Thứ bảy, 21/12/2024

Ngày 12 Tháng 07, Kính Các Thánh: Inhaxio Y - Giám Mục; Phêrô Hoàng Khanh - Linh Mục; Anê Lê Thị Thành - Giáo Dân, Tử Đạo

Cập nhật lúc 20:51 11/07/2018
Thánh Inhaxio Y - Giám mục
(1762-1838)
 
Ðức Cha Clêmentê Inhaxiô Y (Ignatius delgado), Sinh năm 1762 tại Villa Felice, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị chết rũ tù ngày 12/07/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII suy tôn vị giám mục dòng thuyết giáo Ignatiô Y lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 12/07.
Với gần nửa thế kỷ hăng say trong việc truyền giáo tại Việt Nam và 43 năm giám mục cuộc đời thánh Ignatiô Y gắn liền với giáo phận Đông Đàng Ngoài, nay là năm giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thái Bình. Hoạt động của ngài trải dài trên ba triều đại: Thời Cảnh Thịnh với nhiều khó khăn từng khu vực giúp ngài nhận định được nhu cầu, để đến thời Gia Long ngài phát triển giáo phận Đông với mức cực thịnh, đủ sức đương đầu với những cơn giông tố bách hại thời Minh Mạng, và đó cũng là mùa gặt phong phú "các Thánh tử đạo" của giáo phận. Số linh mục bản xứ, số tu sĩ nam nữ, số giáo dân tăng nhanh mỗi năm đã là những chứng cớ hùng hồn nhất cho chúng ta thấy nhiệt tình và tài lãnh đạo của ngài.
Ignatiô Y Delgado sinh ngày 23.11.1762 tại làng Villafeliche, tỉnh Saragozza, miền Aragon, Tây Ban Nha. Từ thuở niên thiếu, Ignatiô Ychịu ảnh hưởng nhiều của các nữ tu Xitô. Say mê đọc sách cậu nghiền ngẫm tối ngày những truyện tích của các dì, hơn nữa ngôi làng của cậu từ núi đồi đến đồng cỏ, đất đai đến cây rừng đều ghi dấu những nữ tu áo trắng, con cái thánh Bernadô này. Do đó cậu đã nuôi chí dấn thân phục vụ Chúa trong đan viện.
Thế nhưng Chúa lại an bài cách khác. Ngày kia có một người bạn có ý định đi tu dòng Đaminh rủ cậu cùng đi, Ignatiô Y liền nhận lời. Sau đó cả hai đến gõ cửa tu viện Thánh Phêrô tử đạo ở Cata laydud, thuộc tỉnh dòng Aragon. Cậu vào nhà tập khi 18 tuổi và khấn năm 1781. đang khi theo học tại đại học Orihuela, Delgado được biết việc truyền giáo của dòng tại Đông Nam Á. Trong thư ngày 25.06.1780, cha chính Alonsô Phê ở Việt Nam báo cáo số người và công việc, đã xin gởi thêm nhiều nhà truyền giáo "nhân đức, thông thái và can đảm". Delgado thấy lòng mình sôi sục ý muốn truyền giáo. Năm 1785,sau khi bàn hỏi các bề trên, thày Delgado xin chuyển qua tỉnh dòng Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi và được gởi tới Manila Phi Luật Tân để tiếp tục học tập.
Năm 1787, thày Delgado được thụ phong linh mục. Năm sau trong số 15 tu sĩ tình nguyện đến Việt Nam, bề trên chọn Delgado và một người nữa. Thế nhưng nước Việt khi đó đang có nội chiến, nên hai vị thừa sai phải lưu lạc đến Macao, đến Malacca rồi lại trở về Macao. Cuối cùng, năm 1790 cha mới đến được đất truyền giáo cùng với ba thừa sai khác, trong đó có cha Henares Minh.
