Bác Minh! Bác Minh có nhà không?
Có tiếng gọi của cô Hợi, cô của Hoàng, từ đầu ngõ đi vào. Vừa lúc bà Minh và Hoàng ăn cơm xong. Bà Minh đang chuẩn bị thu dọn, Hoàng cũng đang phụ giúp mẹ.
Cô Hợi bước vào. Cô vời bà Minh ngồi xuống, vẻ mặt nghiêm trọng lắm:
- Mấy nay bác có thấy người ta nói gì không?
- Nói gì vậy cô? – Bà Minh ngẩn người ra hỏi lại cô Hợi.
Vẻ mặt cô Hợi tự nhiên trầm lại, chĩu lại. Cô nói, giọng nhỏ nhỏ:
- Người ta đang chê thằng Hoàng kia kìa. Cái tội đi tu về mà còn không biết xấu hổ, chường mặt ra mà tập hát với tập hò.
Bà Minh cũng đáp lại cô Hợi với cái giọng trầm trầm:
- Biết thế thì cũng làm gì được chứ cô. Người ta có miệng thì nói, tai liền đấy thì người ta nghe. Với lại cũng là con mình đi về thật thì người ta mới có cớ nói mình.
- Em là em bực cái họ cứ tụm năm tụm ba lại mà xầm xì với nhau – cô Hợi đáp lại bằng cung giọng bực tức – Cha xứ hết hơi hết hồn giải thích rồi mà vẫn cứ ích kỷ, vẫn cứ chê bai này nọ. Mấy nay đi ra đồng hay đi chợ, người nào nhìn thấy em cũng xầm xì. Em chỉ muốn chạy lại nói toẹt hết ra với họ mà thôi.
Bà Minh rầu rầu rót nước ra mời cô Hợi. Bà biết cái tính nóng nảy của cô Hợi, cô nói thế chứ cô sẽ chẳng bao giờ động tay động chân với ai cả. May sao cô cũng rất thương mẹ con bà, nên cô sẽ nghe lời bà dặn mà không cãi nhau với ai vì con trai bà. Giờ mà cãi nhau, làm ầm lên vì cái chuyện trở về của Hoàng có khác gì đang tạo cớ cho người ta nói mẹ con bà nhiều hơn.
Cứ ngỡ là việc tập hát của con sẽ khiến người ta bớt soi xét bà và con bà hơn. Bà biết họ xầm xì to nhỏ về việc con bà đi tu trở về. Lúc nào cũng có bao nhiêu cái nhìn và những lời nói chĩa thẳng vào bà. Bà biết chứ. Bà vẫn câm lặng, chịu đựng. Bà sợ nếu bà phản ứng lại thì họ càng có cớ nói bà và con bà hơn. Trước giờ bà vẫn âm thầm phục vụ các công việc của giáo xứ, giờ bà càng âm thầm hơn nữa. Gần một tháng nay người ta khó mới thấy bà ngoài đường hay nhà thờ. Không biết bao giờ mới là cái đoạn kết cho câu chuyện này được.
Hoàng từ dưới nhà đi lên. Chàng hướng về phía cô Hợi, hỏi:
- Người ta vẫn xì xèo về cháu nhiều lắm đúng không cô?
- Người ta vẫn, và sẽ còn lâu đấy. Cháu càng ở nhà, người ta càng nói tợn. Cô hỏi thật mày nhé! Mày có tính đi làm ăn chỗ nào không, hay cứ ở quê như giờ thôi? Cô thương mày với mẹ mày, nên cô khuyên thật, kiếm chỗ nào rồi đi làm ăn cho nguôi ngoai đi đã. Đợi mọi chuyện dịu dịu đi thì hẵng về. Chứ giờ nhìn thấy mày là người ta nói, nói thỏa thuê, nói không dừng lại được. Mà nói mày một thì cũng nói mẹ mày hai, ba. Cứ như thế này thì bao giờ mới ngẩng mặt lên nhìn đời được.
Hoàng ngồi xuống, từ từ rót nước ra cốc, rồi chầm chậm đưa lên miệng uống. Uống xong, anh từ từ nhìn mẹ rồi nhìn cô. Hai người đang nhìn anh với vẻ mặt ái ngại. Anh từ tốn, nhẹ nhàng nói với cô và mẹ:
- Cháu đã tính là sẽ lên Hà Nội, lên trung tâm của thằng Quân là bạn đại học của cháu, dạy ở đó một thời gian. Sau này có cơ hội thì tính tiếp. Có thể là cháu sẽ mở trung tâm dạy nhạc, dạy đàn riêng, hoặc sẽ chuyển sang công việc khác nếu phù hợp hơn.
