Thứ bảy, 21/12/2024

Kỷ niệm Bách Chu Niên bốn Đấng Phúc Lộc: CARÔLÔ TÂN, PHAO-LỒ MỸ, PHÊRÔ ĐƯỜNG VÀ PHÊRÔ TRUẬT TỬ VÌ ĐẠO

Cập nhật lúc 21:52 18/06/2020
KỶ NIỆM BÁCH CHU NIÊN
BỐN ĐẤNG PHÚC LỘC: CARÔLÔ TÂN, PHAO-LỒ MỸ, PHÊRÔ ĐƯỜNG VÀ PHÊRÔ TRUẬT TỬ VÌ ĐẠO
 
Nhân dịp kỷ niệm 32 năm (19. 6. 1988 – 19. 6. 2020), ngày thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh 117 Chân phúc tử đạo Việt Nam, trong đó có thánh Carôlô Tân, Phaolô Mỹ, Phêrô Đường và Phêrô Truật. Dịp trọng đại này, xin đăng Thư chung của Đức Cha Gustave Vandaele Vạn (1938 – 1943) “Kỷ niệm Bách Chu Niên bốn đấng Phúc lộc: Carôlô Tân, Phao-lồ Mỹ, Phêrô Đường và Phêrô Truật tử vì đạo”.

Sau đây là nguyên văn Thư chung:

