Những năm thơ ấu. Ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anrê Nguyễn Thị Thường sinh sống ở Bắc Việt cho đến năm 1820. Cả gia đình di cư vào Nam ở tại họ Búng, làng Hưng Thịnh, tổng Bình Thạnh, hạt Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1826, người con trai út, Phêrô Đoàn Công Qúi chào đời. Đây là người con thứ sáu trong gia đình và là hy lễ của gia đình ông Miêng hiến dâng cho Thiên Chúa. Vì thấy cậu út rất thông minh, nên ông Miêng cố lo liệu để cậu chuyên chăm theo đường học vấn, với hi vọng mai sau nối dòng thi lễ, làm vẻ vang cho cả gia tộc. Nhưng thiên Chúa muốn cho người con út này đi theo con đường khác. Cậu Quý thường lui tới và học hỏi cha Tám ở nhà thờ họ Búng. Một thời gian sau, cậu xin phép cha mẹ được ở luôn với người, thỉnh thỏang mới về thăm gia đình. Theo tiếng Chúa gọi Năm 1847, cha Tám giới thiệu chàng trai 21 tuổi này với cha Gioan Miche Mịch để được học hỏi tiếng la tinh và tiếp tục theo đuổi ơn gọi tu trì. Sau khi học tiếng Latinh tại nhà cha Mịch, cậu Quý được học tại chủng viện Thánh Giuse (Thị Nghè) do cha Borelle làm giám đốc. Năm 1848, thày Quý du học tại đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris ở Pénang (Mã Lai). Tại đây, thày học triết lý và thần học, ngôn ngữ, văn chương. Việc huấn luyện như thế được coi là khá đầy đủ cho một linh mục thuộc miền truyền giáo trở về hoạt động tại quê hương. Trên con đường xứ vụ Năm 1855, thày Quý hồi hương vào thời kỳ vua Tự Đức ra sắc chỉ cấm đạo gắt gao. Tháng 9.1855, vua Tự Đức ra chiếu chỉ thứ ba, trong đó không những lùng bắt các đaô trưởng, mà còn bắt cả giáo hữu phải xuất giáo, triệt hạ các thánh đường, phá hủy các cơ sở tôn giáo … Với hoàn cảnh bất lợi này, Đức cha Lefèbvre Nghĩa trao cho thày nhiệm vụ săn sóc, dạy dỗ, động viên các giáo hữu tại các họ đạo. Qua một thời gian hoạt động, thày tỏ ra là người nhiều khả năng, nên Đức cha đã truyền các chức nhỏ cho thày. Sau ba năm thi hành việc mục vụ tại các giáo họ, tháng 9.1858, thày Quý đã được lãnh chức linh mục tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Sau một thời gian phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định và Kiến Hòa, Đức cha bổ nhiệm cha Phêrô Quý làm phó xứ Cái Mơn (Vĩnh Long). Cha Phêrô Quý được tuyển chọn vào cánh đồng truyền giáo trong giai đoạn đặc biệt của đất nước: Pháp và Tây Ban Nha đem quân đánh phá ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) vào tháng 9.1858 làm cho vua Tự Đức càng thêm căm ghét các giáo sĩ nước ngoài và Đạo Thiên Chúa. Do đó, cuộc bách hại ngày càng khốc liệt hơn. Nhưng nhiệt tình truyền giáo đã làm cho cha Quý vượt thắng mọi gian khổ, đe dọa, hiểm nguy. Chỉ ba tháng sau khi cha về Cái Mơn, quân lính bao vây Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn để lùng bắt giáo sĩ, nhưng không có vị nào ở đó, nên lính bắt giam một tu sĩ nữ để tra tấn, khai thác các chị về chỗ ở của các ngài. Nghe tin các nữ tu bị bắt, cha Quý muốn nộp mạng để lính tha cho chị em, nhưng giáo hữu ngăn cản và không để cha thực hiện ý định này. Cha vẫn ao ước sẵn sàng hy sinh tính mạng để thế cho các chị. Cha chỉ bỏ ý định này khi có lệnh rõ ràng của cha bề trên giáo phận Borelle Hòa. Từ đó cha cải trang thành thường dân, đi thăm viếng, an ủi và ban các bí tích cho các giáo hữu. Chặng đường khổ giá Đức cha bổ nhiệm cha Quý về giáo họ Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang ngày 27.12.1858 thì mười ngày sau (07.01.1859) quan Tổng đốc An Giang được mật báo có Tây dương đạo trưởng trú ẩn tại nhà ông Lê văn Phụng ở Đầu Nước. Quan sai 100 lính đến bao vây nhà ông Phụng. Khi lính gần đến làng, giáo hữu tới báo tin cho gia đình ông Phụng. Nghe tin này, cha Pernot Định đã đề nghị với cha Quý cùng đi trốn, nhưng cha Quý bình tĩnh trả lời: "Tôi là người bản xứ chắc quan quân khó nhận ra, cha cứ đi trước, tôi ở lại thu dọn đồ lễ khỏi gây phiền hà cho chủ nhà và giáo họ, rồi sẽ theo sau". Sau khi cha Pernot ra khỏi thì quan quân ập tới. Cha Quý chạy vào ẩn nấp dưới sàn nhà, quan ra lệnh cho ông Phụng phải nộp đạo trưởng Tây như đã được mật báo. Ong Phụng cương quyết trả lời là không có ai là đạo trưởng Tây cả. Quan dọa là nếu không tuân lệnh thì sẽ bị đánh đòn. Thấy lính sắp đánh đòn chủ nhà, cha Quý tự ra nhận mình là đạo trường. Lính không chịu nghe và nói chắc chắn là có tên đạo trưởng Tây ở trong nhà này. Cha Quý lại cương quyết khẳng định: "Không có Tây dương đạo trưởng nào ở đây, chỉ có tôi là đạo trưởng. Ai muốn theo đạo tôi sẵn sàng chỉ dậy". Thấy cha Quý còn rất trẻ, quan không tin ngay liền hỏi em nhỏ 10 tuổi, cháu nội của ông Phụng xem đạo trưởng là ai. Nó chỉ vào cha Quý và thưa: "Bẩm, ông này ạ". Lính liền trói cha Quý, ông Phụng và 32 giáo hữu, rồi xiềng xích giải về Châu Đốc. Đến Châu Đốc, lính áp giải cha Quý đến quan tổng đốc. Quan thẩm vấn cha nhiều điều và hứa sẽ tha cho cha nếu cha tuyên bố bỏ đạo, theo như chiếu chỉ nhà vua. nhưng cha Quý vẫn kiên quyết nhận mình là đạo trưởng, không bao giờ bỏ đạo Thiên Chúa. Lần khác quan nói với cha: "Thày là người thanh liêm, nhân từ, đức hạnh, tại sao lại mê theo tà đạo, hãy nghe ta mà bỏ đạo đó đi". Cha Quý trả lời: "Dạ, thưa quan tôi là người giảng dạy đạo này, sao lại có thể bỏ đạo cho được ? Vả nữa, đây là chính đạo, vì chỉ dậy điều tốt lành, chứ không phải là tà đạo như quan hiểu lầm đâu". Quan ra lệnh tống giam cha và sau đó dùng nhiều phương kế dụ dỗ đe nạt, tra tấn hòng làm thay đổi lập trường của cha. Nhưng cha vẫn một lòng trung kiên với chính đạo. Sau cùng, quan thảo bản án trảm quyết gửi về kinh đô. Bảy tháng trong ngục, cha Quý động viên các bạn tù, cử hành bí tích, nguyện ngắm và đọc kinh Mân Côi với họ. Một giáo hữu đến thăm cha, có cả linh mục bản quốc cải trang để vào giải tội và cho cha rước Thánh Thể. Tình thương với thân mẫu Dù sống trong cảnh tù ngục, cha Quý vẫn tưởng nhớ đến thân mẫu của mình (thân phụ đã qua đời). Cha gởi thơ kính thăm và báo tin cho thân mẫu biết tin mình sắp được phúc tử đạo. Ký vụ thân mẫu đôi chữ trưởng tri Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi Lòng lã chã lệ rơi luồng lụy Ngỡ tới đây hành công biện sự Một hai tháng về viếng từ thân Ai ngờ rầy sớm tách lìa phân Trời cùng nước không hề vầy hiệp Hễ đạo làm tôi đua giữ lời răn dậy Cho nên con vâng lệnh chỉ sai Đàng xa xôi cách trở lại chi nài Miễn đặng tiếng vâng lời chịu lụy Khi con tới An Giang tạm nghỉ Gặp chân trời mở hội khoa thi Nên con phải liều công ứng cử Ay là Thiên Chúa chi sổ nhiên Nhơn tất tùng chi, nhi dĩ hỉ. Dầu trăng trói gông cùm tù rạc Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề Miễn vui lòng cam chịu một bề Cho trọn đạo trung thần hiếu tử Chí con dốc đến công ơn Chúa Dạ con làm báo nghĩa mẹ cha Xin mẫu từ chớ chút phiền hà Một cam chịu cho danh cha cả sáng. … Nay thơ, Thân tử Bá Đa Lộc Đoàn Công Quý, Linh mục bản quốc" Sau ba tiếng chuông ngân Ước vọng hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa của cha Phêrô Đoàn Công Quý đã được chấp nhận. Ngày 30.07.1859, bản án trảm quyết cha được gởi từ kinh đô về đến Châu Đốc cùng với bản án ông Emmanuel Lê Văn Phụng. Sáng hôm sau (31.07), cha Quý và ông Phụng hớn hở đi ra pháp trường ở xóm Chà Và cùng với quan quân và giáo hữu. Người lính đi trước tay cầm tấm thẻ của cha Quý và thỉnh thoảng đọc to: "Tự Đức thập tam, An Giang tỉnh, kỷ vị niên, thất nguyệt, sơ nhị nhật. Thẻ: Đạo trưởng Đoàn Công Quý, tùng gian đạo, tụ tập đạo đồ, đạo chủng, đạo thư: Bất khẳng quá khóa, vi phạm quốc pháp, luật hình trảm quyết". (1) Đến nơi xử án, hai vị chứng nhân Chúa Kitô: cha Quý và ông Phụng, cùng qùy xuống cầu nguyện. Sau đó, cha Quý giải tội cho ông Phụng. Giờ hành xử đã đến, ba tiếng chuông vang lên giữa pháp trường, lý hình chém cha Quý ba nhát gươm, đầu cha lìa khỏi thân mình và rơi xuống đất. Vị tử đạo già từ cõi đời trở về quê hương vĩnh cửu với tuổi đời 33, sau một năm thi hành chức vụ linh mục. Thi hài vị tử đạo được an táng tại nhà thờ Năng Gù, sau được cải táng về chủng viện Cù Lao Giêng năm 1959, nhân dịp bách chu niên cuộc tử đạo. Đức Piô X suy tôn Chân Phước cho cha Phêrô Đoàn Công Quý ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Nguồn từ thư viện Đa Minh Trường thi tử Đạo. Linh mục Giuse Ðoàn Công Quý Sinh Bính Tuất (1826) tỉnh lỵ Bình Dương Lớn lên được cha Tám thương Tới lui gặp gỡ tìm đường đi tu Cha Tám đang quản khu giáo xứ Ngài thương con con cứ ở đây Con về xin phép Mẹ Thầy Thời gian học hỏi tràn đầy ơn riêng Sau Cha Tám gởi liền chủng viện Thánh Giuse dâng hiến đời tu Ơn gọi Thiên Chúa hộ phù Thầy được theo học viễn du nước ngoài Ở Pénang Thừa sai của hội Học triết thần sau rồi văn chương Bảy năm Thầy Quý hồi hương Ðức Cha trao phó lên đường giảng rao Ðộng viên giáo hữu bao họ đạo Thầy tỏ ra chu đáo khả năng Thời gian phục vụ siêng chăm Thụ phong Linh mục thưa rằng Ðức Cha Tân Linh mục đó là Cha Quý Một thời gian giáo lý Lái Thiêu Bài sai Giám Mục chuyển điều Cái Mơn phó xứ sớm chiều chăm lo Sau tuyển chọn chuyên cho truyền giáo Khắp đó đây loan báo Tin mừng Cửa Hàn Pháp đã bất ưng Xua quân bắn phá khắp vùng xung quanh Vua Tự Ðức đã dành oán ghét Các Linh mục gán ghép theo Tây Việt Nam giáo hữu bị lây Tội theo tà giáo phương Tây đưa vào Ra chiếu chỉ truyền giao bắt đạo Cứ mỗi ngày tàn bạo tấn tra Truy lùng đạo trưởng