Thứ hai, 25/11/2024

Em yêu từng sợi nắng con

Cập nhật lúc 16:44 10/11/2020
Lạnh lạnh buổi hoàng hôn, lấm tấm đôi hạt mưa rải nhè nhẹ ngoài hiên nhà. Từng luồng gió rít qua ô cửa sổ chợt làm bừng tỉnh những ký ức. Phải chăng tiếng gió thổi đến từ miền trung xa xôi!? Bỗng dưng thấy nhớ quê nhà, và đâu đó vang lên những vần thơ của Đỗ Trung Quân:
 
Quê hương là gì hở mẹ 
Mà cô giáo dạy phải yêu 
Quê hương là gì hở mẹ 
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.
 
Quê hương là chùm khế ngọt 
Cho con trèo hái mỗi ngày 
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bướm vàng bay…
……………………………..
Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương nếu ai không nhớ... 
Sẽ không lớn nổi thành người.
                                                                                    (Trích Bài học đầu cho con)
Miền trung quê tôi, mảnh đất khô cằn nắng nóng. Khi những cành cây đã cho trái ngọt, khi những chú ve giòn giã tiếng hát, chính là lúc mùa hè ghé thăm. Cái nắng cháy như muốn thiêu đốt mọi thứ. Lúc ấy, cảnh sắc mùa xuân hoa lệ với đôi hạt mưa tí tách pha chút hơi lạnh mùa đông đã hoàn toàn tan biến, thay vào đó là sự nhiệt tình đến quá độ của anh mặt trời. Sức nóng khủng khiếp ấy như muốn thiêu rụi tất cả những gì nó có thể chạm tới. Khi ánh mặt trời đã dịu dần, những cơn mưa tầm tã lại chen vào như một lời thách thức ngạo mạn. Những cơn bão khủng khiếp cũng xuất hiện như để góp phần vào thể hiện uy thế của thiên nhiên. Lúc những cơn mưa đã ngủ đi vì mệt mỏi, những cơn gió mùa đông lại thay nhau tràn về. Mùa đông lạnh như cắt da, cắt thịt. Thương lắm những cụ già, thương lắm đàn em thơ. Tất cả mọi thứ dường như muốn thay nhau để thách thức ý chí sắt đá gan dạ của những con người quê tôi.
Ra đi cánh gió phương trời lạ
Vẫn nhớ non sông một mái nhà
Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mang.
Một khoảng trời mênh mông không thể lấp đầy một góc nhỏ nơi quê nhà ; bao nhiều tình cảm dào dạt sâu đậm không thể nào xóa đi tình thương yêu của mẹ cha, anh chị em. Tình thương ấy sẽ mãi bên chúng ta. Dầu chúng ta có là ai và như thế nào đi nữa, thì trong chúng ta quê hương cũng sẽ mãi không thay đổi. Bởi quê hương là chính những người thân yêu của chúng ta, là cội rễ, nơi đó ta được sinh ra.
Dos Parsons đã nói: “Bạn có thể khiến con người rời bỏ quê hương họ, nhưng bạn không thể cướp mất quê hương khỏi trái tim họ”. Lắm khi trong cuộc sống, con người phải tách mình khỏi quê hương vì một lý do nào đó: vì thời cuộc, kế sinh nhai, học tập, làm việc… tất cả những điều đó là những lý do ngoại tại. Nhưng không ai có thể tách quê hương ra khỏi trái tim con người, bởi quê hương là dòng máu vẫn lưu chảy trong mỗi con người. Bao lâu dòng máu ấy không còn nữa, đồng nghĩa là con người đã chết ; ai không yêu quê hương, con người ấy sẽ héo tàn. Có lẽ cũng chính vì thế mà cha ông ta vẫn ngâm nga vần thơ:
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”.
Điều đó như để nhắc nhở những người con, dù đâu xa ngàn trùng cách trở cũng hãy hướng lòng về quê hương.
Từ mảnh đất miền trung khô cằn ấy, chính từ cái nôi ấy tôi đã được sinh ra và lớn lên. Quên sao được những ngày thơ dại, được sống dưới mái nhà của cha mẹ cùng với anh chị. Căn nhà ấy vẫn còn đó, thấp bé đơn sơ giản dị, nhưng sao mà dễ thương. Mùa đồng không lò sưởi, nhưng sao vẫn ấm áp. Sự ấm áp nồng nhiệt được tỏa ra từ tình thương yêu của những người thân yêu nhất. Mùa hè rả rích những cơn nóng cháy da, nhưng sao vẫn mát mẻ. Phây phẩy cái quát mo cau không đủ làm khô những giọt mồ hôi trên vầng trán những em thơ, nhưng để lại một bức tranh dân dã dạt dào tình yêu.
Quên sao được cánh đồng lúa vàng chiều hè, hương lúa, mùi rơm giăng tỏa khắp nơi. Quên sao được đàn cò sải cánh chiều thu. Nhớ lắm con đê đầy nước lăn tăn sóng gợn lúc chiều nhạt chờ đón đàn trâu nghiêng mình ghé thăm. Nhớ lắm tiếng ve văng vẳng buổi ban mai ; nhớ mãi những bóng nghiêng buổi hoàng hôn.