“Giám-mục Gustavô, làm Bề trên địa phận Hưng-hóa, gửi lời kính các Cha và thăm các người nhà Đức Chúa Lời, cùng các giáo hữu được bình yên.
Ngày 20 tháng 9 tây 1837, tại Sơn-tây, xứ Bắc-kỳ, vua Minh Mệnh đã xử tử ông Carôlô Tân, vì giảng đạo Công-giáo trong nước mình. Lại ngày 18 tháng chạp tây 1838, vua ấy cũng xử tử ông Phao-lồ Mỹ, Phêrô Đường và Phêrô Truật, là ba người nhà Đức Chúa Lời, đã phải bắt cũng một ngày vuối cố Tân, ở Nỗ-lực.
Đến nay vừa chẵn 100 năm, nên ta phải mừng các thánh ấy cách riêng, chẳng những vì bốn đấng ấy đã chịu tử vì đạo trong địa phận ta, mà lại vì một đấng, ông thánh Truật là người địa phận ta.
Ông thánh Gioan Carôlô Tân sinh ra ở Loudun, trong nước Pháp, bởi cha mẹ giầu có và đạo đức. Lên 19 tuổi vào học lý đoán ở Pontiers. Khi đã chịu năm chức rồi, có một lần nghe nói về sự giảng đạo cho dân ngoại, Ngài động lòng thương linh hồn kẻ ngoại, và, ơn  Chúa soi lòng, Ngài quyết dâng mình vào Hội Giảng đạo, để đi cứu lấy linh hồn kẻ ngoại giáo.
Ông thánh Tân lên đến Paris xin vào Hội; cha Bề trên nhận và cho học lý đoán tiếp. Dù về đức tính, dù về công việc, không có gì nổi, nhưng, vì có nết hiền lành, nên được bạn quý và thày dạy yêu. Ngài tuân giữ luật phép cho nhặt, chăm chút học hành, đạo đức sốt sắng, thế là Ngài đã có đủ những đức tính của một học trò tốt vậy.
Chịu sáu chức rồi, vì bấy giờ bên này thiếu đấng giảng đạo, lại tiện dịp có tầu sang, thì Bề trên sai Ngài đi ngay. Ngài được bài sai đi giảng đạo ở tỉnh Tứ-xuyên bên Tầu. Nhưng bấy giờ phép nước rất ngặt, không cho người ngoại quốc vào trong nước, nên ông Carôlô phải qua Bắc-kỳ, mà đợi dịp sang Tứ-xuyên.
Đến Hà-nội, Ngài ở lại đợi kẻ sang đón, nhưng hai người đi đón sang đến nơi, phải chứng dịch mà chết. Ngài lại phải đợi ba năm nữa, trong quãng ấy học tiếng Annam, để giúp bổn đọa ít nhiều. Sau Ngài được thư Đức Cha Tứ-xuyên cho phép ở lại Bắc-kỳ, hay là lại về Macao mà tìm dịp sang Tầu, thì mặc ý. Ông Carôlô liền xin ở lại Bắc-kỳ; dù bấy giờ vua quan đang bắt đạo, Ngài không ngần ngại. Bấy giờ Ngài mới vào sổ các đấng Thừa sai địa phận Tây, tức là Hà-nội, Hưng-hóa, Phát-diệm và Thanh-hóa bấy giờ.
Đức Cha Giu truyền chức thày cả cho Ngài, rồi sai đi làm phó cố Phan. Trước hai đấng còn ở chung; sau, vì cố Tân bất phục thủy thổ, nên một ngày kiệt sức đi, xuýt nữa thì phải mù mắt. Thấy Ngài phải khốn khó thảm hại như thế, thì cố Phan liệu cho Ngài về Nỗ-lực, một nơi chắc và lành hơn, và giao phó các giáo hữu cho Ngài coi sóc.
Ở Nỗ-lực được ít lâu, thì cố Tân phải bắt: trong làng ấy có tên tướng cướp phải giam tù, nó muốn đái tội lập công, thì báo quan rằng: làng Nỗ-lực chứa chấp Tây dang đạo trưởng, và thông đồng với giặc. Các quan liền đem lính đến vây làng ấy sáng sớm ngày, lúc Cố đang sắp làm lễ. Được tin các quan đến tìm bắt, Cố liền bỏ chạy ẩn mình trong một bụi kia gần ngòi. Lính tìm mãi đến trưa vẫn chưa bắt được Ngài; sau nó đến gần nơi Cố ẩn, lấy giáo xỉa mãi vào bụi, biết không còn ẩn được nữa, Ngài liền ra nộp mình cho nó.
Bấy giờ lính trói quặt cánh khỉ lại, các quan truyền đóng gông mà điệu Ngài về Sơn-tây. Ở tỉnh, Ngài phải chịu cực hình rất dữ: nào phải đánh bằng roi sắt, Ngài phải tấn ba kỳ, tan xương nát thịt, nào phải mang gông mang xiềng, nào phải bỏ vào cũi, ở trong ngục hôi hám tối tăm, phải nhịn đói nhịn khát, phải già hiệu rất khổ sở, ban đêm phải mang cùm, mà Ngài chịu các hình  khổ ấy rất vui lòng.
Các quan dỗ Ngài quá khóa, song Ngài không chịu, thì các quan làm án cho  Ngài phải xử lăng trì. Án ấy đệ vào kinh, vua châu phê ngay.
