Câu chuyện truyền giáo – Dấu chỉ
Cập nhật lúc 10:00 21/11/2023
Trong văn hóa của một đất nước nào cũng có những biểu tượng. Trong tôn giáo nào cũng có những dấu chỉ. Đạo Công Giáo cũng không phải ngoại lệ. Dẫu vậy, không phải ai cũng hiểu được các biểu tượng đó. Vì thế, có một bạn trẻ muốn tìm hiểu và hỏi cha xứ rằng:
- Thưa cha, dấu chỉ trong nhà Đạo mình nghĩa là gì?
- Đó là những dấu chỉ ý nghĩa sâu xa bên trong mà Giáo Hội muốn nhắm tới.
- Chẳng hạn như thế nào?
- Chẳng hạn dấu của kẻ có Đạo là dấu Thánh giá. Mỗi khi mình làm việc gì mình làm dấu nên người khác nhìn vào biết ngay mình là người Công Giáo.
- Còn gì nữa không cha?
- Nhiều lắm. Chẳng hạn như nước biểu trưng cho sự sống. Hình chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.
- Con thấy số 7 cũng là dấu chỉ phải không?
- Không. Số 7 không phải là dấu chỉ mà là sự tròn đầy, là sự hoàn hảo như 7 ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu thiết lập 7 bí tích nữa.
- Con phải năng hỏi cha chứ nhiều khi ra bên ngoài họ chất vấn chẳng biết trả lời thế nào cả.
- Thánh Phêrô nói: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3,15).
- Dạ cha!
- Còn nữa, khi thánh Phêrô hỏi Chúa về sự tha thứ: “Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ?” (Mt 18,21).
- Dạ cha.
- Đó là cơ hội để truyền giáo đấy!
Thánh Phanxicô thành Assisi nói: “Hãy rao giảng mọi lúc. Sử dụng lời nói của chúng ta khi cần”. Thư Do Thái viết: “Đức tin là cốt tủy của những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt11,1).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành