BAN SINH VIÊN – HỌC SINH
Trực Thuộc
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO - HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
-------------------------------------------------------
BẢN ĐÚC KẾT HỘI THẢO GIÁO DỤC:
ĐỒNG HÀNH SINH VIÊN HÔM NAY
Ngày 01/08/2015
Địa điểm: Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn - 6bis Tôn Đức Thắng, Q.1,
Tp.HCM
Thời gian: 8:00 – 11:30 am
Tham dự viên: Khoảng 150 thành viên đến từ 8 giáo phận, 7 đến từ các Dòng nam, 28 đến từ các Dòng nữ, các phụ trách các lưu xá, giáo sư, giới chức.
I. KHAI MẠC
- Phút thánh hóa đầu giờ
- Tâm tình của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo:
Tại sao chúng ta đến đây? Vì lời mời gọi của Ban Sinh Viên – Học Sinh hay của UBGD CG?
Câu hỏi mở đầu của Đức Cha đã nhanh chóng lôi cuốn mỗi thành viên hiện diện đi vào nội dung chương trình và khơi dậy một động lực thúc đẩy sâu xa từ bên trong để mọi người đều cảm nhận rằng: chính sức mạnh tình yêu từ Thiên Chúa đã dẫn mọi người đến đây hôm nay. Hình ảnh những lớp sóng biển đã được Đức Cha dùng để diễn tả sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa một cách sống động hơn.
Những lớp sóng biển nối tiếp nhau xô vào bờ đã làm cho nước biển được sạch. Có những ngày biển dậy sóng nhưng cũng có ngày biển lặng bình yên. Từ đâu mà những lớp sóng này nổi lên? Có hai yếu tố:
o Sự rung động của lòng biển – diễn tả tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa.
o Sức gió thổi – diễn tả sức mạnh của Chúa Thánh Thần
Hai sức mạnh này hợp lại đã tạo nên những đợt sóng biển nối tiếp nhau vỗ về bãi biển. Hôm nay, cũng chính hai sức mạnh này đã thúc đẩy chúng ta đến đây để cùng học hỏi và chia sẻ chứ không chỉ đơn thuần vì lá thư mời của Ban Sinh Viên – Học Sinh.
Trong sứ vụ hiện tại, chắc chắn chúng ta đều nhận được tác động của Thiên Chúa và của Chúa Thánh Thần để dấn thân phục vụ cho những “lớp sóng tương lai”, hầu để lại nơi người thụ huấn một dấu ấn tình yêu in sâu vào tâm khảm của các em. Một khi các em nhận được dấu ấn tình yêu này thì tất cả cuộc đời của các em sẽ được ảnh hưởng bởi dấu ấn đó. Đức Cha chia sẻ kinh nghiệm của ngài:
Một dấu ấn đẹp mà chính Đức Cha chủ tịch có được và còn nhớ mãi cho đến hôm nay đó là khi ngài tới Pháp để học tiếng Pháp vào dịp hè năm 1968. Thời điểm đó, Đức Cha chỉ có thể lo được tiền ăn ở, nhưng không tự lo được tiền học. Ngài đã đánh liều vào văn phòng trường gặp cha giám đốc để trình bày hoàn cảnh và xin hỗ trợ giảm học phí. Cha giám đốc đã tiếp đón ngài ân cần và còn miễn cho tiền học. Khi ra về, cha giám đốc đã bắt tay và tiễn ra tận cửa như một người khách quí. Những cử chỉ đơn sơ, thân thiện, và ân cần của cha giám đốc ngày ấy đã in sâu vào tâm khảm của Đức Cha chủ tịch như một dấu ấn tình yêu không phai nhòa cho đến tận hôm nay…
Mong thay các nhà đồng hành cũng hành xử như vậy với các em mà chúng ta đang trực tiếp hướng dẫn. Một sự tôn trọng và ân cần ngay cả với những người đến “ăn mày” mình cũng là một dấu ấn đẹp được lưu lại nơi người ta gặp và sẽ khó phai nhòa. Nhờ những dấu ấn tình yêu đó, chắc chắn các em cũng sẽ biết hành xử và sống tốt với những người khác. Từ đó, “lớp sóng” này tiếp nối “lớp sóng” kia vỗ về bãi biển là thế giới, đất nước và Giáo Hội Việt Nam, và làm cho “bãi biển” luôn sạch trong. Ước mong những tâm tình này sẽ là nguồn động lực cho người đồng hành và được chuyển lời tới các em qua hành động của chính mình: tôn trọng, yêu thương, và quí mến những người mình làm ơn.
Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo - Chủ tịch Ủy ban, Cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng SCJ – Tổng thư ký Ủy Ban và Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu SDB – Trưởng Ban Sinh viên, học sinh.
II. CHUYÊN ĐỀ
Chuyên đề 1: ĐỒNG HÀNH CÙNG SINH VIÊN HÔM NAY –
Thuyết trình viên: Frère Quân, Dòng Lassan
Những cái vỗ tay, bắt tay, chào hỏi, quay nhìn nhau đã được Frère dùng để diễn tả sự đụng chạm đầu tiên trong đồng hành, vì đồng hành là đụng chạm, là cùng ăn, cùng ở, cùng chơi, cùng sinh hoạt… với sinh viên. Người đồng hành là người đụng chạm tới từng ngõ ngách cuộc sống của sinh viên.
a) Trước hết, Frère đã dựa vào Tin Mừng để giúp mọi người đọc lại những giáo huấn của Chúa Giêsu trong việc đồng hành:
o Mỗi người là một mầu nhiệm mà chúng ta phải khám phá mãi.
o Chúng ta chưa thể kết luận được gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt xuôi tay và nhất là khi ta chưa nghe lời phân xử của Thiên Chúa yêu thương.
o Bởi vì Ngài chấp nhận lúa mọc chung với cỏ lùng. – Chúa tôn trọng lịch sử riêng của từng người.
o Ngài trân trọng và khơi dậy tự do của con người đến mức cao nhất khi Ngài yêu thương từng người cách riêng: Phêrô, Gioan, Madalena… Ngài đã đối thoại với người phụ nữ Samari và chữa lành người ốm đau tật nguyền.
o Đức Giêsu không ngừng đối thoại. Đối thoại để hòa giải và dẫn con người đến hiệp thông với Chúa và với nhau.
b) Dựa vào Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (số 169 – 173): Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi:
o Hiện nay, cần những người nam và nữ biết dựa trên kinh nghiệm bản thân để có thể bảo vệ đàn chiên.
o Hội Thánh phải nhìn người khác bằng đôi mắt thân tình và thiện cảm.
o Cái nhìn cảm thông dẫn tới sự chữa lành người khác, khích lệ và tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo.
o Đồng hành thiêng liêng phải dẫn đưa người khác đến gần Thiên Chúa: Đạt được tự do.
Trong ý nghĩa đó, người đồng hành cần:
Ø Phát triển nghệ thuật lắng nghe
Ø Lắng nghe là mở lòng qua thái độ gần gũi → gặp gỡ thiêng liêng.
Ø Lắng nghe là tìm ra những cử chỉ và lời nói thích hợp.
Ø Lắng nghe với thái độ tôn trọng.
Ø Lắng nghe với thái độ cảm thông.
Bằng những cử chỉ dễ thương, cái vỗ tay, và tiếng reo “Ah” đã phần nào diễn tả ý nghĩa sâu xa của việc đồng hành. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh:
Ø Đạt đến một mức độ trưởng thành mà ở đó các cá nhân có thể thực hiện các quyết định tự do và có trách nhiệm cần nhiều thời gian và kiên nhẫn.
Ø Mỗi tình huống của một cá nhân trước mặt Chúa và đời sống trong ân sủng của họ là những mầu nhiệm mà không ai có thể hiểu đầy đủ từ bên ngoài.