Tuy mới tới Việt Nam, nhưng mọi người đã nghe đồn về tài năng và nhân đức của cha Delgado khi còn ở Manila, nên đã quý mean cha cách đặc biệt. Sau vài tháng học tiếng cha được cử coi sóc chủng viện hai năm. Làm cha chính giáo phận hai năm, kiêm chức đại diện coi sóc các cha dòng Đaminh. Sự khôn ngoan nhân đức của cha được xác nhận khi Đức Cha Alonsô Phê đệ trình lên Toà Thánh xin đặc cha làm giám mục phó có quyền kế vị. Đức Piô VI đã chính thức công nhận trong đoản sắc ngày 11.02.1794, nhưng mãi tháng 09 năm sau nghi lễ tấn phong mới được cử hành trong niềm vui của toàn giáo phận. Vị Tân giám mục khi đó mới 33 tuổi.
Các sử gia ghi nhận Đức cha Ignatô Y đã thích ứng được với miền truyền giáo ngay từ những ngày đầu, từ khí hậu, ngôn ngữ đến phong tục và những món ăn địa phương. Bốn năm coi chủng viện và làm cha chính, giúp ngài hiểu rõ về tình hình địa phương cũng như các giáo sĩ. Giờ đây với chức vụ mới, ngài là vị cộng tác đắc lực vả hữu hiệu của Đức Cha Alonsô Phê trong việc quản trị và truyền giáo. Tháng 8-1798, khi vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ cấm đạo, triệt hạ các nhà thờ bắt bớ các thừa sai linh mục và thày giảng, ép buộc các tín hữu bỏ đạo, Đức Cha Delgado liền viết thư luân lưu cho các gíao sĩ thu cất các đồ thờ, nếu phải ẩn trốn thì đừng đi quá xa, để có thể tiếp tục phục vụ các giáo hữu. Đặc biệt Đức Cha tin tưởng vào sức mạnh từ trời cao khi kêu gọi các tín hữu ăn chay những ngày thứ tư, và đọc kinh cầu các thánh mỗi ngày cầu xin ơn bình an.
Trong báo cáo gởi về cho tỉnh dòng Mẹ, Đức cha viết: "…Các giáo sĩ phải ẩn trong hầm hố, trong rừng sâu hay trên đồng vắng, nhưng vẫn lén lút cải trang về thăm các giáo hữu". Riêng hai vị giám mục vẫn tiếp tục đi thăm viếng hết xứ này đến xứ khác trong giáo phận vẫn tiếp tục đi thăm viếng hết xứ này đến xứ khác trong giáo phận. Một hôm Đức Cha Phê đi kinh lý tại khu vực trấn kinh Bắc (Bắc Ninh) thì sốt rét và qua đời tại Lai Ổn ngày 02.02.1799, trút hết gánh nặng Giáo phận cho Đức cha Y. trong bài giảng lễ an táng. Đức Cha Y nhắc lại mẫu gương và lời kinh vị tiền nhiệm thường đọc là: "Lạy Chúa xin hãy nung đốt con, cưa cắt con đừng tha thứ cho con ở đời này, để con được thứ tha muôn đời". Đức Cha Y đã nối tiếp truyền thống và mẫu gương đó, suốt đời chấp nhận gian khổ và không quản ngại để phục vụ Chúa trong tha nhân.
Công việc Đức Cha quan tâm nhất là đến thăm tất cả các họ đạo dù đường xá xa xôi trace trở đến đâu. Từ đầu năm 1803, công tác này được san sẻ cho vị Tân giám mục Henares Minh (thụ phong ngày 09.01.1803). Lúc đó, đường xá miền Bắc không được như bây giờ, hai vị giám mục đã phải đi hàng ngàn cây số đường mòn bờ đê, phải xuyên rừng leo núi … thế mà không họ lẻ nhỏ nhất nào không được các vị đến thăm nhiều lần. Tại mỗi nơi các ngài đưa ra chỉ thị cụ thể, sửa lại những lạm dụng, trừ diệt những thói dị đoan và xoá bỏ tệ nạn cho vay nặng lãi.