quý Cha Nhưng không bắt được chúng đà nổi xung Sau lính bắt truy lùng tu sĩ Chúng dã man bắt bí nữ tu Cha Quý ngài muốn thế tù Giáo dân can gián, áo tu để nhà Giả dân thường để mà đi lại Ngài viếng thăm con cái giáo dân Trao ban Bí tích rất cần Ðức Cha bổ nhiệm lãnh phần Cù Lao Quan về làng vây bao trăm lính Ðến nhà ông Phụng tính bắt Tây Ông liền nói nhà tôi đây Không có đạo trưởng người Tây trong nhà Quan quát lớn tấn tra đòn đánh Cha Quý ngài cứu tránh chủ nhà Tôi đây đạo trưởng quê ta Không tin quan hỏi sao mà trẻ trung Ðứa nhỏ chỉ trong vùng đạo trưởng Lính bắt ngay vẫn tưởng là sai Rồi xiềng xích trói tay ngài Giải về Châu Ðốc cung khai truy tìm Quan dụ dỗ nghe tin đức hạnh Hãy nghe ta mà tránh đạo tà Thưởng tiền đạo trưởng được tha Thanh liêm nổi tiếng gần xa người đồn Dạ thưa quan sớm hôm giảng đạo Ðiều tốt lành sáng tạo niềm tin Giêsu cứu độ kiếm tìm Tôi là đạo trưởng giữ gìn đoàn chiên Xin quan lớn cảm phiền hiểu thấu Chớ có lầm, nói xấu đạo trời Tôi xin khẳng định nói lời Sẵn sàng tử đạo nước trời Chúa ban Quan tức giận thảo bàn trảm quyết Tại pháp trường ở miệt Năng Cù Nghe chiêng ba tiếng vang du Chém đầu Cha Quý, viễn du Nước Trời Thi hài an táng đời đau khổ Mộ chôn ngay tại chỗ nhà thờ Ngày cải táng mãi ước mơ Cù Lao chủng viện, kính thờ Long Xuyên Năm Kỷ Mùi (1859) trung kiên tử đạo Là chứng nhân tố cáo gian tà Kỷ Dậu (1909) Toà Thánh Roma Suy tôn Chân Phước giờ ta đón mừng Lời bất hủ: Quân lính hỏi có Tây dương đạo trưởng trong nhà này. Cha Quý khẳng định trả lời: "Không có Tây dương đạo trưởng nào ở đây, chỉ có tôi là đạo trưởng. Ai muốn theo đạo, tôi sẵn sàng chỉ dạy". Quan tra hỏi và bắt bỏ đạo, cha trả lời: "Dạ, thưa quan, tôi là người giảng đạo này, sao lại có thể bỏ đạo cho được! Và nữa, đây là chính đạo, vì chỉ dạy những điều tốt lành, chứ không phải là tà đạo như quan hiểu lầm đâu". Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng (1796 - 1859) Emmanuel Lê Văn Phụng, Sinh năm 1796 tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng, Giáo dân, Trùm Họ, bị xử trảm ngày 31/07/1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức, Đức Piô X suy tôn hai vị tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Đặc biệt ông câu Emmanuel Phụng được đứng trong số sáu vị đứng đầu danh sách 117 hiển thánh tại Việt Nam. | "Con ơi, hãy tha thứ. Đừng tìm báo thù kẻ tố giác cha nhé". Đó là lời trăn trối cuối cùng của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng cho con trai trước khi bị xử chém. Noi gương Đức Kitô trên Thập Giá xin Chúa cha tha những kẻ hành hạ mình, thánh nhân nài nỉ các bạn hữu sống trọn vẹn giới luật bác ái Kitô Giáo: "Hãy tha thứ cho kẻ thù. Đừng báo oán những kẻ tố giác hay kết án tôi, hãy tha thứ, hãy tha thứ vì chính tôi, tôi đã thứ tha…" Cho đến muôn đời, mẫu gương và lời nói đó sẽ mãi mãi vang vọng trong lòng người tín hữu Việt Nam. Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang, thuộc trấn Châu Đốc, Nam Hà. Nhìn bề ngoài, ông Phụng không mấy hấp dẫn, vì vóc dáng có vẻ gân guốc, lại hay lớn tiếng với mọi người. Nhưng trái lại, nhờ tính cương trực, sự dứt khoát cũng như lòng nhiệt thành với việc chung, ông được bà con tín nhiệm đề bạt làm "câu" (Trùm) họ Đầu Nước. Đáp ứng lại sự tín nhiệm đó, ông Câu Phụng đã góp sức tổ chức giáo họ thêm lớn mạnh ngay trong thời bách hại đạo dưới thời vua Tự Đức. Nhờ tài đức của ông, họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất nhà cho các nữ tu và trở thành khu trú ngụ khá an toàn cho các giáo sĩ. viên quan huyện địa phương một phần vẫn nhận tài trợ của ông, một phần đã thấy rõ sinh hoạt tôn giáo không có gì nguy hiểm, nên cho người báo tin trước khi phải kiểm tra theo lệnh trên, đủ thời giờ để các tín hữu cất dấu ảnh tượng và các vật dụng tôn giáo. Tai họa bất ngờ Thế nhưng có điều ông Câu Phụng không ngờ tới là món tiền thưởng của nhà vua vốn có một hấp lực với một vài lương dân trong vùng. Những ngày này chia nhau theo dõi nhà ông, mỗi đêm họ cử người leo lên cây xoài gần đó để quan sát, và họ đã toại nguyện. Cuối năm 1858, họ đã phát hiện một vị thừa sai ngoại quốc Pernot Định đang tạm trú tại nhà ông Câu. Đêm hôm đó, khi mọi người đã an giấc, cha Pernot ra sân đi dạo để hít thở không khí trong lành và cầu nguyện giữa khí mát trăng sao. Đêm thanh như có phép màu làm tiêu tan đi những mệt nhọc ban ngày và giúp cha hướng về Đấng Tạo Hóa cao thẳm, thầm ước mong các tín hữu Việt Nam sẽ đông đúc như sao ở trên trời. Trước khi khép cửa để vào nhà nẩ nấp, cha còn nói với lại: "Chào các bạn tinh tú nhé. Thực là tồi tệ cho những ai bắt tôi phải sống thế này". Thế là hai người rình rập hôm đó mừng rỡ, họ vội vã kéo nhau đi báo cho quan trấn phủ Châu Đốc. Họ tố gíac ông Câu Phụng chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng. Họ cũng không quên xin phái quan lãnh binh đi bắt, chứ đừng báo quan huyện, vì quan này thông đồng với Công Giáo. Sáng ngày 07.01.1859, ông Câu Phụng chưa hay biết gì cả. Ngoài thừa sai Pernot, còn có cha Phêrô Quý (cha sở mới họ Đầu Nước). Đang trọ tại nhà ông. hai linh mục vẫn dâng lễ như thường. Sau đó, mới có người chạy về báo tin là quan quân Châu Đốc đi thuyền và đi bộ đang tiến đến nhà ông. Ông Phụng liền cử người đưa hai cha đi trước, nhưng cha Quý nhất định ở lại, vì nghĩ mình có thể trà trộn vào dân được, và tìm chỗ ẩn núp ngay trong nhà. Đến khi quan quân ập vào hạch hỏi và dọa đánh chủ nhà, cha sở Quý tự ra trình diện. Thế là quân lính liền bắt trói ông Câu Phụng, cha Quý và 32 giáo hữu khác áp giải về Châu Đốc. Trước mặt quan, vì có người tố cáo, ông Câu khẳng khái xác nhận mình đã từng tiếp đón và cho thừa sai nước ngoài trọ tại nhà mình. nhưng sau đó, dù tra tấn hay dụ dỗ nhiều lần, ông nhất định không khai thêm chi tiết nào khác về các thừa sai, và cương quyếtk bỏ đạo. Kỷ vật cuối cùng Sau sáu tháng giam giữ, không hy vọng gì các tù nhân đổi ý, các quan trấn Châu Đốc làm án gởi về kinh đô xin xử giảo và vua Tự Đức châu phê liền. Ngày 31.07, linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và ông Câu Lê Văn Phụng được đưa ra pháp trường Chà Và. Cả hai vị bình tĩnh, cha Quý vừa đi vừa đọc kinh Mân Côi, còn ông Câu thì dặn dò các bạn hữu tha