Bản đồ các lưu xá sinh viên công Giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Chúng ta đang cố gắng để đồng hành với sinh viên trong những lãnh vực khác nhau, nhưng các bạn trẻ có muốn đồng hành với chúng ta hay không? Điều này đã dẫn đến đề tài nghiên cứu:
“Thái độ và ý kiến của sinh viên về các lưu xá Thiên Chúa Giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh”
Khảo sát thực tế tại bốn lưu xá trong Thành phố Hồ Chí Minh: Lưu xá Lasan Phú Thọ, Lưu xá Sivita, Lưu xá Thiên Phước, Lưu xá Nam Hòa. Với tổng số 232 sinh viên, chúng ta có được một kết quả tóm lược như sau:
Lý do sinh viên chọn sống trong lưu xá:
Quan hệ của bạn với các bạn khác trong lưu xá:
|
Quê quán |
Tổng số |
Nông thôn |
Thành thị |
Rất tốt |
N |
32 |
6 |
38 |
% |
17,5 |
12,2 |
16,4 |
Tốt |
N |
87 |
30 |
117 |
% |
47,5 |
61,2 |
50,4 |
Bình thường |
N |
64 |
12 |
76 |
% |
35,0 |
24,5 |
32,8 |
Không tốt |
N |
0 |
1 |
1 |
% |
0,0 |
2,0 |
0,4 |
Tổng số |
N |
183 |
49 |
232 |
% |
100 |
100 |
100 |
Bạn có dễ dàng chia sẻ, trò chuyện về mọi vấn đề với người phụ trách lưu xá không?
|
Giới tính |
Tổng số |
Nam |
Nữ |
Dễ dàng |
N |
41 |
24 |
65 |
% |
39,8 |
18,6 |
28,0 |
Khó |
N |
18 |
51 |
69 |
% |
17,5 |
39,5 |
29,7 |
Bình thường |
N |
44 |
54 |
98 |
% |
42,7 |
41,9 |
42,2 |
Tổng số |
N |
103 |
129 |
232 |
% |
100 |
100 |
100 |
Cảm nhận về người đang phụ trách lưu xá:
Cảm nhận về người đang phụ trách lưu xá (biến độc lập):
Nhân cách, lối sống của người phụ trách lưu xá có ảnh hưởng gì trên bạn không?
Mức độ ảnh hưởng |
Giới tính |
Tổng số |
Nam |
Nữ |
Nhiều |
N |
39 |
35 |
74 |
% |
37,9 |
27,1 |
31,9 |
Vừa phải |
N |
56 |
68 |
124 |
% |
54,4 |
52,7 |
53,4 |
Hầu như không |
N |
8 |
22 |
30 |
% |
7,8 |
17,1 |
12,9 |
Hoàn toàn không |
N |
0 |
4 |
4 |
% |
0,0 |
3,1 |
1,7 |
Tổng cộng |
N |
103 |
129 |
232 |
% |
100 |
100 |
100 |
Khi bạn gặp khó khăn (học tập, sinh hoạt, lối sống…) người đầu tiên mà bạn muốn gặp là ai?
|
Giới tính |
Tổng số |
Nam |
Nữ |
Người phụ trách lưu xá |
N |
19 |
5 |
24 |
% |
18,4 |
3,9 |
10,3 |
Bạn thân |
N |
40 |
59 |
99 |
% |
38,8 |
45,7 |
42,7 |
Cha mẹ |
N |
32 |
53 |
85 |
% |
31,1 |
41,1 |
36,6 |
Người khác |
N |
12 |
12 |
24 |
% |
11,7 |
9,3 |
10,3 |
Tổng cộng |
N |
103 |
129 |
232 |
% |
100,0 |
100,0 |
100,0 |
Việc lắng nghe, vâng lời người phụ trách lưu xá đối với bạn là thế nào?
|
Giới tính |
Tổng số |
Nam |
Nữ |
Khó chấp nhận |
N |
1 |
4 |
5 |
% |
1,0 |
3,1 |
2,2 |
Dễ dàng chấp nhận |
N |
41 |
37 |
78 |
% |
39,8 |
28,7 |
33,6 |
Bình thường |
N |
61 |
88 |
149 |
% |
59,2 |
68,2 |
64,2 |
Tổng số |
N |
103 |
129 |
232 |
% |
100 |
100 |
100 |
Thuyết trình viên kết luận
: Rất cần thiết “một lối giáo dục giới thiệu cho người khác từng bước đến với sự chiếm hữu lấy cách trọn vẹn mầu nhiệm này: sự trưởng thành thật sự và đánh thức lòng khao khát lý tưởng Kitô là đáp trả tình yêu Thiên Chúa và sinh hoa trái cho điều mà chính Ngài đã gieo vào trong đời sống của chúng ta”.
