“Bíp! Bíp! Anh em xuống ngắm cảnh đi!” Giọng nói sang sảng của bác tài làm tôi giật mình, thì ra chúng tôi đã đến thị trấn Sapa sau 4 tiếng đồng hồ ê ẩm ngồi trên cái ghế sofa cứng đơ của chiếc xe 29 chỗ hiệu Huyndai. Hai mươi lăm anh em lững thững bước những bước chân nặng nề vì ngái ngủ ra khỏi cửa xe, vừa bước xuống ven đường bỗng những sợi lông tơ trên cánh tay tôi dựng đứng cả lên, làn da nổi lên những chấm nhỏ sần sùi – mà dân gian quen gọi là nổi da gà. Tôi tỉnh hẳn người bởi những làn gió tạt vào người kèm theo luồng khí lạnh buốt của thị trấn sương mù. Cuộc hành trình mục vụ vùng cao của anh em Tiền Chủng viện (TCV) chúng tôi bắt đầu từ đó.
Sapa chào đón tôi bằng một mùi hương vô cùng hấp dẫn. Mùi thơm của tinh bột được làm chín một cách hơi cháy sém, đó là món ngô nướng. Tôi không cầm nổi lòng chạy ngay sang cái lán mái bạt với 4 cột bạch đàn của một cô gái người H’mông. “Chị ơi cho em 5 bắp”. Cái giọng nôn nóng muốn thưởng thức ngô nướng của tôi làm chị ở xạp hàng bên cạnh phá lên cười. Hai chị ấy nói với nhau bằng vài câu tiếng H’mông rồi cười rất sảng khoái. Mặc dù tôi không hiểu nhưng tôi nghĩ chắc các chị đang khen tôi ăn khỏe, một lúc 5 bắp cơ mà. Mua được 5 bắp ngô tôi vội vã chạy về xe để tiếp tục đến nhà thờ Sapa. Ngồi trên xe tôi cùng một vài anh em thưởng thức 5 bắp ngô của vùng đất sương núi, mà công nhận ngô ở đây ngon thật vừa dẻo vừa ngọt lại còn thơm nữa. Bắp ngô cũng chẳng khác gì ở dưới xuôi mà sao hấp dẫn đến thế. Chắc một phần cũng là do sự niềm nở của các cô gái người H’mông thân thiện. Chúng tôi đặt chân đến nhà thờ Sapa lúc 6giờ 30 tối. Trước mắt tôi là một ngôi nhà thờ đá, tuy nhỏ nhưng trông vẻ uy nghi và được tọa lạc giữa trung tâm thị trấn với đủ màu sắc đèn led trang trí Giáng Sinh, như tô màu cho khuôn viên nhà thờ thành bức tranh huyền ảo trong làn sương khói của buổi xế chiều Sapa. Chúng tôi được thầy Điệp (thầy tập vụ tại Giáo xứ Sapa) tươi cười ra tận xe chào đón chúng tôi. Khi được thầy hướng dẫn cất đồ đạc xong xuôi, chúng tôi bắt đầu chương trình mục vụ bằng thánh lễ lúc 7 giờ tối do cha Giuse Nguyễn Thiết Thắng (Cha giáo) cử hành. Thánh lễ diễn ra rất sốt sắng với sự hiệp ý của các bạn lưu trú cùng các vị khách du lịch, phải nói các bạn lưu trú hát thánh ca và đọc sách Thánh rất hay, giọng trong trẻo rõ ràng của các bạn làm cho thánh lễ càng sốt sắng hơn. Lễ xong, chúng tôi dùng cơm trong nhà ăn của giáo xứ. Vì chúng tôi đến trễ nên đồ ăn không còn được nóng, nhưng không vì thế mà làm mất đi vị ngon miệng. Ngược lại, chúng tôi cảm thấy bữa ăn còn hấp dẫn và vui vẻ hơn khi có sự phục vụ rất niềm nở và chu đáo của các bạn lưu trú. Sau bữa cơm, chúng tôi cùng nhau gửi lời chào đến cha xứ Phêrô Phạm Thanh Bình, ngài chào đón chúng tôi bằng những lời chúc Giáng Sinh và năm mới vô cùng ấm áp trong sự vui vẻ và niềm nở của ngài.
