Thứ tư, 22/01/2025

Giáo xứ Phú Nghĩa Ba Vì

Cập nhật lúc 22:07 12/05/2015
Giáo phận Hưng Hóa có hai giáo xứ mang tên Phú Nghĩa, một ở huyện Thạch Thất và một ở huyện Ba Vì.
 
Bài viết này giới thiệu giáo xứ Phú Nghĩa Ba Vì, dựa theo những gì cha Giuse Nguyễn Văn Đỉnh và cha Giuse Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
  Nhà thờ Phú Nghĩa Ba Vì (mặt tiền)
Nhà thờ Phú Nghĩa Ba Vì (mặt hông)
 
Vùng đất Ba Vì được gieo mầm hạt giống Tin Mừng từ trên 100 năm nay, do cố chính Hương (Gustave Hue). Vào thời cực thịnh trước năm 1945 có tới 63 họ giáo, chia thành 9 phiên : Kiều Mộc, Phú Nghĩa, Hậu Trạch, Phú Nhiêu, Đồng Bảng, Vân Xa, Yên Khoái, Tòng Thái và Tam Phú. Các cha thừa sai Pháp và Việt đã đổ nhiều công sức, nhưng đây giống như một thửa đất sỏi đá, hạt giống mọc lên nhưng không đâm rễ sâu, bị những thách đố thời cuộc, chính trị vùi dập, để đến nay, hầu hết các họ giáo đã bị xóa sổ, hoặc đang trên đà hối tử, chỉ còn một vài nhân danh.
Năm 2007, nhằm tái truyền giáo vùng đất này, đức cha Antôn Vũ Huy Chương đã chia xứ Phú Nghĩa thành hai, và bổ nhiệm linh mục đến phục vụ. Hiện nay, cha Giuse Nguyễn văn Thịnh phụ trách Phú Nghĩa, cha Giuse Phan văn Luật phụ trách Yên Khoái.  
Ngày 9 và 10 tháng 5 năm 2015, trong tháng Hoa dâng kính Mẹ, đức cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long đã đến thăm mục vụ giáo xứ Phú Nghĩa. Trước đó, đức cha đã có dịp thăm và dâng lễ tại giáo họ Kiều Mộc.
Trước hết, đức cha ghé thăm giáo họ Vân Xa, thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì. Họ giáo có một nhà nguyện nhỏ bé độ 15m2 dâng kính thánh Matthêu. Trước 1945, có gần 200 giáo dân, nhưng hiện nay chỉ còn 12 người. Mặc dù vậy, cha Thịnh vẫn đến dâng lễ với bà con vào thứ sáu hàng tuần. Giáo họ hiện còn giữ được một thửa đất rộng 7 sào (2.500 m2).
Cổng nhà nguyện Vân Xa có hai pho tượng thiên thần đã trên trăm năm
 Nhà nguyện được tân trang thời cha Giuse Đặng Đức Súy (2014)
Cha Thịnh và vài giáo dân họ Vân Xa
 
Tiếp đó, đức cha thăm giáo họ La Thiện, cũng thuộc xã Tản Hồng, đây thật đúng như lời ca vãn mùa Vọng : “Thành đô Chúa nay hoang tàn vắng lặng” ! Trước đây, giáo họ có mảnh đất rộng 4 sào, có nhà thờ, nhưng sau nhà thờ bị đập phá, tượng và cột gỗ bị ném xuống sông, đất chia một phần cho dân, một phần làm nhà trẻ, nhưng rồi không sử dụng, bỏ hoang tàn đến ngày nay. Phía cuối mảnh đất hiện còn một ngôi nhà nguyện nhỏ bé, cửa khép hờ, trong có tượng Chuộc Tội, tượng Đức Mẹ, tượng thánh Matthia bổn mạng họ, một nhà tạm bằng gỗ, một chai nước có lẽ là nước phép, bụi bám đầy ! Ở đây hiện không còn một người nào giữ đạo. Cha Thịnh cho biết chính quyền sẵn sàng giao lại mảnh đất cho Giáo hội, nếu có một người có đạo đứng ra xin ! Viếng nhà nguyện mà lòng chúng tôi tê tái buồn.
Khu đất trước là nhà nguyện La Thiện, sau làm nhà trẻ, nhưng bây giờ bỏ hoang !
   Nhà nguyện La Thiện cũng hoang vắng, không người cầu nguyện !
  Nhà nguyện La Thiện
 
Rời xã Tản Hồng, cha Thịnh chở chúng tôi tạt ngang giáo họ Đông Lâu, thuộc xã Phú Đông, cách nhà thờ Phú Nghĩa 2 cây số. Họ giáo này không có nhà nguyện, giáo dân 25 người, đi lễ tại nhà thờ Phú Nghĩa.
Vượt 20 cây số dọc theo sông Đà, chúng tôi tới thăm giáo họ Bình Yên. Đây là họ vạn chài, nằm sát bờ sông, giáo dân sống bằng nghề cá và nghề nông. Họ giáo hiện có 150 người, chia làm hai nhóm : Thuần Mỹ (70 người) và Sơn Đà (80 người), cách xa nhau 3 cây số. Ở cả hai nơi đều chưa có nhà nguyện, hàng tuần cha Thịnh vẫn đến dâng lễ vào chiều Chúa Nhật tại nhà tư. Chúng tôi nghĩ cần sớm xây dựng nhà nguyện cho giáo dân tiện sinh hoạt.        
 
  Giáo dân Thuần Mỹ, giáo họ Bình Yên
  Giáo dân Sơn Đà, giáo họ Bình Yên
 
Trời đã chiều, chúng tôi trở về nhà xứ để sau đó đến họ Trung Hà, nơi giáo dân đang tập trung và nao nức chờ 7 giờ tối để đi kiệu, dâng hoa tôn vinh Đức Mẹ và dự lễ.

 
Một góc sông Đà, đoạn chảy qua giáo họ Trung Hà
 
Nhà thờ Trung Hà
 
Thật đáng khích lệ những việc đạo đức bình dân, vì đến bây giờ, giáo dân Việt Nam vẫn còn gắn bó và yêu thích dâng hoa, dâng kinh, rước kiệu, ngắm nguyện… Tối nay cha Thịnh cho dâng hoa toàn xứ, có ba đội hoa thuộc ba họ chủ lực : Phú Nghĩa, Trung Hà và Kiều Mộc. Nhà thờ Trung Hà tối nay chật ních giáo dân các họ kéo về, họ Bình Yên còn chung tiền thuê xe đến dự. Kiệu Đức Mẹ được rước quanh nhà thờ, đầu và đuôi giáp nhau. Các em thiếu nhi xinh xắn dễ thương, - đúng là con Chúa, con Mẹ -  ăn mặc rất đẹp, lần lượt múa hoa năm sắc, múa nến, múa quạt để tỏ lòng yêu mến Mẹ. Mọi người say sưa chiêm ngắm, chắc hẳn các phụ huynh vui nhất khi thấy con mình trong đội dâng hoa.
Kiệu Đức Mẹ  tại Trung Hà
  Rước kiệu Đức Mẹ tháng Hoa tại Trung Hà
 
Thánh lễ kết thúc sau 21 giờ, mọi người vui vẻ nhận vòng chuỗi mân côi đức cha phụ tá tặng với lời dặn dò siêng năng lần hạt để xin Mẹ cầu bầu cho giáo xứ và giáo họ nhà.
Sáng Chúa Nhật 10.5.2015, tại nhà thờ Phú Nghĩa, trước thánh lễ, các thiếu nữ họ Kiều Mộc lại dâng hoa kính Đức Mẹ lần nữa cho thỏa lòng. Gần xong bài dâng hoa thì cơn mưa rào ập đến, phải kết thúc sớm hơn. Phải chăng Mẹ mưa hồng ân để cưng chiều con Mẹ, vì nhờ cơn mưa này mà trời dịu mát, xua đi cái nóng hầm hập từ gần một tuần qua, để con cái Mẹ tham dự thánh lễ sốt sắng hơn trong ngôi nhà thờ Phú Nghĩa nhỏ bé nhưng xinh đẹp. Một điều ghi nhận là số các thiếu nhi tham dự thánh lễ đông hơn so với nhiều giáo xứ khác và cũng ngoan hơn.
Giáo họ Kiều Mộc dâng hoa kính Đức Mẹ tại nhà thờ Phú Nghĩa sáng 10.5.2015
 
Giáo họ Kiều Mộc dâng hoa kính Đức Mẹ tại nhà thờ Phú Nghĩa sáng 10.5.2015
 Nhà thờ họ Kiều Mộc


Đức cha thăm hai lớp giáo lý thiếu nhi tại giáo xứ Phú Nghĩa Ba Vì
 
Cha Thịnh cho biết hiện tình số giáo dân Phú Nghĩa như sau :
-         Họ Kiều Mộc   :    580 người
-         Họ Phú Nghĩa  :    230 người
-         Họ Trung Hà    :    265 người
-         Họ Bình Yên    :    152 người
-         Họ Đông Lâu    :     30 người
-         Họ Thuận An    :     20 người
-         Họ Tân Phong   :     17 người
-         Họ Vân Xa        :     12 người
-         Họ Phú Cường  :       8 người
-         Họ Mai Trai      :       2 người
-         Họ Hạc Sơn      :       2 người
-         Họ Phú Châu    :       2 người
-         Họ Phú Nhiêu   :       2 người
-         Họ La Thiện     :       0 người        (Tổng cộng : 1.325 người, cập nhật năm 2015)
 
Trên đường về, đi ngang qua những cánh đồng trù phú đang rập rờn lúa sắp chín, lòng tôi thầm nguyện cầu cho ở giáo xứ Phú Nghĩa, số người nhận biết và sống trong ân nghĩa Chúa được gia tăng, đừng lụn bại đi. Công cuộc tân phúc âm hóa ở đây thật khẩn thiết. Dù hiện tại có vẻ bi đát, chúng ta vẫn lạc quan tin vào Lời Chúa : “Như mưa sương từ trời rơi xuống không trở lên trời nữa, nhưng thấm sâu xuống lòng đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối nẩy mầm, cho người gieo có hạt giống, cho con người có cơm bánh ăn, Cũng thế, Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”  (Ys. 55:10-11).
Lời đức thánh cha Phanxicô vang vọng trong tâm tư tôi : “Tôi muốn một Hội Thánh đứng dậy, ra đi, đến tận vùng ngoại vi, loan tin mừng phục sinh”. Phải đáp lời ngài ! Phải giúp Phú Nghĩa hồi sinh !
  
 Cánh đồng lúa xanh nói lên giáo xứ Phú Nghĩa Ba Vì đang đầy tràn sức sống
BTT giáo phận Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log