- Thế mày tính bao giờ thì đi? – Cô Hợi hỏi.
- Chắc ngay sau Thánh lễ Thêm sức ngày mai cháu sẽ đi. Ban đầu cháu tính thư thư một thời gian đã. Nhưng mọi chuyện đi quá lên như thế này, cháu thấy mình không nên ở lại thêm. Trót hứa sẽ giúp cha xứ cho xong Thánh lễ này nên cháu cố nán lại rồi mới đi sau.
- Ừ! Cô biết mày cũng vì bất đắc dĩ mà đi, nhưng chỉ có cách đấy mới làm người ta bớt soi mói mẹ mày hơn – Cô Hợi quay sang bà Minh, nắm lấy tay bà – Chị cũng cố lên nhé. Em biết chị cả đời khổ rồi, giờ quàng thêm cái gánh này thì biết bao giờ mới ngẩng mặt lên được. Nhưng cứ kệ người đời thôi. Cái chính là mình vẫn sống đạo tốt, Chúa biết cho mình là được rồi. Với lại cũng không phải ai cũng trách hay nói móc gì chị đâu. Nhiều bà cũng thương chị lắm. Bà Năm, bà Quyên, bà Thụ,… kìa. Họ bảo em muốn sang chơi với chị mà cứ thấy chị ru rú trong nhà, họ cũng ngại.
Cô Hợi với tay lấy cốc nước còn dở, uống nốt. Xong, cô quay lại bảo với Hoàng:
- Giờ mày là chỗ dựa cho mẹ đấy. Xuất gì thì xuất, không được làm khổ mẹ hay mất đạo đâu. Trước khi đi nhớ sang chào bà rồi đi đâu thì đi. – Cô quay sang bà Minh – chị nghỉ tý rồi chuẩn bị đi chợ chiều. Em về đây.
Cô Hợi rảo bước ra ngoài ngõ, bỏ lại hai mẹ con bà Minh trong gian nhà mát mẻ nhưng vắng lặng. Hoàng quay sang chầm chậm nhìn mẹ. Bà Minh đang thả mắt ra một khoảng trời xa xăm nào đó. Ánh mắt buồn buồn như chất chứa nhiều tâm tư. Nét buồn buồn ấy không phải từ ngày Hoàng trở về mới hằn lên đôi mắt của bà. Từ ngày bố của Hoàng mất, bà bắt đầu đặt đời mình trong sự tuy tư, tâm tưởng. Cuộc đời bà Minh không phải là một cuộc đời gian khó như biết bao cuộc đời phụ nữ Việt Nam mà người ta dễ đọc được chỗ này, chỗ kia. Bà lấy chồng sớm. Hai ông bà có đôi chút lận đận đường con cái cho đến khi sinh được Hoàng. Tuy chỉ có một đứa con nhưng bù lại con của bà ngoan ngoãn, học giỏi và đạo đức. Mẹ chồng tuy thuộc thế hệ cũ nhưng cũng thương bà như con gái. Nhìn vào cuộc đời của bà, dễ khiến người ta nói bà có một cuộc đời sung sướng, đặc biệt là về tinh thần. Bà hăng say tham gia mọi đoàn hội của giáo xứ: Hội hiền mẫu, Hội Caritas,… Nhìn bà và gia đình, ai cũng thầm thán phục và quý mến. Sự quý mến ấy càng tăng lên khi Hoàng – đứa con trai duy nhất của bà – hoạt động nhiều ở giáo xứ và tỏ rõ ý muốn dâng mình cho Chúa. Nhưng sau khi chồng bà đột ngột qua đời, bà đã đặt mình trong một cuộc sống suy tư hơn. Đôi mắt của bà cùng với tuổi tác và những suy tư đã mang một màu trầm hơn, chậm hơn. Đến lúc con bà từ chủng viện trở về, đôi mắt ấy càng trầm hơn và buồn hơn nữa.
Bà Minh quay sang con trai, nói:
- Con định đi ngay sau lễ ngày mai luôn à?
Hoàng trả lời mẹ:
- Vâng ạ! Nếu cha không nhờ giúp lễ lần này, con đã đi sớm hơn rồi. Ở nhà càng tạo cớ cho người ta nói về mẹ. Con không muốn thế chút nào.
