới bình thường làm môn đệ, để nối tiếp công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ của Người về sau. Vậy Chúa Giê-su bắt đầu sứ mạng của mình khi ông Gio-an làm xong nhiệm vụ dọn đường chuẩn bị. Ông Gio-an đã rao giảng: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3, 2). Lời rao giảng khởi đầu của Chúa Giê-su ở Ga-li-lê cũng na ná như vậy. Nhưng thực ra sự khác biệt giữa hai người rất sâu xa.
Chẳng hạn, ông Gio-an rao giảng một nơi cố định, và người ta đến với ngài để nghe và chịu phép rửa. Còn Chúa Giê-su là một nhà rao giảng lưu động, Người đến với mọi người, nhất là những người cần được thương xót hơn cả. Người vừa đi rao giảng vừa phân phát ơn lành hồn xác cho dân chúng.
Ông Gio-an tuy có một số môn đệ, nhưng ngài ý thức mình chỉ là người dọn đường, chỉ làm nhiệm vụ một thời gian nhất định, sau đó phải rút lui, như ngọn đèn không cần thiết nữa khi mặttrời đã mọc lên. Còn Chúa Giê-su, Người đã chọn các Tông đồ và giao cho họ trách nhiệm đi khắp muôn dân rao giảng. Chúa Giê-su, Người tính chuyện lâu dài.
Ông Gio-an xuất hiện và làm việc ở miền Giu-đê phía nam, Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ ở Ga-li-lê miền bắc xứ Pa-lét-tin. Có thể nói Giu-đê là vùng có đạo toàn tòng, là trung tâm của đạo Do Thái, còn Ga-li-lê là miền giáp ranh giữa ranh vùng có đạo và vùng ngoại đạo. Quả thực đây là vùng xôi đỗ. Về mặt chính trị, vùng này chịu ảnh hưởng ngoại bang thật sâu đậm. Về mặt chủng tộc, ở đây người Do Thái sống lẫn lộn giữa dân ngoại. Về mặt tôn giáo, Ga-li-lê thua xa Giu-đê, bị coi là ở bên lề của cộng đồng dân Chúa.
Thánh sử Mátthêu nhắc lại đây lời ngôn sứ Isaia: “Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng..” (Mt4,15). Ngay từ đầu, Đức Giê-su cho thấy rằng Người là vị Mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc. Người là Đấng Cứu Tinh không phải riêng cho Ít-ra-en mà thôi nhưng là cho hết mọi dân mọi nước. Ngay từ đầu, Người đã không muốn xây một ngôi nhà thờ đóng kín, không muốn lập ra một Giáo hội an toàn ấm cúng gồm một nhóm nhỏ các môn đệ, như các thầy Ráp-bi của Do thái giáo.
Người cũng không muốn qui tụ quanh mình những người trong sạch để sống trong sa mạc, xa cách các đô thị phức tạp và lắmvấn đề, như ông Gio-an Tẩy giả đã làm; song Người đã muốn một cộng đoàn Giáo hội cởi mở với thế giới, hội nhập vào mọi nền văn minh. Như Người đã cầu nguyện cho các môn đệ trước khi đi chịu chết: “Lạy Cha, con không xin Cha cắt họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần... Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cùng sai họ đến thế gian” (Ga 17,15-18).
Con người chúng ta thích vạch ra những ranh giới: ranh giới giữa người có đạo và người ngoại đạo, giữa người hữu thần và người vô thần, giữa việc đạo và việc đời, giữa người đạo đức đàng hoàng và người bê bối rối ren... Còn Chúa Giê-su, Người đến xoá bỏ các thứ ranh giới, vì Người nhìn vào bản thân con người và muốn cứu vớt hết mọi người.
Chúng ta đã thấy, ở Ga-li-lê Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ và cũng chính ở Ga-li-lê Người đã chọn các Tông đồ là những người làm nghề chài lưới tầm thường. Đáng lý Chúa phải chọn những người ưu tú trong số những người trí thức và được coi là đàng hoàng ở Giu-đê mới phải. Nhưng ở đây, Chúa cũng không theo tiêu chuẩn của chúng ta.Và tại sao lại chọn những người làm nghề chài lưới? Phải chăng Người ngụ ý dạy các môn đệ phải luôn luôn sẵn sàng rời bỏ đất liền và thế giới riêng của mình, nghĩa là rời bỏ cái khung cảnh an toàn và đóng kín của mình để ra khơi, giữa đại dương mênh mông vô bờ bến và đầy gian nguy, tức là đến với thế giới rộng lớn và xa lạ để cứu rỗi thế giới?
2. Các thực tại trần thế, vùng ngoại biên của Giáo hội
Những điều suy gẫm trên đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao các Đức Giáo hoàng trong thời hiện đại hay đi đây đi đó và ngỏ lời với hết mọi người; tại sao Giáo hội có mặt trong hầu hết các tổ chức lớn của thế giới; tại sao Giáo hội lên tiếng về các vấn đề xem ra không trực tiếp liên hệ tới tôn giáo như vấn đề hoà bình, chạy đua vũ trang, công bằng xã hội, kỳ thị chủng tộc, bảo vệ môi sinh, chống phá thai, bảo vệ trẻ em, bảo vệ các quyền con người, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền các dân tộc ít người, nợ nần của các nước nghèo, …
Noi gương Chúa Giê-su, Giáo hội thời sơ khai đã mở toang ra trên thế giới. Nhưng sau khi cả từng vùng, cả từng quốc gia và cả từng lục địa đã trở thành Kitô giáo toàn tòng thì Giáo hội có xu hướng dừng lại và coi mình là trung tâm, chăm lo cho mình và bảo vệ các quyền lợi của mình hơn là quan tâm tới thế giới bên ngoài. Và từ vị thế trung tâm này nhìn ra ngoài, Giáo hội còn vạch ra nhiều thứ ranh giới khác nữa. Ý thức truyền giáo phai mờ dần đi. Việc truyền giáo thường được dành riêng cho những nhà thừa sai chuyên nghiệp phần lớn là thuộc các Dòng tu. Mãi về sau, vào thế kỷ XIX và nhất là thể kỷ XX, khi chính trong các nước xưa nay là toàn tòng Kitô giáo xảy ra hiện tượng bỏ đạo hàng loạt, thì Giáo hội mới “bừng tỉnh” và bắt đầu tìm lại ý thức mạnh mẽ về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô với Tông huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” kêu gọi chúng ta ra đi loan truyền Tin Mừng trong thời đại mới của việc Phúc âm hóa. Niềm vui được đón nhận các giá trị của Tin Mừng cần được chia sẻ cho mọi người bằng các cách thức khác nhau, nhờ đó muôn dân nhận ra Đức Giêsu Kitô, Đấng đem lại bình an, niềm vui và ơn cứu độ cho trần gian.
Khác với các Giáo hội bên Châu Âu, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam từ đầu tới nay vẫn chỉ là “đoàn chiên bé nhỏ”(x. Lc2,32), và về mặt xã hội, chính trị, trong một thời gian phải sống trong một môi trường thù nghịch, dù công khai hay âm ỉ. Nhưng chính tình hình đó lại đưa tới thái độ khép kín khi chúng ta phải sống co cụm lại với nhau để tự vệ. Chúng ta không cảm thấy mình là “trung tâm” cho “người khác” đến với mình, trái lại chúng ta muốn mình được “yên thân”, đừng bị ai “dòm ngó.” Những người lớn tuổi như chúng tôi hẳn còn nhớ, có một thời chưa xa lắm đâu, các làng xóm lương và giáo ở kề bên nhau nhưng như hai thế giới xa lạ, hiếm khi đi lại với nhau, thậm chí còn nghi kị nhau hoặc có lúc thù nghịch với nhau. Bây giờ tình hình đã khác lắm rồi. Nhà nước chủ trương đoàn kết dân tộc, trong thực tế cũng giúp người Kitô hữu sống hội nhập với xã hội, chan hoà với đồng bào chung quanh hơn. Đó là điều kiện tốt cho chúng ta thi hành sứ mạng “ra đi loan báo Tin Mừng”, làm chứng cho Chúa và làm “men trong bột.”
3. Hưng Hóa, vùng ngoại biên của Giáo hội Việt Nam
Hưng Hóa là một trong 27 Giáo phận thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam, tọa lạc trên vùng Tây Bắc Việt Nam. Đây là vùng địa lý rộng nhất trong các Giáo phận Việt Nam hiện nay, diện tích khoảng 58.000 km², trải rộng trên 10 tỉnh (Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Giang), với 31/54 sắc tộc khác nhau, phần lớn là dân tộc Kinh.
Hưng Hóa hiện nay có 09 Giáo hạt, với 159 Giáo xứ, Chuẩn xứ và hơn 700 Giáo họ, Giáo điểm. Số giáo dân là 264.833, chiếm tỷ lệ 3,6% dân số trên địa bàn (khoảng 7.000.000 dân), trong đó phần lớn là dân tộc Kinh, người H'Mông chiếm khoảng 10%, và một số sắc tộc khác: Mường, Dao, Tày, Thái.v.v.
Như vậy, Hưng Hóa là một Giáo phận có địa hình rộng lớn, đa dạng về sắc tộc và văn hóa, Giáo phận quả thực là “vùng ngoại biên” xét về mặt địa lý lẫn mặt hiện sinh. Điều này làm cho các vị Bề trên Giáo phận qua các thời kỳ luôn phải ưu tư về phương cách mục vụ. Trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo phận (1998), Giáo phận đã đề ra hướng mục vụ theo bốn tiêu chí: Xây dựng Giáo phận thành cộng đoàn đức tin vững mạnh, cộng đoàn phụng tự sốt sáng, cộng đoàn bác ái huynh đệ, từ đó hướng đến cộng đoàn nhiệt thành truyền giáo. Bốn tiêu chí này đều nhằm giúp cho Giáo phận sống tinh thần hiệp nhất và yêu thương.
Cụ thể, Giáo phận đã và đang ưu tiên cho việc đến với các “vùng ngoại biên” thuộc các tỉnh vùng cao giáp biên giới với Lào và Trung Quốc, đặc biệt là cho anh chị em người dân tộc thiểu số. Giáo phận đang dành nhiều nhân lực và tài lực cho công cuộc loan báo Tin Mừng và cộng tác với mọi người trong việc phát triển con người toàn diện tại đây.
Để minh họa cho định hướng mục vụ cho “vùng ngoại biên” của Giáo phận, người viết xin được nêu một vài công tác mục vụ và cảm nghiệm cá nhân của mình khi được phục vụ tại tỉnh Điện Biên.
+ Các công tác mục vụ chúng tôi đang làm
(1). Quy tụ Giáo dân đang cư trú rải rác trong địa bàn và xây dựng Cộng đoàn Giáo điểm (điềm nhóm), Giáo họ, Giáo xứ theo các tiêu chí của Giáo phận;
(2). Tái loan báo Tin Mừng cho những người có đạo mà lâu nay vì nhiều lý do khác nhau không sống đạo;
(3). Tiếp cận và tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc trong Giáo xứ để đối thoại và giới thiệu các giá trị Tin Mừng;
(4). Học hỏi và đối thoại với chính quyền các cấp để giúp cả hai bên hiểu đúng về nhau và cùng nhau cộng tác phục vụ người dân cho tốt hơn; cách riêng là người Công giáo trong địa bàn;
(5). Đối thoại đại kết với các hệ phái Tin Lành trên địa bàn;
(6). Thường xuyên giúp cho Giáo dân hiểu biết về pháp luật để hạn chế tảo hôn, không buôn bán và sử dụng ma túy, không vượt biên trái phép, không nghe- không tin các đạo lạ, giúp người dân ý thức để tích cực cộng tác với các lực lượng bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên;
(6). Cộng tác với chính quyền để nâng cao trình độ học vấn của người dân; cách riêng là anh chị em người dân tộc H'Mông qua việc vận động đạt tỷ lệ % cao số trẻ trong độ tuổi đến trường; thiết lập nhà nội trú cho học sinh cấp III tại Điện Biên (từ 30 - 65 học sinh); mở các lớp học củng cố kiến thức (từ 50 -70 học sinh) cho cấp II tại bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ;
(7). Giúp người dân hiểu và sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày; đồng thời, cùng với Ủy ban Bác ái - Caritas của Giáo phận, các ân nhân xa gần cung cấp các máy lọc nước sạch cho các bản làng đã có điện lưới quốc gia; Cứu trợ thiên thai, dịch bệnh hoặc có những trợ giúp cho người nghèo, người bệnh thường xuyên.
