Thứ bảy, 16/11/2024

Đức Cha Phụ Tá Anphong Nguyễn Hữu Long Kể Chuyện Mục Vụ Giáng Sinh Ở Mường La Và Sông Mã - Sơn La (III)

Cập nhật lúc 08:01 05/01/2018
 
 - III -
 
 
Chúa nhật (24.12.2017) là ngày đầy ắp mục vụ nhất lần này: Chúng tôi đi 140 cây số, thăm 4 cộng đoàn, dâng lễ tại mỗi nơi, Rửa tội 28 người, Thêm Sức 39 người và hợp thức hóa Hôn phối cho 29 đôi vợ chồng.
Cha Phaolô Nguyễn Công Hiến nhận bài sai về giáo xứ Sông Mã chưa được một năm, nhưng với nhiệt huyết của một linh mục trẻ, cha miệt mài rảo khắp huyện Sông Mã, củng cố các cộng đoàn đã có và xây dựng  thêm những cộng đoàn mới. Đây là số liệu các cộng đoàn ở huyện Sông Mã:
 
STT Cộng đoàn Địa chỉ Dân tộc Số gia đình Số giáo dân
1 Ngam Chặn xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã H'mông 15 79
2 Tạng Sỏn xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã H'mông 36 221
3 Phá Thoóng xã Huổi Một, huyện Sông Mã H'mông 20 92
4 Huổi Vạng xã Huổi Một, huyện Sông Mã H'mông 31 156
5 Huổi Một xã Huổi Một, huyện Sông Mã Kinh 37 165
6 Co Hay xã Chiềng Khoong, h. Sông Mã H'mông 92 570
7 Ít Lót xã Chiềng Khoong, h. Sông Mã H'mông 15 86
    Tổng cộng   246 1.369
 
 
Trong 7 cộng đoàn nói trên, chỉ có mỗi Huổi Một là người Kinh, còn lại toàn người H'mông. Vậy là ở đây, người Kinh công giáo là dân tộc thiểu số ! Lần này, chúng tôi chỉ đi thăm được 4 cộng đoàn Tạng Sỏn, Phá Thoóng, Co Hay và Huổi Một (ôi những cái tên nghe lạ hoắc, khó nhớ, đọc tréo cả lưỡi!), xin hẹn 3 cộng đoàn kia vào lần sau.
 