Chuyên đề 2:
NHÀ ĐỒNG HÀNH SINH VIÊN NHƯ NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO TÔI TỚ
Thuyết trình viên: Cha Maria Teresa Trần Anh Thụ.
Đi từ vấn nạn thực tế:
o Đa số sinh viên nữ, bao gồm những ứng sinh tại các dòng tu rất ít đồng hành, chiếm khoảng 63%.
o Đa số người đồng hành là người kiêm luôn quản lý và là lãnh đạo tại các lưu xá.
o Đâu là lý do khiến các em không muốn đồng hành với chúng ta? Làm sao để dung hòa giữa người đồng hành và người được đồng hành? Đâu là cách để dung hòa giữa vai trò người đồng hành và vai trò người lãnh đạo?
Chính vấn nạn này mà chuyên đề “
Nhà đồng hành sinh viên như những nhà lãnh đạo tôi tớ” được khơi dậy.
Trước hết, khái niệm về “lãnh đạo” và “đồng hành” không thể gắn liền với nhau. Tiến trình của đồng hành bao gồm hai đối tượng: nhà đồng hành và người thụ hướng. Hai đối tượng này tạo nên một tương giao hai chiều. Nhưng trong thực tế, thường chỉ có tương giao một chiều, nghĩa là người đồng hành chi phối người thụ hướng mà thiếu chiều ngược lại.
Trong tương quan hai chiều, cả nhà đồng hành và người thụ hướng đều có thể đạt tới sự tự do mà theo ngôn từ Kitô giáo là hoàn thiện Kitô giáo. Trong tiến trình đồng hành, cần đối thoại, bàn hỏi và nhất là cầu nguyện để cùng nhau đạt tới sự hoàn thiện Kitô giáo. Theo khái niệm của Northhouse: lãnh đạo là một tiến trình, trong đó nhà lãnh đạo hấp dẫn, thuyết phục, lôi cuốn và gây ảnh hưởng trên những người đi theo, để rồi những người đi theo cũng sẽ gây ảnh hưởng trên tiến trình đó. Cuối cùng cả đôi bên cùng nhau đạt tới mục tiêu của tổ chức chung. Tất cả tiến trình này diễn ra trong bối cảnh kinh tế, văn hóa, chính trị và những yếu tố này ít nhiều ảnh hưởng trên người thụ hưởng; nhưng phần lớn người thụ hướng chịu tác động nơi nhà lãnh đạo.
Quyền lực và giao tiếp là hai con đường chi phối nhiều đến tiến trình lãnh đạo. Theo pháp lý, nhà lãnh đạo là người có quyền lực: quyền áp đặt, quyền cưỡng bức, quyền khen thưởng, quyền chuyên môn, quyền nội tại/ nhân cách hay còn gọi quyền đạo đức – quyền tối ưu mà nhà lãnh đạo cần phải có. Như vậy, yếu tố giúp nhà đồng hành thành công là quyền đạo đức. Có nhiều phong cách lãnh đạo, nhưng nhà đồng hành phải là nhà lãnh đạo tôi tớ. Nhà lãnh đạo trước tiên phải là người phục vụ. Greenleaf (1998) tổng hợp 10 yếu tố của nhà lãnh đạo tôi tớ (đặc san
Đồng Hành Sinh Viên Hôm Nay, trang 7).
Tiếp đến, nhà lãnh đạo cần đi theo con đường đối thoại: giao tiếp/communication. Qua đối thoại phải tìm ra một điểm chung, để từ đó xây dựng thành một cộng đoàn/community. Từ cộng đoàn này dẫn đến một sự hiệp thông sâu xa hơn được gọi hiệp thông trong Thánh Thể/Communion. Nếu chúng ta không làm tốt tiến trình này, chúng ta có nguy cơ bị dẫn dắt từ communication đến communision (cộng sản). Như vậy, giao tiếp để dẫn đến hiệp thông, để tạo nên một cộng đoàn, và hiệp thông trong Thánh Thể.
