Ngày 22.01, Kính Nhớ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Matthêu Đậu, Phaxicô Tế, Linh Mục.
Cập nhật lúc 22:54 21/01/2018
THÁNH MÁTTHÊU ĐẬU
(1702-1745)
Matthêu Ðậu (Matthaeus Alonso Leciniana), Sinh năm 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.
Các lệnh cấm đạo năm 1750, 1754, và 1765
Cuối năm 1748, Trịnh Doanh đi thăm các trại lính thấy khẩu đại bác có chữ Âu Châu muốn biết xem là chữ gì liền ra lệnh tìm người Âu Châu. Cha Paleceuk Dòng Tên được đưa đến để giải thích các chữ viết, đồng thời khuyến khích chúa Trịnh tin dùng người Âu Châu làm cố vấn. Ngay lúc đó Trịnh Doanh ra lệnh phóng thích 7 người Công Giáo đang bị giam giữ ở Kinh Ðô và xin Cha Paleceuk tìm các chuyên viên toán học và thiên văn. Bề trên Dòng Tên ở Macao sai Cha Simonelli và 6 vị thừa sai với đầy đử dụng cụ thiên văn và toán học đến. Trong thời gian này giáo dân bắt đầu tổ chức lễ lạy công khai, nhiều quan trở lại đạo và lương dân thân thiện với Công Giáo như trước.
Nhưng không biết vì lẽ gì Trịnh Doanh lại đổi ý, ngày 3-7-1750 lập lại các lệnh cấm đạo cũ. Năm 1751 khi đòan thừa sai từ Macao đến để làm việc theo lời yêu cầu đã bị từ chối không cho phép xuống đất. Sau cha Dòng Tên đã lẻn xuống được, còn cha trưởng đoàn phải trở về Macao.
Ngày 26-10-1754, Trịnh Doanh công bố một lệnh cấm đạo mới. Nội dung như sau: "Hội đồng các quan truyền lệnh cho các huyện như sau: Ðạo 'Hoa Lang' lầm lạc nghịch lại lý trí, mê hoặc lòng dân và còn truyền bá lan rộng đạo lý sai lầm. Các năm trước hội đồng đã gửi các sắc lệnh ngăn cấm để chặn sự xâm nhập của đạo này, nhưng vẫn còn có người tiếp tục làm hư hại người khác. Vì vậy quan trấn các phủ huyện phải bí mật điều tra. Nếu bắt được đạo trưởng thì phải giải họ về kinh, các tín hữu thì phải trừng phạt, hoặc lưu đầy, hoặc tạp dịch trong các chuồng thú vật, hoặc đánh đòn. Nếu các quan chểnh mảng nhiệm vụ này sẽ bị trừng phát, ai nhiệt thành sẽ được trọng thưởng".
Lệnh trên được bí mật gửi cho các quan, nhưng khi các vị thừa sai biết được đã ra lệnh ngưng các buổi hội họp, sửa đổi nhà thờ thành nhà ở, treo cờ, dựng cây nêu... Còn các vị thừa sai thì tạm thời trốn tránh. Kết quả Cha Ðóa bị bắt với 4 người nhà. Cha Cai và 4 người nhà khác cũng bị bắt tại Bố Chính, các chủng sinh tại Thanh Hóa một số bị bắt. Ðịa phận Ðông Ký có một thầy giảng bị bắt tại Xứ Bắc và Cha Alonso dòng Ða Minh cũng bị bắt.
Ngày 15-9-1765, Trịnh Doanh kết án một nhà sư và ra lệnh giải tán một số chùa chiền, nhưng vì sợ dân chúng phản loạn cho là bắt đạo Phật nên Trịnh Doanh ra lệnh cấm luôn cả đạo Công Giáo. Các vị thừa sai chỉ nhắc đến những vụ bắt bớ do quan lại muốn làm tiền, không có ghi lại sắc lệnh. Kết quả là Cha Orta người Ý thuộc Dòng Tên và Cha Ðóa Dòng Ða Minh bị bắt tại Thanh Hóa. Ngoài ra Cha Gioan Hiên và nhiều cha khác đi làm lễ Phục Sinh cũng bị bắt. Khi Trịnh Doanh chết cuộc bắt bớ mới tạm yên.
Linh Mục Mateo Alonso Liciana Ðậu,
Cha Mateo Liciana sinh ngày 26-11-1702 tại Nave del Rey và nhập tu viện Ða Minh S. Croce tại Segovia. Năm 1723, ngài khấn trọn đời rồi tiếp tục học thần học và tu đức. Về tuổi trẻ của ngài, chúng ta không được biết gì nhiều. Năm 1729, tỉnh dòng Phi Luật Tân tuyển mộ các vị thừa sai để làm việc tại đây. Cha Mateo xin ghi tên, nhưng sau lại rút lui. Ngài cảm thấy xấu hổ nên xin làm linh mục và phục vụ tại một tỉnh dòng khác. Một cơn bệnh làm cho ngài suy nghĩ nhiều đến việc từ chối đi truyền giáo. Dịp may lại đến để cha có thể chuộc lại lỗi cũ, ngày 4-7-1729 cha và hai thầy khác nhập đoàn 27 người thừa sai đi Phi Luật Tân.
Ðoàn truyền giáo tới Manila tháng 10-2730. Cha Mateo được chỉ định đi Bắc Kỳ. Ngày 13-2-1731, cha khởi hành đi với hai tu sĩ khác bằng tầu buôn Hòa Lan. Ngày 18-1-1732, cha tới Bắc Kỳ và được đưa tới nhà Ðức Chúa Trời ở Trung Linh để học tiếng Việt trong năm tháng. Tại đây cha được đặt tên là Ðậu. Trong thời kỳ này giáo dân tại đây đang bị bách hại do sư Tình cầm đầu. Cha Ðậu phải trốn tránh nay đây mai đó, 7 tháng lưu lạc.
Từ năm 1733 cha được chỉ định coi Nam Thượng, rồi thêm ba huyện là Giao Thủy, Vụ Thiên và Chấn Ðinh, sau đó lại thêm Phú Thái và Nam Chân. Tại đây đang có loạn nổi lên làm cho việc giảng đạo phải lén lút, khi đi bộ, khi đi thuyền như các dân chài. Hồi ấy các cha thường đi làm phúc các họ một năm hai lần. Dù đang cơn bắt bớ, Cha Ðậu rất nhiệt thành với việc tông đồ. Người chứng thứ mười hai đã làm chứng về lòng nhiệt thành của ngài rằng: bất kể gian nguy, có một lần họ khuyên ngài đừng đến một làng nguy hiểm thì ngài trách mắng và khuyên bảo họ như sau: "Nếu vì sợ bị bắt mà không đi làm phúc cho bổn đạo thì cha đến xứ này để làm gì? Nếu chúng con sợ vất vả thì còn làm được cái gì nữa? Nếu sợ chết nữa thì theo cha làm chi. Cha đi một mình vậy".
