WGPHH: Vào những ngày này ở miền đất Bắc, các cánh đồng lúa đang rộ chín vàng. Bà con nông dân nhiều nơi đang thâu lượm những bông lúa đầu tiên về nhà. Thế là một mùi thân quen lại trở về: mùi lúa, mùi rơm thơm ngát. Sau nhiều năm sống trong đèn sách nơi phố thị, tưởng như tội đã quên đi những kỷ niệm thân quen của những bờ ruộng con trâu. Nhưng hôm nay được thả hồn với mùi hương quê thì những kỷ niệm xưa lại trào dâng trong lòng.
Nhớ những ngày hè oi ả của mùa lúa chín năm xưa, đã có lần tôi cùng với lũ bạn đi bắt những con châu chấu, muôm muỗng sau buổi gặt lúa. Dẫu có mệt mỏi nhưng niềm vui của chiến lợi phẩm bắt được đã làm vơi đi tất cả. Rồi trong bữa cơm tối có mùi thơm của thành quả lao động cả ngày trào lên một hạnh phúc khó tả.
Buổi tối, bạn bè lối xóm thường rủ nhau ra đồng hóng mát ngắm trăng và thi nhau kể truyện hoặc chơi trò chơi dân gian, mặc dù chẳng có phần thưởng gì, nhưng những niềm vui và những tiếng cười, tiếng vỗ tay tán thưởng nhau lại là hạnh phúc lớn. Cũng đôi khi một chú hàng xóm mang chiếc ghi ta ra ngoài bờ cái lớn, thì đêm đó bọn chúng tôi được một tối thoả chí tang bồng. Ngồi nghêu ngao với nhau những khúc hát tình quê trong niềm vui cháy bỏng cùng tiếng ghi ta vang rộn.
Những kỷ niệm, những ngày tháng của ngày xưa dù đã xa nhưng cảm thấy vẫn rất gần, không thể nào quên. Mặc dù hơi lâu, đã quen với máy tính và các máy móc công nghệ tân tiến, dù đã lâu không còn phải chân lấm tay bùn với thửa ruộng, cái cuốc, con trâu,... Nhưng những hạnh phúc đơn sơ chân chất của ngày xưa ấy bây giờ trở thành của hiếm. Ở cái tuổi trên bốn mươi, chân tay đã mất nhiều cảm giác với cảnh đồng ruộng, nhưng cũng muốn có những ngày mình sẽ gắn bó với những mảnh vườn nhỏ, hay một lần lội mương, lội ao, để bắt cua, bắt cá.
Mới ngày nao tôi về với vùng đất Yên Bái, thế mà đã gần bảy năm gắn bó. Biết bao kỷ niệm vui buồn với vùng đất này, những ngày trăn trở khó khăn, những công tác mục vụ, những xây xây cất cất, rồi di chuyển nơi này nơi kia theo nhu cầu công việc. Hôm nay, cầm chiếc máy ảnh trên tay lân la xuống bờ ruộng nơi bà con đang vung những lưỡi liềm thu hoạch lúa. Cảm xúc ngày xưa lại trở về và những bức ảnh chân quê đã được ghi lại. Cái cảm giác cầm chiếc liềm cắt lúa thật thiêng liêng, và những bông lúa được thu gọn bằng những nhát cắt, rồi sau đó được bó lại đưa về nhà. Những bông lúa này chỉ mai đây thôi sẽ thành những bát cơm thơm mùa lúa mới.
Một câu thơ của Chế Lan Viên lại được nhớ đến và không thể không âm thầm ngâm nga trong lòng :
“ Khi ta ở, đất chỉ là nơi ở.
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn.”
Quê hương tôi, hồi nhỏ chưa một lần được ăn khế ngọt, toàn là khế chua, chua đến chảy cả nước mắt nước mũi. Vì vậy, hồi nhỏ trong đầu tôi luôn có một thắc mắc, tại sao người ta lại gọi “Quê hương là chùm khế ngọt”. Và giờ đây, khi mà đã nhiều năm xa quê, tôi cũng đã tìm được câu trả lời. Đúng là trên đời có khế ngọt, nhưng vị ngọt của quê hương không phải là vị ngọt của khế, mà là vị ngọt ngào thắm tình thân, ở nơi đó người ta thấy những giây phút thanh thản và bình an của cuộc sống, những hạnh phúc đơn sơ gần gụi, cái mà người ta không thể tìm thấy nơi công nghệ máy móc và xô bồ của cuộc sống.
Lm. Pie Giang OP