Chúa nhật, 24/11/2024

Thượng Hội đồng về gia đình đi vào trọng tâm của chủ đề

Cập nhật lúc 09:06 15/10/2015
Thượng Hội đồng bắt đầu bàn đến các vấn đề nền tảng. Trong buổi họp báo, linh mục Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh và các quan sát viên khác có trách nhiệm tường trình, đã nhìn nhận là các trao đổi “đã đi vào phần cụ thể”.

WHĐ (13.10.2015) – Tại Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình khai diễn tại Roma từ ngày 04-10 vừa qua, đã có tất cả 75 bài phát biểu lần lượt được trình bày trong hai ngày thứ Sáu 09-10 và thứ Bảy 10-10 về phần thứ hai của Tài liệu làm việc (Phân định ơn gọi gia đình), trong đó có nhiều bài đã dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô và lưu ý là cần phải nhấn mạnh tới lòng thương xót “trước” khi nói đến lề luật.
Trong số này, một nữ quan sát viên ghi nhận, “có nhiều vị biện hộ cho một nền mục vụ đón nhận mọi người, và hiếm có phát biểu nào chống lại mọi cởi mở”. Vẫn theo nhà quan sát này, hai “trường phái” đã xuất hiện rõ rệt. Đối với số người này thì “người Kitô hữu trước tiên là người có lòng thương xót: điều này không cấm họ tôn trọng lề luật, nhưng người Kitô hữu không thể bằng lòng với việc tuyên bố rằng ‘đó là giáo lý, chấm hết’. Đứng trước một người bị thương, người Kitô hữu chìa tay cho người ấy rồi tìm cách chỉ đường cho họ”.
Một số nghị phụ khác, số này ít hơn, bày tỏ mong muốn Giáo hội “trước hết, nên đưa ra lề luật, nếu không sẽ có nguy cơ phản lại lề luật”. Trong số các vị này, “có một số vị người châu Phi, nhưng cũng có cả các giám mục từ Đông Âu. Các vị này cho biết chính các ngài “đã chiến đấu chống lại cái xấu” trong thời chiến tranh lạnh, và không thấy tại sao ngày nay lại phải “thích nghi với thế gian”.
Sau phần làm việc theo nhóm ngôn ngữ về phần thứ nhất của Tài liệu làm việc, Thượng Hội đồng bắt đầu bàn đến các vấn đề nền tảng. Trong buổi họp báo, linh mục Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh và các quan sát viên khác có trách nhiệm tường trình, đã nhìn nhận là các trao đổi “đã đi vào phần cụ thể”.
Một nghị phụ kể lại câu chuyện của một người phụ nữ. Người này đã kết hôn về mặt dân sự, và xin được rửa tội sau khi khám phá đức tin khi đưa các con mình đi học giáo lý. Người chồng lại không muốn kết hôn về mặt đạo. Sự việc đặt ra cho vị mục tử này một vấn đề hóc búa: có thể ban bí tích cho người phụ nữ này không? Rửa tội cho bà, trong khi bà đã không kết hôn trước mặt Giáo hội? Và vị giám mục này nêu câu hỏi: “Bảy phép bí tích có đồng nhau không, hoặc các bí tích khai tâm không có tính cách nền tảng sao?”
Phân xử làm sao?
Một số phát biểu nhắc nhở là cần phải tránh việc “trình bày tính bất khả phân ly như một gánh nặng” mà phải xem đó “như một phương thế cứu rỗi”. Một vị khác đưa ra một cách ngôn của phương Đông: “Trước khi xét đoán ai, hãy mang dép của người ấy (hãy đặt mình vào địa vị người ấy)”. Một nghị phụ đi tới chỗ tự hỏi: các giám mục chúng ta, những người sống độc thân, đã chẳng đặt lên vai các cặp vợ chồng “một gánh nặng mà chính các ngài cũng không chắc là có thể gánh nổi” hay sao? Một vị khác nêu câu hỏi: “Ở vào địa vị chúng ta, Chúa Giêsu sẽ xử sự ra sao trước những người ly hôn, hay những người đang sống cuộc hôn nhân nhiều vợ/nhiều chồng, dù họ không muốn?”
Hôn nhân hỗn hợp
Các chủ đề được bàn đến trong phần thứ hai này khá nhiều: vai trò xã hội của gia đình, vai trò của lời cầu nguyện và bao quát hơn, của nền linh đạo gia đình, sự cần thiết phải chuẩn bị hôn nhân một cách kỹ lưỡng, tầm quan trọng của các hiệp hội và phong trào giáo dân trong mục vụ gia đình (việc đào tạo và nâng đỡ dành cho các gia đình) và cả những vấn đề về hôn nhân khác tôn giáo… Một đôi vợ chồng Ấn độ khác tôn giáo đã làm chứng về kinh nghiệm của họ: người vợ là người công giáo, chồng theo Ấn giáo. Người chồng đã xin rửa tội sau đó. Việc di dân, sự nghèo đói, và “cả những quan hệ hư hỏng” bên trong một số gia đình cũng nằm trong các mối bận tâm của các nghị phụ.
Ngày càng có nhiều phát biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính Giáo hội trong “cuộc khủng hoảng hôn nhân Kitô giáo”, một quan sát viên ghi nhận. Có một sự “thiếu sót” nào đó trong việc chuẩn bị các tín hữu trong 50 năm trở lại đây (một hình thức “lười biếng” hay “muốn tỏ ra mình có tính quần chúng trước mặt thiên hạ?” và không phải chỉ là “do thế lực bên ngoài”…
Vấn đề ly dị tái hôn
Ban thư ký Thượng Hội đồng nhận được rất nhiều yêu cầu phát biểu về phần thứ ba của Tài liệu làm việc, đây là phần cuối cùng và là phần nhạy cảm nhất, liên quan đặc biệt đến vấn đề ly dị và tái hôn, và việc đón nhận các người đồng tính. Đến độ, ngay sáng thứ Bảy, đã có tới 12 phát biểu về phần thứ ba và thay vì các nghị phụ được nghỉ chiều thứ Bảy, Ban thư ký đã quyết định Thượng Hội đồng tiếp tục làm việc. Một cách logic, các phát biểu đầu tiên đã đề cập đến việc rước lễ của các người ly dị tái hôn, một nữ quan sát viên ghi nhận. Theo quan sát viên này, “cả một chuỗi dài các lập trường” đã xuất hiện. “Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu của cuộc tranh luận”.
 
 
Mai Tâm
hdgmvietnam.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log