WGPHH - Ngày 12.03.2021, tại giáo xứ Lao Chải, giáo hạt Lào Cai, cha phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Phêrô Nguyễn Trường Giang đã tổ chức thường huấn cho Ban hành giáo, Giáo lý viên, Thừa tác viên và anh em tông đồ. Thường huấn lần này có khoảng 90 người tham dự đến từ các giáo xứ trong vùng Sapa bao gồm Sapa, Hầu Thào và Lao Chải. Ngoài vùng Sapa, còn có Ban hành giáo và anh em tông đồ của giáo họ Tả Phời thuộc giáo xứ Cam đường - tp Lào Cai, cũng đến tham dự. Ngoài thành phần trên còn có quý cha, quý sơ và quý thầy đang mục vụ trong vùng Sapa cũng đến tham dự.
Nội dung thường huấn lần này nhằm giúp cho các thành phần nòng cốt của giáo họ trong các bản biết cách đọc và sử dụng sách trong phụng vụ cũng như trong các giờ kinh nguyện thường ngày bằng tiếng H’mông.
Được phép của Bề trên giáo phận, Ủy ban Dân tộc đã triển khai sử dụng ngôn ngữ tiếng H’mông trong phụng vụ và kinh nguyện thường ngày. Với sự nỗ lực của cha phó Chủ tịch khá thành thạo ngôn ngữ và văn hóa H’mông, dịp hè năm 2020 vừa rồi, ngài đã quy tụ các thầy chủng sinh của Giáo phận và quý sơ dòng MTG Hưng Hóa chuyên phục vụ cho cộng đồng H’mông để duyệt lại bản kinh nguyện bằng tiếng H’mông. Bản kinh nguyện cũ đã có từ lâu được lưu hành ở khu vực Sapa và Yên Bái, ngày nay không còn phù hợp với lối văn và ngôn ngữ hiện đại nên cần phải duyệt lại và bổ sung.
Năm 1956, Giáo phận Hưng Hóa đã xuất bản cuốn “Sách kinh tiếng Mèo”, gồm những câu hỏi thưa giáo lý và các kinh căn bản, viết dạng ký âm bằng tiếng Việt. Các kinh này đã được người Công giáo H’mông học thuộc lòng truyền khẩu trong nhiều năm. Vài năm gần đây, cuốn sách đã được chuyển tự sang chữ H’mông ký tự La Tinh, được thêm vào một số kinh, và hiện được đọc tại các cộng đoàn H’mông vùng Yên Bái, Sapa.
Tuy nhiên, do tiếng H’mông có ít nhất 3 phương ngữ chính ở ba vùng khác nhau: Sapa, Yên Bái, Sông Mã - Mường Nhé. Bộ kinh cũ đa số dịch theo nghĩa đen từ bộ kinh tiếng Việt, theo phương ngữ H’mông vùng Phình Hồ - Yên Bái. Nhiều đơn vị từ ngữ dịch chưa chính xác; hoặc do học truyền khẩu, nhiều từ bị đọc sai; hoặc nhiều từ thay đổi ý nghĩa theo thời gian. Trong khi đó, tiếng H’mông quốc tế và các bản văn Kinh Thánh, Phụng vụ, báo chí, sách vở… ngày nay đều sử dụng tiếng H’mông Trắng, được nói chủ yếu tại vùng Sông Mã - Sơn La, Mường Nhé - Điện Biên và tại một vài bản rải rác ở các vùng Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu.
Cuối tháng 3 năm 2020, nhóm dịch thuật gồm các thầy chủng sinh người H’mông, các linh mục, tu sĩ người Kinh biết tiếng H’mông, hoặc đang phục vụ tại các cộng đoàn H’mông, đã cùng nhau chỉnh sửa, đối chiếu các bản kinh hiện có tại các cộng đoàn H’mông bên ngoài Việt Nam, chuyển dịch thêm những kinh mới. Sau gần 3 tháng, nhóm đã hoàn thành bản kinh bằng tiếng H’mông Trắng, tương đối sát với các kinh căn bản theo sách kinh của Giáo phận. Bản kinh đã được các anh em người H’mông đại diện từ các vùng Sông Mã, Văn Chấn, Mường Nhé, Sapa thống nhất từ ngữ, cung giọng… và cho vài nhóm nhỏ đọc thử nghiệm. Bản văn hoàn chỉnh cuối cùng được duyệt và trình bề trên giáo phận phê duyệt.
Ngày 28 tháng 01 năm 2021, Đức cha Giám quản Phêrô đã phê duyệt và giới thiệu sách kinh tới toàn thể cộng đồng Công giáo H’mông trong giáo phận. Ủy ban Dân tộc đang cùng với quý cha phụ trách các vùng triển khai tập huấn việc đọc kinh mới này.
“Mặc dù đã quen với bản kinh cũ, nhưng ai nhìn vào bản kinh mới đều thấy phấn khởi và thích đọc vì câu văn dễ dàng, chữ nghĩa trong sáng đồng thời sửa lại những từ ngữ thiếu chính xác hay lỗi thời trong bản kinh cũ”, đó là nhận định của ông chủ tịch hội đồng giáo xứ Lao Chải khi được hỏi về sách kinh mới này.
Kết thúc ngày thường huấn, Ban hành giáo các giáo họ được phân phát sách kinh theo từng khu vực để đưa về cho nhà nguyện của giáo họ mình. Trong tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc dự kiến sẽ in nhiều sách kinh này và trình bày gọn đẹp hơn để phân phát cho từng hộ gia đình trong toàn giáo phận. Hy vọng qua sự nỗ lực của Ủy ban Dân tộc, các anh chị em cộng đồng dân tộc H’mông thêm sự hiểu biết và sốt sắng cũng như chăm chỉ đọc kinh nguyện để yêu mến Chúa hơn và tăng thêm đức tin.
Những hình ảnh:
Kinh nguyện bằng tiếng H’mông - Bộ kinh cũ |
Kinh nguyện bằng tiếng H’mông - Sách mới |