Trong tiến trình của giao tiếp, ta cần những thông tin/ information để đối thoại, nhưng không đơn thuần dừng lại ở những thông tin trong giao tiếp mà phải dẫn tới sự hình thành/ formation để từ đây đạt tới sự biến đổi của cả hai bên/ transformation. Nếu trong đối thoại mà không đối thoại sẽ thành rối loạn thông tin/ deformation, và cuối cùng sẽ dẫn tới communision.
Trong đối thoại cần có lắng nghe, nhưng lắng nghe phải dẫn tới sự đồng cảm. Nếu đối thoại chỉ đơn thuần là lắng nghe suông, sẽ không dẫn đến hiệp thông. Lắng nghe cùng với sự đồng cảm sẽ có khả năng chữa lành và biến đổi, và đây là nhiệm vụ quan trọng của người đồng hành thiêng liêng.
III. ĐÚC KẾT THẢO LUẬN NHÓM
Nhóm 1:
Cấu trúc và phương pháp đồng hành
Câu hỏi:
Theo anh/chị ,người đồng hành hôm nay cần có những cách thức nào để giúp sinh viên sống đức tin, trưởng thành nhân cách, và khả năng khẳng định bậc thang giá trị sống?
Sống đức tin:
- Thực hành kinh tối/sáng, tham dự thánh lễ, tham gia những hoạt động của giáo xứ: ca đoàn, huynh trưởng, các hội đoàn…
- Thực hành phút hồi tâm mỗi ngày hoặc mỗi dịp đặc biệt với sự giúp đỡ của các chuyên viên.
- Học giáo lý qua gameshow, trò chơi, sinh hoạt…
Trưởng thành nhân cách:
- Gương sống của người đồng hành…
- Tạo mối tương quan gần gũi và thân thiện để hướng dẫn các em…
- Cần bắt kịp nhịp sống của các em qua việc cập nhật những thông tin hàng ngày và nếu cần có thể tạo một facebook để nối kết và chia sẻ
Giá trị sống:
Tạo những sân chơi hữu ích:
o Bán hàng từ thiện
o Tham gia mùa hè xanh
o Tổ chức những chuyến đi tông đồ hoặc từ thiện để các em có cơ hội tiếp cận trực tiếp với thực tế hầu mang lại những giá trị sống thật
Nhóm 2:
Tinh thần và bầu khí đồng hành
Câu hỏi:
1. Chúng ta thấy tinh thần và bầu khí đồng hành với sinh viên thường có 2 xu hướng:
-
Hướng 1: Giữ khoảng cách rõ ràng giữa sinh viên và vị đồng hành.
-
Huớng 2: Vị đồng hành hòa mình với sinh viên như người bạn (đi chơi, đi ăn uống…với sinh viên)
Quý vị đã đồng hành với sinh viên của mình theo hướng nào? Bằng kinh nghiệm thực tế, xin quý vị hãy chia sẻ hướng mà quý vị thấy là hiệu quả trong việc đồng hành.
2. Thầy Giêsu đã “đồng hành” với các môn đệ của mình trong tinh thần và bầu khí như thế nào?
Với 31 tham dự viên thuộc nhiều thành phần khác nhau, đang phục vụ các đối tượng rất khác nhau như: các em lớp học tình thương, các mái ấm, các em vào đời sớm, các em cá biệt từ các tỉnh, các em đồng bào dân tộc thiểu số, các lưu xá nội trú của các nhà dòng, các lưu xá tự quản và các lưu xá tự phát, các sinh viên đang ngồi trên giảng đường… nên các chia sẻ của nhóm rất phong phú và mang tính chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
Ý kiến chung: không thiên về hướng duy nhất nào, nhưng là sự phối hợp, trung dung và uyển chuyển cả 2 hướng trong khi đồng hành, biết lúc nào cần phải “xa”, biết lúc nào cần phải “gần”
-
Cần phải có khoảng cách vì:
o Vẫn phải tôn trọng kỷ cương và giữ những quy định của một tập thể.
o Mình vẫn là một nhà giáo dục để dạy dỗ và hướng dẫn các em.
o Vấn đề đồng hành ngày nay rất phức tạp, các em dễ sống 2 mặt, có khi người đồng hành quá thân mật như một người bạn, các em sẽ nhân danh cái “bạn” đó để cào bằng luật lệ.
o “Đồng hành” chứ không “hòa tan”.