Bà lại quay về phía khoảng không xa xăm:
- Mẹ không muốn con phải đi chút nào. Nhưng lúc này đúng là con nên lánh mặt đi một thời gian, cho người ta nguôi nguôi đi. Mà – bà lại quay sang phía Hoàng – con không định lên chỗ cha Hảo à?
- Con sẽ lên chỗ cha trước rồi mới về lại Hà Nội. Tối qua con cũng gọi điện cho cha rồi. Sáng mai lễ xong, chiều con bắt xe lên chỗ cha luôn. Con cũng định nói với mẹ. Mà lần này con sẽ đi lâu mới về. Mẹ ở nhà có…ổn không?
- Không sao con ạ. Đời mẹ đến giờ này còn sợ gì những lời đàm tiếu. Cô Hợi nói đúng đấy. Người ta nói rồi người ta nghe. Mình cứ theo người ta thì biết đường nào mà xoay. Mẹ lo cho con sẽ giống nhiều người khác, tu về là mất đức tin hoặc thờ ơ đi. – giọng bà chầm chầm lại – Giờ mẹ chỉ mong con giữ Đạo cho tốt. Làm gì thì làm, đừng mất đức tin. Gia đình mình trước giờ vẫn có tiếng là đạo đức. Đừng làm mất đi truyền thống của ông, của bố con.
- Con hiểu ạ.
Cả ngày hôm đó, Hoàng ở nhà chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi xa của mình. Chính anh cũng đang mông lung với con đường phía trước của mình. Hôm nay cũng đâu có khác gì những ngày tháng anh chuẩn bị nhập trường chủng viện. nhưng tâm trạng và suy nghĩ lại khác nhau. Ngày ấy anh cứ đi, không phải lo lắng hay mông lung về con đường tiếp theo. Tám năm học hỏi tại Chủng viện, rồi đi giúp xứ, rồi…cứ thế tiếp tiến lên. Còn bây giờ, anh phải đi theo con đường mà cuộc đời đưa đẩy. Làm nghề gì để kiếm sống? Làm nghề gì để có thể nuôi mẹ? Một trong những lý do khiến anh trở về cũng là mẹ. Anh sợ mẹ còn phải cô độc một mình. Rồi tuổi già ai sẽ phụng dưỡng. Trong chủng viện chắc chỉ rất ít người, thậm chí chẳng có ai là con một như anh. Nhưng anh sẽ không bao giờ nói ra với mẹ điều đó. Lý do ấy anh chỉ giữ cho một mình mình.
Hoàng nhấc điện thoại lên, gọi cho Quân:
- Alo! Mai lễ xong, tớ lên chỗ cha cố mấy ngày rồi mới lộn lại Hà Nội. Có gì tớ báo cho cậu trước lúc tớ về Hà Nội nhé! Còn chân cho mình không đấy?
- Lúc nào cũng vinh hạnh đón chào thầy Hoàng về với trung tâm ấy chứ. Sớm sớm về với anh em nhé. Mấy thằng cũng đang hóng đây.
- Tớ cũng cố cho xong việc rồi về sớm. À đấy. Còn qua thăm ông bác bên Yên Bái mấy ngày nữa. Khi nào tớ xong thì tớ gọi nhé.
- Ok. Ok ông thầy.
Cất điện thoại xuống, Hoàng thấy lòng mình mênh mang. Ra trường cùng đám bạn nhưng anh lại ra đời chậm hơn họ mấy năm. Giờ phải trông cậy vào bạn bè. Trước mắt cũng là đi làm để tự nuôi được bản thân, rồi điều gì đến tiếp theo sẽ liệu liệu rồi tính toán. Mấy năm học chủng viện nên số vốn liếng gần như bằng không. Anh phải lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, hay có thể gọi là “âm” cũng được. Cũng đành chấp nhận và đi theo nó.
Hoàng chuẩn bị đồ xong thì thời gian vẫn còn sớm. Anh đi sang thăm bà nội, cũng là chào bà để mai lên đường.