Suốt thời đại Gia Long và những năm đầu thời Minh Mạng, tuy còn một vài vụ bắt bớ ở địa phương, nhưng nói chung đây là thời tương đối bình an nhất. Đức cha Y đã tận dụng giai đoạn này để tổ chức giáo phận vững chắc hơn. Ngài quan tâm nhiều đến việc đào tạo linh mục bản xứ, củng cố chủng viện nhất là tại Ninh Cường, Lục Thuỷ, Tiên Chu và Ngọc Đồng. Số linh mục chỉ 10 năm sau đã tăng gấp đôi (năm 1810 có 54 linh mục Tây và Việt). Là thành phần dòng Đaminh, đức cha được sự hộ trợ tích cực của tỉnh dòng Mẹ về nhân sự trong giáo phận, thế nhưng chủ yếu ngài đào tạo linh mục triều, rồi sau khi đã làm linh mục, nếu ai muốn rồi mới xin chuyển qua dòng. Ngoài 16 cha dòng Việt cũ, thời Đức Cha Y có thêm 66 cha dòng người Việt, hỗ trợ công tác mục vụ và truyền giáo, sát cánh với linh mục triều.
Suốt 20 năm thái bình, các tín hữu được tự do tham dự kinh lễ mỗi ngày, nên được học hỏi về giáo lý kỹ lượng hơn và sống đạo tốt hơn. Nhiều nơi tổ chức ghi lễ công khai và long trọng, lôi cuốn các anh em lương dân đến dự rồi tìm hiểu và bỏ những thành kiến nghi kỵ với đạo. Thí dụ trước đây họ thường trách người theo đạo là bỏ cha mẹ tổ tiên, nay mới hiểu được trong đạo có những ghi lễ chôn cất, giỗ chạp cũng trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Dần dần số người xin theo đạo ngày càng đông. Chỉ trong 10 năm có hơn 10.000 người lớn xin rửa tội. Con số 114.000 tín hữu khi Đức Cha Y nhận quyền giáo phận đã tăng lên 160.000 vào năm 1815, với gần 800 họ đạo.
Ý thức trách nhiệm mình đối với tiền nhân, đức cha cho ủy nhiệm một số người và đích thân điều hành việc nghiên cứu cuộc đời sự nghiệp hai linh mục tử đạo tại Hà Nội năm 1773 là cha Castañeda Gia và Vinh Sơn Liêm. Năm 1818, Đức Cha hoàn tất hồ sơ xin phong thánh gởi về Rôma.
Những năm đầu thời Minh Mạng, ôn dịch hoành hành khắp nơi, có tỉnh chết hàng chục ngàn người, kinh tế kiệt quệ, mọi người khiếp sợ, lương dân cũng như giáo hữu chạy vào nhà thờ xin nước thánh, nhà vua không dám ra khỏi cung điện. Tiếp đến là mất mùa hạn hán và đói khổ… Nhân cơ hội này Đức Cha Y cổ động các thừa sai và tín hữu thể hiện long bác ái, săn sóc các bệnh nhân cứu trợ người túng thiếu… khiến mọi người kính nể.