thứ cho những kẻ hại mình. Tại pháp trường, ông câu gặp các con mình. ông đeo vào cổ con gái – cô Anna Nhiên – ảnh Thánh Giá và nói: "Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Anh này quý hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé". Ông cũng dặn con trai, đừng chôn cất rầm rộ, và nhớ chôn ông bên cạnh cha sở của mình. Tiếp theo, hai chứng nhân của Chúa quỳ xuống cầu nguyện. Cha Quý giải tội cho ông Câu. Sau ba tiếng chiêng vang, vị linh mục bị chém dầu, còn ông Câu Emmanuel bị xiết cổ bằng dây thừng do hai người kéo. Đức Piô X suy tôn hai vị tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Đặc biệt ông câu Emmanuel Phụng được đứng trong số sáu vị đứng đầu danh sách 117 hiển thánh tại Việt Nam. Nghĩa cử quảng đại tha thứ của ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng trước giờ tử đạo đã là bài giảng hùng hồn nhất về sự bao dung của đức bác ái Kitô giáo. Nguồn từ thư viện Đa Minh Trường thi tử đạo Lê Văn Phụng là ông trùm họ Năm Bính Thìn (1796) sinh trọ An Giang Tính người cương trực đàng hoàng Ông hay nói thẳng không màng thân quen Trong họ đạo lo toan kiến thiết Ngôi thánh đường cho thiệt khang trang Tiếng thơm trong họ ngoài làng Ông còn chơi rộng đến hàng huyện quan Thời cấm đạo lo toan cất giấu Các Cố Tây nương nấu trong nhà Ngoài ra còn các cha ta Khi đi khi ở vào ra bình thường Ai ngờ bỗng tai ương mang đến Mấy người lương thân quyến tham tiền Chia nhau theo dõi liên miên Có lần bắt gặp chủ chiên nước ngoài Trong đêm vắng các ngài dâng lễ Tại nhà ông chúng kể rõ ràng Báo cáo cặn kẻ đàng hoàng Xưa nay quan huyện dễ dàng với ông Muốn ăn chắc báo ông quan trấn Cho bao vây cẩn thận đêm khuya Trong ngoài kín mít êm ru Sáng ra ập đến giấu thu cách nào Ông trùm Phụng làm sao ngờ được Ðem cha Ðịnh ngoại quốc trốn ngay Còn cha Quý trong vòng vây Tự mình ra nộp Ðức Thầy tuyên xưng Tôi tên Quý chính danh đạo trưởng Giảng đạo trời ảnh hưởng đến ai Lệnh vua sai bắt thưa ngài Còn ông trùm Phụng chẳng nài tuyên xưng Người Công giáo tôi tin có Chúa Sống thương người chan chứa hồng ân Một đời sống đạo chuyên cần Ðời này tích đức để dành đời sau Còn cái lệnh bắt nhau bỏ đạo Thì tôi đây tuyên cáo rằng không Cho dù roi sắt vạc đồng Bảo tôi quá khoá cũng không được nào Quan thấy rõ không sao thuyết phục Sáu tháng giam rút cục không thành Bèn làm bản án về kinh Ông này xử giảo điển hình biết tay Ông trùm Phụng khi hay tội ấy Thật vui mừng như thấy thiên nhan Có cô con gái tên Nhiên Trao ảnh chuộc tội như khuyên vài lời Ảnh thánh giá trên đời quý nhất Theo ý Cha quý thật hơn vàng Nói xong bình tĩnh đàng hoàng Pháp trường xử giảo dễ dàng quy thiên Kỷ Mùi (1859) tử đạo trên niên giám Là chứng nhân bảo đảm đức tin Rôma Toà Thánh hướng nhìn Kỷ Dậu (1909) phong thánh trăm nghìn hồng ân Lời bất hủ: Tại pháp trường cha và ông Trùm Phụng gặp các con mình. Ông đeo vào cổ con gái Anna Nhiên ảnh Thánh giá và nói: "Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba, đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần, con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé". | |