1. Tạng Sỏn: Rời Huổi Một lúc 7 giờ sáng, chúng tôi đi xe hơi 55 cây số, sau đó chạy xe máy thêm 3 cây số đường mòn thì đến bản Tạng Sỏn. Cộng đoàn ở đây đã có ngôi nhà nguyện xinh xắn bằng gỗ, tiếc rằng nhỏ bé quá nên nhiều giáo dân phải ngồi ở ngoài, rồi đây sẽ nới thêm hai gian nữa. Nhà nguyện nằm trên một ngọn đồi, giữa hai cụm dân cư. Đứng ở đó, chỉ cần đảo mắt chung quanh, ta sẽ có ngay một quang cảnh đẹp như tranh: màu xanh thắm của rừng cây chen lẫn màu hoàng thổ của đồi núi loang lổ; sông suối, mây trời, nắng nhạt, và thêm nữa làn gió hiu hiu vờn tóc mây tô điểm cho bức họa thiên nhiên thêm tuyệt tác.
Giáo dân H'mông đón chúng tôi với đóa hoa rừng trên tay, thật ấm cúng. Giây phút chào nhau là giây phút ấn tượng nhất, nên tôi không ngại mất thời gian để bắt tay từng người lớn, xoa đầu các em bé, với lời thăm hỏi và nụ cười trên môi. Họ đáng được sự ân cần này, nhất là khi họ đi bộ gần 20 cây số để đến đây từ mấy ngày qua.
Chúng tôi cùng bà con tiến vào nhà nguyện chuẩn bị dâng thánh lễ. Thầy Giuse Sùng A Vùa, đang làm năm Tập Vụ (Giúp xứ) tại Sông Mã, đã dạy giáo lý và lo liệu chu đáo mọi sự cho cuộc lễ hôm nay. Thầy phiên dịch trôi chảy trong thánh lễ nữa. Rất đáng khen. Những người H'mông lớn tuổi và phụ nữ thường không hiểu rõ tiếng Kinh; phần chúng tôi, khốn khổ là chúng tôi cũng chưa thông thạo tiếng H'mông, nên vẫn phải nhờ phiên dịch để mọi người hiểu rõ. 
Trong thánh lễ, chúng tôi cử hành bí tích Thánh Tẩy cho 15 anh chị em dự tòng, Thêm Sức cho 37 người lớn và chứng hôn cho 19 đôi vợ chồng. Tất cả đã theo học giáo lý gần một năm nay. Nhìn sự thành tâm trên khuôn mặt vốn dĩ hiền lành của họ, tôi nghĩ họ cũng là những mục đồng đơn sơ bé mọn đã được thiên thần báo tin Đấng Cứu Thế giáng sinh. Giữa đêm khuya, các mục đồng đã cất bước đi tìm Hài Nhi mới sinh, gặp được Ngài, để rồi sau đó vui mừng ra về, vừa đi vừa ca hát. Cảnh tượng ấy được lặp lại ở đây và hôm nay, nơi những người H’mông bé mọn này, họ thật có phúc.
Khi các đôi vợ chồng trao nhẫn cho nhau xong, tôi mời họ tỏ một cử chỉ yêu thương là ôm nhau, như các cha vẫn làm ác-cô-lát (accolade, ôm nhau thánh thiện) thì mọi người, nhất là các thiếu nhi, cười rộ lên, khiến họ bẽn lẽn xấu hổ, nhưng nhờ vậy mà bầu khí trở nên thắm tình hơn.  
Hỏi thăm đời sống vật chất của bà con ở đây thì được biết họ nghèo lắm, thiếu ăn triền miên. Thắc mắc sao họ ăn mặc đẹp thế, quần áo mới, có cả dép thay vì chân không như ở Giàng La Pán, Sùng Đô…, thì mới hay sau đợt lũ quét tháng 8 vừa qua, nhiều đoàn từ thiện gửi tặng áo quần mới, và họ vui vẻ nhận, để hôm nay chưng diện với ánh mắt vui tươi. Trong lần thăm này, thầy Giuse Trần Ngọc Anh, một người gắn bó với các chuyến mục vụ miền cao, đã vận động được nhiều ân nhân trong miền Nam để tặng mỗi gia đình, kể cả lương dân, hai chục ký gạo và một thùng mì. Thầy cũng giúp cho mỗi giáo họ có một bộ tượng Máng Cỏ lớn đẹp, làm tăng thêm bầu khí hân hoan cho lễ Giáng Sinh tại các bản H'mông xa xôi này. Xin cám ơn thầy và quý ân nhân.
Lễ xong, chúng tôi cùng bà con dùng bữa cơm thân thiện, trước khi rời Tạng Sỏn vào 12 giờ trưa để đi tiếp đến Phá Thoóng, cách đó 55 cây số.
 
2. Phá Thoóng:
Điểm này vừa ít giáo dân, vừa chưa có nhà nguyện, phải mượn một nhà giáo dân để cử hành thánh lễ.
Khi đến nơi, thấy căn nhà quá nhỏ không thể chứa hết người, chúng tôi quyết định dâng lễ ngoài sân cho thoáng. Trời khi ấy lúc nắng lúc râm, thỉnh thoảng ông mặt trời vạch bức màn mây nhìn xuống, dường như để xem nhân gian chuẩn bị lễ Giáng Sinh ra sao. Chắc hẳn ông nhìn về bản Phá Thoóng này, bởi đây là lần đầu tiên, sau hơn hai thiên niên kỷ, Chúa Hài Đồng hạ sinh nơi đây. Và chắc để tỏ lòng thương đám dân mọn, ông ẩn mình trong bóng mây suốt thời gian chúng tôi dâng lễ. Không gian thanh thanh, thời gian đọng lại, khí hậu ấm áp, khiến ai nấy cảm thấy vui sướng hân hoan.
Ở đây, chúng tôi hợp thức hóa cho 10 đôi hôn phối. Người H'mông có tục tảo hôn, con trai 15-17 tuổi và con gái 14-15 tuổi đã lấy nhau. Chính quyền dùng nhiều biện pháp để ngăn tục tảo hôn nhưng bất lực, các cha khuyên nhủ cũng chưa thành công. Có lẽ còn phải một thời gian nữa, hủ tục này mới chấm dứt chăng. Các linh mục thường phải hợp thức hóa hôn phối cho người H'mông, sau khi họ đã sống với nhau được vài mặt con.
Tôi để dành hai gói kẹo sô-cô-la Mỹ, vì nghĩ họ đáng được thưởng thức kẹo ngon này, nhưng chẳng đủ để mỗi người một viên. Tuy nhiên, tôi nhận thấy người không được kẹo vẫn vui vẻ chứ không thèm thuồng ganh tỵ với người được, phải chăng đó là tính cách cao quý của người H'mông ? Sống hay chết, hết gạo hay còn, trâu nhiều hay ít, nhà to hay nhỏ, nghèo cỡ nào đi nữa, họ vẫn thản nhiên chấp nhận, chứ không tỏ ra buồn rầu, tức tối. Vậy là họ gần với giáo huấn Tin Mừng hơn người Kinh chúng ta, đúng không ?!
Ở hai giáo điểm H’mông này, tôi xác tín Chúa thật là Cha nhân từ, thương yêu và gần gũi những mảnh đời bé mọn, tầm thường và bị lãng quên. Không bao giờ Chúa bỏ rơi họ, từng sợi tóc trên đầu họ đều được Chúa đếm, họ cao quý hơn chim sẻ vẫn được Chúa nuôi nấng mỗi ngày. Tôi chưa nghe một người H’mông nào, dù nghèo đến mấy, lại chết vì đói. Xét ra họ có phúc vì được Chúa chăm nuôi: thiếu ăn thì có người từ đâu không biết gửi gạo tới, thiếu mặc thì được tặng áo mới đẹp. Chúa nâng niu đôi bàn chân nứt nẻ chai sần của họ vì đi chân không, thế là dép giầy được ai đó gửi tặng. Chúa biết nhà họ sơ sài không đủ ngăn cái rét buốt da, thì chăn màn được gửi tới giữ ấm cho tấm thân gầy gò của họ.
Mầu nhiệm Giáng Sinh dạy tôi bài học Chúa hạ mình xuống thế chịu cảnh nghèo, để nâng con người, nhất là những người H’mông, lên làm con Chúa, và được thương yêu.
(còn tiếp kỳ IV)
 
Một số hình ảnh trong chuyến mục vụ:

 

Bản Tạng Sỏn trông như một bức tranh

Cha Phaolô Nguyễn Công Hiến, quản nhiệm giáo xứ Sông Mã, Sơn La

Chúa giáng sinh để những anh chị em này được tái sinh làm con Chúa


Thầy Giuse Sùng A Vùa phiên dịch cho mọi bà con đều hiểu​

“Cha rửa con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”

“Các con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô”​

“Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”​

“Em hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của anh, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”.

Ôm nhau để biểu hiện tình yêu vợ chồng

Mọi người chung vui với tình yêu vợ chồng

Thầy Giuse Trần Ngọc Anh, một người hết lòng với bà con H’mông ở giáo phận Hưng Hóa

Đúng là “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”​

Các thiếu nhi và bữa cơm mừng Chúa giáng sinh​

Sau đó, tung tăng chơi bóng bay​

Bóng ơi, bay lên cao, mang theo bao ước mơ của trẻ thơ​
Chúa làm người, để con người được làm con Chúa

Thánh lễ Giáng Sinh được cử hành ngoài trời ở bản Phá Thoóng​
Giáo dân bản Phá Thoóng dự lễ​
Giây phút giao hòa Trời với Đất


Các thiếu nhi hôn yêu Chúa Hài Đồng
 

 
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
  Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa tĩnh tâm năm 2024 với chủ đề “Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục” 
Linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa tĩnh tâm năm 2024 với chủ đề “Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục” 
“Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục”, là chủ đề tuần tĩnh tâm năm 2024 của linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa, diễn ra từ 14h45 thứ Hai, ngày 11.11 đến sáng thứ Sáu, ngày 14.11.2024 tại Trung Tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log