Lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam
Cập nhật lúc 09:51 11/08/2015
Vào lúc 16g00 ngày 06-08-2015, tại Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam.
Mở đầu buổi lễ, linh mục Vinh sơn Nguyễn Cao Dũng (SCJ), Thư ký Uỷ ban Giáo dục Công giáo trực thuộc HĐGMVN, đã giới thiệu thành phần tham dự. Về phía Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN; Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng Thư ký HĐGMVN; Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo trực thuộc HĐGMVN; linh mục Ignatiô Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng Giáo phận TP.HCM, linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Chánh văn phòng Trụ sở Văn phòng HĐGMVN; linh mục Giuse Nguyễn Văn Sinh, Quản lý Trụ sở Văn phòng HĐGMVN; linh mục Vinh sơn Nguyễn Cao Dũng (SCJ), Thư ký Uỷ ban Giáo dục Công giáo trực thuộc HĐGMVN; về phía đại diện Nhà nước có ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN); ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo UBTWMTTQVN; ông Đặng Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Đặng Văn Thanh, Chuyên viên Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng các đại diện của Ban công tác phía Nam UBTWMTTQVN và Ban Tôn giáo TP.HCM.
Tiếp đến, ông Đặng Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, đã thay mặt Ban Tôn giáo Chính phủ công bố “Quyết định về việc chấp thuận thành lập Học viện Công giáo Việt Nam” và ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, đã trao quyết định này cho ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ tịch HĐGMVN.
Sau đó, ông Lê Bá Trình đã thay mặt UBTWMTTQVN có lời chúc mừng và chia sẻ niềm vui với HĐGMVN. Ông cho biết: “Kể từ khi ý tưởng và nguyện vọng thành lập Học viện Công giáo Việt Nam được hình thành, các cơ quan của Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện cùng với các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam xây dựng một đề án nhằm đạt được nguyện vọng của Giáo hội trong việc đào tạo các chức sắc và tín đồ trong đạo Công giáo tại Việt Nam có đủ trình độ nâng cao về Giáo lý.”
Về phía Giáo hội, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã thay mặt HĐGMVN chia sẻ với các vị đại diện Ban Tôn Chính phủ và UBTWMTTQVN những tâm tình như sau: “Các vị Giáo hoàng trước và Đức Giáo hoàng đương kim đều dạy chúng tôi phải đối thoại thẳng thắn và chân thành với chính quyền. Điều đó, chúng tôi đã cố gắng thể hiện từ nhiều năm nay. Chúng tôi cũng thấy chính quyền rất thiện chí và cởi mở đón nhận tinh thần đối thoại của chúng tôi. Kết quả thực tế lớn là việc đẩy mạnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam. Tôi thấy kết quả này đạt được rất nhanh, từ lúc Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo làm Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài đã cùng với tôi đẩy nhanh tiến độ này.”
Trước khi kết thúc, ông Đặng Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, đã gửi tặng phần quà của Ban Tôn giáo Chính phủ cho Viện trưởng của Học viện Công giáo Việt Nam là Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo.
Buổi lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam đã kết thúc vào lúc 16g20 cùng ngày.
Nhân dịp này, xin được khái quát về tình hình đào tạo nhân sự trong Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Hiện nay, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có 8 Đại Chủng viện: ĐCV Thánh Giuse (Hà Nội), ĐCV Thánh Giuse (Sài Gòn), ĐCV Thánh Giuse (Xuân Lộc), ĐCV Thánh Quý (Cần Thơ), ĐCV Sao Biển (Nha Trang), ĐCV Xuân Bích (Huế), ĐCV Vinh Thanh (Vinh), và ĐCV Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội (Bùi Chu, Cơ sở II của ĐCV Thánh Giuse Hà Nội).
Nhìn chung, các Đại Chủng viện cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục cho các giáo phận trong cả nước. Tuy nhiên, chương trình đào tạo tại các Đại Chủng viện mới chỉ đáp ứng ở trình độ Đại học để làm việc mục vụ. Cho nên, việc đào tạo nâng cao trình độ Thạc sĩ (Cử nhân theo từ ngữ của Giáo hội) và Tiến sĩ Thần học thì Giáo hội tại Việt Nam phải cử người ra nước ngoài du học, ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, cũng như tốn kém về kinh phí cho các giáo phận và chính bản thân những người được cử đi học. Trước sự khích lệ của Toà Thánh, Giáo hội tại Việt Nam đã quyết định thành lập Học viện Công giáo này.
Được biết ở Việt Nam, Giáo hội Công giáo đã hiện diện từ năm 1533, đến nay trở thành một tôn giáo lớn với trên 6.800.000 giáo dân, gần 5.000 linh mục, 43 giám mục, có 4 giám mục đang phục vụ Giáo hội hoàn vũ, 6 linh mục đang phục vụ tại Giáo triều Vatican, gần 60.000 giáo lý viên, trên 3.500 giáo xứ, với 8 Đại Chủng viện và hơn 100 dòng tu.
(Nhĩ Thuận, WHĐ 07.08.2015)