Suốt trong 10 năm làm việc tông đồ cha trốn thoát khỏi tay kẻ thù đến bốn năm lần. Một lần khác, hay tin ở làng Kẻ Bái có một người chối đạo, tên là Chinh Nam, và trở thành kẻ thù của người Công Giáo, Cha Ðậu mạnh mẽ đến gặp ông ta và dùng lời lẽ khôn ngoan đã khuyên được ông ta trở về và làm cho giáo dân ở đó được an tâm. Ngoài ra, tại Bắc Kỳ lúc đó có nhiều thiên tai và dịch tễ, Cha Ðậu tỏ ra nhiệt thành bác ái không sợ bị bệnh tật nữa. Người chứng thứ 34 nói về lòng bác ái của cha như sau: "Một năm tại làng tôi có dịch tễ, Cha Ðậu tới cả ngày cả đêm không kể thời tiết xấu. Dù bị bệnh, ngài phó thác nơi Chúa, vẫn tiếp tục đi săn sóc các bệnh nhân khác. Cha Ðậu còn sốt sắng khuyên bảo những người rượu chè và cờ bạc. Ngài có tài khuyến dụ họ bỏ được các thói xấu đó".
Tóm lại, trong 10 năm cha vừa trau dồi nhân đức bằng việc cầu nguyện hãm mình, vừa sốt sắng làm việc tông đồ và xả thân cứu giúp người nghèo khó.
Ngày 29-11-1743, một giáo dân tên là Ðào Tất Ðạt đã đi tố giác nơi cha ở. Sáng sớm đang khi Cha Ðậu làm lễ thì lính nhà quan ùa đến Lục Thủy tìm bắt ngài. Cha Ðậu vội cầm mình thánh trốn vào trong thì bị tên lính túm tóc đánh vào hông làm ngài té xuống đất. Tên này còn đá lên đầu cha làm máu chảy ra. Mấy tên lính khác lột áo ngài và đem chia nhau. Ðồng thời họ cũng bắt luôn Thầy Ignatiô Nguyễn Văn Quí, còn cha phó Giuse Ðinh thì chạy trốn kịp, và hai thầy khác là Sien và Dan cũng cởi trói trốn ra được.
Cha Ðậu và Thầy Ignatiô Quí bị trói và dẫn đến nhà quan phủ Lê Phong tại Vị Hoàng. Tới nơi vào nửa đêm, quan phủ chỉ hỏi tên tuổi rồi cho lính xích chân tay và cấm không cho ai được đến gần. Ít ngày sau, quan phủ cho giáo dân biết sẽ thả cha nếu họ chịu nộp một số tiền lớn. Giáo dân gom được 90 lạng bạc giao cho quan. Quan vui vẻ nhận nhưng để mặc giáo dân chờ đợi trong thất vọng. Có một đêm, một người lính Công Giáo đến đòi bẻ xích để cha trốn đi, nhưng cha đã không chấp nhận một sự tự do như thế vì nguy hiểm cho người lính. Sau cùng họ giải cha đi Hà Nội, cha cứ tưởng giờ tử đạo đã đến nên dọn mình suốt cả đêm. Cha bị dẫn đi trong thành phố như những tên tội phạm, trẻ con và dân chúng hai bên đường chế diễu.
Ngày 18-12-1743, cha được giao cho quan Ðề Lĩnh, con rể của chúa Trịnh, đang trị nhậm Kẻ Chợ. Ban đêm cả hai vợ chồng tới tra vấn và xem cho biết mặt mũi người Âu Châu ra sao. Khi quan hỏi tên tuổi, thời gian cha ở Bắc Việt, đến đây làm gì và giảng dậy những gì, Cha Ðậu đã thưa lại tên ngài là Mateo, đến Bắc Việt được 12 năm và là thầy cả của đạo thánh Ðức Chúa Trời, đạo chân thật, đến xứ này để giảng về Chúa chân thật và về ba bậc cha, đó là Cha Trời Ðất, cha của quốc gia, và cha gia đình. Sau đó ngài đọc cho quan nghe 10 điều răn.
Quan Ðề Lĩnh lại hỏi tại sao có lệnh vua quan cấm đạo mà còn đến? Cha Ðậu trả lời là chính vì có lệnh cấm mới không dám xuất hiện công khai, phải lén lút gặp gỡ giáo dân ban đêm để có thể giảng đạo và khuyên nhủ người ta theo con đường thiện hảo. Dân chúng nghe tin có người Âu Châu trong tù cũng tuốn đến xem. Dầu vậy cha vẫn bị đối xử như một người trộm cướp. Bốn tháng trời bị giam giữ trong nhà tù của quan, Cha Ðậu không ngừng rao giảng đạo cho những người đến thăm. Thấy cha giảng vất vả, lính canh tháo gông để cha dễ dàng nói về đạo hơn.
Cha bị tra vấn cả thảy 7 lần, mãi tới ngày 3-4-1744 cha mới được đưa ra tòa lần đầu tiên cùng với các đồ đạo như thánh giá, ảnh đạo và sách nguyện mà chúng đã tịch thu. Một trong ba quan án trỏ vào cây thánh giá hỏi ngài: "Cái gì đây?"
Cha Ðậu trả lời: "Ðó là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã xuống trần làm người và chịu khổ để đền tội cho nhân loại vì tổ phụ con người đã bất tuân lệnh Chúa Trời đất, và vì không ai chuộc được lỗi tầy trời ấy nên Con Chúa Trời đã làm người chịu chết chuộc tội và có thể làm cho con người được lên trời".
Sau đó quan còn hỏi những bức ảnh Ðức Mẹ, Thánh Giuse, v.v... và nghe đọc sách nguyện. Quan lại hỏi về luật trong đạo. Cha Ðậu trả lời: "Tôi có nhiều sách in chữ Hán do các tiến sĩ ở Bắc Kinh, cũng như mấy cuốn sách in bằng chữ An Nam nữa, mà nếu quan có đọc thì chắc sẽ không bắt tôi giam tù như thế này".
Sau đó quan hỏi về quê quán và đời sống bên nước Tây Ban Nha như có nhà cửa, tòa án không, người đàn bà có theo đạo như vậy không, v.v....
Ngày 12-4 cha lại bị đem ra trước tòa và quan án hỏi: "Ông có dám đánh cây thánh giá không?"
- "Bẩm quan tòa, tôi là đạo trưởng đến đây để rao giảng luật đạo đức chân thật của Chúa, bởi vậy tôi không khi nào chối đạo và đánh vào ảnh tượng là một trọng tội. Luật mà tôi giảng dậy là chân thật và công bằng, giúp người ta thoát bỏ con đường tội lỗi để trau dồi đức hạnh trong việc tôn kính ba bậc cha".
- "Ba bậc cha là những ai?"
- "Trước hết là Thiên Chúa cao cả, Cha của mọi thần thánh, rồi mỗi nước có vua và các quan, sau cùng là cha mẹ và các tổ tiên. Con người đã nhận bao nhiêu ân huệ từ ba bậc cha này".
Cha Ðậu được đưa ra khỏi tòa và họ bắt đầu tra vấn Thầy Ignatio Quí trong hai tiếng đồng hồ. Sau đó lại gọi Cha Ðậu trở lại và hỏi có biết Thầy Hoi, Thầy Xa, Thầy Thiên, và Thầy Kiên không, đồng thời đe dọa là không được nói dối. Cha Ðậu trả lời: - "Không biết. Tôi chỉ biết tên Ignasio, Luca, Giovani và Giuse".
- "Quê quán của mấy người này ở đâu?"
- "Tôi không biết."
Họ liền bàn luận với nhau về phép Rửa Tội. Cha Ðậu liền nhân cơ hội nói với họ đầy đủ về các bí tích: "Chúa chúng tôi là Ðức Giêsu Kitô đã lập ra 7 nghi thức gọi là bí tích, phép Rửa Tội là một trong 7 bí tích đó. Ðức Kitô đã truyền cho các môn đệ phải đi khắp thế giới để làm phép Rửa Tội và giảng luật cứu rỗi".