Ngày 20 tháng chín tây, án ở trong kinh ra, thì hai giờ chiều hôm ấy, các quan truyền đem Ngài đi xử ngay. Đến nơi xử, lính tháo cũi cho Ngài ra, rồi lý hình trói chân tay Ngài vào bốn cái cọc đã đóng sẵn, hai tên nữa giữ đầu không cho Ngài cựa. Hồi chiêng vừa dứt, một tên lính chém đầu Ngài, rồi chặt chân tay, và phân thây làm tư. Có đứa ăn gan, cùng liếm gương dính máu Ngài.
Hành hình xong, các giáo hữu lấy dẻ thấm máu và thu phần mình đem chôn gần đấy, còn đầu phải bêu ba ngày. Hết ba ngày, lại lấy đầu đem chôn vuối xác.
Sau, các bổn đạo Chiêu-ứng xin được cả xác Ngài mà đem táng trong nhà thờ họ mình; ở đấy người ta trọng kính ông thánh này lắm, năng cầu xin Ngài, mà đã được nhiều ơn lành phần hồn phần xác.
Ông thánh Phao-lồ Mỹ, quê Kẻ-non; cha mẹ Ngài dư ăn, và đạo đức sốt sắng. Khi lên 15 tuổi, Ngài vào nhà thày ở vuối Đức Cha Gia; khỏi hai năm, Bề trên cho Ngài đi học trường Latinh; ở nhà trường, Ngài nết na nhân đức, lại tính khí hòa nhã, nên anh em mến phục và Bề trên đặt làm đầu tràng. Học mãn tràng đoạn, Đức Cha sai Ngài giúp cố Phan và cố Tân ở Nỗ-lực cho đến khi phải bắt. Ai đã ở vuối ông Mỹ hay là đã quen biết Ngài, đều khen Ngài đạo đức sốt sắng.
Ông thánh Phêrô Đường sinh ra ở làng Kẻ-sở. Từ bé Ngài vốn có lòng đạo đức, siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Sau, Ngài đi ở nhà thày, thì cha mẹ cho ở vuối cụ Thi, là chú ruột Ngài, ở xứ Sông-chảy, mà vì ở đấy không có thày dạy, nên Ngài gửi về học ở Yên-tập. Về sau, Phêrô Đường đi giúp cha xứ Nỗ-lực làm một vuối Phao-lồ Mỹ.
Ông thánh Phêrô Truật sinh ra ở Hà-thạch. Cha mẹ Ngài túng bấn và giữ đạo bình thường. Ngài là con thứ hai; khi ở nhà vẫn hay đi học vuối trẻ, và năng vào nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Ngài nết na hiền lành, không hay nô đùa nghịch ngợm. Phần xác Ngài yếu đuối, song vì có lòng đạo, cụ Tốn thấy vậy, thì nhận nuôi làm các chú. Ngài học không được sáng, lại ốm đau luôn, nên Cụ đã cho về. Nhưng sau cụ Trạch thấy Ngài ước ao dâng mình trong nhà Đức Chúa Lời, thì đem về nuôi ở Nỗ-lực.
Đang khi Phao-lồ Mỹ, Phêrô Đường và Phêrô Truật giúp các đấng ở Nỗ-lực, thì các quan đem 1.500 lính đến vây làng tìm bắt cố Tân. Các quan, một mặt cho lính đi nã Cố, một mặt cho đòi lý trưởng, đánh trống thu dân đến điểm mục; bấy giờ, cả ba ông này cũng ra ngồi vuối mọi người như thể mình là người dân vậy. Song le, vì lính tìm mãi đến trưa vẫn không bắt được Cố, thì nó cáo ông Mỹ, ông Đường và ông Truật là đầy tớ Cố; nó tưởng rằng các quan bắt tra ba ông ấy thì sẽ bắt được. Các quan liền sai bắt cả ba ông, trói lại mà khảo, nhưng các ông ấy không thú. Khảo mãi, các ông ấy không xưng, thì truyền đóng gông mà giải về Sơn-tây.
Về đến tỉnh, các ông ấy phải bỏ vào cũi, mà nhốt riêng mỗi người một nơi, cùng phải tra tấn nhiều lần đau đớn quá sức, lại phải nhịn đói nhịn khát, phải bỏ vào ngục hôi hám, và ban đêm phải mang cùm. Các đấng ấy chịu mọi sự khốn khó cách vui lòng, không kêu trách phàn nàn gì. Đến sau, lính canh ngục thấy các đấng ấy hiền lành, lại có lòng thương người, hay yên ủi các tù khác, và phát cho họ những của bổn đạo đem hầu, mà các đấng dùng còn thừa, thì bớt làm khổ. Sau các quan cũng thương, mà cho ba đấng ở vuối nhau. Các đấng hay yên ủi nhau, khuyến khích nhau giữ lòng can đảm mà xưng đạo ra cho vững, dù phải đòn vọt tra tấn thế nào, cũng không sờn lòng; sớm tối đọc kinh chung vuối nhau. Về sau cố Phan gửi cho một quyển sách ngắm, thì ông thánh Mỹ làm đầu, mà các đấng ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu vuối nhau.
Các quan làm hết cách cho các đấng bỏ đạo, song vô ích; khỏi một năm phải giam tù khổ sở, chịu mọi thứ hình khổ, mà cách đấng vẫn xưng đạo ra cách vững vàng, thì các quan làm án xử tử cả ba đấng. Án đệ vào kinh, vua châu phê và truyền các đấng phải xử giảo, giam hậu, rồi gửi án ra cho các quan hành hình.
Khi án ra đến Sơn-tây, thì ngày 18 tháng chạp tây năm 1838, các quan truyền đem xử ba đấng ấy ngay. Khi điệu các đấng ấy đến pháp trường, thì quan lính trói tay các đấng vào cái cọc đã đóng sẵn, đoạn mỗi đấng một cái thừng, nó tròng vào cổ, một đầu thừng buộc vào cọc đóng ghì xuống, có lính giữ cái cọc ấy; còn đầu kia ba tên khác cầm, đợi khi lên hiệu là kéo. Khi tròng xong rồi, quan quân lên hiệu đánh ba tiếng cồng, vừa dứt tiếng thứ ba, thì chúng nó kéo giây, thế là linh hồn các đấng ấy đã ra khỏi xác mà lên thiên đàng lĩnh triều thiên tử vì đạo, mà hưởng phúc vui vẻ đời đời.
Khi xử xong, quan quân kéo về rồi, thì bổn đạo Bách-lộc lấy xác các đấng đem về Cao-mại. Cố Phan, cụ Trình, cụ Triệu đợi sẵn đấy, nhận lấy xác các đấng mà tắm rửa, khâm liệm hẳn hoi, rồi nửa đêm làm lễ qui lăng, đoạn đem táng chung một mồ. Rầy  xác ông thánh Mỹ đã đem về Kẻ-non, là quê Người; xác ông thánh Đường vẫn còn ở nhà thờ Cao-mại và nhà trường Hà-thạch; còn xác ông thánh Truật đã đem về để ở nhà thờ Kẻ-sở.
Vậy bốn đấng ấy đã chịu trăm nghìn sự khốn khó vì đạo, đã xưng đạo ra vững vàng, đã chịu chết vì Chúa mình cách can đảm, thì rầy trên thiên đàng, các đấng ấy được hưởng phúc thanh nhàn vui vẻ cho đến đời đời; lại người là quan thầy riêng ta, nên ta hết mọi người phải giục lòng sốt sắng cầu xin các đấng ấy bầu cử cho ta được thêm lòng mộ mến Đạo thánh mà ra sức giữ cho siêng năng vững vàng.
Từ nhỏ đến lớn, cả bốn đấng ấy sống vì Chúa, mến Chúa và thương yêu người ta luôn, nên được phúc rất lớn, là đổ máu mình vì Chúa. Ta hãy soi gương sáng người, mà tin đạo thánh Đức Chúa Lời cho vững, và lấy sự đạo làm trọng hơn của cải cùng các sự vui sướng đời đời.
Ta còn muốn làm phúc làm một cùng các thánh, thì phải chịu khó hãm mình, ép xác mà giữ đạo nên, giữ các giới răn, kính Chúa, yêu nhau ở đời này; như vậy, dù ta không được phúc tử vì đạo như các thánh, nhưng cũng được làm sáng danh Chúa, và tấn tới đàng nhân đức, cho ngày sau được hưởng phúc trên thiên đàng làm một cùng các thánh Tử vì đạo đời đời chẳng cùng.
Cho anh em được nhờ bốn đấng ấy và tôn kính người cho sốt sắng, thì định như sau này:
1. – Từ lễ cả 20 Novembre, là Chủ nhật XXIV, sau lễ Hiện xuống, đến Sinh-nhật Đức Chúa Giêsu, 25 Décembre, mỗi ngày, sau khi đọc kinh sáng đoạn, sẽ đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính-mừng, 1 kinh Sáng-danh, và kinh các thánh Tử-vì-đạo.
2. – Trong thời hạn ấy, mỗi xứ hoặc nơi nào có thày cả, sẽ làm tuần Tam-nhật kính các thánh Tử-vì-đạo, như sau này: sáng ngày, giảng về các thánh Tử-vì-đạo, rồi làm lễ trọng thể hơn mọi khi (lễ làm theo Mục-lục); chiều chầu Mình-Thánh, và đang khi chầu cũng đọc kinh các thánh Tử-vì-đạo.
Không chỉ ngày nào nhất định mà làm việc Tam-nhật, một để các Cha chọn trong tháng này, ngày nào tiện cho bổn đạo, thì các Cha chỉ.
Chớ gì các thánh Tử-vì-đạo thương nhận lấy những việc ta sẽ làm trọng kính người, mà cầu bầu Chúa ban cho địa phận Hưng-hóa ta được đầy rẫy mọi ơn lành!
Sẽ đọc thư này trong các nhà thờ, ngày Chủ-nhật 13 Novembre, trước khi làm lễ”.

Tại Hưng-hóa, 25 Octobre 1938
+G. Vạn, Giám mục ký

Nguồn: Trích trong "Lịch sử giáo phận Hưng Hóa" 

 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log