Thứ tư, 01/01/2025

Tưởng nhớ nhà truyền giáo của giáo phận Hưng Hoá: cha F.M.Savina Vị nhân ngày giỗ lần 79 (22.07.1941 - 22.07.2020)

Cập nhật lúc 21:57 21/07/2020
Cha François Marie Savina (tên Việt Nam là cố Vị), sinh ngày 20 tháng 3 năm 1876, tại Mahalon-en-Cornouaille, miền Finistère, thuộc giáo phận Quimper, Pháp quốc. Savina học tiểu học tại Mahalon; trung học tại tiểu chủng viện Pont-Croix; sau đó vào đại chủng viện giáo phận, và được lãnh chức cắt tóc ngày 26 tháng 7 năm 1897.
Ngày 14 tháng 11 năm 1897, thầy Savina gia nhập Hội Thừa Sai Paris (MEP). Thầy được lãnh chức phụ phó tế ngày 22 tháng 11 năm 1900, và phó tế ngày 2 tháng 3 năm 1901. Ngày 23 tháng 6 năm 1901, phó tế Savina được truyền chức linh mục, rồi nhận bài sai sang giáo phận Thượng Du miền Bắc (Tonkini Superioris – nay là giáo phận Hưng Hóa). Ngày 24 tháng 7 năm 1901, tân linh mục Savina, cùng cha M. Marie-Joseph-Paul Aigouy lên đường truyền giáo.
Ngay khi tới nơi, Cha Savina miệt mài học tiếng Việt, sau đó là tiếng Hán. Sự đa dạng về ngôn ngữ và phong tục tập quán của vùng Thượng Du miền Bắc và miền Nam Trung Hoa đã lôi cuốn Cha. Để thấu hiểu về ngôn ngữ và phong tục địa phương, Cha đến ở với nhiều dân tộc thiểu số khác nhau. Ngày 1 tháng 10 năm 1906, Cha được chỉ định đến các vùng người Tày miền Thượng Du. Sau khi đi khắp các miền từ Tuyên Quang đến Hà Giang, cha định cư tại Vĩnh Tuy, bên phải Sông Lô (Rivière Claire), cách thượng nguồn 87 km. Tại đây, Cha dựng một ngôi nhà thờ dâng kính thánh Anna, và ngày 19 tháng 3 năm 1907, Cha dâng thánh lễ với sự hiện diện của một số người Tày.
Vào năm 1908, Cha đã đi khắp miền rừng núi, sống với những người Mường, Thổ, Nùng ở Tuyên Quang và biên giới Trung Hoa. Năm 1909, Cha lên kế hoạch lập một trại phong, nhưng không thành vì thiếu nguồn lực. Năm 1910, Cha thành lập một cộng đoàn bên bờ Sông Con, cách Vĩnh Tuy 60 km. Tại đây, Cha viết xong cuốn từ điển Tày – Việt – Pháp (Dictionnaire Tay – Annamite – Français) dày 800 trang, và soạn thêm các ký tự Trung Hoa vào năm 1911. Tác phẩm này được in tại Hồng Kông, và được trao giải thưởng Stanislas Julien năm 1912. Cũng năm này, Cha soạn một cuốn giáo lý và một số kinh nguyện thường ngày bằng tiếng Tày.
Từ năm 1903 – 1925, trước tiên, Cha sống với nhiều bộ tộc khác nhau, nghiên cứu ngôn ngữ và phương ngữ giữa những người Tày ở Vĩnh Tuy, Bát Xát và Lai Châu; sau đó, với người Mèo ở Lào Cai và Sa-pa, người Nùng ở Đồng Đăng và Cao Bằng, người Mán ở Móng Cái và Tiên Yên; sau cùng, sang Vân Nam và Quảng Đông để học tiếng Trung Hoa và Hoklo.
Năm 1924, Cha xuất bản từ điển tầm nguyên Pháp – Nùng- Trung Hoa (Dictionnaire Etymologique Français – Nung – Chinois) dày 528 trang, tại Hồng Kông. Từ điển này được trao giải thưởng (Prix Gilles) năm 1925. Cha cũng xuất bản cuốn lịch sử người Mèo dày 304 trang, và được tái bản năm 1930.