- "Trong 13 năm qua ông ở những đâu?"
- "Tôi đi nhiều nơi khác nhau, chỉ có tỉnh Nam Ðịnh là ít mà thôi".
- "Có phải là ban đêm đàn ông đàn bà ngủ chung với nhau không?"
- "Ðây là một lời vu khống tầy trời nhắm làm hại người Công Giáo chúng tôi".
- "Ông có phù phép gì mà làm cho người ta tin thế? Ông có vợ không? Chịu vất vả như thế này ông được thưởng gì chứ?"
- "Tôi đã dâng hiến trọn đời cho Chúa và giảng dậy người ta chỉ làm điều lành chứ không được làm những điều ám hại, và cuối cùng tôi chỉ mong phần thưởng trên nước trời".
- "Ai đã dẫn ông tới Bắc Kỳ? Ông sống bằng cách nào?"
- "Người Trung Hoa đã dẫn tôi vào. Tôi chỉ sống bằng của bố thí của giáo dân. Trong thời giặc giã thì tôi ở Nam Chan".
Sau đó các quan soạn ra một bản án như sau: "Tuân theo các lệnh của chúa, chúng hạ thần đã xem xét bản tâu trình của đại quan Lê Phương, tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh, và đô đốc Ðiều, người đã bắt và giao nộp tên đạo trưởng Ðậu và một số đồ đạo. Chúng hạ thần ký nhận và chịu trách nhiệm rằng đạo trưởng Ðậu, còn có tên là Mateo, từ năm Nhâm Tí 1732 cho đến nay đã sống tại Giao Thủy và dậy dỗ dân chúng những điều chẳng nên và dụ hoặc những người dân đơn sơ. Vì vậy quan Lê Phương và quan Ðiều đã sai Ðào Tất Ðạt truy lùng chỗ ở. Sau khi dò thám ra nơi ở đã sai binh sĩ đến bắt giam và tịch thu đồ đạo. Họ đã bắt giữ đạo trưởng Mateo và thầy Nguyễn Văn Quí cùng với sách luật và tượng ảnh. Sau khi xem xét kỹ lưỡng các sự việc kể trên, chúng hạ thần quyết định rằng đạo trưởng 'Hoa Lang' Mateo đáng tội chết và Nguyễn Văn Quí phải đầy chăn voi cho vua và công việc nặng nhất sẽ dành cho y. Các đồ đạo thì phải thiêu hủy. Ðối với quan Lê Phương và quan Ðiều vì đã có công với quốc gia sai lính bắt được đạo trưởng nên sẽ trọng thưởng 70 nén bạc. Ðó là bản án chúng hạ thần đệ trình lên chúa châu phê. Ấn ký ngày 20-3-1744 (Âm Lịch), năm thứ năm của Minh Vương".
Tuy nhiên bản án trên đã không được thi hành, và vì có loạn nên 6 tháng sau bản án được đổi sang lưu đồ chung thân. Bản án được châu phê, nhưng ít ngày sau gặp thời kỳ hạn hán nên chúa Trịnh ra lệnh giảm các án, Thầy Quí được trả tự do sau khi nộp một số tiền, còn Cha Ðậu thì bị tù chung thân. Ngày 30-5-1744 cha được chuyển sang ngục Ðông, nơi Cha Tế đang bị giam giữ. Cũng như Cha Tế, ngài thường ra nhà bà Gạo dùng cơm và được khá nhiều tự do.
Trong tù, cha ăn mỗi ngày một bữa, tiền còn lại đem cho người nghèo, đồng thời cha còn dậy ba chú học tiếng Latinh, và giảng dậy cho những người đến thăm cha, trong một căn nhà riêng cạnh nhà tù. Ngày lễ có tới 150 người đến dự, có khi họ còn bí mật võng cha đi thăm kẻ liệt. Có lần cả hai cha được đưa đến nói truyện với một quan trong triều về đạo và tặng quan một cuốn sách.
Khi Cha Tế được tin về án xử thì vui mừng, còn Cha Ðậu thì buồn. Giáo dân làm bản kiến nghị để tù nhân kháng cáo lần cuối khi đi qua phủ chúa Trịnh, Cha Ðậu cũng xin đi theo để chứng kiến việc hành quyết và đồng thời đưa cho quan bản kiến nghị. Trong bản kiến nghị ngài hỏi tại sao bạn ngài bị chém đầu còn ngài thì không, trong khi cả hai cùng là đạo trưởng, nếu chém đầu thì phải chém cả hai, còn nếu tha một thì phải tha cả người kia, và cuối cùng ngài yêu cầu được cùng chung một số phận với người bạn. Chúa Trịnh thấy hành động táo bạo như vậy liền ra lệnh làm một bản án cho Cha Ðậu cùng bị chém. Bản án được viết như sau: "Các quan do chúa Trịnh chỉ định, xét lại bản án do cấp dưới đã trình lên như sau: Tên này trước kia đã bị kết án tử và bây giờ án được lập lại. Vậy ngoại nhân thứ nhất Francis Gil (cha Tế) là một đạo trưởng đạo 'Hoa Lang', tên ngoại nhân thứ hai Mateo (cha Ðậu) cũng là đạo trưởng đạo 'Hoa Lang'. Tên sau này án được chuyển sang tù chung thân nhưng vừa được đổi thành xử trảm. Ấn ký ngày 10-12 năm thứ năm Minh Vương. Quan án: Phương Hùng, Nghĩa Hậu, Liêm Ngũ Lục, và Trung Hầu". Thế là hai cha cùng bị đem đi với 8 tên tội phạm khác ra nơi xử.
Một nhân chứng tường thuật buổi hành quyết như sau: Hai cha đi vào chỗ thứ ba và bốn, giữa 8 tên tội phạm khác, bị xích lại với nhau thành một hàng. Trời mưa đổ xuống trên đầu trần các ngài, thỉnh thoảng các ngài giơ tay lau nước mưa, nét mặt vẫn hân hoan. Tới nơi các ngài quì xuống cầu nguyện một lát. Sau đó được đưa tới mô đất có trải chiếu sẵn, các ngài lại nằm phục xuống một lúc rồi quì lên, nghiêng đầu chờ lệnh xử trảm. Giáo dân xin hai cha ban phép lành. Các ngài xin họ đọc kinh Tin Kính và sau đó Cha Ðậu tính giảng lần cuối cùng, nhưng một tên lính ngăn lại nói: "Chúa Trịnh kết án vì giảng đạo sai lầm này sao ngươi còn muốn tiếp tục?"
Cha Ðậu liền nói: "Tôi đến Bắc Việt là để giảng đạo của Chúa trời đất để mọi người dân cư trong nước này được biết Ngài là Chúa thật. Tôi quyết tâm rao giảng vì biết rằng các vị ở đây chưa biết Chúa trời đất và chưa phân biệt được điều lành điều xấu và không biết cái gì sẽ xảy ra cho đời sau".
Một tên lính khác lại nhắc lại: "Vua gớm ghét đạo này, sao còn cả gan nói nhảm nữa?"
Cha Ðậu lại nói: "Với cái chết vì đức tin, chúng tôi sẽ được phần thưởng trên nước trời. Cái chết của chúng tôi làm chứng cho cả thế gian về sự thật và sự thánh thiện của đạo Công Giáo trong ngày phán xét. Chính vì vậy chúng tôi không sợ hãi gì cách chết này mà người ta dành cho chúng tôi".
Vào lúc 4:00 giờ chiều ngày 22-1-1745, đầu của hai vị anh hùng tử vì đạo rơi xuống. Một tên lính thét lên: "Rồi đây đói kém và thiên tai sẽ đổ xuống trên chúng ta. Tại sao cứ phải giết các đạo trưởng không hề trộm cắp giết người? Chúng ta đều biết rõ họ là đấng thánh".
Lòng tôn kính các đấng anh hùng tử đạo đã lôi kéo nhiều người đến mộ các ngài để cầu nguyện và xin ơn. Khi về họ còn mang theo nắm đất để kính nhớ các ngài. Cả những người lương cũng đến cầu nguyện nữa.
Một người tên là Giuse Can đã thề là kể chuyện có thật sau đây: "Thầy già Khiêm đã kể cho tôi nghe chuyện tên lý hình Chân Nhuệ, đã bắt Cha Ðậu trước đây, bị đau ốm lâu dài. Sau khi nghe biết Cha Ðậu đã chết vì đạo thánh thì ông ta hối cải cầu xin với Cha Ðậu phù hộ, ông ta được khỏi bệnh cách lạ lùng. Ông ta đã từ bỏ thần phật để theo đạo do Cha Ðậu rao giảng".
Một trường hợp khác được kể lại là người giữ chùa bị đau nặng dù đã cầu đảo các thần phật và chạy chữa thuốc men nhưng vẫn không khỏi. Một người Công Giáo đến thăm, lặng lẽ nhúng miếng vải đã được thấm máu đào của Cha Ðậu vào ly nước rồi cho bệnh nhân uống mà không nói gì cả. Bệnh nhân vừa uống hết ly nước thì cảm thấy khỏe mạnh. Ông từ giữ chùa sau đó mới được biết liền xin trở lại đạo.
(ST)
Trường thi tử Đạo.
Matthêu Ðậu nêu gương anh dũng
Trước gian nguy Cha cũng hiên ngang
Thừa sai giảng đạo vững vàng
Xa rời Cố Quốc lên đàng truyền rao
Ơn Thiên Triệu biết bao cao quý
Ví đạo Trời quyết chí hy sinh
Ðầu tiên Ngài ở Trung Linh
Việt Nam Bắc Việt Triều đình lùng săn
Trong năm tháng học chăm tiếng Việt
Cha thông minh hiểu biết lẹ mau
Ðặt tên Ðậu bước khởi đầu
Giáo dân dễ nhớ mặc dầu người Tây
Cha đi lại đó đây đường bộ
Cũng có khi giả bộ thuyền chài
Tông đồ rao giảng công khai
Những nơi nguy hiểm nhưng Ngài vẫn đi
Mở nước Chúa sợ chi cản trở
Nếu bắt ta cũng ở ý Trời
Mười năm Cha trốn khắp nơi
Bao lần thoát hiểm Ngài thời vững tin
Người Kẻ Bái đắm chìm chối đạo
Tên Chính Nam họ báo cho Cha
Ngài liền tìm đến tận nhà
Gặp ông khuyên nhủ thật là khôn ngoan
Tại đất Bắc lan tràn dịch tễ
Cha chăm lo bất kể giáo lương
Giầu lòng bác ái phi thường
Ngày đêm đi khắp nẻo đường cứu dân
Một giáo hữu bất thần xớn xác
Lên tâu quan tố giác nơi Cha
Khi đang dâng lễ tại nhà
Lính quan ùa đến bắt Cha túm đầu
Ðạp vào hông nghe đau té xuống
Lột áo Ngài đụng nhuốm máu đầu
Áp giải đi suốt đêm thâu
Ðưa về Hà Nội ngõ hầu tống giam
Ðến ngày xử Ngài van lãnh án
Cùng Cha Tế người bạn đồng hành
Chúa Trịnh ký án rất nhanh
Hai Cha bị trảm ngoại thành Thăng Long
Trời mưa xuống thấm trong vết máu
Giơ tay lau đau thấu ruột gan
Hai Cha vui vẻ hân hoan
Giáo dân kéo tới xin ban phép lành
Một tên lính đứng canh nói vội
Vua rất ghét phách lối cả gan
Ðạo gì lừa gạt nhân gian
Chém đầu đứt cổ Thiên đàng ở đâu
Cha Ðậu nói phép mầu Chúa xuống
Cứu linh hồn lên chốn Thiên đàng
Xác thân tro bụi tiêu tan
Vua quan cũng vậy suy tàn diệt vong
Lý hình Nhuệ thật lòng sám hối
Cầu xin Cha tha lỗi cho con
Lạ lùng bệnh hết không còn
Thành tâm sám hối lãnh tròn ơn thiêng
Matthêu Ðậu năm sinh Nhâm Ngọ (1702)
Tại Navarey nước họ (Tây) Ban Nha
Ất Sửu (1745) tử đạo xứ ta
Bính Ngọ (1906) phong thánh danh Cha sáng ngời
Lời bất hủ: Quan trấn Sơn Nam lúc đó là Lê Văn Phượng hỏi cha Matthêu Ðậu rằng: "Ông có biết lệnh vua cấm giảng đạo không?" Cha đáp: "Chính vì cấm, tôi mới phải ẩn trốn chứ". Quan liền thảo bản án trảm quyết Cha Ðậu.
THÁNH PHANXICÔ TẾ
(1702-1745)
Phanxicô Tế (Francois Gil de Federich), Sinh 1702 tại Tortosa, Catalunha, Tây Ban Nha, Linh mục thừa sai dòng Ða Minh, thuộc địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.
Linh Mục Francis Gil de Federich Tế
Ðứng đầu sổ 117 Thánh Tử Vì Ðạo Việt Nam là Cha Tế và Cha Ðậu, hai linh mục thừa sai người Tây Ban Nha thuộc Dòng Ða Minh. Cha Tế có tên Tây Ban Nha là Gil De Federich, sinh năm 1702 tại Tortosa trong một gia đình đạo đức. Khi được rửa tội, cha mẹ đặt cho nhiều tên thánh khác nhau, tên trong sổ bộ là Francis. Năm 15 tuổi, cậu Gil gia nhập tu viện Ða-Minh tại Tortosa và năm sau, 1718, được tuyên khấn. Thầy Gil tiếp tục học thần học và thụ phong linh mục năm 1727, lúc 25 tuổi.
Hai năm trước khi làm linh mục, Cha Gil đã ghi tên xin đi sang tu viện của dòng ở Phi Luật Tân nhưng bề trên không chấp nhận. Qua năm 1729, Cha Gil lại xin một lần nữa, đơn của ngài được chuyển về Rôma để cứu xét. Ý nguyện của cha được bề trên chấp thuận. Cha cùng với 24 người khác tới Manilla tháng 11-1730. Mặc dù đang cơn bắt đạo, Cha Gil vẫn mong muốn được truyền giáo tại Trung Hoa hay Việt Nam. Cha được bề trên gửi đi Bắc Kỳ và tới nơi ngày 28-8-1735.
Sau 4 tháng học tiếng Việt tại Lục Thủy, Cha Gil được đặt cho một tên Việt Nam là Tế, với nhiệm vụ coi sóc 40 họ đạo trong ba huyện Giao Thủy, Chân Ðinh và Vụ Tiên thuộc trấn Xứ Nam. Tên mà bề trên đặt cho ngài đã trở thành điềm báo cuộc tử đạo, tế hiến chính mạng sống mình cho Thiên Chúa. Trong thời gian làm việc truyền giáo Cha Tế tỏ ra rất nhiệt thành, đặc biệt về lòng bác ái. Mỗi khi có người mời đi kẻ liệt, dù ốm đau hay nguy hiểm, ngài cũng đi ngay.
Ngày 3-8-1737, Cha Tế làm lễ kính thánh Ða Minh tại Lục Thủy Hạ, đang khi còn cám ơn thì có một toán người ập đến lục soát. Giáo dân không kịp giúp cha chạy trốn. Cha bảo họ trốn đi, còn ngài thì ra nộp mình với lòng tin tưởng là Thánh Giuse sẽ giúp. Ngài nói với bọn người đến bắt: - "Các ông tìm ai? Chính tôi đây là người các ông muốn."
Sư Tình ra lệnh trói cha lại đem xuống thuyền. Tại bờ sông họ còn thấy mấy giáo hữu liền bắt đem theo. Cha Tế nói với sư Tình: "Các ông đã bắt tôi rồi, tại sao còn bắt giữ những người này? Xin hãy thả họ ra".
Như một mệnh lệnh, bọn sư Tình liền cởi trói và trả tự do cho mấy người giáo dân. Sư Tình đem Cha Tế về giam tại nhà mình ở Thủy Nhai Thượng, chờ giáo dân mang món tiền kếch sù đến chuộc. Sư Tình hỏi Cha Tế: "Ngươi có sợ không?"
Ngài bình thản trả lời: "Tôi không sợ mà chỉ lo cho giáo dân".
Ðể có thể bóc lột số tiền của giáo dân, sư Tình làm cho họ hoảng sợ bằng cách sai hai tên lính cầm giáo đi hai bên đến nhà giam trói ngài vào cột và đặt bản án ngay bên cạnh như là tội nhân bị hành quyết. Một lần khác ông cho điệu Cha Tế đi đến nhà hội của làng, cho nhiều người giả làm triều đình xét xử. Cha Tế không chút sợ hãi, bình thản lợi dụng cơ hội để giảng đạo cho lương dân. Con trai của sư Tình là Tri Bá đến nhạo cười: "Tôi là một người Công Giáo xấu, tên là Dominic, vụ của cha sẽ ổn thỏa với giá 500 lượng bạc".
Giáo dân thấy vậy thì quyết định đi thẳng với quan trên bằng món tiền lớn hơn. Quan tỉnh là người quỉ quyệt, muốn làm tiền cả đôi bên. Ông nhận tiền của giáo dân, hứa sẽ thả Cha Tế trên đường đưa về phủ. Chính quan đến nhà sư Tình để dẫn giải cha, đồng thời bắt cả cha con đầy tớ sư Tình vì tội chứa chấp đạo trưởng. Quan phủ đã giải các tù nhân về kinh đô để lấy công trạng.
Những ngày bị giam giữ khổ sở và cuộc hành trình đã làm Cha Tế ốm nặng, quan phải kiếm thuốc và cho phép người nhà của cha săn sóc. Ngày 23-8 họ tới kinh đô Hà Nội. Sau đây là cuộc thẩm vấn của các quan: "Ông có biết đạo Kitô bị cấm trong nước không? Sao còn đến đây?"
- "Tôi đến để giải thoát các linh hồn khỏi hư mất".
- "Nếu vua ra lệnh chém đầu thì ông còn làm gì được?"
- "Tôi sẵn sàng chịu sự khổ đó".
Sau đó cha bị giao cho lính canh, họ để cha nằm dưới đất cả lúc trời mưa. Một người y tá Công Giáo từ Lục Thủy đến thăm cha, thấy vậy đi mua cho cha một trái dưa để uống lấy sức. Các gia nhân tại phủ tỏ ra tử tế và săn sóc cha. Ðể trả công, cha giảng đạo cho họ.
Tại đây cha viết vội mấy lời gửi bề trên: "Con tin rằng Chúa đã để con bị sốt nặng để chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa. Những khốn khổ của nhà tù con coi là nhỏ mọn. Thay vì buồn, con cảm thấy vui và sẵn sàng đón nhận những cực khổ như là hồng ơn Chúa gửi đến cho riêng con".
Ngày 30-8, cha được chuyển sang ngục Ðông. Trên đường sang ngục Ðông, trẻ con lấy cành tre làm thánh giá, ném dưới chân ngài để chế diễu. Cha Tế chỉ sốt sắng lượm lên hôn kính. Tại ngục Ðông cha cũng chịu nhiều khốn khó. Các tù nhân cũng tàn bạo với ngài. Tưởng chừng ngài sắp chết, bà Kinh, một người Công Giáo thường săn sóc cha, liền đi mời Cha Ngai, giả làm thầy thuốc và đút tiền để được vào thăm cha. Mấy tên lính canh tù muốn làm tiền giáo hữu nên đeo thêm gông và xích cho cha rồi bảo họ nếu muốn cha được miễn trừ thì phải cho tiền. Khi cha khỏe lại đã cấm các giáo dân đừng làm thế nữa.
Lính coi ngục làm khó dễ, các giáo dân phải cậy nhờ một bà người lương tên là Gạo, nhà ở gần đó, săn sóc cha. Sau này bà được ơn trở lại và rửa tội, lấy tên thánh là Rosa. Trong lời khai trước ủy ban điều tra phong chân phúc, bà đã nói: "Chị của tôi đã phải tha nợ cho mấy tên lính để họ tử tế với cha và cho phép cha ra nhà. Lần khác khi mang thức ăn cho cha họ đã không chịu cho tới khi tôi đưa cho họ món tiền".
Việc to tát bà Gạo có thể giúp cha là cung cấp giấy tờ viết thư và chuyển thư của cha cho bề trên. Sau hai tháng bị giam cha được phép ra nhà bà Gạo để dùng cơm, và tiếp xúc với giáo dân tại kinh đô. Suốt trong 7 năm bị giam cầm, Cha Tế vẫn tiếp tục giúp các giáo dân.
Cuối tháng 10-1737, tòa án bắt đầu xét xử cha công khai. Cha bị dẫn đi, tay mang xích, cổ đeo gông. Trên đường đi, trẻ con lại vất những thánh giá bằng lá tre vào ngài và cười chế nhạo. Một đứa lớn hô to: "Xem kìa, ông cha sẽ chối đạo để giữ cái đầu khỏi bị chém".
Cha Tế liền quay mặt lại nhìn nó và nói: "Không đâu con, cha đã không và sẽ không bao giờ chối bỏ đức tin đâu. Chỉ có chúng con mới làm những điều trái nghịch là đi hành hạ người tù nhân ốm yếu không bao giờ làm hại ai. Hơn nữa chúng con còn chế diễu thánh giá là dấu chỉ ơn cứu rỗi cho mọi người".
Cha Tế và ba người giáo dân cùng với sư Tình bị điệu ra trước tòa án. Quan án bắt đầu thẩm vấn Cha Tế: "Ông bị bắt tại nhà của ai trong 4 người này?"
- "Tại nhà sư Tình. Tôi không hề vào nhà ba người kia".
- "Ông từ đâu đến?"
- "Từ Tây Ban Nha".
- "Ðã bao lâu ông ở tại Bắc Kỳ?"
- "Khoảng chừng hai năm".
- "Ai đã mang ông vào?"
- "Tôi không còn nhớ tên".
- "Vậy ông đã ở những đâu trong hai năm qua?"
- "Tôi không có nơi ở nhất định. Tôi thường đi từ nơi này sang nơi khác".
- "Ai đã nộp ông cho tòa án này?"
- "Ông quan".
- "Ông quan đã bắt ông tại nhà ai?"
- "Tại nhà sư Tình".
- "Ông đã ở nhà ấy bao nhiêu ngày?"
- "Mười hay mười một ngày gì đó".
- "Ông có dậy đạo cho người ấy không?"
- "Không".
- "Vậy ông đã làm những gì?"
- "Tôi làm những việc không liên quan gì tới quan tòa cả".
Viên ký lục đã làm sai lạc lời khai của ngài mà nói là cha đã ở nhà sư Tình hai năm. Sau đó cha được dẫn về nhà tù và hôm sau lại bị dẫn đến nhưng quan án lại cho ngài về tù vì là ngày lễ nghỉ. Trên đường về, họ dẫn cha qua đền thờ tổ tiên của quan và bắt cha lạy. Cha từ chối nên bị họ đánh đập bất tỉnh. Cha lên cơn sốt 15 ngày vì những vết thương hành hạ. Sau đó giáo dân cho lính canh nhiều tiền để cha được ở cả ngày đêm tại nhà bà Gạo. Khi khỏe lại, cha liền bị dẫn đến tòa án.
Vào cuối năm theo niên lịch Bắc Việt, các quan có thói quen giải quyết hết các vụ kiện, nhưng năm đó vì có sứ Trung Hoa sang nên họ không xét vụ của cha. Ðến tháng 10, một cha Việt Nam đến nhà bà Gạo dâng lễ. Sau đó chính ngài xin bề trên gửi các đồ lễ đến để dâng lễ. Năm ấy các quan viết án cho ngài như sau: Cha Tế bị bắt tại Xứ Ðông và bị lên án chém đầu. Còn sư Tình và con trai bị án phát lưu chăn voi cho chúa Trịnh 6 năm. Án được viết ngày 10-7-1738, vua châu phê ngày 12 và ấn định ngày thi hành án lệnh là ngày 22-7. Sư Tình bỏ tiền mua chuộc các quan để xét xử lại. Nhưng án không thay đổi. Sư Tình tiếp tục kháng cáo và tìm ra được lẽ để thanh minh.
Ngày 20-7-1739, cha lại bị đem ra tòa lần nữa: "Dựa vào quyền gì mà ông đến nhà sư Tình? Trước đó ông ở đâu?"
- "Tôi đến nước này đã 4 năm, hai năm bị giam tù, hai năm khác thì đi nơi này nơi nọ để rao giảng đạo Kitô. Còn nói đã đi những đâu thì tôi không muốn nói".
- "Vậy những lời khai năm trước là đúng?"
- "Những gì tôi đã nói là đúng như vậy. Bây giờ tôi không nói gì thêm".
- "Ông là một người phản bội, nói láo, bây giờ không muốn nói lại?"
- "Không đúng như vậy, nhưng tôi không buộc phải khai lại".
Ngay lúc ấy, sư Tình chụp cơ hội xin nói. Ông đã tóm lược lại các việc xẩy ra nhưng bỏ hẳn phần cha Tế bị giam giữ tại nhà ông.
Ðể tránh rắc rối cho những người ở Lục Thủy Hạ, Cha Tế nói: "Những gì tôi khai năm ngoái là thực và tôi không buộc phải khai là sư Tình đã bắt tôi tại Lục Thủy Hạ. Bởi vì các ông chỉ muốn trừng phạt những người đã tiếp tôi và thưởng công cho kẻ bắt tôi. Ðiều ấy bất công và vô lý".
- "Như vậy chém đầu ông cũng là nghịch công lý?"
- "Hiển nhiên là như vậy. Nhưng nếu quí quan ra lệnh chém đầu tôi vì đức tin thì tôi rất hài lòng".
Quan án ra lệnh nếu Cha Tế không khai thêm sẽ cho đánh 30 đòn. Cha Tế muốn chịu đòn hơn là nói gì thêm. Quan cho đặt thánh giá dưới đất rồi ra lệnh cho mọi người đạp lên. Dù phản đối, họ cũng khiêng ngài qua. Nhưng cha đã nhấc thánh giá lên và hôn kính. Sư Tình thì lợi dụng cơ hội này để nhục mạ ảnh đạo, nhảy nhót trên tượng và đồng thời tố cáo ngài còn giữ nhiều đồ đạo tại nhà tù. Trong phiên xử hai hôm sau, ngày 22-7, quan ép buộc cha Tế cung khai mấy người giáo dân, nhưng cha nhất định không chịu. Sau đó quan liền hỏi về các ảnh đạo.
Quan cầm tượng thánh giá lên hỏi: "Người trên thánh giá này là ai?"
- "Ðó là hình ảnh của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đã làm người và chịu chết trên thánh giá để chuộc tội nhân loại".
- "Còn hình kia là gì?"
- "Ðó là ảnh Mẹ Thiên Chúa, đã cưu mang đấng chịu đóng đinh".
- "Người ta đi đâu sau khi chết?"
- "Khi chết rồi, xác ở dưới phần mộ, còn hồn thì hoặc lên trời hoặc phải xuống địa ngục tùy theo công trạng trong đời sống".
- "Ðiều ông nói về linh hồn chỉ là tưởng tượng. Ai nói rằng sự vật qua đi như thế?"
- "Thiên Chúa đã nói vậy".
- "Thật vậy ư? Ông đã nghe thấy tiếng Chúa chưa?"
- "Mặc dù không nghe chính Thiên Chúa nói, nhưng chắc chắn là ngài đã dậy như vậy".
Một tên lính hầu mang tới một cái gậy, đặt ngay trước mặt cha Tế, cha lại tưởng họ đánh mình nên đưa đầu gối ra, nhưng quan lại nói: "Gậy không phải để tra tấn. Ta ra lệnh cho ông cầm lấy và đánh vào những tượng ảnh này".
Cha Tế rùng mình vội cầm gậy vất đi thật xa. Tên hầu lại lấy về và đặt trước mặt sư Tình. Ông liền cầm ngay lấy và giơ gậy đánh vào bức ảnh Ðức Mẹ bằng ngà voi. Cha Tế chạy vội lại, dùng thân mình làm thuẫn cản lại, lấy tay che lên đầu Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong ảnh rồi nói: "Sư Tình, hãy đánh lên tay tôi".
Quan thấy vậy thì cười và nói: "Các người Kitô bị lừa dối bởi những tượng ảnh này".
Thế là có cuộc giằng co giữa Cha Tế và sư Tình. Quan cho lệnh ngừng cuộc giằng co lại và nói: "Thế thì tượng phải đau vì những cái đánh này lắm nhỉ?"
- "Ðức Bà Maria và Con của Ngài ở một nơi không còn đau đớn nữa. Nếu chúng tôi tôn kính ảnh tượng này cũng chỉ vì đó là hình ảnh nhắc nhở chúng tôi đến các Ngài".
Phiên tòa chấm dứt. Tên lính canh ngục đòi tiền ngài để đưa cho toán lính áp giải. Một người giáo dân nói ngài chỉ nên đưa một phần ba. Vì thế tên lính canh nghiệt ngã cấm mọi người đến thăm ngài trong ba ngày. May nhờ có người lương mang gạo đến. Thấy sức khỏe ngài yếu liệt, bề trên sai Cha Minh đến ban các bí tích cuối cho ngài. Tuy nhiên Cha Tế lại khỏe lại.
Các quan thấy khó giải quyết, không biết phải xử thế nào đối với ba người giáo dân ở Lục Thủy Hạ. Vua cho một quan khác đến xử vụ kiện dai dẳng này. Ngày 20-9, cha lại bị đưa ra trước tòa để tra hỏi: "Ông ở nước này bao nhiêu năm rồi? Có phải ông bị bắt khi mới tới không? Ông có rao giảng đạo Kitô không?"
- "Tôi đã ở đây bốn năm và giảng đạo hai năm".
- "Có thật ông đã ở trong nhà sư Tình 10 ngày?"
- "Tôi đi đây đó để giảng đạo, nơi thì 10 ngày, nơi khác 15 ngày. Tôi chỉ ở nhà sư Tình có 10 ngày".
- "Ðạo đã bị cấm, tại sao ông còn đến đây?"
- "Vua chúa không có quyền cấm như thế, vì vua chúa không có quyền tuyệt đối ra lệnh như ý thích".
- "Ông có học biết thiên văn không?"
- "Không".
Ngài bị đem ra đem vào nhiều lần và hỏi đi hỏi lại để có bằng chứng là cha bị bắt tại nhà mấy giáo dân, và như thế có lý do để tha sư Tình. Cha Tế từ chối không nói gì thêm mà chỉ xin trả tự do cho các giáo dân. Họ yêu cầu cha ký vào biên bản. Ðọc trong bản án thấy viết là bị tố cáo vì rao giảng tà đạo, cha không chịu ký. Họ cho sửa lại là đạo 'Hoa Lang' nghịch với luật, cha mới ký vào.
Thế rồi nội chiến xẩy ra và người ta quên bẵng vụ án của ngài. Lúc đó Cha Tế là người duy nhất có mặt ở Hà Nội để giúp giáo dân. Trong thời gian bị giam tù, Cha Tế đã rửa tội được 122 người. Nội chiến kéo dài ba năm. Một hôm chúa Trịnh chợt có ý muốn hỏi Cha Tế có cách nào chấm dứt được loạn lạc, với ẩn ý muốn cha nói với người tây phương giúp. Cuối tháng 9, cậu của vua cho lệnh đưa Cha Tế đến và hỏi: "Tôi thấy đạo của cha hợp lý, những điều tôi nghe rất phù hợp với sách tôi đã đọc. Chỉ có điều là đạo không chấp nhận những tôn giáo khác. Ngày mai cha mang đến cho tôi xem cuốn sách về đức tin Kitô để tôi thấu đáo và có thể nói với chúa Trịnh cho cha. Cha cũng mang đến một học giả người Việt để có thể giải nghĩa được các chữ Việt".
Trở lại nhà giam, cha được giáo dân cho biết là quan chỉ muốn xem đạo có cách nào diệt được giặc không thôi. Ngày hôm sau, cha viết thư cho ông hoàng: "Theo đức tin của chúng tôi, chỉ có một phương thế duy nhất chữa trị các cái xấu đó là cầu xin Thiên Chúa cho hòa bình và hứa rằng chính quyền sẽ không bao giờ bắt bớ đạo thật nữa. Nếu vua muốn chấm dứt chiến tranh thì hãy thôi bắt bớ giáo dân và đạo thật, vì đấy chính là nguồn gốc của mọi sự dữ trong nước". Ông hoàng có nói lại với ba quan và họ hứa sẽ nói với chúa Trịnh để cho phép tự do hành đạo. Ngay lúc đó có tin đồn là giáo dân tỉnh Nam đi theo giặc, dự tính trên lại rơi vào tình trạng cũ. Riêng giáo dân Hà Nội nhất định chuộc cha ra bằng mọi cách. Họ đem tiền đến bà dì của chúa Trịnh để xin trả tự do cho cha. Ðọc bản khiếu nại, Cha Tế không hài lòng về lời lẽ nói cha chỉ là thương gia bị gán ghép tội theo đạo Kitô.... Suốt trong năm đó cha rửa tội thêm được 31 người lớn và 23 trẻ em.
Năm 1744, hồ sơ của cha được xét lại và họ giam cha ngặt hơn. Ngày 3-3-1744, cha và 4 giáo dân được đưa ra tòa án. Trên đường đi, viên ký lục đòi lấy cỗ tràng hạt của cha. Tại tòa án, các quan xem xét cỗ tràng hạt rất kỹ lưỡng. Quan hỏi hai ảnh mắc vào đó là gì. Cha thưa là hình hai vị tử vì đạo. Quan bắt ép cha dầy đạp tràng hạt dưới chân. Cha đã mạnh mẽ nói là không khi nào cha làm điều lầm lỗi ấy. Lúc ấy quan hỏi sư Tình có làm điều ấy không? Sư Tình chỉ chờ có thế đã vội vã cầm lấy tràng hạt ném xuống đất, sửa soạn đạp lên, tức thì Cha Tế lăn xả vào để lấy lại. Một tên lính hầu túm lấy tóc cha lôi ra. Không làm gì được, Cha Tế hét lên: "Tại sao các ngươi bách hại đạo Chúa Kitô? Chính các ngươi là căn cớ của bao nhiêu tai họa giáng xuống trên nước này".
Các quan liền viết án xử trảm cha Tế, còn các giáo dân được trả tự do, cha con sư Tình được tha bổng. Cha Tế được đưa về nhà tù, lòng đầy niềm hy vọng giờ lãnh triều thiên tử đạo đã tới gần.
Ngày 30-5-1744, lính canh áp giải một tù nhân khác, đó là Cha Ðậu, người cùng Dòng với Cha Tế. Hai người lính dũng cảm của đức tin hân hoan được gặp nhau, nâng đỡ nhau bằng các bí tích và cầu nguyện. Trong hai năm ấy cha rửa tội được 32 người lớn và 41 trẻ em.
Tháng 8 năm sau vì có hạn hán nên chúa Trịnh cho rước Phật Bà Quan Âm, đồng thời ân xá cho nhiều tù nhân, nhưng vẫn giam giữ hai cha trong tù. Lợi dụng thời gian này, hai cha biến nhà tù thành nơi giảng đạo. Giáo dân lại nói với cha về đề nghị của quan cai ngục là sẽ trả tự do cho cha bằng giá tiền mua chuộc. Cha Tế cương quyết không để cho giáo dân phải tốn một xu.
Một tín hữu báo tin là các quan đã làm án ngày 19-1-1745, ngày 21 sẽ công bố, và ngày hôm sau hành quyết. Giáo dân tính cử đại diện đến gặp chúa Trịnh. Cha Tế rất buồn nói với các thầy giảng: "Chúng ta phải khuyên bảo giáo dân trở lại và trung thành với đức tin, nếu trong hoàn cảnh này chúng ta tỏ ra khiếp sợ để cho họ sửa án và mua chuộc mạng sống bằng tiền bạc thì lương dân họ sẽ thêm tin vào đạo của họ hơn và giáo dân sẽ không còn muốn chịu khổ vì đức tin nữa".
Vì vậy cha truyền lệnh cho họ hủy bỏ toan tính đó. Dân chúng rất đau buồn, nhưng cha Tế lại vui mừng hớn hở. Ngài dùng những ngày còn lại để cầu nguyện và sửa soạn tâm hồn. Sau khi lần hạt chung với họ lần cuối, cha khuyên nhủ: "Anh chị em quí mến, cũng như Chúa Kitô trong bữa tiệc ly, tôi muốn khuyên anh chị em theo lời của Chúa, anh chị em hãy yêu thương nhau như ruột thịt, hãy vững mạnh trong đức tin mà anh chị em tuyên xưng và hãy sẵn sàng chịu mọi sự khó và nhất là đặt niềm cậy trông vào một Chúa mà thôi. Hãy ước ao những sự trên trời và hãy khinh chê những của cải vui sướng chóng qua đời này".
Mọi người cúi mình hôn xiềng xích của ngài. Ngài lại nói với họ: "Tử đạo là một ơn đặc biệt do Chúa ban nhưng không, chứ không phải do công trạng hay xứng đáng gì".
Khoảng ba giờ sáng, hai cha dâng lễ, rồi đến chào các lính coi tù cũng như các bạn tù. Giáo dân được phép vào rất đông để thăm cha lần cuối. Cha Ðậu không được chung một vinh dự nhưng đã xin quan cho theo ra tới pháp trường. Theo lẽ các tù nhân khi đi ra nơi hành quyết thường được dẫn qua phủ chúa để có thể kháng cáo lần chót. Lợi dụng cơ hội này giáo dân làm một bản kiến nghị nhờ Cha Ðậu mang theo đưa cho quan khi tới phủ chúa. Mặc dù Cha Tế không đồng ý nhưng Cha Ðậu vẫn làm theo ý của giáo dân.
Cha Tế hân hoan đi đầu vì được giống Chúa Kitô. Trong đám tù nhân có người xin cha tha tội. Ði ngang qua phủ chúa, Cha Ðậu liền đưa bản kiến nghị. Chúa Trịnh thấy Cha Ðậu dám bạo gan như thế thì nổi giận ra lệnh xử trảm ngài luôn một lúc với Cha Tế. Khoảng sau trưa, đoàn người đến Ðồng Mơ, nơi hành quyết. Vừa tới nơi, hai cha quì xuống hôn mảnh đất. Cha Tế vì yếu sức nên ngồi xuống đất chờ đợi, trong khi lính sửa soạn việc hành quyết. Hai cha nói giáo dân cho mỗi người lính đao phủ một số tiền. Hằng ngàn người im lặng đứng xung quanh. Quan giám sát lên tiếng: "Cụ Tế, tôi rất kính trọng cụ và rất đau buồn phải làm việc này như quan án đã ra lệnh, xin cụ hiểu cho, tôi không làm gì khác hơn được. Xin cụ quì thẳng lên để tôi trói vào cọc".
Giây và xích ở tay chân được cởi ra. Hai tên lính cầm gươm đồng loạt chém đầu hai vị tử đạo. Hôm ấy là ngày thứ Sáu, 22-1-1745.
Thông thường mỗi khi có vụ xử tử, lúc chém đầu mọi người chạy mất vì sợ hồn kẻ chết nhập vào, nhưng lần này trái lại họ đến gần hơn và ngay sau đó tuốn vào thấm máu đào, lấy những vật dụng và xiềng xích của hai vị làm kỉ niệm. Giáo dân phải canh chừng để không ai lấy trộm thi thể hai đấng thánh. Tối hôm đó, Cha Phêrô Xavier tắm rửa xác các đấng và an táng tại Lục Thủy Hạ, mặc dầu các xứ khác như xứ Kẻ Bùi, Trung Linh, và Trung Lễ đòi quyền được cất xác các ngài. Một tuần sau, mộ của các ngài được mở ra để táng trong nhà thờ theo lệnh của đức giám mục, nhưng lạ thay, xác các ngài không bốc mùi thối gì, giáo dân còn ngửi thấy thoang thoảng một mùi thơm lạ lùng.
Ngày 20-05-1906, các Ngài được Đức Piô X suy tôn lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn lên hàng Hiển Thánh.
(ST)
Trường thi tử Đạo.
Cuộc tử đạo linh mục Federich Tế
Tại Việt Nam phải kể đầu tiên
Mười lăm tuổi nhập tu liền
Thụ phong linh mục qua miền nước Phi
Thừa sai Pháp xin đi rao giảng
Nhưng bề trên ngăn cản không cho
Rôma thuyên chuyển thăm dò
Nơi đây cứu xét thuận cho lên đường
Cha được gởi quê hương miền Bắc
Nước Việt Nam dìu dắt đoàn chiên
Ngài lo tiếng Việt học liền
Ở làng Lục Thủy thuộc miền tỉnh Nam
Cùng Cha Tế cộng đoàn dâng lễ
Ðang cám ơn như thể chia tay
Toán người ập đến bao vây
Xông vào lục soát chốn này hung hăng
Cha liền bảo thưa rằng chạy trốn
Còn phần Cha khiêm tốn nạp mình
Giuse khẩn nguyện cầu kinh
Xin Ngài phù hộ an bình cho Cha
Nhìn bọn chúng Ngài đà liền hỏi
Ði tìm ai Người nói ta đây
Sư Tình ra lệnh lấy giây
Bắt Cha trói lại đưa ngay xuống thuyền
Mấy giáo hữu theo liền đứng ngó
Tại bờ sông chúng nó bắt luôn
Lòng Cha Tế rất u buồn
Bắt tôi là đủ tha luôn mấy người
Như mệnh lệnh chúng thời cởi trói
Trả tự do tiếng nói Sư Tình
Ðem Cha Tế giam một mình
Thủy Nhai Thượng để Sư Tình hỏi Cha
Ngươi bị bắt gặp ta có sợ
Ngài trả lời giúp đỡ giáo dân
Riêng ta vì Chúa đâu cần
Sư Tình sai lính tay cầm gươm đao
Cột nhà hội trói vào Cha Tế
Án tử hình chúng để ngay bên
Triều đình ban lệnh nói lên
Nhưng Cha đâu sợ ngày đêm rao truyền
Chúng móc nối đòi tiền để chuộc
Thả Cha ra bắt buộc khó khăn
Năm trăm lượng đổi Chủ chăn
Giáo dân thấy vậy thưa rằng quan trên
Cử đại diện thưa lên thượng đỉnh
Quỷ quyệt thay sẵn tính bạo tàn
Cấp cao lại quá tham lam
Thả câu nước đục liên can Sư Tình
Giữ đạo trưởng nhà mình trái phép
Phải lo tiền khỏi ghép tội oan
Quan trên lợi cả đôi đàng
Kinh đô đem nộp Thượng Hoàng thưởng công
Tội Cha Tế đeo gông khổ cực
Tại trại giam nóng nực khổ đau
Quan lo tìm thuốc chữa mau
Người nhà săn sóc ngõ hầu hỏi cung
Tại Phủ Chúa quyền dùng kháng cáo
Cơ hội này loan báo giáo dân
Cử Cha Ðậu đóng góp phần
Ði qua Phủ Chúa tới gần đưa Quan
Chúa Trịnh thấy Cha gan can đảm
Tại Ðồng Mơ xử trảm hai Cha
Pháp trường giáo hữu gần xa
Ðọc kinh tin kính tiễn Cha lên đường
Linh mục Tế sinh năm Nhâm Ngọ (1702)
Tại Tostosa nước họ (Tây) Ban Nha
Ất Sửu (1745) tử đạo nước ta
Bính Ngọ (1906) phong thánh hoan ca Nước Trời
Lời bất hủ: Cha trả lời quan tra hỏi: "Chẳng ai có quyền cấm giảng đạo Thiên Chúa đã truyền loan báo cho mọi dân mọi nước. Ai cấm, tức là cướp quyền của Thiên Chúa". tinmung.net