Thứ sáu, 15/11/2024

Giáo xứ Phượng Vĩ bế giảng khóa học Hát Xoan Phú Thọ

Cập nhật lúc 23:36 08/07/2015
Từ ngày 8/6/2015 đến ngày 14/6/2015, tại giáo xứ Phượng Vĩ, xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, 120 học viên, tuổi từ 08-78, trong đó có cả cha quản xứ, quý thầy, quý dì, quý thầy cô đóng trên địa bàn xã, các hội đoàn, các bạn trẻ đã tham gia khóa Hát Xoan Phú Thọ, do nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lịch (67 tuổi) và nghệ nhân kế cận Nguyễn Thị Biên (53 tuổi) quê Phường An Thái, Phượng Lâu, Việt Trì hướng dẫn.
Tại sao giáo xứ lại mở khóa Hát Xoan Phú Thọ? Theo thư chung HĐGMVN năm 1980, số 7: “Dân mới có sứ mạng đem ơn cứu chuộc đến từng dân tộc và từng người qua mọi thời đại, như lời Công đồng Vatican II: “Dân mới được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được Người sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và như muối đất” (Mt 5,13-16; GH 9,2).
“… Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối với sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại không có sinh hoạt nào của Hội Thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người. “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong lễ nghi và văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (GH 17,1) (số 11). “Mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người. Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, vì “dù tin hay không tin, con người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này” (MV 21,6).
Đối với Hát Xoan (hát Xuân), của Phú Thọ, là loại hình  dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật hát có nhạc, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ  Hùng Vương – Phú Thọ. Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Bali – Indonesia, vào lúc 11g05’ ngày 24/11/2011.


Khóa học diễn ra trong một tuần lễ, dù thời tiết nắng nóng, nhưng sự nhiệt tình và phương pháp sư phạm của cô, cùng với ý thức và sự hăng say của các học viên, lớp đã đạt được thành quả rất tốt đẹp. Ngoài các học viên chính thức, nhiều người thuộc mọi lứa tuổi cũng trở thành những học viên dự thính khi miệng hát, tay múa… Cả xứ lúc nào cũng như ngày hội.
Sau một tuần học tập, khóa học kết thúc bằng thánh lễ sáng Chúa nhật để tạ ơn Thiên Chúa. Mở đầu thánh lễ, cha quản xứ cám ơn các nghệ nhân và kêu gọi cộng đoàn cùng hiệp ý tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho công việc truyền giáo của Giáo hội qua hình thức hội nhập văn hóa theo tinh thần “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (thư chung HĐGMVN năm 1980, số 14).




Tham dự lễ bế giảng khóa học còn có sự hiện diện của các cấp chính quyền huyện Cẩm Khê cũng như các ban ngành của xã Phương Vĩ. Trong bài phát biểu, ông Đỗ Xuân Sinh, PCT UBND huyện Cẩm Khê đã chúc mừng, động viên, tuyên dương việc quan tâm bảo tồn, duy trì và phát triển văn hóa đất Tổ của cha quản xứ và của giáo xứ. Đồng thời, ông đề nghị “xã Phượng Vĩ và huyện Cẩm Khê xúc tiên thủ tục để thành lập Câu lạc Bộ hát Xoan Phượng Vĩ ở cấp tỉnh, chứ không phải cấp huyện hoặc xã”.











Ông Đỗ Quang Huy, PCT UBND xã Phượng Vĩ cũng bày tỏ sự chân thành cám ơn về sự quan tâm của linh mục dành cho quê hương qua việc hy sinh thì giờ, tiền của và công sức, để giúp bà con Phượng Vĩ không ngừng phát triển về mọi mặt.







Còn với nghệ nhân dân gian, chủ nhiệm lớp, cô đã nhiều lần ngậm ngùi, cảm động bộc bạch: “Thưa cha, con đã mở rất nhiều lớp ở nhiều nơi, thú thật con chưa thấy lớp nào tuyệt với như lớp này. Một huyện mới chỉ có 80 học viên, mà đây một xứ 120 học viên. Lớp học này quy củ, ý thức, học nhanh, nắm chắc bài… con rất hài lòng. Cả nước này con thấy duy chỉ có mình cha là cha đạo đã mở lớp Hát Xoan đầu tiên tại giáo xứ. Tuyệt với lắm cha ạ. Tạ ơn Chúa….”.
Thao thức với truyền giáo, với văn hóa, cha quản xứ đã quảng đại đầu tư tất cả khóa học từ A – Z. Ngài chia sẻ: “Văn  hóa là một khái niệm rộng nghĩa liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống con người. Nó là dòng chảy của cuộc đời mà trong đó mỗi người tựa như một giọt nước. Hãy trân trọng nâng niu, bảo vệ lấy giọt nước này, đừng để nó bị ô nhiễm giữa một xã hội qua nhiều thứ ô nhiễm như hôm nay. Ai trân trọng, nâng niu, bảo vệ và phát triển nó, quả thật người đó là người đích thực là con Chúa, con giáo Hội, xứng danh “con Lạc, cháu Hồng” trên quê hương Đất Tổ và khỏi phải hổ thẹn vì là con cháu Vua Hùng”.

Khóa học đã kết thúc, nhưng dư âm tốt đẹp vẫn còn. Đây quả là một sự hòa quyện văn hóa, một cơ hội truyền giáo. Chúng ta đang thực thi điều các Vị Chủ chăn dạy: “chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam” (Thư chung HĐGMVN năm 1980, số 08).
“Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa. Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:
- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
- Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc (Thư chung HĐGMVN năm 1980, số 09).
 
Giáo xứ Phượng Vĩ
Thông tin khác:
Thơ: Giương Cao (20/03/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa tĩnh tâm năm 2024 với chủ đề “Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục” 
Linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa tĩnh tâm năm 2024 với chủ đề “Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục” 
“Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục”, là chủ đề tuần tĩnh tâm năm 2024 của linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa, diễn ra từ 14h45 thứ Hai, ngày 11.11 đến sáng thứ Sáu, ngày 14.11.2024 tại Trung Tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log