3. Co Hay:
16 giờ chiều, chúng tôi rời Phá Thoóng để đi Co Hay thuộc xã Chiềng Khoong, cách 15 cây số, nơi có đông giáo dân nhất, 570 người. Ở đây đã có nhà nguyện, nhưng hôm nay thánh lễ được cử hành ngoài trời, và cũng vì sau đó có chương trình Hoan Ca Giáng Sinh. Được biết bà con H'mông có đạo ở các bản - dù xa - sẽ về đây tham dự, chứ không về Huổi Một. Thì ra tự nhiên ai cũng thích những gì hợp với não trạng và bản sắc dân tộc, thích được nói và nghe bằng tiếng mẹ đẻ hơn.
Trong thánh lễ chiều nay, 13 dự tòng được lãnh nhận các bí tích Khai Tâm Kitô giáo. Bầu khí trang nghiêm, người dự lễ sốt sắng, ca đoàn hát những bản thánh ca Giáng Sinh quốc tế được dịch ra tiếng H'mông. Vậy là ở xó xỉnh nhỏ bé này của hành tinh, không những họ “nối mạng” với Chúa mà còn với mọi dân tộc và ngôn ngữ, qua những bản thánh ca du dương bất hủ như Silent Night, Jingle Bell, Hang Bêlem, Cao cung lên...
Lễ vừa xong, giáo dân dọn cơm, nhưng chúng tôi phải nhã nhặn từ chối để trở về Huổi Một kịp khai mạc chương trình “Dạ hội Giáng Sinh” vào 7 giờ tối và sau đó là thánh lễ. Thế là hai lần trong cùng một ngày, chúng tôi làm buồn lòng anh chị em giáo dân H'mông ở Phá Thoóng và Co Hay khi không ở lại dùng cơm với họ được !
4. Huổi Một:
Trời mùa đông mau tối, ở trên vùng cao này thì còn lẹ hơn. Khi chúng tôi về đến Huổi Một thì khuôn viên nhà thờ đã tưng bừng nhộn nhịp với ánh đèn màu nhấp nháy như giăng cửi xen lẫn tiếng nhạc dập dồn. Đây là lần đầu tiên có lễ Giáng Sinh nên bà con lương dân kéo đến xem đông lắm, nét mặt háo hức tò mò. Tiếc rằng chẳng có ai nghĩ đến việc giải thích giúp họ hiểu đúng biến cố Chúa Giáng Sinh như tại sao có hang đá, mục đồng, lừa chiên, ngôi sao lạ và ba người cỡi lạc đà. Phải nhận rằng rất nhiều người ngộ nhận về việc Chúa giáng sinh, đánh đồng sự kiện tôn giáo quan trọng và thánh thiêng này với tiệc tùng, quà tặng, vui chơi, khiến lễ này ngày càng bị tục hóa, trở thành lễ hội dân gian trần tục !
Tuy chỉ có hơn 100 giáo dân, nhưng giáo họ Huổi Một cố gắng hết mình để cống hiến một chương trình phong phú, có đơn ca lẫn hợp ca, có vũ khúc và đồng diễn, có đố vui và phát quà, có ông già Nô-en với ổ bánh sinh nhật, công phu nhất là hoạt cảnh cứu độ… Bên cạnh đó, cũng có sự góp mặt của các giáo họ H’mông bạn, khiến chương trình thêm phong phú. Tiếc rằng chúng tôi mải mê xem các tiết mục quên cả ghi hình để cống hiến bạn đọc.
21g30, thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh được cử hành trong nhà thờ thay vì ngoài sân cho ấm cúng hơn, và vì ngại bầu khí lạnh lẽo sương đêm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các em bé. Đêm nay, nhà thờ Huổi Một đón một số bà con lương dân dự lễ, có người ở từ đầu đến cuối lễ.
Gần 23 giờ đêm, mọi sự mới kết thúc, bà con ra về trong niềm vui, dẫu co ro vì trời lạnh, nhưng nhiều người nói như thế mới hợp với lễ Giáng Sinh, như ta vẫn hát: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”
Phải nói là chúng tôi quá mệt sau một ngày lăn lộn với mục vụ, chẳng thiết ăn một chút gì trước khi đi ngủ, như người ta vẫn có một bữa tiệc sau lễ đêm Giáng Sinh. Phải vậy thôi, vì ngày mai chúng tôi sẽ rời Sông Mã sớm, vượt 220 cây số để kịp dâng lễ lúc 10g30 ở giáo xứ Mộc Châu, và đi tiếp đoạn đường 200 cây số còn lại để trở về Tòa giám mục.
5. Kết:
Trên đường về, tôi suy nghĩ miên man và trăn trở nhiều về hiện tình mục vụ với các cộng đoàn H’mông so với các cộng đoàn Kinh:
- Chúng ta đổ nhiều công sức và vật chất để xây sửa nhà thờ, nhà nguyện, nhà mục vụ cho người Kinh, nhiều nơi quá tốn kém, trong khi với người H’mông thì không quan tâm đủ, nhiều nơi chưa có nhà nguyện, phải mượn nhà tư vừa nhỏ, thấp, chật hẹp để dâng lễ !
- Đời sống vật chất người Kinh cao, có nơi có người rất cao, không thua bên Âu Mỹ; trong khi đó bên cạnh chúng ta, anh em H'mông còn nghèo, có thể nói rất nghèo: nhà cửa sơ sài, cơm ăn áo mặc đều thiếu, học hành ít, dân sinh dân trí thấp, chúng ta có biết nghĩ và chia sẻ với họ không ? Dụ ngôn ông phú hộ và anh Ladarô nghèo khổ có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của ta ? Phải chăng chủ nghĩa Mackeno (Mặc kệ nó) làm xơ cứng lòng ta ?
- Chúng ta vẫn nói Hưng Hóa là giáo phận truyền giáo, thế mà kết quả trông thấy nơi người Kinh hầu như là con số không: không gia tăng số lượng, không nâng cao chất lượng, số người lơ là nguội lạnh không giảm mà tăng ; trong khi đó hàng năm có cả ngàn người H’mông gia nhập đạo.
- Chúng ta không biết thực chất người H'mông tin Chúa và hiểu Tin Mừng như thế nào, chỉ thấy họ đi lễ đông, ít người bỏ đạo hay lơ là… Cho đến nay chưa có một linh mục nào trong giáo phận – mới chỉ vài nữ tu - nói thạo ngôn ngữ của họ, thì làm sao việc mục vụ cho họ có chiều sâu !
- Mục vụ cho người H'mông gói gọn trong thánh lễ, các cha đến, dâng lễ xong là đi, ít giải tội, chẳng gặp gỡ cá nhân, không thăm viếng gia đình, khoán trắng việc dạy giáo lý cho vài ba giáo lý viên H'mông, cũng chẳng kiểm tra xem họ dạy thế nào, người học tiếp thu ra sao, rửa tội cho họ rồi thôi, không giúp họ hiểu biết hơn nữa về giáo lý. Mục vụ còn rất hời hợt.
- Giáo phận đầu tư nhiều vào việc đào tạo, nâng cấp giáo lý viên người Kinh, còn giáo lý viên người H'mông thì ít được đào tạo, như thế thì khó lòng mong hiểu biết sâu xa về giáo lý.
- Sứ mạng loan báo Tin Mừng xem ra chỉ mới được hô hào trên biểu ngữ và nơi môi miệng, chứ chưa thật sự lên đường, ra khơi, “duc in altum” ! Người Kinh chỉ loay hoay giữ đạo cho mình, chú trọng hình thức bên ngoài, lễ lạc hoành tráng, trống kèn rầm rộ, chứ chưa thật sống đạo. Kitô hữu chưa là ánh sáng, muối, men. Kitô giáo không có sức thu hút hấp dẫn, nên chẳng mấy người theo đạo. Một tệ nạn là nhiều người giả vờ theo đạo để lấy người có đạo, sau khi cưới xong thì không giữ đạo nữa ! Có người vì công ăn việc làm nên giấu diếm, không dám giữ đạo ! Người H'mông thì ngược lại, không có gì để mất, và bản chất chân thực của họ, đã theo thì không bỏ. Phải giúp họ giữ được bản sắc này, đừng để mất đi.
- Giáo phận đề ra kế hoạch các giáo xứ giáo họ kết nghĩa với nhau. Đúng ra, nên tổ chức để một giáo xứ Kinh (116 xứ) kết nghĩa với một giáo họ H'mông (gần 100 họ). Nhưng rồi kế hoạch biến thái ra các giáo xứ hoặc giáo họ kết nghĩa với nhau, không phân biệt Kinh hay H'mông nữa. Ước mong giữa các giáo xứ giáo họ Kinh - H’mông nối kết, chia sẻ, gắn bó với nhau, không phân biệt và ngăn cách, bởi trong Đức Kitô, tất cả là anh chị em với nhau, đều là con một Cha, nhà một Chúa; ước mong các linh mục ở xứ Kinh biết vượt biên đến vùng ngoại vi H’mông mà mang lấy họ vào mình, chứ không “mackeno” !
- Chưa thấy nhiệt huyết thúc đẩy các linh mục, tu sĩ, giáo dân tự nguyện đi phục vụ anh chị em H’mông. Thực ra cũng có, nhưng chỉ một hai trường hợp hãn hữu mà thôi.
Thực hiện những việc trên đây không dễ, nó đòi hỏi các mục tử và cộng sự viên là tu sĩ, giáo dân các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành đổi mới tư duy, thao thức và nỗ lực làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Cần có nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới, như Đức Gioan-Phaolô II đã dạy, và Đức Phanxicô tái khẳng định trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng.
Như lễ Giáng Sinh đã lật một trang mới trong lịch sử cứu độ, thì đối với tôi, chuyến mục vụ lần này ở Mường La và Sông Mã cũng gợi cho tôi nhiều dự định mà tôi thầm xin Chúa Thánh Thần giúp thực hiện cho anh chị em H'mông đáng thương và cũng đáng trân trọng được nhờ.
Một số hình ảnh trong chuyến mục vụ:
Lễ Giáng Sinh ở Co Hay được cử hành ngoài trời
Các em gái H’mông có giọng hát rất trong và cao vút, phải chăng vì sống ở trên đỉnh núi ?
Mọi người thành tâm dự lễ rất sốt sắng
Thánh lễ Giáng Sinh tại Co Hay rất đơn sơ
Em này được làm "anh" Chúa
Chị này được làm "chị gái" Chúa
Bà này cũng trở nên "mẹ" Chúa Chúa Thánh Thần ghi ấn tín của Ngài trên chị
Một mục đồng H’mông đến viếng Chúa Hài Đồng
Người ơi có hay hôm nay Chúa sinh ra ở Co Hay?
Ai mà như bà E-va đến tạ lỗi Chúa
Em bé này là hình ảnh Chúa Hài Đồng
Quà Chúa cho con đây !
Cho con quả bóng để tặng Chúa + Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa