Nhà thờ Phát Diệm không chỉ đơn thuần là kiến trúc!
Cập nhật lúc 09:32 08/01/2015
Toạ lạc trên một khu đất rộng hơn 20 ha, khu thánh đường Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình) với công trình nhà thờ đá là sự kết hợp hài hoà, đặc sắc giữa nghệ thuật kiến trúc phương Đông và phương Tây. Nó mang một phong cách kiến trúc độc đáo, như một kỳ tích của thế hệ cha ông để lại cho đời sau, như sự hiện thân của chúa che chở cho linh hồn các con chiên.
Trải qua hơn 100 năm lịch sử, nhà thờ đá Phát Diệm vẫn đang đứng vững với thời gian. Có thể nói, các thế hệ xưa đã có ý tưởng vô cùng độc đáo khi thiết kế xây dựng một nhà thờ toàn bằng đá mà không cần đến lõi bê tông cốt thép. Cụ Sáu là người đã thiết kế, sáng tạo ra nhà thờ với những chi tiết vô cùng mới lạ. Cũng có thể do cụ không phải là người theo đạo Thiên chúa mà theo đạo Phật nên trong bản thiết kế của mình, cụ đã có sự kết hợp rất tài tình giữa kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc mái uốn cong như mái đình trong đạo phật. Đây là điểm khác lạ mà các nhà thờ nơi khác không có được.
Nhà thờ được làm bằng chất liệu chủ yếu là đá và gỗ. Trên từng phiến đá, phiến gỗ như nở hoa khoe sắc với các đường nét khắc trạm tinh xảo. Đáng chú ý nhất là nghệ thuật điêu khắc đá vô cùng mềm mại, uyển chuyển, có những mảnh đá chỉ dày 3,5cm. Cả khu kiến trúc gồm có 9 vì kèo với 9 giai thợ khác nhau, do vậy mỗi vỉ kèo mang một nét văn hoá riêng biệt, thể hiện khiếu thẩm mỹ phong phú của những người thợ thủ công lành nghề.
Có thể thấy, mặc dù thời bấy giờ khoa học kỹ thuật chưa được phát triển, tuy nhiên để mang lại độ bền cho công trình, cha ông ta đã biết ngâm thân cây dưới bùn để chống mối mọt, thay cột bêtông lõi thép bằng các thân gỗ lim, táu với độ bền hàng thế kỷ. Đồng thời, đã biết xây dựng các hang đá nhân tạo để thử độ lún của công trình. Với các chất liệu tự nhiên, đặc biệt là việc sử dụng tối đa chất liệu đá với nền nhà bằng đá, hai đầu cấu trúc bằng đá để giữ 9 vì kèo bằng gỗ vững chắc, vừa để chống lún tốt, vừa tạo cho không gian 3 chiều.
Cân đối, không bị chuyển dịch. Từ các chất như vôi, giấy bản, mật, tất cả đã tạo thành một chất kết dính vô cùng bền chắc, các khối đá được gắn đến nay vẫn còn khít nguyên mà không hề có dấu hiệu của sự xuống cấp.
Công đoạn vận chuyển và lắp ghép công trình có thể coi là một kỳ tích, quả chuông nặng tới 2 tấn được kéo lên với độ cao 25m, các vì kèo có sức nặng tổng thể lên đến 25 tấn, vậy mà tất cả vẫn được kéo lên không hề có sự hỗ trợ của máy móc hay các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tất cả những điều này có được là nhờ việc biết tập hợp sức mạnh của người dân, bởi sức mạnh ấy luôn có một đức tin, đức tin vào chúa.
Được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19, với thời gian, các phiến đá vẫn vững chắc nhưng các cột gỗ đã bắt đầu xuống cấp và phải thay thế nhiều. Dịp kỷ niệm 110 năm vừa qua, nhà thờ đã tiến hành đại tu với lượng gỗ nhập từ bên Lào về để thay thế cho 4 cột và 2 xà cân. Một vài phần trên mái đã được thay bằng chất liệu xi măng bởi khó có thể làm được chất keo dính như cha ông xưa. Tuy nhiên, đó chỉ là những thứ da vị còn phần chính yếu vẫn được giữ nguyên. Tất cả mọi thiết kế làm mới đều phải tuân thủ chặt chẽ theo bản cũ một cách tối đa. Việc làm mới đôi khi còn khó hơn trùng tu vì phải phụ thuộc vào nguyên bản. Việc trùng tu, làm mới lại một vài chi tiết sẽ giúp cho nhà thờ bền vững hơn, tồn tại lâu hơn; tuy nhiên về độ tinh xảo và cái hồn trong mỗi đường nét gần như không còn.
Nhà thờ Phát Diệm, nơi tiêu biểu cho một cơ sở tôn giáo linh thiêng chứ không chỉ là một khu kiến trúc cổ đặc sắc đơn thuần. Người về nơi đây không chỉ hưởng làn gió mát, chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc mà còn hưởng bầu không khí của sự an bình, của sự bảo vệ. Họ đến đây để gặp gỡ chúa, để gặp gỡ chủ nhà, lắng nghe lời dặn dò của chủ nhà. Để từ đó khi ra về trong tâm hồn như có được một niềm tin, như có được một sự bảo đảm để tiếp tục sống tốt, sống đẹp, để hoàn thành sứ mệnh cao cả, hoàn thành nhiệm vụ mà chúa đã ban tặng cho loài người.
Linh mục Nguyễn Hồng Phúc - Chánh sứ chính toà Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình
Trần Anh (ghi chép) - Ảnh trong bài: Tất Sơn
(Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam 06/2008)