Học như bơi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi
(Ngạn ngữ Trung Quốc).
Học tập là con đường dài nhất và gần như chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng đối với những ai muốn chinh phục được nó. Vì vậy, bất cứ ai muốn hoàn thiện hay thành công đều phải trải qua một quá trình mày mò, học hỏi không ngừng nghỉ. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn biết bao người đang trong tình trạng nửa tiến, nửa lùi chỉ vì những khó khăn thách đố và thiếu kiên nhẫn trên con đường học tập. Vì thế ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Học như bơi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi”.
Học là gì? Học là quá trình tiếp thu, bổ sung và trau dồi thêm những kiến thức mới, nhằm nâng cao tầm hiểu biết về văn hóa xã hội cũng như về kỹ năng, kinh nghiệm và giá trị của cuộc sống. Bên cạnh đó học cũng là phương thức để tu dưỡng phẩm chất của một con người trong cách đối nhân xử thế. Vì thế danh ngôn có câu: “Học ăn học nói, học gói học mở”.
Bơi ngược dòng nước là gì? Là những khó khăn thử thách trong việc học tập. Vì như ta đã biết bơi ngược dòng nước là một điều rất khó và phải tốn nhiều công sức mới có thể thực hiện được. Vì vậy, ý của câu nói muốn nhấn mạnh cho ta về tính kiên trì và sự phấn đấu không ngừng để vượt qua những trở ngại trên con đường học tập.
Không tiến sẽ phải lùi? Muốn nhấn mạnh ta trong việc học phải biết vượt thắng được những khó khăn để tiến bước, nếu không sẽ bị tụt hậu.
Tóm lại, con đường học tập là con đường không có giới hạn. Do đó, không ai trong chúng ta có thể khẳng định rằng: tôi đã học xong, học đủ và không phải học thêm gì nữa. Nhưng trái lại, ta phải không ngừng trau dồi thêm vốn kiến thức và sự hiểu biết mới, cũng như không ngừng phấn đấu để vượt qua những thách thức của việc học. Vì học tập là việc kéo dài cả đời và nếu ta không bắt kịp được với những đổi mới của thời đại thì ta không những bị tụt hậu mà thậm chí sẽ bị loại bỏ.
Tại sao nói học như bơi ngược dòng nước? Vì con đường học tập là cả một quá trình dài và cùng với đó biết bao những khó khăn thách đố. Do đó những ai muốn sở hữu hay chinh phục con đường này, đòi hỏi phải có sự kiên trì và phấn đấu không ngừng nghỉ. Cũng vậy, ta có thể lấy hình ảnh dòng sông để minh họa cho vấn đề này: bề ngoài dòng chảy của con sông nhìn có vẻ êm đềm và nhẹ nhàng, nhưng thực chất nó không hề nhẹ nhàng chút nào. Bằng chứng là khi ta đi xuống, ta mới thấy được sức mạnh mẽ của nó, vừa nhảy vào đã bị cuốn trôi và rất khó để giữ vững được. Qua đó cho thấy, đứng để giữ thân mình không bị cuốn trôi đã khó, huống chi ta lại phải lội ngược dòng với nó thì quả là khó hơn biết chừng nào. Sở dĩ nói học như bơi ngược dòng nước là vì ta đã cảm nghiệm được sự khó khăn của nó trên con đường học tập. Vì thế không nhà tri thức nào sở hữu được những kiến thức tinh túy, sâu rộng mà lại không phải lội ngược dòng để tìm kiếm. Để chứng minh cho những gian lao khó nhọc trong việc học tập mà nhà tri thức nào cũng đều phải cảm nghiệm và trải qua thì có lẽ câu nói của nhà bác học Thomas Edison đã một phần nào đó chứng minh cho ta về vấn đề này khi ông nói: “Thiên tài một phần trăm là do cảm hứng, còn chín mươi chín phần trăm là do mồ hôi nước mắt”.
Tại sao học tập không tiến sẽ phải lùi? Vì con người và thời đại luôn không ngừng tiến triển, nếu ta không cập nhật đúng thời cuộc và không tiếp thu được những cái mới cho phù hợp với cuộc sống thì ta sẽ bị tụt hậu, lỗi thời. Do đó, vấn đề học tập là vô cùng cấp thiết và ưu tiên, mỗi người phải tự trau dồi cho mình những kiến thức cần thiết và không ngừng học hỏi để tiếp thu những cái mới, những cái hữu ích cho mình. Vì một xã hội phát triển là một xã hội có những đầu óc tri thức và sáng tạo chứ không phải là những đầu óc ù lì và lỗi thời.
Trong cuộc sống, ta thấy có những tấm gương thành công trong sự nghiệp cách sáng láng và để lại danh thơm tiếng tốt cho đời. Vì sự cống hiến vĩ đại cho nhân loại bằng chính kiến thức và sự hiểu biết của mình, nhờ vào sự tìm tòi, không ngừng học hỏi và trau dồi. Cụ thể như nhà sinh vật học người Pháp Luis Paster “cha đẻ của vi sinh vật học” những khám phá của ông đã khai mở cho thế giới biết đến một loại thuốc có thể cứu sống con người mà ngày nay chúng ta có, đó là “Vắc-xin”. Ông đã phải tìm tòi nghiên cứu để tìm phương thức làm ra loại Vắc-xin này, nhằm cứu giúp con người trong cách phòng chống bệnh tật và nhất là “Bệnh Dại” và “Bệnh Than” (Bệnh Dại, do virút dại gây nên và thường gặp và lây truyền ở các loài động vật có vú khi bị cắn hoặc liếm bởi con vật bị bệnh. Bệnh Than, một loại bệnh truyền nhiễm gặp ở các động vật máu nóng và do vi khuẩn Bacillus gây ra, thường lây qua đường hô hấp, tiêu hóa và vết thương hở trên da) những căn bệnh dễ gây ra tử vong. Những đóng góp của ông cũng là một cánh cửa để giúp cho những thế hệ trẻ của mọi thời đại tìm đến và tiếp cận được với những khám phá mới trong thế giới và vũ trụ này. Nhưng dù có to lớn hay xa xôi thế nào, một điều ta không thể thiếu để đạt tới những kết quả mỹ mãn, đó là phải không ngừng học tập và nâng cao sự hiểu biết. Vì như Abigail Adam đã từng nói: “Tri thức ta không vô tình mà có được, nhưng chúng ta phải tìm kiếm với sự nhiệt tình và đạt được nó bằng sự chăm chỉ”.
Đời sống thường ngày ta vẫn thấy có những người luôn cố gắng học tập không kể ngày đêm và luôn không ngừng phấn đấu. Có thể nói họ đã cảm nhận được tầm quan trọng của sự hiểu biết và điều cần thiết của người tri thức là phải có trách nhiệm thế nào đối với chính mình và đối với cuộc sống. Nơi những người này họ không an phận với những gì đã có, nhưng luôn luôn cập nhật những cái mới để góp phần làm cho những cái đã có trở nên mới và sâu rộng hơn. Nhưng trái lại với những người này, vẫn còn đó biết bao người đang sống trong sự ù lì dửng dưng không biết coi trọng và ưu tiên cho việc học tập. Cũng vậy nơi những con người đó châm ngôn của họ là “học nhiều làm gì cho đau đầu, học nhiều chỉ phí thời gian” và họ không thấy được tầm quan trọng của việc học là cần thiết, kiến thức và sự hiểu biết cũng như kỹ năng sống đối với những người này: có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Nếu như vậy thử hỏi rằng những con người này sẽ mang lại ích lợi gì cho cộng đồng và xã hội? Chắc chắn là không, đó sẽ chỉ là những tai hại và gánh nặng cho cộng đồng và xã hội cũng như cho chính cá nhân những người đó. Câu hỏi đạt ra, vậy thì nguyên nhân do đâu? Có thể là do từ trong gia đình đã không được giáo dục tốt hoặc do hoàn cảnh gia đình đưa đẩy mà tạo nên những thói quen xấu hay cũng có thể do hoàn cảnh xã hội. Dù có đưa ra trăm nghìn lý do vì thế này hay thế kia chăng nữa thì vẫn đề quan trọng và thiết yếu nhất vẫn là do bản thân mỗi người cần phải tự ý thức và rèn luyện cho chính mình. Vì không ai có thể ép ta làm những điều ta không muốn, nếu không có được sự chấp thuận.
Biện pháp để giúp cho những người đang trong sự thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc học là phải cho họ hiểu được những ích lợi của việc học đem lại cũng như hướng cho họ hiểu được rằng: học là để giúp cho con người thăng tiến, đi lên trong cuộc sống và cùng với đó sẽ có thêm được những kĩ năng sống để hướng đến cái tốt cái đẹp, cũng như qua việc học tập sẽ giúp cho cuộc sống con người trở nên ý nghĩa và đầy màu sắc hơn. Hay nói một cách khác, học để giúp cho con người ta không bị tụt hậu và lạc loài trong một xã hội đang không ngừng tiến triển. Cũng vậy một điều quan trọng hơn nữa là mỗi chúng ta phải giúp sức cũng như nâng đỡ những con người này cả về mặt thể xác lẫn tinh thần, để một phần nào đó là động lực cho họ tiến bước và nhận thức được về việc học tập là quan trọng, ưu tiên. Dù biết rằng bơi ngược dòng nước là khó khăn là vất vả nhưng nếu ta kiên trì và quyết tâm thì những nỗ lực cố gắng của ta sẽ không phải là vô ích và trong việc học tập cũng vậy.
Câu ngạn ngữ trên mang lại cho mỗi chúng ta những ý nghĩa sâu sắc và những giá trị thiết thực cho cuộc sống. Nó giúp ta có thêm nghị lực để vượt lên trên những khó khăn thử thách khi gặp phải và giúp ta đón nhận được những kiến thức mới cho cuộc sống. Cuộc sống luôn tiến triển không ngừng, do đó việc bắt kịp được với thời đại là dấu hiệu của sự văn minh nơi một con người. Bài học cho bản thân: làm người cần có nghị lực và bản lĩnh để đón nhận những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống và hơn nữa là biết vượt qua những khó khăn đó cách mạnh mẽ, để dù có phải bơi ngược dòng nước nhưng vẫn giữ được mình không bị cuốn trôi.
Pr. Vàng A Vi
Tcv XIV