Tôi đi xa nhưng không đành bỏ lại những kỷ niệm tuyệt vời của quê hương. Thương lắm cha mẹ tôi. Những người vì chúng tôi mà tần tảo sớm trưa. Nhớ những ngày hè nóng nực, một mình trên chiếc xe khung han rỉ, những tiếng cành cạch phát ra từ cặp pedal cũ kỹ, cha tôi một mình với túi đồ nghề trên vai, âm thầm đón nhận tất cả những khó khăn gian khổ để anh chị em chúng tôi được lớn lên. Lặng lẽ sớm trưa đi về, đưa tay gạt nhẹ những hạt mồ hôi làm ướt đẫm mái tóc. Xa thật xa và lâu thật lâu lắm rồi, nhưng những hình ảnh về người cha vẫn còn đó, hoài cổ nhưng không cũ kỹ ; quá khứ những vẫn mới mẻ ; kỷ niệm nhưng rất sống động.
Những ngày đông buốt lạnh, khi mọi hoa lá cỏ cây, muông thú đều khiêm tốn khép mình tìm nơi ẩn trốn, vì không muốn đương đầu với uy thế của thiên nhiên, thì mẹ tôi vẫn một mình tần tảo sớm hôm. Quên sao được thân hình gầy còm ấy vất vả bước đi trên cánh đồng với đôi gánh nặng nề ; nhớ mãi cái dáng lom khom run run đang cấy những cây mạ non. Chiều về u ám, bởi mặt trời từ lâu đã ngủ say, càng làm cho cảnh sắc trời đông càng thêm buồn bã u hoài. Hình bóng người mẹ cũng vì đó trở nên mệt mọi khổ lụy hơn, và đâu đó vang lên những câu thơ:
“Em yêu câu hát ơi à
Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa”.
Ngẩn ngơ đôi chút để sống lại những ký ức ngày nào, và để hồn bay bổng thú thi ca:
Quê hương nhớ mãi không ngơi
Chiều về nghiêng bóng nhớ anh chị hiền
Quê hương câu hát mặn mà
Hát lên hát mãi từng ngày trong tim.
Tôi xa quê hương để tìm một lý tưởng cho riêng mình, phần anh chị tôi vẫn còn gắn bó với mảnh đất đầy kỷ niệm thương nhớ. Mảnh đất đã thấm lấy những hạt mồ hôi của cha ông tôi, nơi mảnh đất ấy chúng tôi đã được lớn lên. Nhớ thuở còn bé, khi tôi lên bảy lên tám, ngày nắng ngày mưa, anh chị tôi đều đều đạp chiếc xe cũ kỹ hàng chục cây số tới trường. Thương lắm anh chị, chịu mệt mỏi nắng nôi vất vả để không phụ lòng thương yêu hy sinh của cha mẹ. Những ngày mưa bão cũng không thể ngăn cản những vòng bánh xe đáng yêu ấy. Nó không muốn dừng lại, nhưng ngược lại như muốn quay nhanh hơn, nhanh hơn nữa. Và đó là những vòng xoay của lòng biết ơn sâu xa. Từng vòng từng vòng cứ quay đều quay đều theo thời gian, hòa cùng từng nhịp đập chầm chậm của trái tim. Tất cả đều muốn chứng tỏ cho mọi người thấy sự hăng say nồng nhiệt với cuộc sống, với những người thân yêu của anh chị tôi. Xa xa đưa mắt dõi theo từng dòng ký ức, tôi cảm phục và rất đỗi hãnh diện về những con người ấy.
Mùa xuân lạnh giá trong hơi mưa, mùa hè như vắt kiệt từng giọt sương ban mai, mùa thu mưa đổ như thác trút, đông đến run rẩy đôi bàn chân. Dường như tất cả mọi ưu đãi thiên nhiên không muốn đứng gần chúng tôi. Tuy nhiên, thế cũng là điều hay, vì nhờ đó mà chúng tôi có thể đứng cạnh nhau, cùng nhau bước đi, tình làng nghĩa xóm gắn bó ‘tắt lửa tối đèn có nhau’. Lúc nắng gió, ngày mưa bão chia nhau nải chuối buồng cau ; từng hạt cơm bát gạo. Thật đẹp làm sao những nghĩa cử cao đẹp ấy. Chúng tôi nghèo nhưng tâm hồn rộng mở vô biên.
Thiên nhiên như muốn nhấn chìm chúng tôi, nhưng không thể nào nhấn chìm ý chí sắt đá của những con người nơi quê hương tôi.
Dầu có là ai đi nữa, bạn và tôi cũng có một quê hương, nơi ấy cha mẹ, anh chị, bạn bè và những người thân yêu của ta đang sống hoặc đang yên nghỉ. Chính từ cái gốc ấy mà chúng ta đã được sinh ra lớn lên. Hãy là người biết lắng nghe, biết thổn thức. Biết lắng nghe những nhịp đập từ trái tim quê hương đang từng ngày muốn hòa nhịp với ta; biết thổn thức để trân trọng và làm điều gì đó cho quê hương, cho những người thân yêu của mình. Đừng ra đi mà không muốn quay trở về; đừng lắng nghe mà không đáp lời. Hãy luôn nhớ rằng quê hương vẫn dang rộng vòng tay mỗi khi ta trở về. Trên tất cả, hãy đặt quê hương trong trái tim bạn.
Ta đi ta nhớ núi rừng 
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ 
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô 
Bát cơm rau muống quả cà giòn tan...
 
Yêu lắm quê hương tôi.
 
Bí danh
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log