Những chiếu chỉ cấm đạo 1825 và 1833 không được thi hành triệt để ở giáo phận Đông Đàng Ngoài, các quan có thiện cảm với đạo, lại phò Lê hơn phò Nguyễn, nên báo cáo với vua cho có hình thức. Bất ngờ ngày 17.04.1838, thày Vũ Văn Lân, thày giảng của cha Viên, về tòa giám mục lãnh dầu thánh, mang theo sáu lá thư (cho hai Đức cha, hai linh mục thừa sai và hai linh mục người Việt), bị phát hiện và bị bắt. Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh hí hửng đưa sáu lá thư về khoe với vua. Tuần phủ Hưng Yên liền bị cách chức, Trịnh Quang Khanh bị triều về kinh khiển trách. Tướng Lê Văn Đức dẫn thêm hai ngàn lính kinh đô ra hỗ trợ việc bắt đạo, bão tố bắt đầu bùng lên trên đất Nam Định. Nhiều mật thám đã phái đi len lỏi khắp nơi. Hai chủng viện Ninh Cường, Lục Thủy và nhiều nhà chung nhà phước tự rỡ xuống để tránh sự dòm ngó, các chủng sinh phải giải tán, các nữ tu phải trở về gia đình, giáo hữu phải tự tìm chỗ ẩn. Hai Đức Cha và hai thừa sai đến náu thân tại làng Kiên Lao.
Kiên Lao là một làng lớn, nguyên số tín hữu cũng lên đến 5.000 người. Các kỳ mục trong xứ thu xếp cho hai Đức cha và hai thừa sai ở bốn nhà khác nhau. Gần chỗ Đức cha Ignatiô Y trốn có thày đồ Hy, các kỳ mục cẩn thận đến điều đình xin ông tạm thời dời chỗ dạy học. Thấy lạ thày đồ gạn hỏi các học sinh và biết được có người Âu Châu núp, liền đi báo với các quan. Ngày 27.05.1838, khoảng 200 lính đến bao vây làng Kiên Lao dưới sự chỉ huy của quan Lê văn Thế. Họ kiểm tra qua loa rồi bỏ đi. Các thừa sai tưởng yên ổn nên sinh hoạt bình thường. Không ngờ ngay sáng hôm sau, quân lính trở lại và bao vây đùng nhà các ngài đang ở ẩn.
Cha Jimenô Lâm và cha Hermosilla Vong nhanh chân trà trộn vào đám đông chạy thoát. Đức Cha Henares Minh được đưa đi trốn ở nhà khác (một tuần sau mới bị bắt). Còn Đức cha Y đã 76 tuổi, được anh em tín hữu khiêng đi trên võng bị lính nhận ra, đuổi theo và bắt tại chỗ. Họ trói Đức Cha nằm trong võng và cáng về đình làng, vừa đi vừa reo hò mừng rỡ, quên cả việc bắt các thừa sai còn lại.
Viên quan hỏi Đức cha "Ông từ đâu đến?". Ngài đáp: "Tôi ở nơi khác mới đến làng này, họ chẳng liên hệ gì đến tôi". Quan nói: "Ông đã bị bắt, ông có thể tự vẫn như những người dũng cảm khác thường làm". Đức Cha trả lời: "Chúng tôi không được tự vẫn, vì đó là trọng tội. Nhưng nếu vì đạo, quan truyền giết tôi thì tôi hết sức vui mừng".
Chiều đến, đức cha được đưa về phủ Xuân Trường. Đêm đó quan Lê Văn Thế truyền nhốt Đức Cha vào cũi gỗ, bốn phía có các hàng song như cũi giam thú dữ, các song gỗ được đóng liền sát với nhau không thể thò tay ra ngoài, trên nóc ông cho trổ một cửa nhỏ để đưa cơm nước cho tù nhân. Chiếc cũi thấp tè, khiến người bị giam không bao giờ đứng thẳng được, đó sẽ là căn nhà của đức cha từ nay cho đến chết.
Về phần Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh, khi nghe tin liền gởi 100 lính đến hỗ trợ, áp giải tử phủ về tỉnh Nam Định 11 giờ trưa, ngày 30.05, tất cả các quan tỉnh cùng 2000 lính đón chờ "con mồi vĩ đại" mới bắt được. Cờ xí rợp trời, trống cái trống con, chiêng la vang dội… thế là họ vô tình đón rước người anh hùng đức tin với nghi thức một quân vương. Còn vị anh hùng, ngài quỳ gối cầu nguyện trong cũi, tay không rời cuốn sách vẫn đem theo từ lúc bị bắt, có lẽ là cuốn sách nguyện.
Không thể kể cho xiết những nỗi khốn cực đức cha phải chịu suốt 43 ngày bị giam trong cũi. Ăn uống thì thiếu thốn, rồi những buổi tra hỏi, những lời sỉ nhục chửi bới, có người còn nhổ nước miếng vào mặt. Sau những buổi hỏi cung, quân lính khiêng cũi ra bỏ ở cửa Tây của thành. Mình ngài lúc nào cũng nhễ nhãi mồ hôi dưới sức nóng mặt trời hoặc lạnh cóng vì sương đêm lạnh lẽo. Thế nhưng ngoài những lời khai về lý lịch bản thân, đức cha không tiết lộ một người nào hay một vùng nào liên hệ.
Thỉnh thoảng đức cha lại nói với quan và lính rằng: "Các ngài chưa biết về đạo Chúa Giêsu, nếu các ngài biết, hẳn các ngài sẽ theo đạo".
Ngày 14.06, Trịnh Quang Khanh gởi bản án về hoàng cung, nhưng vua Minh mạng không châu phê, vì vua muốn vị thừa sai nhận tội "làm mật thám". Dĩ nhiên ngài không thể nhận điều vu cáo ấy được. Một hôm ngài nói với quan: "Tôi ở An Nam đã 48 năm, tôi có giấy tờ của Tiên Đế (Gia Long) cho phép giảng đạo. Xin quan cứ dẫn tôi về triều đình, nếu vua muốn nướng thịt tôi mà ăn thì tôi cũng chịu…Xin đừng để lâu kẻo quân lính trông coi vất vả làm gì".
Án xử lần thứ hai gởi vào kinh được vua châu phê ngay, nhưng bản án chưa kịp về đến nam Định thì đức cha đáng kính đã từ trần. Với tuổi già 76, cộng với sức yếu vì bệnh tật, một tháng rưỡi trong cũi đã làm đức cha kiệt lực và an nghỉ trong Chúa ngày 12.07.1838, sau 43 năm làm Giám Mục. Quân lính thấm dầu vào vải, quấn quanh ngón chân, đốt thử xem chết thật chưa, rồi báo cho quan tổng đốc hay. Quan quyết định: "Cứ thi hành mọi sự như án đã đề ra, để mọi người biết tội y nặng nề dường nào."
Quân lính liền khiêng cũi đức cha ra pháp trường Bảy Mẫu, đưa thi thể ra ngoài, rồi chém đầu trước sự hiện diện của quan giám sát và một vài tín hữu. Thi hài vị tử đạo được các tín hữu đem về an táng tại nhà thờ một thánh đường đã bị phá hủy ở Bùi Chu. Thủ cấp đức cha được treo nơi công cộng ba ngày, rồi ném xuống sông Vị Hoàng. Hơn ba tháng sau một người đánh cá vớt được, đưa về an táng chung với thi hài của ngài.
Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII suy tôn vị giám mục dòng thuyết giáo Ignatiô Y lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
 
Thánh Phêrô Hoàng Khanh - Linh mục
(1780-1842)
 
Phêrô Hoàng Khanh, Sinh năm 1780 tại Hòa Duệ, Nghệ An, Linh mục, bị xử trảm ngày 12/07/1842 tại Hà Tĩnh dưới đời vua Thiệu Trị. Ngày 02.5.1909, Đức Piô X suy tôn cha Phêrô Khanh lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 12/07.
Cuộc đời thánh Phêrô Khanh gợi lên cho chúng ta một mùa gặt phong phú. Một người đổ mồ hôi gieo giống trên nương đồng, đến ngày thu hoạch thì vui ca, tay ôm bó lúa chín vàng lựng hương (Tv 125). Vì giữa những ngày bị bách hại đen tối, khi chủng viện chính thức bị giải tán, cha Khanh là người đã đào tạo được 40 chủng sinh, trong số đó thành đạt tám linh mục.
Phêrô Khanh sinh khoảng năm 1780 tại làng Nguyên Kiệt, xã Hoa Duệ, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã dởi cậu vào trong nhà xứ để được đào tạo thành thầy giảng. vì thiệt thành với giáo hội và thấy rõ nhu cầu dân Chúa, thầy Khanh xin phép và được bề trên chấp nhận cho học thêm để trở thành linh mục. Nếu ngày xưa thánh Ignatiô đã ngoài 30 tuổi còn cắp sách đến trường thì thầy Khanh năm 25 tuổi mới bắt đầu vật lộn với những mầu chia danh từ Latinh đầu tiên. Suốt 14 năm liền, thầy kiên trì tự học, tìm các linh mục để hỏi thêm và cuối cùng thầy được toại nguyện. Năm 1819, khi đã 39 tuổi, thầy thụ phong linh mục.
Như một nhà thám hiểm leo núi, khi đã tới đỉnh núi, nhìn thấy cả một bầu trời rộng lớn bao la thì muốn mời gọi nhiều người cùng lên cao với mình. Cha Khanh sau khi đã lãnh sứ vụ linh mục, nhìn thấy rõ hơn cánh đồng Việt Nam bát ngát còn thiếu thợ gặt, biết bao tín hữu cần người săn sóc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Cha thấy rõ số thừa sai và linh mục bạn nằm xuống trong cuộc bách hại, việc truyền giáo cần những bàn tay kế thừa và phát triển. do đó, tuy bận rộn với việc mục vụ, cha đầu tư mọi khả năng của mình đào tạo linh mục tương lại.
Theo sự điều động của giáo phận, cha phục vụ tại nhiều nơi: họ Trai Lẻ, họ Quỳnh Lưu, rồi sau đến các xứ Thọ Kỳ, Thọ Ninh, Long Trương, Ngân Sáu. Nhưng bất cứ ở nhiệm sở nào, bất cứ lúc nào, nhà cha cũng là một tiểu chủng viện thu hẹp. Cha nuôi một số thiếu niên nam, dạy giáo lý, hướng dẫn và gợi lên trong các em nhiệt tâm tông đồ. Với tình yêu của người cha, với sự thận trọng tinh tế của một nghệ sĩ, cha chú tâm vào việc đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai trong Giáo hội.
Bên cạnh những bài học và lời giáo huấn, chính đời sống cha là một gương sống động cho họ, khi cha dâng lễ, mọi người như gặp gỡ được Thiên Chúa. Khi cha giảng, mọi người đều thấy sốt sắng thêm lên. Không bao giờ cha ngại ngùng với bất cứ điều gì. vì ích lợi các linh hồn, cha vui vẻ chu toàn các công tác không một lời ta thán. Giữa đêm khuya, nếu có ai gọi đi giúp bệnh nhân, sẽ thấy cha nhanh nhẹn thế nào.
Trong một giai đoạn lịch sử khó khăn, việc đào tạo phải thực hiện cách lén lút và riêng tư từng người một thì con số 40 chủng sinh, tám linh mục, quả là con số đáng kể với 22 năm linh mục của cha, quả là bó lúa vàng nặng trũi hạt mà cha đóng góp được cho Giáo hội Việt Nam.
Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, tình hình Giáo hội có vẻ tự do hơn, cha Khanh càng an tâm và hăng say với sự vụ tông đồ hơn trước. Nào ngờ cuối tháng 1.1842, khi tháp tùng cha Masson, phụ tá giám quản đi công tác ở Hà Tĩnh, cha bị quân lính chận lại khám xét và bắt giam.