Buổi tối chúng tôi có 2 tiếng đồng hồ tự do đi dạo bộ tại Trung tâm Sapa. Tôi cùng 3 anh em đi “lượn lờ” một vòng. Không khí nhộn nhịp, náo động khác hẳn những kí ức của tôi về thị trấn Sapa yên bình của vài năm trước khi tôi đến đây. Mặc dù huyên náo, nhưng Sapa vẫn mang một vẻ đẹp thơ mộng đến ngây người.
Buổi sáng đầu tiên tại vùng đất phố núi, khi trời còn mập mờ tối, chỉ còn lại những ánh đèn nhấp nháy chưa được tắt. Văng vẳng từ khuôn viên nhà thờ là tiếng kinh thần vụ của các bạn lưu trú làm chúng chúng tôi vừa thấy quen vừa thấy nhớ. Giờ này chắc father Yêm (tên gọi thân mật của cha giáo Yêm tại trường TCV) cũng đang đọc kinh thần vụ một mình. Sau khi dùng điểm tâm, đoàn chúng tôi rời nhà thờ Giáo xứ Sapa lúc 7giờ sáng để đến thăm các giáo họ và giáo điểm thuộc giáo xứ cùng với một “hướng dẫn viên” đã có hẳn một năm kinh nghiệm ở đây đó là Sơ Thanh.
Bình minh trả lại cho Sapa vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Khung cảnh đẹp ngây ngất nơi đất trời gặp gỡ. Những dãy núi hùng vĩ lấp ló sau những áng mây bồng bềnh, trắng xóa nối đuôi nhau chạy làm lộ ra những tia nắng hồng ấm của buổi ban mai. Líu lo đâu đó một vài con chim rừng đang say sưa hòa tấu một bản nhạc vui tươi càng làm tô đậm vẻ đẹp cho bức tranh sơn cước Sapa. Ruộng bậc thang là một nét đặc trưng của người dân ở đây. Các dãy nương trải dài từ sườn núi kéo đến thung lũng Lao Chải.
Lao Chải một giáo họ của giáo xứ Sapa cách thị trấn Sapa 6 km đường đèo và 2 km đường bộ nếu bạn muốn trải nghiệm. Hai cây số đường đất mà tôi cảm tưởng như phải đi đến 2 tiếng đồng hồ đi bộ bởi đường xấu và chủ yếu là dốc. Theo sự chỉ dẫn của “hướng dẫn viên” - Sơ Thanh, chúng tôi đã nhìn thấy ngọn tháp chuông nhà thờ Lao Chải. Đoàn chúng tôi tập hợp đọc kinh, viếng nhà thờ rồi nghe cha Thắng kể lại những câu chuyện tại các vùng đất truyền giáo của Hưng Hóa. Sau đó nghe Sơ Thanh chia sẻ những kỉ niệm về những tháng năm mục vụ tại đây. Những câu chuyện về sự khó khăn trong công việc mục vụ hay những câu chuyện đơn sơ nhưng hết sức cảm động. Số anh em trong đoàn không kìm được cảm xúc nên mắt ai cũng hoen đỏ. Còn bản thân tôi chỉ lặng người đi và suy nghĩ, suy nghĩ về công việc của chúng tôi, những người “phục vụ” trong tương lai. Ở đây không chỉ có người Công giáo mà còn có cả cộng đoàn anh em Tin lành, vì vậy cánh đồng truyền giáo còn rất rộng lớn và khó khăn. Tạm gác suy nghĩ lại, tôi cùng anh em sang thăm quan nhà mầm non của các Sơ Dòng Mến Thánh Giá. Một ngôi nhà hai tầng khang trang và 2 lớp học sạch sẽ, cùng với sự tận tâm, nhiệt tình và yêu mến của bà phước Mến Thánh Giá là điều kiện tốt nhất để các em nhỏ ở nơi đây được chăm sóc. Đúng là các Sơ Mến Thánh Giá, các Sơ rất tâm lí và hiếu khách, chúng tôi được các Sơ thiết đãi một chầu sữa chua và cam sau chặng đường quốc bộ mỏi mệt. Nghỉ ngơi một lúc, chúng tối tiếp tục cuộc hành trình đi lên San 1.