-
Cần phải có sự gần gũi, thân mật, yêu thương, tin tưởng các em vì:
o Với các em cá biệt, học trò tình thương, mái ấm, các em vào đời sớm… nếu chỉ dùng kỷ luật mà không gần gũi, theo sát, dụ dỗ, o bế… thì các em sẽ bỏ đi hết
o Với các em sắc tộc, các em thường mang nhiều mặc cảm, các em không thích học… các em rất cần được yêu thương, rất cần được thông cảm, được hiểu và nâng đỡ. Người đồng hành phải “bỏ mình” để nâng đỡ, kiên nhẫn và bao dung các em rất nhiều… Ngoài việc học tri thức của các em, còn phải tập cho các em trồng trọt, chăn nuôi và các kỹ năng khác để sau này các em trở về lại buôn làng, các em vẫn thích nghi được với cuộc sống ở buôn làng.
o Gần gũi, thân mật với các em khi các em đã tuân thủ những quy chế được đặt ra.
o Hòa nhập cùng các em, nhưng là trong các buổi tổ chức chung chứ không đi riêng vì sẽ gây ra tình trạng chia rẽ và ganh tỵ nhau.
o Gieo niềm tin cho các em, để các em cảm thấy được tin tưởng, để các em tin tưởng nhau và chính các em sẽ tiếp nối sự tin tưởng nhau này.
o Làm gương cho các em chứ không cần nói nhiều, đồng hành rất nhẹ nhàng, dám “buông” các em để các em ra đời chứ không quá “bao bọc” các em, để rồi khi các em gặp những “hấp dẫn” khác ngoài xã hội, các em dễ rơi vào…
o Giản dị, gần gũi, cảm thông, tôn trọng và yêu thương… Vừa là người cha, vừa là người thầy, vừa là người bạn, sống cùng và sống với các em, sống như thế nào để các em có thể sống được với mình, để các em xem mình là chỗ dựa cho các em trong mọi lúc, hiểu được các em để biết các em cần gì mà giúp các em cho kịp thời.
o Sống với các em như một người anh người chị, gần gũi, thân tình, yêu thương, tạo cho các em sự tin tưởng và một bầu khí gia đình để các em dễ chia sẻ và dễ sống thật.
o Việc đồng hành ngày nay rất cần một người đã được Chúa Thánh Thần đồng hành để biết mình cần phải làm gì.
o Các em rất cần được yêu thương, cần được khoan dung và tha thứ…
o Cần có sự nhạy bén, nhạy cảm để biết được nhu cầu của các em.
o Đi bước trước để các em dễ dàng chia sẻ.
Tóm lại, cần đồng hành trong tinh thần và bầu khí yêu thương và tin tưởng… một bầu khí như trong một gia đình để các em cảm thấy được yêu thương, để chính các em cũng sẽ yêu thương, chính sự yêu thương sẽ giúp nối kết, hoán cải và lại làm lan tỏa yêu thương
Phần trả lời cho câu hỏi số 2 đã có trong phần trình bày của hai thuyết trình viên nên không chia sẻ thêm. Phần còn lại hệ tại nơi mỗi tham dự viên sẽ thực hành những điều ấy như thế nào trong việc đồng hành của mình mà thôi. Luôn tâm niệm lấy Chúa Giêsu làm mẫu gương, làm tâm điểm, làm động lực để mỗi vị đồng hành sẽ noi theo và bước theo Người.
Nhóm 3:
Tầm nhìn và sứ vụ đồng hành
Câu hỏi:
1. Anh chị nhận thấy người sinh viên, học sinh trong bối cảnh gia đình, xã hội, Giáo Hội, học đường hôm nay, các em đang có những thuận lợi nào, và phải đối diện với những khó khăn thách đố nào trong việc hình thành nhân cách, và trưởng thành Đức Tin?