Mới vào tù được ít bữa, cha đã được mọi người kể cả lính canh ngục quí mến vì tính vui vẻ và hòa nhã. Uy tín của cha gia tăng nhờ tài năng y sỹ, nhất là sau một lần chữa bệnh nổi tiếng. Viên cai ngục ở Hã Tĩnh có một cô tình nhân đang mang thai lại mắc bệnh, cô đã chạy nhiều thầy thuốc nhưng vẫn chưa khỏi. Nghe lời đồn đãi, ông cai đến nhờ cha Khanh chữa trị, và đích thân đưa cha đến phòng bệnh nhân.
Sau khi chẩn bệnh, cha kê cho ông một toa thuốc nam gồm năm loại dược thảo để sắc lên cho bệnh nhân uống. Sáng hôm sau, một gia nhân của ông cai đến lạy cha ba lạy để báo tin bệnh đã thuyên giảm. Cha hỏi lại bệnh đã giảm thật chưa, rồi cho thêm một ngày nữa, đến ngày thứ ba bệnh khỏi hẳn. Từ đó, khắp miền Hà Tĩnh đều biết tiếng và ca tụng người tù nhân là thầy thuốc "mát tay". Nhưng điều cha vui mừng thực sự không phải vì tiếng đồn cho bằng việc có nhiều người đến xin học đạo, trong đó có song thân của quan án. Ngay cả cô gái đã được cha chữa trị, sau khi sanh con trai, cũng đến xin cha rửa tội cho mình và con.
Vì mến phục vị chứng nhân đức tin, các quan tỉnh tìm cách cứu cha khỏi chết. Các ông đề nghị cha giấy chức vụ linh mục, trước sau cứ khai nghề thầy lang thì họ tìm cách xin ân xá. Nhưng cha Khanh không chấp nhận đề nghị phải nói dối ấy. Thế là bản án của cha được gởi về Huế để vua Thiệu Trị ký duyệt. Ngày 11.7.1842, bản án được gởi lại Hà Tỉnh kết án cha là "một kẻ điên rồ", mù quáng và dốt nát đáng chém đầu.
Ngay sáng hôm sau, bản án được thi hành, chấm dứt năm tháng rưỡi ngục tù và 62 năm sống trên dương thế của vị chứng nhân đức tin. Thi thể vị tử đạo được đưa về Kẻ Gòn, cha Masson cử hành tang lễ cách trọng thể với sự tham dự đông đảo của các tín hữu.
Ngày 02.5.1909, Đức Piô X suy tôn cha Phêrô Khanh lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
 
Thánh Anê Lê Thị Thành (Bà Đê) - Giáo dân
(1781-1841)
 
Anê Lê Thị Thành (Bà Ðê), Phụ nữ có chồng; sinh năm 1781 tại Bái-Ðền, Thanh Hóa; chết rũ tù ngày 12 tháng 7 năm 1841, tại Nam-Ðinh. Ngài sanh trưởng trong một gia đình công giáo và là mẹ của 6 người con. Ngài bị bắt khi đem thư của các vị thừa sai bị nhốt trong tù, và bị bắt. Phong Á Thánh 1909. Ngày Lễ: 12 tháng 7.
Thánh nữ tiên khởi Việt Nam
Nhìn lại lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, số chị em phụ nữ góp phần xương máu làm chứng đức tin không phải là ít. Tuy nhiên tinh thần kiên cường bất khuất vì Đức tin kitô giáo của thánh nữ Anê Lê thị Thành là một mẫu gương hiếm có. Chính quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh nổi tiếng "hùm xám tỉnh Nam" (Nam Định) cùng đành phải bất lực trong việc thuyết phục bà chối đạo. Quan áp dụng nhiều phương thế, từ khuyên dụ ngon ngọtt đến tra tấn nhục hình, gông xiềng, đòn đánh đến tan nát thân mình, cũng không thể lung lạc đức tin trung kiên của thánh nữ. Những giọt máu tung toé vì đòn vọt đã trở nên những bông hoa hồng kết thành triều thiên tử đạo, phần thưởng tuyệt hảo Thiên Chúa trọng thưởng: Anê Lê thị Thành, thánh nữ tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Người mẹ gương mẫu
Anê Lê thị Thành sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo Mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi cô kết hôn cùng anh nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hoà sinh hạ được hai con trai tên Đê và trân và bốn gái: Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Tục lệ địa phương thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, vì thế mới có tên ông Đê, bà Đê. Hai ông bà sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Cô Lucia Nụ, con gái út cung khai khi giáo quyền thẩm vấn trong việc điều tra phong thánh như sau:
"Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ".