Sắp cuối thu rồi nên thời tiết cũng dịu đi hẳn. Không còn những cái nắng chói chang như mọi khi nữa. Một bầu trời nắng dìu dịu phủ xuống khắp con đường làng. Giờ này người trong làng ai cũng ra đồng cả. Đám thanh niên thì đi làm công ty hết. Đâm ra chỉ mình Hoàng đang lang thang trên con đường vắng vẻ ấy. Cũng tiện. Không gặp ai thì cũng không phải chào hỏi ai. Đỡ được những cái nhìn có thể là không thiện cảm của họ. Đúng là lòng người. Thật khó để suy chuyển lòng họ dù Hoàng đã ở đây, đã về và sống giữa họ bấy lâu. Nếu không có mẹ, không có Hòa, không có cha xứ hay những người như ông quản Lợi thì chắc anh chẳng đợi đến giờ này mới đi khỏi quê hương. Anh biết mình cần phải đối diện với họ, cần phải làm họ chấp nhận mình, nhưng đến bao giờ mới thành được. Mông lung. Chấp chới. Chơi vơi. Và điều này nữa, điều mà Hoàng sợ nhất: Cô độc.
Tiếng võng của bà đang kẽo kẹt. Cả nhà không có ai cả. Chỉ có bà và tiếng võng đều đều. Bà đang rẩm rẩm đọc kinh. À đúng rồi. Bây giờ đang là ba giờ chiều. Bà đang lần chuỗi hạt Lòng Thương xót Chúa. Hoàng quên mất. Chàng lùi ra ngoài sân, đợi bà đọc kinh xong. Trước cửa nhà bà là khoảng sân khá rộng. Đây là điểm chung của mọi ngôi nhà nơi quê của Hoàng. Nhà nào cũng có một khoảng sân rộng để phơi thóc, phơi lúa mỗi mùa gặt về. Bề mặt sân đều láng bê tông trơn loáng. Mỗi khi có cơn mưa đi qua, mặt sân sẽ trơn láng, ai không quen có thể ngã oẹt ra bất cứ lúc nào. Ai lúc đi trên những mặt sân như thế cũng rón rén đặt chân thật nhẹ. Tiếp nữa là một khu vườn nhỏ, đủ để trồng ít rau, ít lá mùi, vài luống hành hay luống tỏi. Bên cạnh đó là một con ngõ nhỏ dẫn từ ngoài đường vào đến nhà. Nhà nào còn đất thì thêm một mảnh vườn nhỏ nhỏ sau nhà trồng ít cây ăn trái, cây xanh mát như mảnh vườn mà bố Hoàng để lại. Bên cạnh mảnh vườn đó là chái bếp rạ, cứ chiều chiều là bao nhiêu cột khói tỏa ra. Trong lúc đợi bà đọc kinh xong, Hoàng thơ thẩn ra ngắm sân và vườn của bà. Bà đã yếu từ lâu, thỉnh thoảng mới ra đến khu vườn này. Còn lại đều do một tay cô Hợi chăm sóc. Cô Hợi vốn từng tìm hiểu một dòng tu trên giáo phận. Nhưng vì nhiều lý do mà cô xin trở về. Tuy đã về rồi nhưng khối óc và đôi bàn tay tỉ mỉ của cô vẫn giúp cho mảnh vườn ngăn nắp, xanh mướt và đầy đặn rau của cả mùa lạnh hay mùa nóng. Giống như mảnh vườn trước nhà Hoàng, do một tay mẹ anh chăm sóc nên cũng đầy đủ rau lá quanh năm.
Có tiếng ho của bà trong nhà. Bà vừa đọc kinh xong, gọi Hoàng:
- Hoàng đến hả cháu? Vào đây!
Hoàng vào nhà, lại ngồi bên võng của bà. Bà nhẹ nhàng cất chuỗi hạt vào túi áo, rồi kéo Hoàng lại gần. Hoàng thủ thỉ với bà:
- Cháu sang chào bà. Mai lễ xong, cháu bắt xe đi lên chỗ cha Hảo thăm cha mấy ngày. Rồi cháu sẽ qua Yên Bái thăm bác Định nữa. Xong xuôi rồi cháu sẽ về Hà Nội để tìm việc làm ạ.
- Quyết định đi làm luôn rồi hả?
Hoàng ngập ngừng:
- Vâng ạ. Chứ cứ ở nhà thế này, mẹ cháu lại khó xử với mọi người xung quanh. Từ lúc cháu về đến giờ, mẹ lúc nào cũng thui thủi ở nhà. Mấy hôm nay còn nghe thấy người ta nói về cháu nhiều nữa. Cháu đi một thời gian cho mọi chuyện êm xuôi hơn, rồi cháu về quê sau ạ?
Bà nội, tay vẫn nắm lấy tay Hoàng, mắt không hướng về Hoàng mà nói:
- Cháu định đi đến bao giờ?