San 1 nằm trên một đỉnh núi cách Lao Chải khoảng chừng 1 km. Khi bước chân lên đến nơi, điều đầu tiên tôi cảm thấy là “mệt”. Theo Sơ Thanh nói thì đường thẳng từ chân Lao Chải lên đến đỉnh San 1 là một cây số, còn đường đi bộ lên là tầm 5 cây số vòng vèo. Đang cúi mặt thở dốc tôi bỗng ngửa cổ lên, dường như mọi mệt nhọc của tôi tiêu tan, thay vào đó là hình ảnh một ngôi nhà nguyện hiện lên trong mắt tôi. Là thật hay hoa mắt, tại một nơi cao như thế này mà có nhà nguyện á? (tôi tự hỏi trong đầu). Tôi lại nhớ lại câu nói của Chúa Giêsu: “trên tảng đá này thầy sẽ xây Hội thánh của thầy”. Nhà nguyện này không được xây trên đá theo nghĩa đen, nhưng được xây trên đá của đức tin. Bởi lẽ tại giáo điểm San 1 có 29 hộ dân sinh sống với 240 người toàn bộ là người Công giáo. Họ giữ đạo một cách nhiệt thành, thường xuyên tụ họp tại nhà nguyện để đọc kinh. Mặc dù không có lễ đều đặn. Những ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng, họ lại đi bộ xuống tận Lao Chải để dự lễ (ông Tống trưởng ban hành giáo chia sẻ). Như được ơn soi sáng, tôi cảm nhận được việc Chúa quan phòng ôi thật kì diệu. Những người dân ở đây tuy khó khăn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng Chúa lại thương ban cho họ một niềm tin kiên vững. Vì niềm tin và sự phó thác hoàn toàn cho nên con người ở đây rất vui tươi, hạnh phúc. Tôi thấy được sự bình an trong ánh mắt và trong nụ cười của họ. Đó một món quà, một hồng ân lớn mà Thiên Chúa ban tặng. Đọc kinh viếng nhà nguyện xong, chúng tôi có chụp chung một vài tấm hình rồi quay trở lại Lao Chải cho kịp giờ dùng bữa trưa. Xin chào vùng đất hồng ân, chúng tôi về Lao Chải trên con đường dốc cao trơn trượt. Dường như chiều xuống bớt xa hơn và bớt mệt hơn vì chúng tôi có một người bạn đồng hành rất đặc biệt, một chàng thanh niên người H’mông thân thiện. Tôi hỏi, hóa ra anh đi cùng chúng tôi từ khi ở dưới Lao Chải, đi để dẫn đường và nói chuyện cùng chúng tôi. Xuống đến Lao Chải, anh chào chúng tôi để về làm việc gia đình, vì anh đang dở công việc. Anh nói: “thấy có cha và các chú đến, mình quí lắm”. Quá sức là dễ thương! Tôi cảm thấy như mình được bay trên mây và rất đỗi vui thích vì tình cảm quí mến của anh dành cho chúng tôi.
Bữa “tiệc” Buffet tại Lao Chải dường như là bữa tiệc đứng ngon nhất của tôi từ trước đến nay. Không phải vì đồ ăn ngon, cũng không phải vì đói, mà là vì niềm vui khi được tiếp xúc và nói chuyện với những con người ở nơi đây, được hiểu hơn về cuộc sống của người dân Lao Chải, được thấy tình yêu của Thiên Chúa nơi những con người mộc mạc đơn sơ nhưng đầy niềm vui và sự lạc quan. Nó mang lại cho tôi một cảm giác bình an đến lạ thường.