Năm 1925, chính phủ Trung Quốc và Toàn Quyền Đông Dương mời Cha Savina làm phiên dịch viên chính thức cho việc công nhận đảo Hải Nam. Dưới sự bảo trợ của Trường Viễn Đông Pháp (L’Ecole Français d’Extrême-Orient), Cha bắt đầu nghiên cứu các dân tộc và ngôn ngữ trên đảo Hải Nam. Cha đã sống hơn 4 năm tại đây, đi mọi nẻo đường, đem về nhiều thông tin và tài liệu quý giá, nhất là tấm bản đồ địa lý bằng màu tỉ lệ 1.000.000; soạn ba cuốn từ điển: Hoklo-Français, Bê-Français, Dai-Français, kèm theo những ghi chú về phong tục, truyền thống, về niềm tin, về các lễ hội và tang lễ của các bộ tộc trên đảo.
Trở lại với sứ vụ của mình, tháng 4 năm 1929, Đức cha Ramond Lộc gửi cha tới vùng Sa-pa, Lào Cai để chăm sóc mục vụ cho người Mèo. Thời gian này, cha viết cuốn lịch sử người Mèo. Cha sống với người Mèo tại thung lũng Mường Bo, bên bờ Sông Lô, cách Lào Cai hơn 30 km. Tại đây, Cha dựng một ngôi nhà, vừa làm nhà nguyện, vừa làm chỗ dạy học (Chapelle-École), và tiếp tục sứ mạng mục tử cũng như soạn từ điển.
Vào tháng 6 năm 1930, Cha bị bệnh. Tháng 10 năm 1931, Cha về quê hương nghỉ dưỡng. Vì sở hữu nhiều ấn phẩm về ngôn ngữ và về nhân chủng học, Cha được mời làm phóng viên chính thức của Trường Viễn Đông Pháp, từ ngày 2 tháng 7 năm 1931.
Đầu năm 1934, Cha tới Hồng Kông để chuẩn bị xuất bản cuốn “Guide Linguistique de l’Indochine Française”, 2 tập, dày 2516 trang. Có thể nói, đây là công trình hoàng tráng về ngữ học khi so sánh với các ngôn ngữ đơn âm khác. Cha đã dịch khoảng 20.000 từ hoặc thành ngữ từ tiếng Pháp, tiếng La-tinh và tiếng Trung Hoa, sang tiếng Việt và tiếng Nôm, tiếng Tày, tiếng Mán, tiếng Mèo, tiếng Quảng Đông, tiếng Hoklo và tiếng Quan Thoại.
Khoảng giữa năm 1939, bộ từ điển vĩ đại kết thúc, Cha Savina trở lại với sứ vụ. Đức cha Ramond Lộc gửi Cha tới vùng Hà Giang, gần Sông Lô, sát biên giới Trung Quốc, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.
Sau hơn 40 năm miệt mài với sứ vụ và nghiên cứu ngôn ngữ, gần lễ Phục Sinh năm 1941, căn bệnh viêm phổi của Cha trở nên trầm trọng, Cha phải trở về bệnh viện Saint Paul - Hà Nội để chữa trị. Nhưng bệnh tình không thuyên giảm, Cha đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 11g 30, Thứ ba, ngày 22 tháng 7 năm 1941, hưởng thọ 65 tuổi, với 41 năm thiên chức linh mục!
Tóm lại, Cha Savina, vị thừa sai, với cá tính hào hiệp, đã làm việc không biết mệt mỏi, và chưa bao giờ từ chối điều gì nếu một ai đó yêu cầu. Cha Savina Vị, linh mục Hội Thừa Sai Paris, nhà truyền giáo vĩ đại của giáo phận Hưng Hóa, nhà ngôn ngữ học, nhà nhân chủng học, nhà nhân loại học của vùng Thượng Du miền Bắc và đảo Hải Nam Trung Quốc, cộng sự viên của Trường Viễn Đông Pháp, đã dùng tất cả các tài năng, sức khỏe và kiến thức để phục vụ sứ mạng loan báo Tin Mừng. Cha Savina, một mẫu gương sáng ngời. Nhân ngày giỗ lần thứ 79 của Cha, xin thắp lên một nén hương, và dâng lên Thiên Chúa những lời kinh để biết ơn Cha!
 
Nguồn: Trích lịch sử giáo phận Hưng Hoá
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Ngày 01.01.2025, tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, Đức cha Đaminh đã long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Nhân dịp đầu năm mới này, các giáo xứ trong Giáo hạt Sơn Tây cũng quy tụ về Nhà thờ Chính tòa để hành hương – đây là đoàn hành hương đầu tiên sau ngày khai mạc Năm Thánh 2025 của Giáo phận vào ngày 29/12/2024
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log