- Cháu…cháu cũng chưa biết nữa. Nhưng ít ra hiện tại cháu đi khỏi quê sẽ tốt cho mẹ cháu hơn. Cứ ở nhà thế này càng khiến mẹ khó xử, cháu càng thấy mình có lỗi hơn bà ạ. Trưa nay cô Hợi sang cũng bảo cháu nên tạm lánh đi đã.
Bà trầm ngâm thêm một lát, rồi hướng đôi mắt đã mờ sang phía Hoàng:
- Lúc này cháu đi đâu khác gì là cháu trốn tránh đâu. Trốn tránh cũng là một cách, nhưng không phải là cách tốt nhất để đối diện với thực tại. Mai này đi làm rồi, càng phải thận trọng hơn. Nhớ chưa? Rồi sớm muộn gì cũng phải ổn định sự nghiệp, tính tới chuyện vợ con cho mẹ cháu an lòng. Nhà có mỗi đứa con, chắc mẹ cháu cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện đó rồi. Đấy! Từ hôm cháu về đến giờ, chưa thấy mẹ cháu sang đây thăm hỏi gì bà. Chả lẽ vẫn ngại với cả bà sao?
- Chắc là vậy bà ạ. Bà biết tính mẹ cháu mà. Cả nể và cả nghĩ. Lúc nào cũng lo người ta nghĩ gì về mình, rồi mình lại nghĩ nhiều hơn cả người ta. Mà chuyện của cháu...
Hai bà cháu cùng im lặng. Tiếng võng lại kẽo kẹt, kẽo kẹt giữa khoảng không im lặng đó. Một lúc lâu sau, bà mới lên tiếng:
- Thế đã tính đến đám nào chưa? Dù gì cũng gần hai mươi lăm tuổi rồi. Giờ không đi tu nữa cũng phải yên bề gia thất dần đi chứ.
Mặt Hoàng tự nhiên đỏ ửng lên. Chàng chưa sẵn sàng nói đến vấn đề này. Tự nhiên bà nhắc đến làm anh cũng chột dạ. Anh giấu nhẹm giọng mình trong cổ họng, trả lời bà:
- Cháu chưa bà ạ. Mới đi về như thế này mà vấp phải ai, lại khổ ra. Với lại cháu cũng định phải để công việc ổn định, rồi mới nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Bà với với lấy tay Hoàng, giọng tươi tươi hơn:
- Này! Bà thấy cái Hòa được đó. Hai anh em cũng quấn nhau, quý mến nhau. Mà gia đình mình với gia đình nó cũng thân thiết. Hay là…hay là cháu thử xem sao.
- Ôi bà ơi! – Hoàng ngại ngùng thốt khẽ lên – Hòa nó đang đi học mà. Hai anh em cháu như hai anh em ruột ấy, sao có chuyện đó được.
- Có cái gì mà phải ngại. Ngày trước còn là người đi tu thì không nghĩ ngợi gì. Mà có nghĩ ngợi gì thì bà cũng cấm. Nhưng giờ cháu về rồi, cũng tính dần đi chứ. Con bé xinh xắn, giỏi giang như thế mà không sớm nghĩ đi, người ta nghĩ giùm cho thì lại ngồi mà tiếc. Được cái con bé cũng quý cháu. Ngày trước mẹ cháu cứ ước có đứa con gái như nó đấy. Cháu với nó mà đến được với nhau thì bà ủng hộ luôn.
Hoàng quay lại bà, giọng pha cả sự âu yếm và thẹn thùng:
- Hôm trước mẹ cháu bảo phải cẩn thận không họ lại dị nghị cả hai đứa kìa. Thôi chuyện đó tính sau bà ạ. Giờ bà cứ mong cho cháu trai của bà tìm được công việc hẳn hoi, kiếm được tiền để đỡ đần mẹ. Mà cháu sẽ qua chỗ bác Định chơi ít hôm. Bà có dặn gì bác ấy không ạ?
- Ừ. Qua đó chơi vài hôm cho khuây khỏa đầu óc đã. Bà biết từ hôm về đến giờ, cháu chưa được nghỉ ngơi. Nhớ lời bà dặn nhé. Làm gì, đi đâu thì đi, nhưng không được bỏ đạo mà cha ông để lại cho. Lên chỗ bác Định thì cho bà gửi lời hỏi thăm bác ấy, thế là được rồi.
Hai bà cháu còn nói chuyện thêm một hồi, cho đến khi trời ngả dần sang màu của buổi tối đang chập chùng rơi xuống.
Quang Hải