Một người con khác, cô Anna Năm cũng xác minh: "Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi: Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui long đón nhận Thánh Giá chúa gởi cho. Người cũng thong khuyên vợ chồng tôi: "Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ".
Bà Anê Đê thật là tấm gương sáng về đạo hạnh cho các bà mẹ công giáo.
Từ bác ái đến tử đạo
Ông bà Đê có long bác ái hay thương giúp đỡ người, nhất là trọng kính và sốt sắng giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục thừa sai trú ẩn. Chính đức ái đó đã đưa bà Đê đến phúc Tử Đạo.
Tháng 03.1841 đời vua Thiệu Trị, có bốn linh mục hiện diện tại làng Phúc Nhạc. Cha Berneux Nhân ở nhà ông tổng Phaolô Thức, cha Galy Lý ở nhà ông Trùm Cơ, cha Thành ở nhà bà Đê và cha Ngân ở một nhà khác.
Một người tên Đễ theo giúp cha Thành muốn lập công và tham tiền đã mật báo tin các linh mục trú ẩn cho quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh. Chính quan Tổng Đốc đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc vào đúng sáng ngày lễ phục sinh (14.04.1841). Quan truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà. Hai cha Thành và Ngân trốn thoát kịp. Cha Nhân vừa dâng lễ xong vội rời khỏi nhà trọ, sang trốn trên gác bếp nhà phước Mến Thánh Giá, nhưng vô tình để gấu áo ra ngoài kẽ ván nên bị bắt trứơc nhất. Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre: "Xin cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát, bằng không cha và con đều bị bắt".
Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ lấy rơm và cành khô che phủ lên, nhưng quân lính đã trông thấy cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá Anna Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa.
Mặc áo hoa hồng
Quân lính áp giải các nạn nhân về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo bà đáp: "Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời…"
Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải thích vì sao bà kiên tâm như vậy: "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn"
Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba thấy bà Đê vẫn một long trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Gia. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá"
Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: "Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa". Quả thật bà đã thể hiện trọn vẹn mối phúc thứ tám:
"Tin yêu Chúa Tể muôn trùng ,
Tan vàng nát ngọc chữ trung một lòng".
Cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: "Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?"
Bà còn khuyên: "Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng"
Ngoài những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà còn chịu thêm đau đớn của bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu tận tâm săn sóc bà, các linh mục gởi thuốc đến thăm, ban bí tích giải tội, xức dầu và giúp bà. Trong giờ hấp hối người ta thường nghe bà cầu nguyện: "Lạy Chúa, chúa đã chịu chết vì con, con hết long theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con".
Cuối cùng bà dâng lời sau hết: "Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự".
Bà Anê Đê đã về nhà cha trên trời trong tinh thần thánh thiện ấy. Hôm đó là ngày 12.07.1841, sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin. Bà hưởng thọ 60 tuổi.
Theo tục lệ, người lính cho đốt ngón chân bà để cho biết nạn nhân không còn sống. Họ tẩm liệm thi hài vào quan tài do nhà chung đem tới, rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng về Phúc Nhạc.
Ngày 02.05.1909, Đức Piô X đã suy tôn chân phước cho bà Anê Lê Thị Thành. Bà thực xứng danh là gương mẫu và là các bổn mạng các bà mẹ Công Giáo Việt Nam. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
 
tinmung.net
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log