Như nhà giáo dục trong vai trò đồng hành, anh chị có kế hoạch đồng hành nào dành cho các em và cho việc đồng hành của anh chị được hữu hiệu?
2.Đâu là điểm tựa cho người đồng hành khi thi hành sứ vụ?
Thuận lợi:
o Xã hội quan tâm nhiều về giáo dục
o Các em được đào tạo và bồi dưỡng nhiều về các kỹ năng: internet, truyền thông…và cả những kỹ năng mềm.
o Cha mẹ chăm sóc tốt cho con cái
Khó khăn:
o Phía nhà trường thiếu giáo dục về nhân bản…
o Người đồng hành và người thụ huấn chưa có tương quan tốt.
o Chưa được giáo dục tốt và đúng cách về tình dục nên có đời sống vô luân lý.
o Ảnh hưởng bởi những lạc thuyết trong khi bản thân yếu về nền tảng giáo lý.
o Gia đình quá nuông chiều dẫn đến thiếu trưởng thành, thiếu tự lập, và khó giáo dục.
Kế hoạch đồng hành:
o Trau dồi kỹ năng sống cho các em…
o Trân trọng những đóng góp của giáo dân về vật chất, ý kiến, tinh thần và mời gọi họ cùng cộng tác trong lãnh vực giáo dục.
o Tìm hiểu thêm về tâm lý của lứa tuổi sinh viên
o Làm gương sáng
Điểm tựa
o Chúa Giêsu là điểm tựa duy nhất của nhà đồng hành
o Dựa vào Kinh Thánh để học cách ứng xử của Giêsu và lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nhóm 4: Tương quan trong đồng hành
Câu hỏi:
- Tương quan liên vị trong đồng hành
- Xây dựng/hình thành mối tương quan liên vị trong đồng hành như thế nào?
1.
Tương quan liên vị là sự tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Trong sứ điệp Hoà Bình của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng Giêng năm 2014:
“Khao khát một cuộc sống tròn đầy.. .ước mong một tình huynh đệ đẩy chúng ta đến với người khác, đón nhận nhau. Vì tự bản chất con người là hữu thể có tương quan, tìm sự tròn đầy qua tương quan liên vị được gợi hứng bởi tình yêu, hiệp thông mời gọi thắt chặt các tương quan liên vị bằng sự tôn trọng, cảm thông, lắng nghe, cởi mở...Tất cả những tương quan đều phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta đáp trả lời mời gọi của Ngài bằng hành động yêu thương, làm cho chính mình và tha nhân thành tạo vật mới, có khả năng yêu thương và đối thoại”.
Trong cùng một niềm tin, chúng ta có sự liên đới, lệ thuộc lẫn nhau để cùng vượt qua những khoảng cách (văn hoá, kiến thức, sắc tộc, màu da, vùng miền...) để đến với người khác trong yêu thương và tôn trọng. Cũng trong cùng một niềm tin, chúng ta đón nhận nhau như là quà tặng của Thiên Chúa.
Là nhà giáo dục, tương quan với Chúa, với mình, với anh em, phải học rất nhiều, có cái nhìn cảm thông. Tôn trọng các em “là tình bạn” tạo tin tưởng, công bằng, khôn ngoan, cẩn mật, tránh lạm dụng; có kỷ luật tự do trong trách nhiệm. Chúng ta hãy để lại dấu ấn tình thương trong tương quan với người được đồng hành.
Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, cần hiểu về tâm lý của các em; gương sáng là cần thiết. Chúng ta không nên áp đặt, mà cần có sự trao đổi ý kiến để đi đến quyết định chung. Có những trường hợp đặc biết thì cần quan tâm nhiều hơn để thấu hiểu những nguyên nhân sâu xa. Cần trang bị và giúp các em quân bình giữa kiến thức trên học đường và kỹ năng sống. Tạo sân chơi lành mạnh cho các em, như làm những công việc thủ công, qua đó sẽ hiểu được tâm tư tình cảm của các em. Đó cũng là cơ hội các em bộc lộ chính mình, thể hiện sự hữu ích của mình trong môi trường sống, với những vị đồng hành và với các bạn cùng chung sống.