(8). Phối hợp với ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên, Sở Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu qua các hoạt động: Truyền thông cho người dân hiểu và nhận thức đúng về môi trường, biến đổi khí hậu và thực trạng ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong nước, của địa phương và địa bàn khu dân cư; Phối hợp hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cho người dân kỹ năng tự ứng cứu và giúp nhau xử lý tại chỗ những rủi ro bất thường do mưa bão, ngập lụt, lũ quét; Nhắc nhở các hộ gia đình tổ chức cuộc sống và sản xuất hàng ngày thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, ăn uống hợp vệ sinh, xây dựng các công trình phụ hợp vệ sinh, trồng cây và bảo vệ cây xanh tại gia đình, nơi công cộng và cơ sở tôn giáo. Không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại …
+ Cảm nghiệm cá nhân xin được chia sẻ
Như người viết đã trình bày ở phần dẫn nhập, chính những chuyến “đi ra với vùng ngoại biên” sẽ neo lại nơi tâm hồn người ta nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đối với người viết không chỉ là “những kỷ niệm” mà là được “biến đổi.”
(1). Đức tin được củng cố
Con đường từ trung tâm xã Nà Hỳ vào xã trung tâm Nà Bủng huyện Nậm Pồ vào mùa mưa năm 2017 thật khủng khiếp.
Đoạn đường gần 30km, nhưng chúng tôi phải đi mất gần 03 tiếng; nói là đi xe máy, nhưng thực ra là đẩy xe là chính. Mỗi tháng 02 lần vào Giáo họ Nà Bủng để dâng lễ cho bà con là một thách đố với tôi khi vừa mới từ vùng xuôi chuyển đến. Thú thực, có những lúc, tôi cũng có ý định “đảo ngũ.”
Một lần, tôi khi hỏi anh Trưởng ban hành giáo, người H'Mông - sinh năm 1988, mới theo đạo từ năm 2013: Anh có cảm thấy vất vả và nản chí mỗi khi phải ra Nà Hỳ để đưa mình vào không? Tôi nhận được một nụ cười rất tươi và đơn sơ của anh cùng câu nói: CHÚA ĐANG THỬ THÁCH ĐỨC TIN CỦA CHA CON MÌNH. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy xấu hổ và thầm thưa với Chúa rằng: “Con cứ tưởng, con đến đây để củng cố đức tin cho anh chị em con; nhưng hôm nay, Chúa dùng người anh em này để củng cố đức tin cho con.”Giáo dân củng cố đức tin cho Cha xứ. Chỉ có Chúa mới làm như thế !.
(2). Xác tín hơn vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa
Là linh mục, người viết luôn biết rằng Thiên Chúa biết tất cả những gì cần thiết cho con người. Và một khi ta tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa, khi ta đặt Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình, Thiên Chúa sẽ không bao giờ để con cái Người phải chịu thiệt thòi dù ở đời này hay đời sau (x. Mt 6, 24-34).
Nhưng cuộc sống con người gắn liền với những sinh hoạt trần thế. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn là mối lo hàng ngày của nhiều người và chúng tôi, các linh mục, tu sỹ đang ở vùng ngoại biên cũng không ngoại lệ. Và gánh nặng tài chính, đã có lần làm cho chúng tôi muốn buông xuôi không tiếp tục những công việc đang làm nữa. Chính lúc đó, Chúa đã gửi đến cho chúng tôi một câu chuyện để củng cố niềm xác tín vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Có một đôi vợ chồng người H'Mông tại bản Na Cô Sa 1, xã Na Cô Sa thuộc Giáo xứ Nậm Pồ. Cả hai vợ chồng đều sinh năm 1996 và họ đã có 02 con trai. Anh chồng là ban hành giáo và là một Tông đồ Giáo dân rất tích cực.
Chị vợ mang thai, khám thai thì được xác định là sinh đôi; nhưng đến ngày 19/5/2019 thì sinh 03 cô con gái. Đôi vợ chồng trẻ chỉ làm nương với 05 đứa con (Cháu lớn sinh 2015, cháu thứ hai sinh 2017 và 03 cô con gái sinh ngày 19/5/2019). Thú thực, nếu tôi trong hoàn cảnh này, thì cũng không biết làm thế nào. Một lần, khi 03 cháu gái vẫn còn nằm trong lồng kính tại bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên; tôi có nói với bố các cháu: “Có gia đình trong Giáo xứ muốn xin con nuôi, vợ chồng anh có cho không?.”
Người bố không cần suy nghĩ và trả lời luôn như thế này: CHÚA ĐÃ BAN CHO CHÚNG CON NHỮNG ĐỨA CON; CON TIN, CHÚA SẼ CÓ CÁCH LO LIỆU CHO CHÚNG CON.
Và quả thực, Chúa không thua lòng quảng đại của đôi vợ chồng trẻ này.
Qua Cha Giám đốc Caritas Hưng Hóa khi đó, Chúa đã gửi các ân nhân đến để chia sẻ với họ một phần về tài chính. Gia đình của họ tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui. Hiện nay các cháu đều ngoan và khỏe mạnh.
Qua câu chuyện của gia đình trẻ này, mỗi ngày niềm xác tín của chúng tôi vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa được gia tăng; dĩ nhiên, chúng tôi phải biết sử dụng ơn lo liệu Chúa ban để chu toàn sứ vụ Chúa trao.
(3). Có nhiều niềm vui khi dấn thân phục vụ trong tinh thần trách nhiệm
Tôi học được điều này từ rất nhiều người trong địa bàn Giáo xứ, đặc biệt là tại vùng biên giới Điện Biên.
Sự hy sinh không màng tư lợi và tràn đầy niềm vui khi được phục vụ của anh chị em  người Kinh cũng như người dân tộc trong Hội đồng Giáo xứ và Tông đồ Giáo dân.
Sự tận tụy, hy sinh và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo, anh em biên phòng và an ninh đang phục vụ tại đây.
(4). Học hỏi công tác Loan báo Tin Mừng nơi anh chị em Tin Lành
Tôi được chứng kiến anh chị em các hệ phái Tin Lành rất nhiệt tình trao tặng Kinh Thánh và loan báo Tin Mừng cho người khác.
Họ chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý lúc nào con người dễ đón nhận Tin Mừng là họ có mặt, họ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống để Loan Báo Tin Mừng, họ chắt chiu từng cơ hội nhỏ để giới thiệu Chúa cho người khác.
4. Đâu là vùng ngoại biên của người trẻ ?
Tông huấn “CHRISTUS VIVIT - CHÚA KITÔ ĐANG SỐNG”, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻđừng đứng nhìn cuộc sống từ ban công, đừng để cuộc sống lướt qua trước màn hình, đừng nhìn thế giới như một khách du lịch, nhưng “các con hãy cảm nhận! Loại bỏ đi sợ hãi làm tê liệt các con… Các con hãy sống đi.”[5]Sống giây phút hiện tại”, tận hưởng mọi món quà nhỏ của cuộc sống với lòng biết ơn.[6] Vì thế, ngài đề nghị “người trẻ đi xa hơn khỏi nhóm bạn và xây dựng tình bạn xã hội và tìm kiếm lợi ích chung.”[7]Dấn thân xã hội và liên hệ trực tiếp với người nghèo là một cơ hội nền tảng để khám phá hay đào sâu đức tin và phân định chính ơn gọi của mình.”[8]Đức Thánh Cha đưa ra những ví dụ tích cực của những người trẻ của các giáo xứ, các nhóm và phong trào, “họ có thói quen đến làm bạn với những người già, người bệnh, hay thăm viếng những nơi nghèo.”[9]Các bạn trẻ được mời gọi để trở thành “những nhà truyền giáo can đảm”, làm chứng cho Tin Mừng ở khắp nơi bằng chính cuộc đời của mình, điều này không có nghĩa “nói về sự thật, nhưng sống sự thật.”[10]
Trong Tông huấn “EVANGELII GAUDIUM - NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi các Kitô hữu cùng toàn thể “Giáo hội phải đi ra khỏi chính mình và ra vùng ngoại biên về mặt địa dư, nhân bản cũng như hiện sinh (…), nơi ẩn chứa huyền bí của tội lỗi, của đau đớn, của bất công, của đau khổ…để đến với người khác và thế giới bên ngoài.[11] Đây là lời mời gọi ra khỏi vùng an toàn của mình để ra đi dấn thân phục vụ.
Thực tế của bối cảnh của một xã hội hưởng thụ hôm nay đã làm cho người trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng ta được thừa hưởng sự phát triển của khoa học hiện đại nhưng cũng rơi vào tình trạng lười biếng của những thứ có sẵn. Nhiều người trẻ cảm thấy cuộc sống chỉ bình an khi được bao bọc trong “sự an toàn”, hay nói cách khác là không đủ can đảm để “đi ra vùng ngoại biên.” Một khi chúng ta chỉ nhìn thế giới và con người qua màn hình điện thoại, từ ban công hay bàng quan như khách du lịch, thì ta đã không cho mình có cơ hội để được thấu cảm về con người cũng như cuộc sống xung quanh.
Khi sống trong “vùng an toàn” như thế, ta có nguy cơ đóng kín lòng mình khỏi những mối tương quan ngay cả sự liên đới với anh chị em trong gia đình. Cũng có khi “vùng an toàn” là các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Ngồi trong phòng riêng kết nối với mọi thứ trên thế giới qua mạng lưới internet dường như an toàn hơn việc dấn thân bên ngoài. Ta không thể “ra đi” vì nhiều nỗi sợ khác nhau, sợ va chạm, sợ bị hiểu lầm hay mất thời gian, sợ mất đi hình ảnh người khác đang có về mình. Đó có thể là một vài nguyên nhân khiến người trẻ trở nên thờ ơ với nỗi đau khổ và nhu cầu của tha nhân xung quanh.
Nhận ra nhu cầu khẩn thiết về việc Loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo của Giáo hội, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi mỗi người chúng ta ra khỏi chính vỏ bọc an toàn của mình để đến với người khác và khám phá ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.[12]
Như vậy, lời mời gọi “hãy đến với vùng ngoại biên” không hẳn là chúng ta phải đến những vùng xa lạ nhưng là chính môi trường chúng ta đang sống và những người chúng ta gặp gỡ. Đến với vùng ngoại biên đối với người trẻ hôm nay là dám thay đổi và hội nhập.
Cuộc sống và con người mỗi nơi đều có những khác biệt nên chúng ta được mời gọi sống linh động, sẵn sàng thích ứng với mọi môi trường và hoàn cảnh sống khác nhau. Nói cách khác, chúng ta cần mang trong mình tâm thế sẵn sàng ra đi và chấp nhận thay đổi. Rèn luyện cho mình ý chí kiên cường cùng với sự khiêm nhường theo gương Thầy chí thánh Giê-su để từ đó ta làm cho nhiều người nhận ra niềm vui có Chúa hiện diện. Đến với vùng ngoại biên là cúi mình săn sóc những vết thương của anh chị em chúng ta gặp thấy trên đường đời tựa như người Samari nhân hậu đã làm. Đến với vùng ngoại biên còn là dám vượt qua các ranh giới của định kiến và sợ hãi để đến với những người nghèo bị bỏ rơi. Những vết thương đó có thể là vết thương thể lý nhưng cũng có thể là vết thương tâm hồn cần được chúng ta an ủi và chữa lành.
Năm 2020, ngay trước đại dịch Covid-19 bùng phát, tại nhà lưu xá Điện Biên chúng tôi được tiếp 03 bạn trẻ người nước ngoài là thành viên thân hữu của Hội Thừa Sai Paris (MEP). Họ có độ tuổi từ 22 – 26, vừa mới tốt nghiệp đại học và cao đẳng nghề (01 người Pháp, 01 người Anh, 01 người New Zealan). Họ có kế hoạch đạp xe vòng quanh thế trong vòng 02 năm để cầu nguyện cho công cuộc Truyền giáo của Hội Thánh và có cơ hội để “đi ra”để thay đổi thói quen, muốn trực tiếp gặp người nghèo, sống với người nghèo và có cơ hội thấu cảm với người nghèo. Họ nói rằng, chuyến đi này sẽ là một sự đào tạo nhân bản và thiêng liêng quý báu, sự đào tạo này cũng quan trọng không kém sự đào tạo nghề nghiệp của họ vừa trải qua. Và họ đã lưu lại nhà chúng tôi trong 03 ngày để chia sẻ cuộc sống hàng ngày với các em học sinh nội trú người dân tộc H'Mông. Sau đó, họ qua cửa khẩu Tây Trang để sang nước Lào.
Câu chuyện của 03 bạn trẻ người ngoại quốc cũng là lời mời gọi của chúng tôi đến các bạn hôm nay. Mời các bạn đến với vùng ngoại biên Hưng Hóa; đặc biệt là trong dịp hè với các trẻ em người dân tộc thiểu số để thực hiện các chiến dịch mùa hè xanh, tạo sân chơi, dạy các kỹ năng sống … Tôi tin rằng, các bạn không chỉ có được những kỷ niệm đẹp mà các bạn còn được biến đổi nữa.
Kết luận
Trong cuốn Chỉ Nam Về Huấn Giáo” được phê chuẩn ngày 23/03/2020,Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh: “Giáo hội phát triển không phải là chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự hấp dẫn”; tức là, Giáo hội không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc “chinh phục các linh hồn” cho Chúa càng nhiều càng tốt, (Giáo hội không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Tin Mừng thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh.
Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, - dĩ nhiên cũng không loại trừ khả năng này -, mà ưu tiên lấy chính môi trường sống của mình làm “vùng đất ngoại biên”, và noi gương của Đức Thánh Cha, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, môi trường, xã hội, là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới, những “vùng Ga-li-lê, miền đất ngoại biên” mà Chúa sai chúng ta đến.
Và hơn nữa “miền Ga-li-lê ngoại biên” của tôi và của các bạn còn là chính bản thân mình, vì vẫn còn đó những vùng tăm tối ngay trong tâm hồn và cuộc sống của mình chưa được ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu và biến đổi. Muốn Phúc âm hoá người khác, chính mình cần phải được Phúc âm hoá. Chính Chúa vẫn còn nói với mỗi người trong chúng ta hôm nay, những người đã tin theo Người: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
 

[1] ĐGH. Phan-xi-cô, Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, 24/112012, số 20.
[2] Sđd, số 49.
[3]ĐGH. Phan-xi-cô, Tông huấn “Đức Ki-tô đang sống”, 25/03/2019, số 177.
[4]Vùng ngoại vi (ngoại biên) mà Đức Phan-xi-cô nói đến đó có thể là những địa lý xa lạ chưa được khám phá, là những nơi bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa được đụng chạm đến, là những khu vực xa trung tâm. Vùng ngoại vi còn kể cả thực tại của một con người, một ngoại vi hiện sinh, hay thực tại tư duy của họ (hôn nhân gia đình, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, bác ái, truyền thông, di dân, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội …  (trả lời phỏng vấn báo La Corcova News, ngày 07/02/2015 tại nhà tại Nhà Thánh Martha, Rôma).
 
[5] x. ĐGH. Phan-xi-cô, Tông huấn “Đức Ki-tô đang sống”, 25/03/2019, số 143.
[6] x. Sđd, số 146.
[7] x. Sđd, số 169.
[8] x. Sđd, số 170
[9] x. Sđd, số 170
[10]x. Sđd, số 175.
 
[11]Hồng Y Tổng Giám mục Havana chia sẻ những ghi chú từ bài phát biểu của Hồng Y Bergoglio trong cuộc họp tiền mật viện. Zenit 26/3/2013).
[12] x. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, buổi tiếp kiến chung ngày 27/3/2013.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log