Tiếp tục chuyến đi, chúng tôi lại quốc bộ trở về chiếc xe 29 chỗ để lên Giáo họ Hầu Thào. Hầu Thào cách Sapa chừng một giờ đồng hồ đi xe và xe có thể vào tận nơi mà không phải đi bộ, điều này làm chúng tôi rất thích. Nhà thờ Hầu Thào được khởi công xây dựng vào ngày 06 tháng 06 năm 2010. Vì đường xá hiểm trở và ở nơi khá cao nên việc xây dựng ngôi nhà thờ này tốn rất nhiều công sức và thời gian. Mặc dù vậy nhà thờ vẫn được hoàn thành theo dự kiến và trở thành nhà thờ chính thức đầu tiên của anh chị em người H’mông. Tạ ơn Chúa, ngày 29 tháng 10 năm 2014 Đức cha Gioan Maria đã cung hiến ngôi thánh đường này. Đây có thể coi là một cộng đoàn người H’mông lớn nhất và phát triển nhất của giáo phận. Với con số trên 1800 nhân danh, tương lại giáo họ Hầu Thào sẽ được tách ra thành một xứ của anh chị em người H’mông. Xin được chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Bằng cách nào đó Chúa đã thương ban cho giáo phận chúng con nói chung và cho anh chị em cộng đoàn người H’mông nói riêng được biết đến Chúa, được yêu mến Chúa. Hơn nữa Chúa đã quan phòng cho những hạt giống Tin Mừng được gieo trồng và nảy nở trên vùng đất xa xôi này. Như thường lệ, cha Thắng cùng chúng tôi vào đọc kinh viếng nhà thờ, nhưng lần này tâm trạng tôi rất khác. Tôi đặt ra câu hỏi: “tại sao tại miền biên giới khó khăn thiếu thốn này lại có đức tin to lớn và vững mạnh như vậy, trong khi đó dưới miền xuôi người ta đầy đủ điều kiện để có một cuộc sống tốt mà người ta lại dần dần xa lánh nhà thờ?” Điều đó là một vấn đề chờ đợi chúng tôi trong tương lai.
Lên xe trở về Sapa, chúng tôi được thông báo một tin vui là cả đoàn sẽ được đi thăm thung lũng Mường Hoa bằng tàu điện. Cả đoàn ai cũng háo hức vì chưa được trải nghiệm đi tàu điện trên cao bao giờ. Trên khoang tàu chúng tôi có thể quan sát toàn bộ đỉnh Phan-xi-păng sau những làn mây trắng bồng bềnh cảm giác như đường lên tiên cảnh. Thi thoảng ngó xuống dưới là những thung lũng trải dài xen lẫn vài ô ruộng bậc thang nhìn rất thích mắt. Thăm quan một vòng thung lũng Mường Hoa, mỗi người chúng tôi ai cũng có một vài kiểu ảnh cho mình. Tất cả đều rất vui nhưng điều vui nhất là buổi tối giao lưu tại Sapa.
08 giờ tối thánh lễ kết thúc, âm thanh ánh sáng đã được chuẩn bị. Mọi thứ đã sẵn sàng để chờ đón một đêm văn nghệ bùng nổ. Sau lời khai mạc của cha Thắng, chương trình được mở màn bằng một cử điệu hết sức sôi nổi “Ra khơi cùng Đức Kitô”. Sáu mươi bảy em lưu trú cùng đứng dậy hòa mình vào nhịp điệu cùng chúng tôi, bên ngoài là các du khách cũng khoác vai nhau cùng nhảy. Dường như không còn sự ngại ngùng và rụt dè nữa, mọi khoảng cách đều bị xóa nhòa bằng tình yêu của Đức Kitô qua bản nhạc. Một không khí vui tươi rộn ràng. Xen lẫn các bài cử điệu là các bài hát do chính chúng tôi và các em lưu chú trình bày. Các ca sĩ nghiệp dư của chúng tôi hát rất hay. Trong đó có một ca khúc mà tôi tâm đắc nhất là bài hát về mẹ bằng tiếng H’mông của em Tốn (một bạn học sinh lưu trú). Bằng chất giọng trầm ấm, bài hát như chạm vào tim tôi. Nó làm tôi nhớ về mẹ của mình, nhất là trong tiết trời lạnh giá ở Sapa tôi lại càng thấy thương mẹ hơn. Buổi giao lưu kết thúc trọn vẹn bằng điệu nhảy “Xuân trên bản Mông” do chính các em lưu trú gửi tặng chúng tôi. Sau buổi giao lưu, điều làm tôi cảm động nhất không phải vì buổi giao lưu thành công mà chính là được vui, được cùng sinh hoạt với các bạn lưu trú, được nói chuyện và chia sẻ với các bạn.
Sáng hôm sau, chúng tôi có một thánh lễ trước khi khởi hành về giáo xứ Lào Cai. Chúng tôi có chụp một tấm hình chung cùng cha xứ rồi cảm ơn ngài đã chu đáo đón tiếp chúng tôi. Trước khi lên xe, tôi sực nhớ một việc, đó là viếng mộ Đức Cha Lộc và Cha Thịnh. Đến trước mộ của các ngài, tôi đứng nghiêm trang đọc kinh với điệu bộ rất sốt sắng. Chợt tôi giật mình co người lại không còn đứng vững nữa. Tôi thấy mình quá “nhỏ bé” so với các ngài. Vì công cuộc rao giảng Tin Mừng, Đức cha Lộc đã từ một đất nước văn minh như Pháp nhưng lại tình nguyện sang truyền giáo tại Việt Nam, rồi nhận Giáo phận Hưng Hóa làm quê hương. Cuối đời, ngài lên Sapa an dưỡng và an nghỉ tại mảnh đất truyền giáo thân thương này. Còn cha Thịnh ngài đã bị chém đầu ngay trong nhà thờ vì sự thù ghét đức tin, cái chết của ngài là tử vì đạo. Tôi thấy lo lắng bởi lẽ các ngài là những vị tiền nhân, các ngài đã làm được những điều rất phi thường, còn chúng tôi là hậu duệ, liệu chúng tôi có thể tiếp bước như các ngài không? Chợt tôi lại nhớ đến anh chị em ở San 1. Thôi, phó thác mọi việc trong tay Chúa.
Rời Sapa trong niềm thương nhớ, chúng tôi đi về thăm giáo xứ Lào Cai. Chúng tôi dùng bữa trưa ở đây và có một chút thời gian mua sắm. Anh em rất say mê và tỏ ra thích thú trong việc lựa đồ. Đầu giờ chiều, đoàn chúng tôi có viếng nhà thờ Lào Cai và nghe cha Thành (cha xứ giáo xứ Lào Cai) chia sẻ. Ngài cho biết giáo xứ Lào Cai có 40 giáo họ và giáo điểm, trải dài trong tỉnh Lào Cai và sang cả Điện Biên. Với diện tích rộng như vậy mà chỉ có 13 linh mục phục vụ. Có những cha phải đi dâng lễ đến hai ba trăm cây số một ngày. Cánh đồng truyền giáo ở nơi đây vẫn rất rộng lớn. Nghe cha Thành chia sẻ, mấy anh em trong đoàn chúng tôi giơ tay tình nguyện xin lên đây để phục vụ trong tương lai. Quả là những tu sinh của Thiên Chúa! Hăng hái và nhiệt thành thật! Chúng tôi ghé thăm cửa khẩu Lào Cai một chút rồi đi sang thăm nhà thờ Cam Đường (một nhà thờ thuộc xứ Lào Cai). Nhà thờ được xây trên một ngọn đồi với lối kiến trúc phương tây rất sang trọng và thẩm mĩ. Đến đó chúng tôi cũng được cha phó và ông trùm ở đây tiếp đón rất nhiệt tình.
Chào Lào Cai chúng tôi quay trở lại ngôi trường Trung Tâm Mục Vụ thân yêu. 07 giờ tối chúng tôi về đến nhà. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một chuyến đi bình an. Tạ ơn Chúa đã đồng hành với chúng con trong suốt cuộc hành trình. Tạ ơn Chúa vì những hồng ân Ngài tuôn đổ cho anh chị em người H’mông của chúng con và cho chính chúng con. Xin cảm tạ và tri ân Ngài. Chúng con xin cám ơn quí cha Ban đào tạo đã lo sắp xếp tổ chức cho chúng con có một chuyến đi thật ý nghĩa. Chúng con cũng xin cám ơn quí Cha xứ Sapa và Lào Cai, quí thầy và quí dì đã lo liệu cho chúng con từng bữa ăn cho đến giấc ngủ. Chúng con xin trân thành cám ơn!
Tạm biệt Sapa, tạm biệt các cô các chú, tạm biệt các bạn vùng cao, hẹn gặp lại mọi người. Đây sẽ là một kỉ niệm tuyệt vời trong quãng thời gian tu sinh của tôi. Một kỉ niệm hồng ân.