2. Xây dựng/ Hình thành mối tương quan liên vị trong đồng hành
Cần có thời gian và kiên nhẫn trong quá trình lắng nghe những nhu cầu của các em, để hiểu và cảm thông hơn. Mỗi em là một nhân vị có một quá trình lịch sử riêng cần được trân trọng và khám phá, có những tổn thương cần được chữa lành. Đó chính là sự huyền nhiệm mà Thiên Chúa ghi dấu nơi các em.
Người đồng hành cần ý thức rằng tác nhân chính yếu trong quá trình tăng trưởng của người được đồng hành chính là Chúa Thánh Thần, chứ không phải là do tài khéo của riêng của mình.
Nhằm mục đích giúp các em nhận biết chính mình và hướng đến một quyết tâm bước đi trong sự thật thì vai trò của người đồng hành là rất quan trọng. Chúng ta cần một người bạn tâm giao để giúp ta có cái nhìn khách quan về chính mình. Người đồng hành cần duy trì mối
tương quan trợ giúp chứ không phải là
tương quan thay thế; chứng nhân hơn là thầy dạy.
Cuối cùng, người đồng hành cần nhớ rằng chính người được đồng hành quyết định về cuộc đời của họ chứ không phải một ai khác.
IV. GÓP Ý
- Mong Ban tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm rất chân thành và thực tế giữa các nhà đồng hành tại các lưu xá để có thể thúc đẩy các sinh viên, đặc biệt là những nhóm nhỏ ngụ tại những thành phố lớn trở thành men nơi môi trường các em đang sống. Một ước mong là các nhà đồng hành khích lệ các em tham gia những cuộc thi viết văn, thơ…để phát triển thêm kỹ năng.
- Đa phần các em sinh viên tại các lưu xá được chăm sóc và bao bọc rất kỹ. Vậy còn rất đông các em không sống trong lưu xá và cũng không thuộc về nhóm nào. Ai sẽ là người giúp đỡ và hướng dẫn các em? Bằng cách nào? Đó là ưu tư của một cá nhân và mong Ban Học sinh – Sinh viên có kế hoạch cho các nhóm tự lập này.
V. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC và ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
Giải đáp: Ban Học sinh – Sinh viên nhìn nhận rằng con số sinh viên hiện nay tại các địa bàn lớn là trên 500.000 em. Các Dòng tu và các lưu xá đang cưu mang giúp đỡ chỉ khoảng 250.000 sinh viên. Vẫn còn hơn 300.000 em đang ở ngoài tầm tay chúng ta bao gồm sinh viên Công giáo và không Công giáo đang cần giúp đỡ. Để có kế hoạch giúp đỡ những thành phần này, các nhà đồng hành sinh viên và những nhà giáo dục có tâm huyết trong sứ vụ “trồng người” cần ngồi lại với nhau nhiều để có một chương trình và định hướng rõ ràng.
Định hướng: Buổi hội thảo giữa các nhà đồng hành sinh viên hôm nay đã tạo nên một cuộc gặp gỡ quí báu và thiết lập được các mối tương giao trong cùng sứ vụ. Những thao thức của các thành viên cũng chính là những thao thức và ưu tư của ban đại diện dành cho các em sinh viên. Vì thế Ban Học sinh – Sinh viên dự định cuộc hội thảo sắp tới sẽ dành cho những đối tượng chúng ta đang giúp đỡ với chủ đề:
SINH VIÊN – TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI.
VI. KẾT THÚC
- Lời cám ơn của cha trưởng ban, Ban Sinh Viên – Học Sinh tới Đức Cha và quí thành viên tham dự. Cha trưởng ban cũng có lời mời gọi các nhà đồng hành nỗ lực canh tân, đổi mới phương pháp, cách thế, tương quan, bầu khí…để việc đồng hành mang lại kết quả tốt hơn.
- Lời nguyện kết thúc vào lúc 11g35
- Sau đó mọi tham dự viên chia sẻ bữa cơm huynh đệ, để biết nhau hơn và trao đổi kinh nghiệm sứ vụ đồng hành…
BAN SINH VIÊN – HỌC SINH
Trực Thuộc
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO - HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM